(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi gợi nhắc về những năm tháng gian khổ trong bom rơi, bão đạn mà biết bao con người đã phải hy sinh để có được cuộc sống ấm êm, yên bình như hôm nay, hẳn trong ai cũng có chút bồi hồi, nhất là những người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc gia đình để cống hiến cho Tổ quốc...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Gặp lại Trung đội nữ dân quân xã H

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi khi gợi nhắc về những năm tháng gian khổ trong bom rơi, bão đạn mà biết bao con người đã phải hy sinh để có được cuộc sống ấm êm, yên bình như hôm nay, hẳn trong ai cũng có chút bồi hồi, nhất là những người phụ nữ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và hạnh phúc gia đình để cống hiến cho Tổ quốc...

Gặp lại Trung đội nữ dân quân xã H

Bà Chuông (bên phải) không khỏi chạnh lòng khi ngẫm về cuộc đời của mình.

Nhớ về Trung đội nữ dân quân xã H năm ấy...

Chạng vạng một buổi chiều giữa tháng 3, theo chân đoàn thiện nguyện chúng tôi ghé thăm Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa). Đón chúng tôi là bà Hồ Thị Chuông - nguyên Trung đội trưởng Trung đội nữ dân quân xã Hoàng Hải.

Bà Chuông dẫn chúng tôi vào nhà, bên trong có gần đông đủ các thành viên trong đội nữ dân quân ngày nào. Ai nấy đều nở nụ cười thân thiện khi thấy chúng tôi và rồi trong căn nhà nhỏ, những câu chuyện được các bà lần lượt kể lại. Bà Chuông nói: “Quên sao được cái thời oanh liệt ấy hả cháu. Bởi thời ấy ai cũng nhiệt huyết sục sôi đánh giặc theo lời hiệu triệu của Đảng, của Bác Hồ”. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng giọng nói, gương mặt và nụ cười của các bà vẫn toát lên khí phách kiên cường, đầy nghị lực quyết chiến, quyết thắng. Bà Chuông kể tiếp: Ngày ấy, các bà đi lên đỉnh đồi 181 (thôn 4, xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa) nhìn sang đài quan sát Hàm Rồng. Cả đội nữ dân quân gồm 16 người, sinh hoạt, tập luyện trong hào, được cấp 18 kg lương thực (5 kg gạo, 13 kg khoai) ở trong đó suốt mấy tháng trời. Những ngày mưa, nước mưa dột khắp hào, các bà chỉ biết ôm nhau mà run. Vất vả là vậy, song các bà vẫn hăng say tập luyện ngày đêm, sử dụng thành thạo các loại vũ khí: Khẩu 12,7 ly, súng trường, trung liên, đại liên... để sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù.

Đôi mắt bà Chuông ánh lên niềm tự hào khi kể về những chiến công lừng lẫy bắn rơi máy bay của đội nữ dân quân Hoằng Hải. Ngày 11-11-1967, phát hiện một tốp máy bay địch xâm phạm vùng trời, bà Chuông vào vị trí chỉ huy. Cả trung đội nữ dân quân sẵn sàng chờ máy bay bổ nhào thả bom thì đồng loạt nổ súng. Ngay loạt đạn đầu, trung đội đã tiêu diệt được 1 chiếc A4 của Mỹ. Nghe tin Trung đội dân quân nữ Hoằng Hải bắn rơi máy bay Mỹ, ngày 13-11-1967, Bác Hồ đã viết thư khen ngợi và tặng Huy hiệu cho Trung đội nữ dân quân. Trong thư Bác viết: “Thân ái gửi các cháu dân quân xã H (bí danh của xã Hoằng Hải thời điểm đó) huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa! Ngày 11-11-1967, các cháu đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi một máy bay phản lực Mỹ, cùng với thành tích to lớn chống Mỹ cứu nước của phụ nữ cả nước, chiến công của các cháu làm rạng rỡ thêm truyền thống phụ nữ Việt Nam dũng cảm, đảm đang. Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu và tặng mỗi cháu 1 Huy hiệu, các cháu cũng luôn cố gắng học tập, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi cùng bà con địa phương và quân dân cả nước giành nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa”. Thư khen của Bác càng củng cố niềm tin và tiếp thêm quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải. Tiếp nối chiến công, ngày 16-11-1967, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải phối hợp với Trung đội nữ dân quân Hoằng Trường bắn rơi tốp 2 máy bay AD6. Được tin, Bác Hồ lại gửi thư khen ngợi và tặng Huy hiệu của Người, trong thư Bác viết: “Bác nghe tin các nữ dân quân xã H, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa bắn rơi 1 tốp máy bay, Bác rất vui lòng, Bác chúc các cháu sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi góp phần chung với cả nước”.

Hào hùng là vậy, oanh liệt là vậy, thế nhưng khi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về với cuộc sống thời bình, họ lại gặp không ít khó khăn. Sau năm 1968, Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải người thì đi bộ đội, người thì về đoàn tụ với gia đình, tham gia sản xuất. Riêng bà Chuông, khi đó nhiều tuổi nhất đội, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc đã lên đường vào mặt trận chiến đấu. Năm 1971, bà xuất ngũ về làm đội trưởng sản xuất, thủ kho kiêm kiểm viên HTX. Nói đến đây chúng tôi tò mò hỏi sao bà không lập gia đình. “Vì chiến tranh cháu ạ!”. Rồi bà Nguyễn Thị Thanh, 72 tuổi, Chính trị viên của Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải năm xưa, nhanh nhảu đọc ba câu thơ: “Chiến tranh kéo dài/ Thanh niên đi nhiều/ Chúng tôi ế chồng”. Câu nói vui của bà Thanh phần nào khỏa lấp nỗi buồn man mác từ sâu thẳm trong đôi mắt bà Chuông. “Bây giờ còn 13 chị em, đã 70, 80 tuổi cả rồi, chúng tôi đùm bọc nhau, lập quỹ hàng tháng để thăm hỏi, động viên nhau lúc ốm đau, khi có công việc” - bà Chuông nói.

Chia tay các bà, các mẹ, trong tôi vẫn ám ảnh câu nói của bà Chuông: Chỉ sợ mỗi đêm khi chìm sâu vào giấc ngủ, mình sẽ ngủ mãi... Chúng tôi hiểu mong muốn của các bà, các mẹ là được cấp ủy, chính quyền và cộng đồng xã hội quan tâm nhiều hơn để các bà, các mẹ được sống vui, sống khỏe suốt phần đời còn lại. Hy vọng, ngày trở lại chúng tôi sẽ được nhìn thấy các bà, các mẹ mỉm cười mãn nguyện...

Với những thành tích đạt được, Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động hạng Ba, Bằng khen của Chính phủ, Cờ quyết thắng của Bộ Tư lệnh Quân khu Ba... Ghi nhận chiến công của Trung đội nữ dân quân Hoằng Hải, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công ngày 28-11-1967. Và ngày 26-4-2018, Trung đội nữ dân quân xã Hoằng Hải đã vinh dự được Chủ tịch nước ký Quyết định số 623/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Bài và ảnh: Trường Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]