(Baothanhhoa.vn) - Nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà nhất là cát và đá của xứ Thanh thuộc hàng giàu có bậc nhất trong các địa phương trên dải đất hình chữ “S”. Việc khai thác quá mức, công nghệ lạc hậu dẫn đến lãng phí tài nguyên, dấy lên lo ngại thiếu tài nguyên cho phát triển trong tương lai…

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Gánh nặng” tài nguyên - Bài 2: Khai thác tài nguyên – Xin nghĩ đến đời sau !

Nguồn tài nguyên thiên nhiên, mà nhất là cát và đá của xứ Thanh thuộc hàng giàu có bậc nhất trong các địa phương trên dải đất hình chữ “S”. Việc khai thác quá mức, công nghệ lạc hậu dẫn đến lãng phí tài nguyên, dấy lên lo ngại thiếu tài nguyên cho phát triển trong tương lai…

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 2: Khai thác tài nguyên – Xin nghĩ đến đời sau !

Công nghệ khai thác đá khá lạc hậu tại xã Vĩnh Minh (Vĩnh Lộc).

Khai thác quá mức, thiếu khoa học

Kết quả rà soát từ Sở Xây dựng Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh hiện có 127 mỏ cát, sỏi làm vật liệu xây dựng với tổng trữ lượng hơn 40,7 triệu m3. Trong đó, có 106 mỏ thuộc phạm vi các hệ thống sông, suối, bãi bồi; 17 mỏ thuộc các khu vực lòng hồ thủy lợi, thủy điện; 4 mỏ thuộc khu vực khai thông đường thủy nội địa. Cùng với đó, theo tính toán, trữ lượng cát bồi lắng trên các dòng sông, suối đến năm 2030 đạt khoảng 21,6 triệu m3. Với trữ lượng cát, sỏi làm vật liệu xây dựng to lớn này, nếu được quy hoạch, phân bổ khoa học, hợp lý, sẽ bảo đảm cho xây dựng, kiến thiết xã hội của tỉnh nhiều đời sau.

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 2: Khai thác tài nguyên – Xin nghĩ đến đời sau !

Tàu cát thi nhau "rút ruột" lòng sông Chu.

Tuy nhiên, với tốc độ và cung cách khai thác chưa khoa học như lâu nay, nguồn lực phát triển này khó có thể bảo đảm cho phát triển bền vững. Gần chục năm qua, đã có 33 mỏ cát trên các dòng sông với tổng trữ lượng khoảng 7,85 triệu m3 lần lượt được cấp phép. Đến thời điểm hiện tại, các chủ mỏ này đã khai thác 3,12 triệu m3, nhiều mỏ đã hết cát, số còn lại chưa chắc đã đủ cho khai thác trong 10 năm tới. Đó là chưa tính, một số lượng cát không nhỏ bị khai thác trái phép, khai thác ngoài mỏ quy hoạch chưa được thống kê, gây lãng phí tài nguyên, thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước.

Theo tính toán, tổng nhu cầu cát, sỏi làm vật liệu xây dựng của Thanh Hóa giai đoạn 2018 – 2030 vào khoảng 51,38 triệu m3. Trong đó, giai đoạn 2018 – 2025 cần 26,19 triệu m3, giai đoạn 2026 – 2030 cần 25,04 triệu m3. Với trữ lượng 4,73 triệu m3 còn lại của 33 mỏ đã được cấp phép, chắc chắn Thanh Hóa cần cấp phép thêm hàng chục mỏ cát nữa để đáp ứng nhu cầu phát triển. Nếu không có sự quản lý chặt chẽ, sẽ kéo theo hàng chục tuyến đê nghìn tỷ và hệ thống giao thông hư hại do hút và vận chuyển cát bừa bãi, không tuân thủ các quy định. Đó là chưa kể, nhiều diện tích đất sản xuất ven sông sẽ không còn bởi nạn khai thác cát trái phép.

Tương tự, với tài nguyên đá, khó thống kê chi tiết số lượng mỏ cũng như trữ lượng đá làm vật liệu xây dựng bởi Thanh Hóa có hệ thống núi đá phân bổ dày đặc khắp tỉnh, nhất là các huyện vùng núi và trung du. Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 mỏ đá được cấp phép khai thác. Những năm trước, do công tác quản lý còn nhiều tồn tại nên xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người bởi cách khai thác lạc hậu, từ dưới chân núi lên trên. Mặt khác, việc khai thác chủ yếu do nổ mìn nên gây lãng phí tài nguyên. Các cơ sở, doanh nghiệp được giao mỏ, có khi khai thác 10, nhưng kê khai chỉ 4 – 5 nên thất thu ngân sách.

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 2: Khai thác tài nguyên – Xin nghĩ đến đời sau !

Lãng phí đá do công nghệ khai thác bằng nổ mìn ở nhiều nơi vẫn tồn tại.

