(Baothanhhoa.vn) - Việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp - làng nghề (CCN-LN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc có nhiều các KCN, CCN-LN mọc lên cũng đồng nghĩa với việc diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần khiến cho không ít nông dân vùng bị thu hồi đất thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giải quyết việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất: Hành trình còn lắm gian nan

Giải quyết việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất: Hành trình còn lắm gian nan

Tư vấn, giới thiệu việc làm là một trong những giải pháp tạo việc làm cho lao động vùng bị thu hồi đất.

Việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp - làng nghề (CCN-LN) trên địa bàn tỉnh thời gian qua, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn góp phần làm cho bộ mặt nông thôn nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, việc có nhiều các KCN, CCN-LN mọc lên cũng đồng nghĩa với việc diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần khiến cho không ít nông dân vùng bị thu hồi đất thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nông dân.

Từ câu chuyện hậu mất đất

Vào lúc đại vụ, một mớ rau rẻ nhất giá cũng phải 3.000 đồng. Số tiền ấy chỉ là tiền lẻ trong tổng số tiền nhiều người bỏ ra mua thức ăn hằng ngày, nhưng với bà Lê Thị T. (xã Hải Yến, Tĩnh Gia) 3.000 đồng không hề “lẻ” chút nào. Xách hai túi ni-lông, một bên là mớ rau, bên kia là mớ cá “láo nháo” – kết quả một buổi đi chợ - bà chậm rãi: Ngày trước, khi còn ở làng cũ có mấy khi bà phải mua rau. Vườn rộng, trồng đủ loại rau, ăn không hết còn hái cho hàng xóm. Từ khi bà cùng hàng trăm hộ dân di dời về khu tái định cư Nguyên Bình nhường đất cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, thì một mớ rau ăn hằng ngày cũng nằm trong sự tính toán, cân nhắc.

Chợ được lập ngay sát khu tái định cư. Quan sát một lượt, vẫn cảm giác thiếu thiếu điều gì. Ra là cái câu “trăm người bán, vạn người mua” có vẻ như không “áp” được cho cái chợ này. Hàng cũng đủ loại thịt, cá, rau, muối, mắm... duy có điều, người bán không nhiều mà người mua cũng thưa thớt. Phe phẩy tàu lá đuổi lũ ruồi phá phách, chị Lê Thị H. (xã Hải Yến) hờ hững chào khách mua hàng. Mất ruộng, theo chúng bạn, hàng xóm, chị cũng thành tiểu thương - một kiểu tiểu thương bất đắc dĩ. Có lẽ, những khi vắng khách (mà điều này là thường xuyên với cái chõng hàng bé tí của chị), chị H. hồi tưởng lại những ngày trước, ở làng cũ, khi phải lao động luôn tay nhưng chị có đồng ra, đồng vào. Còn bây giờ thu nhập của hai vợ chồng (chồng làm thợ xây) không đủ để nuôi 3 đứa con ăn học.

Việc người lao động thích nghi với cuộc sống mới đã khó, vấn đề tìm việc làm lại càng khó hơn. Ví như trường hợp của anh Lê Đức B., ở xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa). Khi bàn giao đất, anh cũng như các lao động khác tại địa phương được nghe chính quyền phổ biến doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho hộ gia đình có người trong độ tuổi lao động vào làm việc tại công ty, gia đình cũng mừng và yên tâm lắm, vì ngoài nghề nông, ở đây chưa có nghề gì. Nhưng trên thực tế, vợ chồng anh B. đã chạy đôn chạy đáo, cầm hồ sơ gõ cửa xin việc ở nhiều công ty nhưng đều không xin được việc làm. Theo anh B., lý do các doanh nghiệp không tiếp nhận vợ chồng anh vào làm tại các công ty chỉ vì cả hai đều quá độ tuổi tuyển dụng, nghĩa là đã trên 35 tuổi. Không xin được việc làm, 2 sào ruộng thì đã bàn giao hết cho dự án nên vợ chồng tôi quyết định phải bươn trải tìm nghề. Anh B. cho biết nghề phụ hồ của mình cộng thêm nghề thu mua ve chai của vợ, công việc tuy thất thường, thu nhập bấp bênh nhưng trong hoàn cảnh này cũng đỡ được phần nào trang trải sinh hoạt cho 2 vợ chồng và 2 con đang ăn học.

Câu chuyện hậu mất đất của người nông dân thật ra không có gì mới, đó vẫn chỉ là chuyện làm ăn, sinh sống. Duy có điều, làm gì để mang lại thu nhập lại đang khiến nhiều người lo lắng. “Có đất là no”, đó là suy nghĩ của chị H., anh B. Bởi, mất đất nông nghiệp là mất đi tư liệu sản xuất quan trọng nhất đối với người nông dân, cũng chính là mất nghề nghiệp, mất việc làm, mất đi nguồn thu nhập thường xuyên.

