(Baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, có đầy đủ các vùng địa lý: miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển. Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, xứ Thanh có nhiều dòng sông lớn nhỏ chằng chịt, ôm chứa lượng cát xây dựng khổng lồ. Tuy nhiên, nạn cát tặc, cát lậu lộng hành đã để lại nhiều hệ lụy…

Tin liên quan

Đọc nhiều

"Gánh nặng” tài nguyên - Bài 1: Đất lở… đời người

Thanh Hóa được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, có đầy đủ các vùng địa lý: miền núi, trung du, đồng bằng, ven biển. Với diện tích tự nhiên lớn thứ 5 cả nước, xứ Thanh có nhiều dòng sông lớn nhỏ chằng chịt, ôm chứa lượng cát xây dựng khổng lồ. Tuy nhiên, nạn cát tặc, cát lậu lộng hành đã để lại nhiều hệ lụy…

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 1: Đất lở… đời người

Đất canh tác ven bờ tả sông Chu qua địa bàn nhiều xã của huyện Thiệu Hóa bị sạt lở nghiêm trọng.

Nối tiếc, xót xa ... Đó là tâm trạng và thái độ của nhiều người dân các vùng triền sông bị mất đất sản xuất từng trao đổi với chúng tôi. Hàng chục năm nay, những phận người gắn bó với nghề trồng trọt, bất lực nhìn những “bờ xôi ruộng mật” đổ sụp xuống sông, mà nguyên nhân chủ yếu là do “sa tặc”.

Xót xa người cày mất ruộng

Trọn đời người gắn bó với bãi dâu, ruộng ngô, bà Tống Thị Thanh, 71 tuổi, ở thôn Nguyên Tiến, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) chứng kiến những mất mát lớn của diện tích đất nông nghiệp quê nhà.

Chỉ tay ra giữa dòng nước sông Chu hiền hòa, bà Thanh nói: “Khi tôi lớn lên, mép nước sông phải cách mép nước ngày nay mấy trăm mét. Trước đây bãi bồi vùng này chuyên canh dâu tằm, diện tích gần như ổn định. Song, khoảng 10 năm gần đây, nạn hút cát ngày đêm nhộn nhịp khiến hàng trăm sào đất sản xuất của nhân dân trong thôn đổ sụp xuống sông. Chỉ 5 năm gần đây, năm nào cũng có nhiều ruộng ngô bị lở, có hàng chục gia đình trong thôn mất từ 1 đến 4 – 5 sào đất”.

Đi dọc gần 4km bờ tả sông Chu qua xã Thiệu Nguyên, chúng tôi ghi nhận hàng chục điểm sạt lớn nhỏ đang “liếm” dần những bãi ngô và cây màu. Những diện tích đất sản xuất của bà con đang ít dần bởi ngững cung sạt cao ngang tầng 1 của ngôi nhà, sâu hoắm và chạy dài cả trăm mét. Nông dân Nguyễn Thị Hằng, ở thôn Nguyên Sơn cùng xã, xót xa bày tỏ: “Gia đình tôi có 1 sào đất ở bãi bồi gần sông, nhưng hơn 5 năm qua, nay diện tích chỉ còn hơn một nửa. Do là xã ven sông, nên bãi bồi này chính là ruộng cơ bản của đa phần các gia đình trong xã. Có gia đình trong thôn còn mất đến 2 sào đất, dẫn đến thiếu việc làm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế gia đình”. Khi chúng tôi trò chuyện cùng những người nông dân nơi đây, những tàu cát trên sông vẫn nổ máy phành phạnh inh tai, hút và vận chuyển cát qua lại nhộn nhịp.

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 1: Đất lở… đời người

Hằng ngày, người dân xã Thiệu Nguyên (Thiệu Hóa) vẫn phải bất lực chứng kiến cảnh tàu thuyền hút và vận chuyển cát nhộn nhịp qua lại.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Thiệu Nguyên, cho biết: Trong 10 năm qua, xã mất khoảng 5 ha đất nông nghiệp do sạt lở (tương đương 100 sào Trung bộ). Diện tích đất sản xuất bị sạt lở tập trung nhiều ở các thôn: Nguyên Thắng, Nguyên Lý, Nguyên Sơn, Nguyên Tiến… Chỉ hơn 1 năm trước đây, tình hình khai thác cát ở địa phương rất phức tạp. Tàu cát không đăng ký, đăng kiểm, không số đi qua, thấy vắng người là cắm vòi hút vào chân các bãi bồi – nơi có nhiều cát.

Phía bên kia bờ sông, xã Thiệu Đô cùng huyện cũng chịu sự mất mát lớn về đất bãi. Trên triền sông, ngôi lều của nhân dân thôn 5 trong xã dựng lên để cắt cử người canh tàu cát tặc ban đêm dẫn đến vụ xô xát hồi tháng 8 – 2017 vẫn còn hiện hữu. Cả dải đất chạy dài ven sông vẫn còn nguyên màu mới bởi những vết sạt. Những gốc ngô xanh non mơn mởn, mới trồng hơn 1 tháng đã đổ ngả bởi ½ đất tại gốc không còn. Trong câu chuyện với phóng viên, bà Hoàng Thị Ninh ở thôn 5, bức xúc: “10 năm nay, cát tặc đã “cướp” của gia đình tôi 4 sào đất. Riêng 2 năm gần đây đã mất 2 sào – các anh xem còn làm ăn được gì nữa”. Theo nhiều người dân địa phương, sau vụ người dân ném “bom xăng” vào thuyền cát tặc hồi năm ngoái dẫn đến vụ xô xát, chính quyền các cấp vào cuộc nên tàu cát hoạt động ít đi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng các đối tượng vẫn lén lút hút vào ban đêm nên nguy cơ mất thêm bãi đất vẫn luôn tiềm ẩn.

