(Baothanhhoa.vn) - Gia đình là một cộng đồng đặc biệt, nhờ bởi sự gắn kết của quan hệ huyết thống - sợi dây máu mủ tình thân, mà nhờ đó, con người được sinh ra và trưởng thành, được trao cho diện mạo, quyền và bổn phận làm người. Bởi vậy, hạnh phúc gia đình cần được vun đắp bằng giá trị khởi nguồn: Tình yêu thương!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gia đình phải là điểm tựa yêu thương

Gia đình là một cộng đồng đặc biệt, nhờ bởi sự gắn kết của quan hệ huyết thống - sợi dây máu mủ tình thân, mà nhờ đó, con người được sinh ra và trưởng thành, được trao cho diện mạo, quyền và bổn phận làm người. Bởi vậy, hạnh phúc gia đình cần được vun đắp bằng giá trị khởi nguồn: Tình yêu thương!

Gia đình phải là điểm tựa yêu thươngXây dựng gia đình hạnh phúc là trách nhiệm của mỗi thành viên. Trong ảnh: Hội thi câu lạc bộ gia đình hạnh phúc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Trong truyền thống văn hóa người Việt, chữ “tình” có một sức mạnh lớn lao. Người ta lấy tình yêu thương làm mực thước cho việc đối nhân xử thế trong gia đình và ngoài cộng đồng. Vậy nên mới có cái gọi là tình cha con, tình anh em, tình vợ chồng. Đến lượt nó, cái “tình” ấy lại trở thành cơ sở để nhân lên tình bạn bè, tình làng xóm, tình đồng bào, tình người. Cũng vì lẽ đó mà gia đình không chỉ là tế bào xã hội khi xét trên phương diện kinh tế, hay duy trì nòi giống; mà cộng đồng đặc biệt này còn là một nền tảng của đạo đức và văn hóa dân tộc. Và rồi, vun đắp cho hạnh phúc gia đình cũng giống như xây dựng ngôi nhà. Nhà muốn vững cần vật liệu tốt, còn tổ ấm muốn bền phải được xây từ những “viên gạch” của tình yêu thương, sự tôn trọng, chia sẻ, bình đẳng và trách nhiệm.

Về lý thuyết mà nói, hầu hết các gia đình trẻ ngày nay đều được xây dựng dựa trên nền tảng đầu tiên là tình yêu. Thế nhưng, tính bền vững của nó dường như lại “yếu” hơn so với kiểu đại gia đình truyền thống – vốn dĩ đang ngày càng bị thu hẹp và nhường chỗ cho kiểu gia đình hạt nhân 2 thế hệ. Ở đó, có một điều không thể phủ nhận là sự “bất lực” của không ít gia đình trong việc tạo dựng môi trường giáo dục đầu đời tối ưu dành cho con trẻ. Dù sống dưới một mái nhà nhưng các thành viên ngày càng ít giao tiếp, ít chia sẻ tâm tư, tình cảm, mà thu mình vào thế giới riêng của công việc, học hành, của các mối quan hệ, của mạng xã hội, internet... Và hệ quả tất yếu sinh ra mối quan hệ như vậy là sự thờ ơ, vô cảm, lạnh nhạt, thiếu trách nhiệm giữa cha mẹ với con cái và ngược lại. Thêm vào đó, số lượng các cặp đôi đưa nhau ra tòa hiện nay chiếm phần đa là các gia đình trẻ. Nguyên nhân được dùng để lý giải luôn là “không hợp”, hay đúng hơn là mỗi người không thể dung hòa được tình cảm và trách nhiệm.

Trên bình diện chung, khi xã hội ngày càng phát triển thì vai trò, địa vị của người phụ nữ càng được mở rộng và khẳng định cả về phạm vi và mức độ, từ gia đình đến xã hội. Tuy nhiên, sự đóng góp của phụ nữ trong việc xây dựng nên cái tế bào hạnh phúc gia đình và vào sự phát triển của xã hội, không phải ở đâu và lúc nào cũng được ghi nhận đầy đủ. Bởi, trong thực tế, sự phân biệt đối xử, đặc biệt là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái - hình thức đối xử cực đoan nhất - vẫn đang tồn tại. Thậm chí, ở nhiều nơi, nó trở thành một vấn đề xã hội gây nhức nhối, khiến cho nhiều nỗ lực thực hiện chính sách bình đẳng giới trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Đáng lên án hơn là tình trạng bạo lực đối với phụ nữ phần lớn xảy ra ngay trong gia đình, dưới mái nhà, nơi vẫn được gọi là tổ ấm và là nơi an toàn nhất đối với mỗi thành viên. Đồng thời, đối tượng thực hiện các hành vi bạo hành là người thân và thường là chồng, là cha của họ.

Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê, được tiến hành cách đây vài năm, cho thấy: Ở Việt Nam, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình, thì có 1 người từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục; 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền; 60% phụ nữ bị bạo lực không nắm được Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Đối với Thanh Hóa, mỗi năm cũng xảy ra cả nghìn vụ bạo hành gia đình, cả về thể chất lẫn tinh thần, với mức độ nghiêm trọng khác nhau và nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái. Đáng nói hơn, hoàn cảnh sống càng nghèo khổ, phụ nữ càng có ít cơ hội được chăm sóc sức khỏe, giáo dục, có việc làm, thu nhập ổn định và bảo đảm các nhu cầu khác. Do đó, họ càng có nhiều nguy cơ bị phân biệt đối xử, bị bạo hành và là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi xung đột xảy ra. Đặc biệt, bạo lực đang trở thành tác nhân chính phá vỡ các sợi dây liên kết gia đình. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh có khoảng 30.192/33.063 vụ ly hôn xuất phát từ nguyên nhân bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần và bạo lực về tình dục. Khi luật pháp vẫn đứng bên ngoài những ngôi nhà cửa đóng im ỉm vì bạo hành, thì ly hôn dù có thể là cuộc trốn chạy hay đào thoát tình thế, song với nhiều phụ nữ bị bạo hành, đó vẫn là giải pháp cuối cùng và khả thi nhất giúp họ thoát khỏi cuộc sống địa ngục.

Định kiến về giới khi quan niệm đàn ông là trụ cột gia đình nên có nhiều quyền hành; tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn tồn tại dẫn đến sự bất công trong đối xử giữa nam và nữ; những bất đồng trong quan điểm sống, công việc, nuôi dạy con cái; xung đột lợi ích kinh tế và khó dung hòa các mối quan hệ trong gia đình, ngoài xã hội... tất cả đang khiến cho cái nền của gia đình không thể vun đắp cho bền vững. Bởi vậy, thay vì trở thành mái ấm - điểm tựa yêu thương, thì không ít gia đình đang biến thành nhà trọ. Đáng báo động là tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên... có xu hướng ngày càng gia tăng, với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Người ta có thể đổ lỗi cho hệ thống giáo dục trong nhà trường khi quá đề cao dạy chữ mà xem nhẹ dạy người; hoặc lên án xã hội khi xuất hiện nhiều tệ nạn, văn hóa lai căng, lối sống thực dụng... Điều đó có thể đúng nhưng chưa đủ nếu không nhìn nhận một cách thấu đáo vai trò của môi trường giáo dục gia đình. Ở đó, trước hết cần nhấn mạnh đến vai trò, trách nhiệm của những bậc làm cha làm mẹ, khi bản thân chúng ta là người “đóng dấu lên tâm hồn trẻ niềm xác tín về cách hành xử và giải quyết vấn đề”.

Ví như cái cây nếu không có sự uốn nắn, tỉa tót sẽ phát triển theo bản năng. Đứa trẻ thiếu đi sự giáo dục trong gia đình hoặc chịu sự giáo dục lệch lạc thì hành trang trưởng thành của nó cũng đầy những khiếm khuyết. Tục ngữ có câu “Cha mẹ trông đi thì con dại, cha mẹ trông lại thì con khôn” để thấy rằng vai trò của những bậc làm cha, làm mẹ đối với tương lai con em họ là không thể thay thế. Không biết bao nhiêu diễn đàn mở ra và người ta đã nói nhiều đến sự mất cân bằng trong giáo dục hiện nay, khi nhà trường đang quá quan tâm đến việc dạy kiến thức mà buông lỏng, coi nhẹ việc giáo dục kỹ năng sống, bồi dưỡng đạo đức học sinh. Nhưng cũng nên nhìn lại vài ba thế hệ trước hay xa hơn là một vài thế kỷ trước, không phải ai cũng được đến trường. Cho nên, “tiên học lễ” trước hết xuất phát từ sự dạy dỗ, uốn nắn, khuyên bảo của các thế hệ đi trước trong gia đình. Và quan trọng hơn cả, sự giáo dục hoàn hảo của gia đình chính là gieo nên những hạt mầm yêu thương!

...

Ngăn chặn những tác nhân xấu từ bên ngoài, đồng thời, bảo vệ nền tảng đạo đức, văn hóa, lối sống tốt đẹp từ trong gia đình là vấn đề đang và luôn được đặt ra. Thực tế, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động, nhiều chương trình, đề án liên quan, nhằm hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước về công tác gia đình. Điển hình là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, gia đình chuẩn mực “No ấm, tiến bộ, hạnh phúc”; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến Chân – Thiện - Mỹ... Từ đó, truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa về hạnh phúc gia đình, như “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”; gia đình là nơi bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; xây dựng nhân cách người Việt Nam từ truyền thống tốt đẹp trong gia đình; gia đình là tế bào của xã hội - thành trì của Tổ quốc; xây dựng môi trường văn hóa gia đình - cộng đồng - xã hội lành mạnh... Những chuyển biến bước đầu đã có. Song, sẽ chẳng thể có kỳ tích nào xuất hiện, nếu mỗi cá nhân không tự vấn hay tự đặt bản thân vào các chuẩn mực để “uốn” mình, nhằm tránh bị lệch chuẩn. Đồng thời, xây dựng gia đình trở thành điểm tựa yêu thương cho chính mình và cho mỗi thành viên.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]