(Baothanhhoa.vn) - – Trận lũ quét lịch sử xảy ra vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2017 tại bản Qua, xã Quang Chiểu (Mường Lát) đã để lại hậu quả nặng nề, làm 31/53 hộ gia đình mất nhà cửa, 4,5/11,3 ha lúa không thể khắc phục, người dân phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”. Hơn 3 tháng qua, cùng với sự nỗ lực của người dân vùng lũ và những chính sách hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương, cuộc sống người dân nơi đây đang dần “hồi sinh”. Những mái nhà mới được dựng lên giữa ngổn ngang gạch ngói, bùn đất; mầm xanh đã bắt đầu nhú trên những luống ngô, ruộng đậu tương dọc sườn đồi...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đứng dậy sau lũ dữ

– Trận lũ quét lịch sử xảy ra vào cuối tháng 8, đầu tháng 9-2017 tại bản Qua, xã Quang Chiểu (Mường Lát) đã để lại hậu quả nặng nề, làm 31/53 hộ gia đình mất nhà cửa, 4,5/11,3 ha lúa không thể khắc phục, người dân phải sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất”. Hơn 3 tháng qua, cùng với sự nỗ lực của người dân vùng lũ và những chính sách hỗ trợ thiết thực từ chính quyền địa phương, cuộc sống người dân nơi đây đang dần “hồi sinh”. Những mái nhà mới được dựng lên giữa ngổn ngang gạch ngói, bùn đất; mầm xanh đã bắt đầu nhú trên những luống ngô, ruộng đậu tương dọc sườn đồi...

Diện tích đất nông nghiệp bị thiệt hại do mưa, lũ ở bản Qua cơ bản đã được khắc phục.

Lũ quét đi qua, bộn bề ở lại

Là một bản nhỏ bé, yên bình, nép bên sườn núi, với những vạt lúa, nương ngô... nhưng cuộc sống của người dân bản Qua bỗng chốc bị đảo lộn hoàn toàn.

Cơn lũ đến, cuốn theo căn nhà của chị Vi Thị Trang. Nay, chị và các con phải dựng lều tạm để ở trong khi chờ cất lại căn nhà mới. Tay bế đứa con nhỏ, chốc chốc chị ngước đôi mắt mệt mỏi nhìn lên, kể lại ngày kinh hoàng. Chiều ngày 30-8, mưa trắng trời, nước lũ từ đỉnh núi ầm ầm trút xuống, đổ ụp lên những mái nhà nằm nép dưới chân núi. Chị cùng các con bỏ nhà cửa, kéo nhau, cứ thế chạy miết. Theo lời chị Trang, hàng chục năm qua, người dân bản Qua phải đối mặt với nhiều cơn lũ nhưng chưa từng gặp cơn lũ nào khủng khiếp như vậy. Trời mới chỉ mưa một ngày, một đêm mà đã khiến những tảng đá to như căn nhà trôi thẳng từ trên đỉnh núi xuống, vùi lấp cả một ngôi làng hơn 50 nóc nhà.

Ngồi trong căn lều trống không, vẫn còn vương nước mưa và bùn đất, ông Hà Văn Khìn, kể: Căn nhà của gia đình ông cùng với 32 căn nhà khác bị sập trong trận lũ quét và sạt lở đất. Gia đình ông mới chỉ thoát nghèo được vài năm nay, nhưng giờ thì bao nhiêu vốn liếng dành dụm đều mất hết, cái nghèo lại tiếp tục đeo bám. “Hôm đó, bỗng nhiên mọi thứ tràn đến, chúng tôi chỉ kịp hô hoán nhau chạy ra khỏi nhà mà chẳng kịp lấy được tài sản gì ra hết. Cả gia đình có vài sào ruộng, vài bao gạo, mấy con lợn... cũng bị đất đá vùi lấp. Đó cũng là tài sản định bán để lấy tiền mua quần áo mới cho mấy đứa nhỏ vào năm học mới. Giờ thì ngôi nhà cũng mất, khoản vay nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết”, ông Khìn buồn bã nói.

Cùng chung hoàn cảnh như gia đình ông Khìn, hơn 3 tháng nay, gia đình anh Lương Văn Dựng vẫn phải ở trong căn lều dựng tạm bằng vài miếng phên nứa. Anh Dựng nói: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và các nhà hảo tâm nên gia đình tôi đã có gạo ăn. Bây giờ chỉ mong muốn chính quyền sớm hoàn thành khu tái định cư để chúng tôi dựng lại cái nhà sàn, như thế cuộc sống mới ổn định”.

Mưa lũ đi qua để lại cho người dân và chính quyền địa phương bộn bề nỗi lo. Nguy cơ tái nghèo và thiếu đói giáp hạt là rất cao, bởi hầu hết các hộ gia đình đều mất hết tài sản. Ông Lương Văn Làn, Bí thư Đảng ủy xã Quang Chiểu, chia sẻ: “Rồi đây số hộ nghèo của xã Quang Chiểu chắc hẳn không dừng lại ở con số 417 hộ nghèo, 195 hộ cận nghèo nữa. Bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của chính quyền và bà con nhân dân xã Quang Chiểu đều bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ”.

