(Baothanhhoa.vn) - Giữa không gian mênh mông của vụng Nghi Sơn (Tĩnh Gia) ngày hôm ấy, ánh mắt tôi chùng xuống khi bắt gặp hình ảnh những người đàn bà với gương mặt hằn rõ dấu vết của nhọc nhằn, lam lũ đang cặm cụi mưu sinh trên bãi cát dài hoang hoải. Có người tôi chưa kịp hỏi tên, có người đến giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức tôi vài mảnh thông tin rời rạc. Duy chỉ có bức tranh biển trời quê hương được dệt nên từ những cái bóng đổ dài trên cát của họ mãi ghi dấu vào lòng tôi nỗi niềm đau đáu khôn nguôi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đời cát

Đời cát

Bà Nguyễn Thị Thắng tuy đã gần 70 tuổi vẫn cặm cụi ngồi cào ngao, hến trên bãi cát ven vụng Nghi Sơn.

Giữa không gian mênh mông của vụng Nghi Sơn (Tĩnh Gia) ngày hôm ấy, ánh mắt tôi chùng xuống khi bắt gặp hình ảnh những người đàn bà với gương mặt hằn rõ dấu vết của nhọc nhằn, lam lũ đang cặm cụi mưu sinh trên bãi cát dài hoang hoải. Có người tôi chưa kịp hỏi tên, có người đến giờ chỉ còn đọng lại trong ký ức tôi vài mảnh thông tin rời rạc. Duy chỉ có bức tranh biển trời quê hương được dệt nên từ những cái bóng đổ dài trên cát của họ mãi ghi dấu vào lòng tôi nỗi niềm đau đáu khôn nguôi.

Vụng Nghi Sơn – một chiều oi nồng! Ngay cả cái không gian xanh mướt mát, tứ bề đều quay mặt về phía biển của vụng đảo cũng không đủ sức làm dịu đi cảm giác nóng nực, bức bối do thời tiết mang lại. Chốc chốc, từ biển thổi vào cơn gió mang theo hơi nóng phả ùa lên gương mặt. Nhưng dường như tất cả những bóng dáng đang miệt mài, chăm chỉ neo mình trên nền cát ẩm dọc bãi biển này chẳng mấy bận tâm về điều đó. Bởi lẽ, đối với họ, biển vốn đã gắn bó như máu thịt, hơi thở đời thường. Cùng với sự chảy trôi của thời gian, bãi cát này đã nuôi lớn biết bao thế hệ người dân nơi đây, cho dù lợi lộc mà nó mang lại đôi khi chẳng thấm vào đâu so với công sức, thời gian mà họ đã phải bỏ ra.

Ví như công việc cào ngao, cào dắt mà bà Nguyễn Thị Thắng (thôn Cao Bắc, xã Hải Thượng) cần mẫn làm suốt từ ngày này qua tháng nọ. Dẫu chừng năm nay cũng đã ngót nghét 70 tuổi nhưng bà Thắng vẫn gò người ngồi xổm hàng giờ trên bãi cát chỉ để kiếm cho được chút lộc biển, dù chỉ nhỏ nhoi như dăm ba con ngao, dắt... Thấy chúng tôi ngỏ lời hỏi về gia cảnh, bà Thắng thoáng nhìn xa xăm rồi nhoài người về phía trước tìm vị trí mới tiếp tục công việc. Bà thủ thỉ: “Trước đây, khi chồng tôi còn sống, ông ấy theo bạn thuyền đi biển, tôi ở nhà làm muối. Đời diêm dân tuy cũng vất vả, cực nhọc trăm bề nhưng đó là nghề truyền thống cha ông để lại. Sau này, sức khỏe ngày một yếu hơn, không kham nổi công việc nữa nên đành nghỉ. Nhưng ngồi không lại thấy buồn chân buồn tay nên tôi ra biển mót vài con ngao, con dắt”. Cứ đều đặn như thế, một ngày cào ngao của bà Thắng thường bắt đầu từ 6 giờ sáng đến 12 giờ trưa và từ 2 giờ chiều đến 6 giờ tối. Quãng đường từ nhà đến bãi cát cào ngao khoảng hơn 1 giờ đi bộ, bà Thắng đã cào ngao ở vụng biển Nghi Sơn này áng chừng 5-6 năm nay. Một thân một mình cùng bộ đồ nghề không thể đơn giản hơn - 1 cái thìa nhôm thường dùng để ăn cơm và 1 cái rổ nhựa con con dành để đựng “chiến lợi phẩm”, bà Thắng rong ruổi khắp vụng. Bà bảo: “Cái nghề này tính tiền gì đâu, vừa bèo bọt lại còn phụ thuộc thời tiết, chạy theo con nước. Trời yên bể lặng còn được chứ hễ sóng to gió lớn, con nước lên thì đành chịu”. Theo đó, vào những ngày nước ròng, sóng chỉ lăn tăn vỗ vào bờ, bà Thắng dùng thìa nhôm khẽ lật lên lớp cát mỏng để lộ những con ngao, con hến đang vùi mình ẩn náu. Nếu may mắn, thuận lợi, bà Thắng cũng có thể “lận lưng” khoảng chừng 50 – 70 nghìn đồng/ngày. Rủi hôm nào “vô duyên”, ngồi suốt cả ngày dài mà góp nhóp được 20 – 30 nghìn đồng. Nhiều hôm ngồi xổm lâu, tay chân ngâm nước cả buổi, tối về đặt lưng xuống giường, cả người đau nhừ như có ai đánh. Nói là đi làm cho khỏi “buồn tay buồn chân” nhưng bao lần con cháu khuyên bà ở nhà nghỉ ngơi, thôi đừng cào ngao nữa thì bà một mực không chịu, vẫn giấu con giấu cháu mà đi. Bà có cái lý của riêng mình: “Tôi vẫn chưa đến nỗi già yếu lắm, vẫn còn có thể nhúc nhắc đi làm, kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải cuộc sống hằng ngày. Chứ con cái nó cho nhưng mình thương con nào có nỡ cầm tiền của chúng nó. Rồi chúng nó cũng phải lo vun vén cho gia đình chứ sung sướng gì đâu”.