Để diễn ra tình trạng tài nguyên “chảy máu” cũng cho thấy sự bất lực của các cấp chính quyền địa phương. Chỉ có kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động khai thác, các ngành liên quan cùng phối hợp xử phạt nghiêm minh những sai phạm thì mới đưa việc khai thác tài nguyên vào quy củ.

Làm gì để siết chặt?

Nhu cầu xây dựng của xã hội ngày càng lớn, trong đó có những công trình hạ tầng phục vụ nhu cầu phát triển chung. Nguồn cát, sỏi chính là vật liệu khó có thể thay thế, do đó cần phải phân phối trong khai thác nhằm để dành cho hậu thế. Ở nhiều nước, họ đã tính trước điều này bằng cách đi mua tài nguyên về cất trữ. Hàng chục năm qua, những mỏ Crom ở xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, nhiều loại quặng khác như Silic của chính Thanh Hóa đã được phía Trung Quốc mua về dự trữ. Từ nhiều thập kỷ qua, Hoa Kỳ thực hiện chính sách đóng cửa không khai thác các mỏ tài nguyên phong phú ở khu vực miền Tây của mình nhằm “để dành” cho tương lai. Những tài nguyên phục vụ cho sản xuất của Hoa Kỳ thời gian qua chủ yếu được nhập khẩu nhằm “tranh thủ” tài nguyên của thế giới. Các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore còn mua cát biển của Việt Nam về đổ dọc ven biển để mở rộng lãnh thổ…

“Xứ người” họ biết tính toán để sử dụng tài nguyên bền vững, còn “xứ ta” sao nỡ khai thác kiểu tận thu, kiểu “ăn xổi” ? Ai cũng biết tài nguyên không phải là vô hạn, cần có sự phân bổ cho tương lai kẻo “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Khai thác quá mức tài nguyên cũng chính là … chặn đường phát triển của hậu thế. Những điều này, ai cũng nhận ra, nhưng vì lòng tham, vì sự thiếu trách nhiệm của một nhóm người mà gây nên những hệ lụy. Ở đâu đó, còn có sự “nhắm mắt làm lơ” của lực lượng liên quan để những xe ô tô chở cát, đá quá tải rầm rập lưu thông. Có những địa phương, việc khai thác tài nguyên trái phép diễn ra rầm rộ nhưng chính quyền lại… không hay biết. Những nghi ngờ về việc chung chi lợi ích, bắt tay rút ruột tài nguyên quốc gia của người dân là có cơ sở.

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 2: Khai thác tài nguyên – Xin nghĩ đến đời sau !

Hoạt động khai thác cát gần đây được siết chặt quản lý.

Rất may, khoảng hơn 1 năm qua, việc khai thác cát và đá trên địa bàn tỉnh đang dần vào quy củ. Gần đây, Cục thuế Thanh Hóa đã thí điểm lắp đặt camera theo dõi ở các mỏ cát, đá trên địa bàn 3 huyện: Thọ Xuân, Yên Định và Thiệu Hóa để siết chặt quản lý khai thác, kê khai sản lượng. Qua giám sát, sản lượng khai thác của các chủ mỏ bỗng tăng vọt so với những gì họ khai báo trước đây. Theo đó, nguồn thu thuế 8 tháng theo dõi tăng lên hàng trăm triệu đồng so với cùng kỳ trước đó. Nguồn tài nguyên cũng được kiểm soát tương đối chặt chẽ, các chủ mỏ khó có thể khai giảm để trốn thuế như trước kia.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thừa nhận, những giai đoạn trước, nhất là từ năm 2010 đến 2013, tình hình khai thác cát, sỏi, đá và các loại quặng khá nhộn nhạo, phức tạp. Sau kỳ họp HĐND tỉnh hồi tháng 12 – 2017, được sự chỉ đạo của cấp tỉnh, Sở đã vào cuộc quyết liệt nên tình hình dần đi vào ổn định. Gần đây, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức làm việc với Thường trực huyện ủy các huyện: Tĩnh Gia, Vĩnh Lộc, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Yên Định và TP Sầm Sơn, bàn với các huyện đưa ra giải pháp ngăn chặn khai thác và tập kết cát trái phép. Việc tham mưu cấp phép thăm dò khai thác mỏ được siết chặt. Năm 2018, Sở cùng với các ngành, địa phương chỉ tham mưu cho UBND tỉnh xem xét cấp một số mỏ cát nhỏ lẻ ở các huyện miền núi để phục vụ xây dựng các dự án Chương trình Xây dựng Nông thôn mới.

Công tác quy hoạch, việc siết chặt cấp phép cũng như quản lý khai thác tài nguyên bước đầu đã có dấu hiệu đáng mừng. Băn khoăn còn lại là công tác quản lý của các địa phương có mỏ và những ngành liên quan đến việc kiểm soát tài nguyên… thể hiện trách nhiệm đến đâu mà thôi !

Nhóm PV


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]