(Baothanhhoa.vn) - Cay đắng và tủi nhục, những tháng ngày trầy trật nơi đất khách quê người là mảng tối trong cuộc đời mà những nạn nhân của nạn buôn người luôn muốn chôn chặt nhất. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, chúng tôi mới được một số nạn nhân trở về từ “động quỷ” mở lòng chia sẻ về câu chuyện của cuộc đời mình như một lời cảnh tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đường về muôn nẻo của những nạn nhân buôn bán người

Cay đắng và tủi nhục, những tháng ngày trầy trật nơi đất khách quê người là mảng tối trong cuộc đời mà những nạn nhân của nạn buôn người luôn muốn chôn chặt nhất. Phải mất nhiều thời gian thuyết phục, chúng tôi mới được một số nạn nhân trở về từ “động quỷ” mở lòng chia sẻ về câu chuyện của cuộc đời mình như một lời cảnh tỉnh.

Đường về muôn nẻo của những nạn nhân buôn bán người

Mẹ chị Tuyết vẫn giữ bức ảnh đầu tiên con gái gửi về từ Trung Quốc.

Hạnh phúc hiếm hoi

Gặp chị Hoàng Thị T., sinh năm 1982, ở xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) trong căn nhà 2 tầng, khang trang với đầy đủ tiện nghi, chúng tôi không hề nghĩ rằng người phụ nữ này từng là nạn nhân của những kẻ buôn bán người. Chị xinh đẹp, năng động, có cuộc sống ổn định không thua kém bất cứ ai.

Chị kể, chị là con thứ trong gia đình có 5 chị em. Gia cảnh nghèo khó, thương cha mẹ già và các em nên chị đã sớm lăn lộn mưu sinh những mong cuộc sống gia đình vơi bớt phần vất vả. Vào năm 1996, khi vừa học xong lớp 7, chị được một số người bạn trong xóm rủ ra Hà Nội làm thuê ở quán phở. Sợ bị cấm cản, chị lẳng lặng đi mà không báo với gia đình. Khi ra đến Hà Nội, nhóm của chị gặp một người phụ nữ. Bà ta hứa sẽ đưa cả nhóm đến làm ở xưởng bánh kẹo với thu nhập 200 ngàn đồng/tháng. Tuy nhiên, cả nhóm đã bị lừa bán sang Trung Quốc mà không hề hay biết. Họ nói là cứ đi theo họ để họ lo công ăn việc làm cho. Chưa đầy 15 tuổi, lần đầu tiên xa nhà, lại là người thật thà, chân chất, chị cứ đi theo vậy thôi mà không có một phản ứng nào.

Sau 1 ngày, 1 đêm di chuyển qua nhiều chặng đường để đến một vùng núi chìm trong tuyết trắng lạnh buốt, chị T. nhận được câu nói từ phụ nữ xa lạ: “Mày bị bán rồi, ở đây lấy chồng chứ không được về, không chịu thì bị dắt lên núi giết chết”. Như cá đã vào rọ, chị T. buộc lòng phải chấp nhận làm vợ cho một người đàn ông mà theo chị là “nhìn cứ thế nào”.

Chị chấp nhận số phận hẩm hiu rồi tìm cách viết thư, liên lạc với gia đình nhưng hoàn toàn vô vọng. Là vợ nhưng chị không khác gì người giúp việc trong gia đình. Đôi lúc ngồi ngẫm lại cuộc đời đã qua, nghĩ bụng, ngày xưa ở quê hương, chị cũng phải nếm trải cái nghèo, đói nhưng đến tận cùng nỗi khổ thì chưa đâu bằng cuộc sống chị đang nếm trải. Chị chẳng có lấy một ngày sung sướng, bình yên. Cuộc sống càng bế tắc hơn khi trong những giờ lao động đầm đìa mồ hôi, chị hướng tâm về quê hương xa lắc mà hình dung ra từng gương mặt người thân không biết có ngày nào gặp lại. Chị khóc ròng, những giọt nước mắt đã khô cạn với thời gian trên cơ thể gầy gò.

Chị tìm mọi cách để được trở về quê hương, có cơ hội đi ra đường là chị tìm những mối liên lạc có thể có, tìm người Việt Nam để có thể biết tiếng và cầu mong họ giúp chị tìm đường về nhà. Như là một đặc ân của số phận, cuối cùng, sau 11 năm, nhờ sự quen biết với một người phụ nữ Trung Quốc tốt bụng, chị T. đã liên lạc được với gia đình và trở về Việt Nam an toàn. Thế nhưng, chị không ngờ rằng việc mình bị lừa bán sang Trung Quốc đã lan truyền khắp cả xã, nhiều câu chuyện được thêu dệt lên, biến chị từ nạn nhân trở thành người xấu. “Cả một thời gian sau đó tôi liên tục bị gọi hỏi, một số người cho rằng tôi hư hỏng này nọ. Thậm chí việc này kéo dài tới mấy năm sau, dù tôi đi đâu cũng bắt gặp một số ánh mắt không thiện cảm” - chị T. cười khổ.