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 1: Đất lở… đời người

Đất sản xuất xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) vẫn đang sạt lở nghiêm trọng.

Dọc triền sông Mã qua các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định, Cẩm Thủy, Hoằng Hóa…, hàng chục xã trên địa bàn tỉnh cũng gặp hiện tượng sạt lở đất sản xuất tương tự. Nhiều tuyến đê trăm tỷ, những tuyến đường xuống cấp do ô tô tải chở cát… Một khi, nạn cát tặc còn, nỗi lo vẫn tiếp tục thường trực.

Nhiều hệ lụy…

Cuối năm 2017, những điểm sạt lớn trên đê hữu sông Mã tại xã Cẩm Vân (huyện Cẩm Thủy) hay đê tả sông Chu qua xã Thọ Trường (huyện Thọ Xuân) đều nằm ngay sát các mỏ cát được quy hoạch. Tại xã Hoằng Khánh (huyện Hoằng Hóa), chúng tôi chứng kiến người thuyền chài cắm cây sào dài hơn 5m sát phía bờ sông Mã mà vẫn chưa chạm đến đáy sông. Những “điểm nóng” của tình trạng khai thác cát bằng các phương tiện không đăng ký, đăng kiểm tập trung trên sông Chu, sông Mã, sông Lèn, sông Bưởi... Mặc dù đã được quy hoạch nhiều mỏ cát, song hoạt động khai thác vẫn lén lút ra phía ngoài vùng được khai thác, thậm chí hoành hành trên khắp các đoạn sông. Việc hút cát quá gần đê, cắm vòi vào chân các bãi bồi trong thời gian dài đã gây ra nhiều hệ lụy, trong khi người dân cùng chính quyền nhiều địa phương tỏ ra bất lực.

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 1: Đất lở… đời người

Tàu cát không số trên sông Mã đoạn qua xã Hoằng Khánh, huyện Hoằng Hóa.

Theo rà soát từ Sở Tài nguyên và Môi Trường Thanh Hóa và các địa phương có sông, trên địa bàn tỉnh hiện có 190 tàu thuyền tham gia khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát. Tuy nhiên, mới có 39 phương tiện đã được đăng ký, đăng kiểm theo quy định, chỉ chiếm 20,5%. Số phương tiện còn lại không hề được đánh số nên khó khăn trong kiểm soát. Ông Phạm Văn Hoành, Trưởng Phòng Tài Nguyên Khoáng sản thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho hay: Nguyên nhân chính của khai thác cát trái phép thời gian dài chính là nhiều tàu thuyền chưa được đăng ký, đăng kiểm. Các phương tiện thường khai thác ở các địa bàn giáp ranh giữa hai huyện, khi bị lực lượng chức năng phát hiện là chạy sang phía bên kia. Do không có số hiệu nên không thể biết chủ tàu ở đâu. Bên cạnh đó, phương tiện để áp chế, lai dắt tàu cát không có hoặc không bảo đảm yêu cầu nên các lực lượng liên quan khó xử phạt được. Trong Văn bản số 3932/STNMT-TNKS (ngày 2 - 7 – 2018) được Sở Tài nguyên và Môi trường gửi HĐND tỉnh về kết quả kiển tra sau chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh, còn đề cập một sự thật: “Khai thác cát trái phép trên sông phần nhiều có sự tham gia của đối tượng “xã hội đen” nhưng không được chấp pháp xử lý. Đây là nguyên nhân chính của việc xảy ra khai thác cát trái phép kéo dài”.

 Gánh nặng” tài nguyên - Bài 1: Đất lở… đời người

Một bãi tập kết cát tồn tại nhiều năm trên hành lang thoát lũ của sông Mã thuộc địa bàn TP Sầm Sơn

Không chỉ nhức nhối chuyện khai thác cát trên các dòng sông, thời gian qua, tại Thanh Hóa còn có hiện tượng khai thác cát biển để xuất bán trái phép đi nước ngoài. Sau nhiều tháng dòng dã khai thác cát biển ở khu vực cách bờ một vài km, thuộc vùng biển giáp ranh giới giữa huyện Hoằng Hóa và TP Sầm Sơn, việc khai thác này đã được báo chí phát hiện và phản ánh. Khi vấn đề được đưa ra tại kỳ họp HĐND tỉnh, vấn đề mới được giải quyết. “Đây là trường hợp lợi dụng việc nạo vét tuyến đường thủy nội địa từ phía Nam cầu Hàm Rồng 200 m đến phao số 0 trên sông Mã và vùng cửa sông để lấy cát biển, gây bức xúc cho nhân dân trong khu vực. Sau khi phát hiện, chúng tôi đã báo cáo Bộ Giao thông – Vận tải cho dừng dự án này” – ông Hoành cho hay.

Việc khai thác cát không phải là xấu – nếu được thực hiện đúng các quy định, khai thác đúng vùng quy hoạch đã được cấp mỏ, đúng trữ lượng. Trên thực tế, đây là nguồn vật liệu xây dựng cần thiết cho sự phát triển của xã hội. Việc để các đối tượng khai thác cát trái phép, không đúng quy hoạch lộng hành trong thời gian dài đã dấy lên nhiều nghi ngờ trong quần chúng nhân dân. Nhiều cấp chính quyền, cảnh sát đường sông, các lực lượng liên quan… sao vẫn chưa thể chặn đứng được “độiquân” chuyên đi vi phạm pháp luật này ?

Nhóm PV


Nhóm PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]