(Baothanhhoa.vn) - Những ngày cuối tháng Chạp, trong khi người người lo dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh rượu thịt, đồ mới cho con cái, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thì cũng là lúc hàng trăm ngư dân của xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) hồ hởi giong thuyền ra khơi, mang theo gà, lợn, dưa hành.... cùng nhau đón Tết trên biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đón tết trên biển

Những ngày cuối tháng Chạp, trong khi người người lo dọn dẹp nhà cửa, sắm sanh rượu thịt, đồ mới cho con cái, trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, thì cũng là lúc hàng trăm ngư dân của xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) hồ hởi giong thuyền ra khơi, mang theo gà, lợn, dưa hành.... cùng nhau đón Tết trên biển.

Đón tết trên biển

Bến thuyền xã Ngư Lộc nhộn nhịp cảnh mua bán trong những ngày cuối năm.

Đón “lộc” biển đầu năm

Ăn tết trên biển không còn xa lạ với ngư dân miền Trung nói chung và ngư dân tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Đặc biệt với ngư dân xã Ngư Lộc, chuyến ra khơi vào cuối năm âm lịch (khoảng 18, 19 tháng chạp), đánh bắt trong 3 ngày tết, cập bờ vào đầu tháng giêng mang ý nghĩa rất quan trọng. Nếu chuyến biển này cập bờ với cá đầy khoang, ấy sẽ là điềm báo cả năm thuận buồm xuôi gió, tàu cá sẽ ăn nên làm ra. Vì vậy, trước khi ra khơi, hầu hết các chủ tàu đều làm mâm cơm cúng biển rất thịnh soạn. Bởi, họ tin rằng với lòng thành, biển sẽ mang đến may mắn và cho ngư dân được mùa đánh bắt ngoài khơi. Ngư dân Đinh Văn Sỹ, 34 tuổi, chủ tàu cá TH 90097 TS, cho biết: “Chuyến này, tàu sẽ đi khoảng 20 ngày ra ngư trường Vịnh Bắc bộ, khoảng mùng 10 tháng sau sẽ quay về bờ. Cầu mong mọi sự thuận lợi, các anh em có cái “lộc” để về ăn tết muộn với gia đình”.

Theo nhiều ngư dân, sở dĩ họ vươn khơi xuyên tết vì đây là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết trên biển nên việc khai thác hiệu quả hơn những chuyến đi khác trong năm. Hơn nữa, tàu về dịp năm mới, các loại thủy, hải sản tươi hơn nên thương lái rất thích mua, bán được giá. Đặc biệt, vì đi biển những ngày cận Tết nên các chủ tàu thường cho thuyền viên ứng tiền trước để người thân của họ ở nhà có tiền mua sắm tết. Mỗi chuyến đi biển tết như thế, thu nhập của một ngư dân dao động từ 10-15 triệu đồng. Nếu gặp được luồng cá, mực có thể thu về 20 triệu đồng...

Chị Nguyễn Thị Mão - vợ anh Sỹ, vừa đi chợ về đã vội tới bến neo đậu thuyền, mang theo rất nhiều nhu yếu phẩm lên tàu. Chị chia sẻ: “Năm nay ngoài bánh, kẹo, nhang và ít giấy vàng mã để cho chồng cúng giao thừa trên biển, tôi còn chuẩn bị rất nhiều thịt, bánh chưng, dưa hành, trái cây, bia... tươm tất cho anh em ăn tết”.

Chị Mão cũng không quên dặn dò chồng các thủ tục, đồ lễ để cúng biển, cúng vọng ông bà, tổ tiên từ ngoài khơi... Dường như đã quá quen với những lời dặn của vợ, anh Sỹ chỉ cười rồi xách ba lô lên thuyền. Thoáng chút buồn, chị Mão bộc bạch: “Ba bữa tết, trong khi các gia đình khác tề tựu đầy đủ các thành viên, vui vầy bên mâm cơm với những lời chúc tụng ấm áp thì gia đình chúng tôi lại vắng bóng chồng, cha. Dù trong nhà không thiếu thịt gà, bánh chưng... nhưng không khí ăn tết cũng chẳng thể an vui khi chồng mình đang lênh đênh giữa biển khơi. Nhưng nghĩ lại, tôi ở nhà nhớ 1 thì anh ấy lênh đênh trên biển cũng nhớ 10, biết vậy nên vợ chồng cứ động viên nhau vượt qua khó khăn để có cuộc sống tươi sáng hơn”.

Hơn 10 năm ăn tết xa gia đình, anh Sỹ luôn có những người bạn biển bên cạnh. Họ chính là những người thân trong gia đình, cùng ăn sóng nằm gió, kề vai sát cánh trên mỗi chuyến vươn khơi xa. Anh Sỹ cho biết: “Trung bình mỗi năm anh đi 10 chuyến biển, mỗi chuyến kéo dài từ 15-20 ngày, do vậy thời gian anh sống trên tàu, gắn bó với biển nhiều hơn trên đất liền. Giờ đây, đối với anh, bạn biển chính là người thân, tàu là nhà, ngư trường là quê hương”.