Trốn tránh những lời đàm tiếu không hay, chị ra Hà Nội sống cùng chị gái suốt một thời gian dài. Năm 2016, chị đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Ma-Cao. 6 năm nơi đất khách quê người, chị đã nghĩ cuộc đời sẽ mãi lênh đênh như thế cho đến khi chị gặp anh - người đàn ông chấp nhận quá khứ và quyết định tiến tới hôn nhân với chị.

Anh Tốt, chồng chị, cũng từng dang dở một lần đò, thông qua mai mối hai người mới gặp mặt nhau. Dù không có ngoại hình ưa nhìn, nhưng tính tình hiền lành chân thật của anh đã khiến chị rung động. Đầu năm 2019, một đám cưới “đặc biệt” diễn ra trong sự chúc phúc của bà con lối xóm. Trìu mến nắm tay vợ, anh Tốt bẽn lẽn cười khi nghe người dẫn chương trình đám cưới hỏi vì sao lại chọn chị. “Tôi chỉ biết là tôi yêu và muốn suốt đời chăm sóc, bảo vệ cho cô ấy thôi. Vợ tôi trước khi cưới cũng hỏi tôi câu này nhiều lắm. Trước khi cưới, cô ấy nhắc đi nhắc lại chuyện quá khứ thế này thế kia. Nhưng tôi chả quan tâm, cô ấy tổn thương thì đã có tôi bảo vệ, vợ chồng tôi đang chờ đón một đứa con chung ra đời” - anh Tốt nói.

Lựa chọn trở lại xứ người

Cũng là nạn nhân của nạn buôn người, chị Tăng Thị N., sinh năm 1981, ở xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) trông già dặn hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Những vết chân chim trên khóe mắt u buồn càng toát lên vẻ khắc khổ của người phụ nữ sớm trải qua không ít sóng gió của cuộc đời.

Trong nước mắt tủi nhục vì cuộc đời cơ cực và khổ sở của một người vợ, người mẹ lỡ dở, trở về khi mọi thứ đã quá muộn, không thể làm lại từ đầu trên mảnh đất quê hương, chị N. kể, vào năm 2008, một người phụ nữ cùng địa phương rủ chị ra Hà Nội làm việc với mức lương tháng khá cao. Trước chiếc “bánh vẽ” về tương lai đẹp đẽ, trong lúc không có việc làm, chị N. gật đầu đồng ý. Chuyến xe từ tờ mờ sớm đưa những người phụ nữ chân ướt chân ráo lần đầu tiên rời xa nhà, đi lòng vòng qua nhiều tuyến đường rồi qua một con sông ở tỉnh Lào Cai. Khi trước mắt là những bảng hiệu chữ Trung Quốc, chị N. mới vỡ lẽ bản thân bị rơi vào tay bọn buôn người. Chúng đã bán chị cho người chồng hơn 2 tuổi, làm nghề phụ hồ trên một vùng núi hẻo lánh, nghèo nàn mà cho đến giờ chị vẫn không thể nhớ rõ tên.

Anh ta đi suốt ngày, kiếm được tiền thì lo bài bạc, gái gú, say xỉn. Hiện tại, chị có 4 đứa con, 2 gái, 2 trai. Con đầu đã vào đại học và con út đang học những năm cuối cấp 3. Vừa nói chuyện, chị N. vừa lấy vạt áo lau nước mắt trên gò má gầy gò, sạm đen. Chị cho biết, hằng ngày chị ở ngoài vườn hái chè, cuốc khoai để lo cho cuộc sống, nếu chị có ca thán thì sẽ phải chịu những trận đòn dã man từ người chồng không hôn thú.

Gần 20 năm lăn lộn xứ người, đầu năm 2019, nhờ sự giúp đỡ của một người phụ nữ cùng quê, chị N. đã liên lạc được với gia đình, người thân. Và sau nhiều ngày thuyết phục gia đình nhà chồng, chị N. đã được trở về quê hương để đoàn tụ với người thân. Các con khi biết mẹ tìm được quê hương và đi theo người quen trở về, chúng sợ mẹ sẽ không quay lại nữa nên đã khóc rất nhiều. Chị hứa với chúng chỉ trở về thăm quê hương một thời gian ngắn rồi lại sang Trung Quốc. Bởi, theo chị, dù cuộc sống khốn khó, bế tắc nhưng vẫn là cuộc sống của chị, vì các con chị cần chị. Chị vẫn là mẹ của 4 đứa con thơ dại đang tuổi ăn, tuổi lớn. Dù chồng có đối xử tệ với chị nhưng chị vẫn còn các con.

Câu chuyện những người phụ nữ trở về và tìm được nhà như là một đặc ân của số phận. Bởi, những người lưu lạc nửa đời lỡ dở như chị N., chị T. không phải ai cũng tìm về được với quê hương. Họ hàng chị N., dù giàu nghèo thế nào cũng chia sẻ với chị từ việc mua sắm cho chị đồng quà tấm bánh, manh áo, đồng vốn để chị quay lại Trung Quốc có cái để lưu giữ kỷ niệm, cũng như để cuộc sống bớt khổ đau.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]