Đến vấn đề tạo việc làm

Những năm qua, tỉnh ta đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Các KCN, CCN-LN ngày càng phát triển và mở rộng; nhiều nhà đầu tư hàng dệt may, giày da sử dụng nhiều lao động tại chỗ và lao động có trình độ tay nghề đang làm ăn ở các tỉnh phía Nam, phía Bắc về địa phương làm việc góp phần tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Đi cùng với đó là việc phải thu hồi đất của các hộ gia đình để thực hiện các dự án. Vì vậy, một số lao động là con em các hộ bị thu hồi đất có nhu cầu giải quyết, hỗ trợ tạo việc làm. Giai đoạn 2015 – 2018, bình quân mỗi năm có khoảng 8.000 lao động trong độ tuổi thuộc các hộ bị thu hồi đất có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm. Tuy nhiên, thực tế để bứt người nông dân ra khỏi xóm làng và nếp sống cũ phải đi liền với nó là các chính sách an sinh xã hội, mà trước hết là tạo việc làm giúp họ ổn định cuộc sống. Thế nhưng, đây cũng chính là vấn đề đang làm đau đầu không chỉ chính quyền địa phương. Cho nên, vấn đề chuyển đổi nghề và phục hồi sinh kế cho người dân là rất nặng nề. Bởi lẽ, phần lớn số hộ và người dân chịu ảnh hưởng hầu như chỉ biết sản xuất nông, ngư nghiệp. Hơn nữa, với nhóm lao động có độ tuổi từ 35 tuổi trở lên, khi mà thói quen lao động cũ đã ăn sâu, cộng với trình độ học vấn, khả năng tiếp thu kiến thức mới rất hạn chế, thì vấn đề đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho đối tượng này sẽ không dễ.

Trước tình hình đó, những năm qua, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực tham mưu cho tỉnh và phối hợp với các đơn vị, địa phương có nhiều diện tích đất bị thu hồi như: TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn; thị xã Bỉm Sơn, các huyện: Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Thạch Thành, Thọ Xuân... thực hiện nhiều chính sách và có những giải pháp hỗ trợ kịp thời, như đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm. Trong đó tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động vào làm việc tại các KCN, CCN-LN, lao động làm việc ở lĩnh vực dịch vụ du lịch; đồng thời có chính sách vay vốn ưu đãi từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tạo việc làm tại chỗ và đi xuất khẩu lao động. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, hướng nghiệp và dạy nghề cho lao động ở độ tuổi từ 15 đến 30; đào tạo tại chỗ, chuyển đổi nghề cho lao động trên 35 tuổi đối với những công việc không đòi hỏi kỹ năng phức tạp... Kết quả, từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 147.743 lao động, trong đó có khoảng 20.000 lao động trong vùng bị thu hồi đất. Đồng thời tư vấn, hỗ trợ cho khoảng 180 lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Việc làm - Tiền lương – Bảo hiểm xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, vướng mắc nảy sinh từ thực tiễn. Cụ thể như, tư tưởng và nhận thức của một bộ phận người lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động tích cực trong việc học nghề, tìm kiếm cơ hội việc làm cho bản thân (nhiều lao động muốn làm việc trong các khu CCN, khách sạn, nhà hàng lớn nhưng chưa quan tâm đến việc học nghề, thiếu ý thức kỷ luật lao động... Đối với các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp chưa thực sự ưu tiên tuyển lao động tại địa phương; chưa có chính sách đào tạo lại lao động để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tác phong công nghiệp cho người lao động. Cùng với đó, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chưa ổn định, dẫn đến việc làm cho người lao động bấp bênh, thu nhập không ổn định. Còn đối với các cơ quan chức năng, một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; việc xác định nhu cầu và lựa chọn nghề đào tạo chưa sát với thực tiễn nên chưa mở được nhiều ngành nghề đào tạo để tạo việc làm mới cho người lao động tại địa phương...

Chất lượng nguồn lao động còn thấp vốn là vấn đề “cố hữu” của nông thôn hiện nay. Đó đang là rào cản chính khiến họ và nhà tuyển dụng không tìm được tiếng nói chung. Tháo nút thắt này chỉ có thể bằng con đường học tập, nâng cao trình độ, tay nghề, chuyên môn kỹ thuật. Song, việc đào tạo lại mới chú trọng đến số lượng mà “bỏ qua” chất lượng, trong khi các doanh nghiệp đang đòi hỏi ngày càng cao về năng lực thực sự của người lao động thay vì chỉ cần bằng cấp của họ. Cho nên, nếu việc đào tạo và tuyển dụng vẫn còn khoảng cách thì cái nghịch lý nêu ở trên sẽ chưa thể sớm được giải quyết. Bên cạnh đó, một điểm mấu chốt nữa nhằm giải quyết việc làm cho người dân vùng bị thu hồi đất một cách hiệu quả là nắm bắt, đánh giá được nguồn “cầu” từ doanh nghiệp và khả năng “cung” từ thị trường lao động để có chính sách đào tạo nghề phù hợp, thì các đơn vị có liên quan vẫn chưa thực hiện được...

Trần Hằng


Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]