Nỗ lực tái thiết cuộc sống

Khi lũ vừa đi qua, 33 hộ dân phải sống tạm trong những căn lều dựng ven đường, chờ chuyển đến khu tái định cư. Vì thế, cùng với việc ổn định đời sống nhân dân, xã Quang Chiểu đã triển khai họp dân, lấy ý kiến nhân dân về công tác tái định cư. Xã đã trình UBND huyện phê duyệt phương án di dời các hộ bản Qua lên khu đất mới khai hoang và đang được san lấp mặt bằng. Mỗi gia đình được bố trí diện tích 150 m2. Sắp tới, hạ tầng khu tái định cư mới hoàn thành, người dân sẽ yên tâm chuyển đến nơi ở mới, không còn phải sống trong cảnh tạm bợ và không còn lo sợ bị ảnh hưởng bởi lũ quét.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại khu đất tái định cư cho bà con bản Qua đang được gấp rút thi công và hoàn tất. Về phương án tái định cư, hầu hết bà con trong bản đều thống nhất và rất vui mừng. “Về đây, bà con được chính quyền địa phương cấp đất, cấp nhà, hỗ trợ giống cây trồng để ổn định cuộc sống. Người dân trong bản mong muốn Nhà nước tiếp tục hỗ trợ, tư vấn về các loại cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao để bà con ổn định cuộc sống lâu dài”, Trưởng bản Qua Vi Văn Thiến chia sẻ.

Trao đổi về kế hoạch tái định cư, ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Việc xây dựng nhà ở tái định cư và ổn định đời sống nhân dân là hết sức cần thiết và cấp bách. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh cho mỗi hộ bị mất nhà 75 triệu đồng, huyện bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 5,4 triệu đồng/hộ, đồng thời vận động các hộ tự chủ động tìm quỹ đất đề xuất với xã, ưu tiên phương án bố trí tái định cư tại chỗ, xen ghép giữa các hộ. Còn tại các bản bị thiệt hại nặng về nhà ở, huyện chỉ đạo các xã rà soát quỹ đất, quy hoạch và xây dựng khu tái định cư, phấn đấu đến trước Tết Nguyên đán sẽ hoàn thành việc xây nhà tái định cư cho người dân.

Cùng với việc hỗ trợ nhân dân ổn định nơi ăn ở, xã Quang Chiểu cũng có nhiều giải pháp giúp nhân dân nhanh chóng khôi phục sản xuất. Trong tổng số gần 100 ha đất bị ngập lụt, đã có một số ít diện tích được bà con khôi phục lại, còn phần lớn diện tích không thể khôi phục bà con đã tích cực cải tạo để chuẩn bị sản xuất vụ xuân tới. Những diện tích cây màu vụ đông được khôi phục sau lũ đều sinh trưởng và phát triển tốt nên bà con nông dân đã bắt đầu thu hoạch, chuẩn bị các điều kiện để sản xuất vụ xuân. Trưởng bản Vi Văn Thiến cho biết: “Để bà con có đất sản xuất trong vụ mùa năm nay và những năm tiếp theo, cán bộ bản đã tổ chức họp, vận động nhân dân tập trung giúp đỡ nhau khắc phục những diện tích đất sản xuất bị thiệt hại nhẹ. Tuy nhiên, có nhiều diện tích bà con không thể khôi phục được rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để bà con sớm có đất sản xuất, ổn định cuộc sống”.

Sau trận lũ, con người, tài sản bị nhấn chìm nhưng không thể dìm mất hy vọng của bà con, trong những ngày gian khổ nhất, chúng tôi thấy ấm lòng bởi những hình ảnh “nhường cơm sẻ áo”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no của người dân”. Hơn hết, phía tỉnh, huyện, cơ quan phụ trách xã, hội chữ thập đỏ các cấp, các ngành đã cùng chung tay hỗ trợ vật chất, tinh thần, chia sẻ khó khăn mất mát với đồng bào vùng lũ. Đến giờ phút này, xã Quang Chiểu đã tiếp nhận 100 đoàn thiện nguyện, các nhà hảo tâm đến thăm hỏi, tặng quà cho bà con nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa, lũ, với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng cùng nhiều nhu yếu phẩm khác. Những món quà dù ít hay nhiều đều thật đáng quý. Đặc biệt, đông đảo lực lượng thanh niên, bộ đội, dân quân tự vệ, công an dành thời gian bám bản, cùng góp sức cứu trợ, dựng lại nhà tạm, dọn dẹp vệ sinh giúp đỡ nhân dân sớm ổn định cuộc sống, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.


Tăng Thúy - Tiến Đông

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]