(Baothanhhoa.vn) - Chúng ta biết rằng i-ốt là vi chất rất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hooc-môn điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, lông - tóc - móng, đồng thời duy trì năng lượng hoạt động của cơ thể.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Duy trì sử dụng muối i-ốt và các sản phẩm có i-ốt thường xuyên

Chúng ta biết rằng i-ốt là vi chất rất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hooc-môn điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinh dục và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa, lông - tóc - móng, đồng thời duy trì năng lượng hoạt động của cơ thể.

Bình thường, cơ thể chúng ta tự tổng hợp i-ốt qua thức ăn, tuy nhiên nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng nghèo i-ốt, bởi ảnh hưởng từ môi trường sống, lượng i-ốt tự nhiên có trên bề mặt trái đất bị trôi rửa do mưa lũ, xói mòn dẫn đến lương thực thực phẩm giảm hàm lượng i-ốt tự có. Vì vậy nguồn i-ốt cần thiết cho cơ thể qua đường ăn uống bị thiếu hụt.

Khi cơ thể thiếu i-ốt sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi thiếu i-ốt do nhu cầu tăng cao. Thiếu i-ốt ở thai phụ dễ xảy ra sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, nếu thiếu i-ốt nặng trong giai đoạn mang thai trẻ sinh ra sẽ bị đần độn, câm, điếc và các dị tật bẩm sinh khác. Thiếu i-ốt ở trẻ em sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, điếc hoặc nghễnh ngãng... Ngoài ra thiếu i-ốt còn gây ra bệnh bướu cổ, thiểu năng tuyến giáp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và hoạt động của cơ thể, giảm khả năng lao động, nhẹ hơn thì gây mệt mỏi...

Thiếu i-ốt ở nước ta là một vấn đề của sức khỏe cộng đồng, theo điều tra của chương trình phòng chống các rối loạn thiếu i-ốt quốc gia đầu những năm 1990, tại Việt Nam có tới 94% dân số sống trong vùng có nguy cơ thiếu i-ốt.

Kể từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị 481-TTg/1994 của Thủ tướng Chính phủ về “Vận động toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt” trên phạm vi toàn quốc nhằm mục tiêu loại trừ các rối loạn do thiếu i-ốt, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống nhân dân. Ngành y tế nói chung, chương trình phòng chống bướu cổ tỉnh ta nói riêng đã triển khai thực hiện và đã đạt được những thành quả quan trọng, các rối loạn do thiếu iốt được cải thiện cơ bản.

Trước năm 1995, tại Thanh Hóa tình trạng thiếu i-ốt ở trẻ em thuộc mức cao, theo kết quả điều tra của Trung tâm Phòng chống các rối loạn i ốt Thanh Hóa thời kỳ này bệnh bướu cổ ở trẻ em do thiếu i-ốt: bình quân khu vực đồng bằng 12,25%, khu vực miền núi 22,8%, có nhiều nơi tỷ lệ này rất cao. Kết quả điều tra còn cho thấy mức iốt có trong nước tiểu là rất thấp (dưới 5 mi-crô-gam/dề-xi-lít), trong khi yêu cầu bình quân phải trên 10 mg/dl... Điều này phản ánh thực trạng ở tất cả các vùng miền trong tỉnh đều sống trong môi trường thiếu i-ốt, mức độ thiếu i-ốt là nghiêm trọng, cần được bổ sung i-ốt kịp thời.

Thực hiện Chỉ thị 481-TTg/1994 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh ta đã tổ chức triển khai phủ muối i-ốt đồng loạt trên phạm vi toàn tỉnh. Các cấp các ngành và nhân dân hưởng ứng tham gia tích cực. Qua công tác truyền thông mọi người đã hiểu biết sâu sắc về nguy cơ có hại do thiếu i-ốt đối với sức khỏe, trí tuệ, giống nòi...Từ đó mọi người, mọi nhà đã tự nguyện mua và sử dụng muối i-ốt. Ở những khu vực miền núi khó khăn muối i-ốt còn được cấp không thu tiền hoặc có trợ giá trợ cước vận chuyển... từ đó độ phủ muối i-ốt trên địa bàn tỉnh ta luôn luôn đạt mức cao. Việc sử dụng muối i-ốt trong bữa ăn hàng ngày của các hộ gia đình đã có hiệu quả, các chỉ tiêu phản ánh mức độ tác động của i-ốt đối với cơ thể con người trong cộng đồng dân cư đã có những cải thiện quan trọng, tỷ lệ bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt ở lứa tuổi học sinh tiểu học giảm đáng kể, mức i-ốt có trong nước tiểu được nâng lên đến ngưỡng cần thiết.

Ngày nay muối i-ốt đã trở thành một mặt hàng thiết yếu không thể thiếu được đối với nhu cầu ăn uống của nhân dân trong bữa ăn hàng ngày. Muối i-ốt từ khâu sản xuất lưu thông đến tiêu dùng vẫn được các cơ quan chức năng trong ngành y tế theo dõi giám sát chặt chẽ, đảm bảo khi muối i-ốt đến tay người tiêu dùng phát huy được hiệu quả phòng bệnh. Muối i-ốt phải được xem như là một loại thuốc phòng chữa bệnh. Hiện nay ngoài muối i-ốt các sản phẩm chứa i-ốt như nước mắm i-ốt, bánh quy, sữa... có thành phần i-ốt được người dân sử dụng, đã và đang trở thành thói quen hằng ngày.

Vấn đề hiện nay, nhằm duy trì bền vững được kết quả trên chúng ta cần hiểu sâu sắc rằng: Cũng giống như vi chất sắt và vitaminA, i-ốt là một vi chất cần thiết đối với cơ thể con người, hằng ngày con người cần được bổ sung một lượng i-ốt nhất định, biện pháp đơn giản và hữu hiệu nhất là sử dụng muối và các sản phẩm có chứa i-ốt. Để thực hiện được vấn đề này ngoài nhiệm vụ khuyến cáo, tuyên truyền từ các cơ quan chức năng, mọi gia đình, mọi người đặc biệt là người nội trợ, hãy thực sự quan tâm đến việc bổ sung i-ốt qua thực phẩm, thức ăn hằng ngày cho các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai. Có như vậy chúng ta sẽ góp phần chăm sóc, nâng cao, bảo vệ sức khỏe bảo vệ giống nòi một cách bền vững.


Tri Thức (Trung tâm Truyền thông GDSK tỉnh)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]