Tương tự, hơn 30 năm gắn bó với biển, ông Nguyễn Văn Khanh, 50 tuổi, cũng đã nhiều lần đi biển xuyên tết. Ông tâm sự: “Nếu trời yên biển lặng thì mấy ngày tết cũng kiếm khá lắm, hơn ngày thường như là cái “lộc” đối với những người làm nghề biển. Không chỉ đánh bắt được tôm, cá, mà chúng tôi thấy mình như cột mốc giữa biển đảo quê hương lúc trời đất chuyển giao là điều tự hào của tất cả ngư dân chúng tôi”.

Với mỗi ngư dân xứ Thanh, từ bao đời nay, biển cả như “ruộng”, như “vườn”. Chính vì vậy, thời gian gần đây, ngày càng có nhiều hộ gia đình hoặc nhóm hộ ngư dân đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, lắp đặt trang thiết bị ngư cụ đi biển hiện đại để có thể đi biển dài ngày. Ông Nguyễn Văn Sáu, 52 tuổi, chia sẻ: “Mặc dù những năm gần đây “lộc biển” không được nhiều do ngư trường ngày càng cạn kiệt, khó kiếm người đi biển vì giáp tết, nhưng nhờ tiền hỗ trợ của Nhà nước nên từ giữa tháng chạp đến nay, ngày nào cũng có vài chiếc tiếp tục vươn khơi”.

Giao thừa trên biển

Theo các ngư dân, việc ăn tết trên biển khiến mọi khoảng cách về địa lý của ngư dân cả nước được rút ngắn lại, Bắc – Nam anh em sum họp một nhà. Trên biển chẳng cần biết tàu của địa phương nào, cứ thấy cờ Tổ quốc Việt Nam tung bay phấp phới là cảm thấy hạnh phúc bởi ở đó có những người bạn biển, cùng làm ăn sinh sống trên ngư trường truyền thống của ông cha. Bắt đầu từ chiều 30 tết, những tàu cá đánh bắt cùng ngư trường đã liên lạc với nhau qua bộ đàm. Họ hẹn gặp nhau ở tọa độ nhất định, thả neo cho tàu đậu cạnh nhau. Thuyền viên trên các tàu sẽ tập trung bánh mứt, rượu thịt về 1 chiếc tàu lớn nhất để cùng nhau đón mừng năm mới. Tối giao thừa, họ nối Icom nghe Chủ tịch nước chúc tết. Thông qua hệ thống máy thông tin trên tàu, lần lượt các thuyền viên gọi về đất liền chúc tết gia đình, người thân và cả những đồng nghiệp cũng đang đón giao thừa trên biển. Những lời chúc ý nghĩa ấy như tiếp thêm động lực cho bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Đối với những chiếc tàu không kịp chạy đến chỗ tập trung thì anh em thuyền viên trên tàu tự tổ chức tiệc đón giao thừa. Vào đêm 30, các ngư dân làm đến khoảng 10h rồi nghỉ để làm mâm cơm cúng tất niên. Thời khắc giao thừa, mọi nghi thức cúng tế thần biển được thực hiện đầy đủ như trên đất liền. Những con cá, con mực câu được đầu tiên trong năm mới được ngư dân trân trọng dâng lên để cảm tạ thần biển, cầu may mắn, trời yên biển lặng cho một năm đánh bắt mới bội thu. Sau khi cúng giao thừa, nếu có sóng điện thoại thì mọi người thay phiên nhau gọi về nhà chúc tết gia đình và vợ con, còn không sẽ gọi các tàu bạn khác qua bộ đàm hát hò và chúc nhau năm mới làm ăn phát đạt, cầu mong mưa thuận, gió hòa. Sau đó, các bạn thuyền cùng ngồi lại bên nhau ôn lại chuyện đón tết năm trước ở biển thế nào, kể nhau nghe chuyện vợ con gia đình, rồi uống đôi chén rượu và tưởng tượng pháo hoa đang nổ trên biển. “Thời khắc giao thừa buồn, nhớ nhà, nhớ vợ con vô cùng, nhưng đã là “nghiệp” thì chúng tôi chấp nhận. Bởi, chúng tôi quan niệm biển là nhà, mà đã là nhà thì ăn tết ở đâu cũng vậy. Có biển là có cuộc sống ấm no, nhà cửa khang trang và con cái được học hành đến nơi đến chốn. Dù gặp nhiều khó khăn thậm chí là tính mạng, chúng tôi cũng không bỏ được biển”, ông Sáu chia sẻ.

Sau cuộc vui đêm giao thừa, họ lại tỏa ra đi tìm luồng cá để tiếp tục công việc đánh bắt. Nếu tàu nào trong ngày đầu năm mới mà “trúng” luồng cá lớn là kể như ngư dân đi trên tàu ấy trúng “lộc biển”, điềm báo vui cho cả năm.

Được biết, hằng năm lãnh đạo tỉnh đều phát biểu qua truyền hình để chúc tết ngư dân đang hành nghề trên biển với lời chúc sức khỏe và xin chia sẻ những khó khăn, gian lao vất vả của bà con trong những ngày này.

Thêm một mùa biển mới đến với ngư dân xứ Thanh. Họ tin tưởng rằng với chính sách phát triển thủy sản được Nhà nước ban hành sẽ giúp ngư dân tiếp tục vượt qua khó khăn, gặt hái được nhiều “lộc biển” trong năm mới, đồng thời cùng với các lực lượng chức năng giữ bình yên vùng biển đảo, chủ quyền của Tổ quốc.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]