Trời càng về chiều, người đổ ra bãi cát ven vụng biển Nghi Sơn này càng thêm đông. Thuyền bè đi đánh lưới, kéo rồng cũng vừa kịp quay về sau một ngày bươn bả ngoài khơi. Kẻ trên thuyền, người dưới bãi bán buôn qua tay vài mẻ cá, tôm còn tươi rói. Tuy chẳng huyên náo, rộn ràng như những cảng cá lớn nhưng cũng đủ khiến cho bãi cát dài xôn xao hẳn lên. Đưa mắt nhìn xa hơn một chút, tôi ấn tượng với nhóm phụ nữ khoảng chừng 3-4 người đang hì hục hất từng xẻng cát đầy lên chiếc xe ba bánh đỗ ngay bên cạnh. Họ - những người phụ nữ lấm lem đất cát, tay chân đen nhẻm, quần áo lao động lôi thôi, lếch thếch nhưng gương mặt rạng rỡ ánh cười, chuyện trò rôm rả. Tôi thấy họ đẹp và quyến rũ theo một cách rất riêng. Tuy mỗi người trong số họ, ai cũng có một câu chuyện, một số phận của riêng mình nhưng hơn tất thảy, họ đều giống nhau ở tấm lòng bao dung, hy sinh vì chồng, vì con. Chị Lê Thị Hồng (35 tuổi, thôn Liên Hải, xã Hải Thượng) e dè nở nụ cười, đáp lời tôi khi được hỏi về công việc mà các chị đang làm: “Có gì đâu, mấy chị em chúng tôi không có công ăn việc làm ổn định nên gọi nhau đi đào cát về đổ móng nhà thuê cho người ta ấy mà”. Nói vậy chứ công việc đào đất nặng nhọc này cũng dễ gì đâu mà có sẵn quanh năm. Áng chừng nhiều lắm một tháng cũng chỉ có vài ba ngày làm công như thế. Vậy mà hễ có ai thuê là mấy chị em lại hăm hở sửa soạn thúng, xẻng ra bãi cát này. Đó là cả một niềm vui to lớn của các chị. Chị Hồng tâm sự: “Biết là công việc nặng nhọc, vất vả nhưng vì cuộc sống mưu sinh vẫn phải bươn bả, lăn lưng ra làm. Chí ít ra có công việc này, mỗi người trong nhóm cũng được trả công khoảng 100 nghìn đồng/ngày, thêm cho con bữa cơm ngon, manh áo mới đi học”. Trước đây, chị Hồng từng có thời gian đi làm công nhân nhưng nhà máy ít việc, chị xin nghỉ. Từ đó, chị làm đủ thứ nghề, ai kêu gì làm nấy, miễn sao không vi phạm pháp luật, không làm hại đến ai. Nạo ngao, bắt ốc, đánh đất, đào cát... chị nào có “ngán” việc gì. Nhìn đôi bàn tay lấm lem, chai sạn của chị nặng nhọc hất từng xẻng cát lên xe, mồ hôi ướt đầm gương mặt, lưng áo, cổ áo, mấy ai biết được rằng chị Hồng đang mang thai. Bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra với sức khỏe của mình và đứa con trong bụng, chị vẫn lao đi làm đủ thứ công việc bán sức với đồng công rẻ mạt. Nhắc tới những đứa con, mắt chị Hồng ngân ngấn nước mắt tủi hờn xen lẫn niềm hạnh phúc lớn lao. Chị khoe: “Không tính oắt con đang nằm trong bụng, chị còn hai đứa con kháu khỉnh. Đứa đang học lớp 7, đứa đang học lớp 3. Tụi nó chăm học, ngoan ngoãn lắm”. Vì chồng, vì con, không sợ khó, sợ khổ. Mong ước lớn nhất là có công ăn việc làm đều đặn để có tiền nuôi các con khôn lớn nên người.

Nỗi niềm trăn trở của chị Hồng cũng là nỗi niềm chung của biết bao người mẹ nghèo luôn mơ về cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn để con cái bớt đi thiệt thòi, thiếu thốn. Cuộc sống mưu sinh dù ở bất cứ đâu và bất kỳ ai đều chẳng phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, với những người phụ nữ vùng ven biển vốn ít học, không có công ăn việc làm ổn định, không có tư liệu sản xuất... thì con đường ấy còn bộn bề chông gai, khúc khuỷu. Họ giống như những hạt cát nhỏ nhoi, tuy can trường, mạnh mẽ nhưng biến động không ngừng mỗi khi chạm mặt sóng, gió. Vì lẽ đó, họ cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, động viên của xã hội. Thông qua những cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả từ các cấp, ban, ngành, tôi tin rằng, những đôi vai gầy guộc, lam lũ ấy sẽ bớt đi phần nào nhọc nhằn, chênh vênh...

Thảo Linh


Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]