(Baothanhhoa.vn) - Những bức tường vốn vô tri bỗng trở nên có “hồn” nhờ phong trào vẽ tranh bích họa đang ngày càng lan rộng. Qua từng nét vẽ tỉ mẩn, tài hoa, những khát vọng trong cuộc sống, tình yêu quê hương - biển đảo, giáo dục lịch sử... đang được gửi gắm qua từng bức vẽ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Độc đáo những làng bích họa

Những bức tường vốn vô tri bỗng trở nên có “hồn” nhờ phong trào vẽ tranh bích họa đang ngày càng lan rộng. Qua từng nét vẽ tỉ mẩn, tài hoa, những khát vọng trong cuộc sống, tình yêu quê hương - biển đảo, giáo dục lịch sử... đang được gửi gắm qua từng bức vẽ.

Độc đáo những làng bích họa

Đoàn viên, thanh niên xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) tham gia vẽ tranh bích họa làm đẹp làng quê.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2019, người dân thôn Triệu Xá, xã Đông Tiến (Đông Sơn) cảm thấy vui hơn bởi con đường vào thôn được mở rộng. Trên những bức tường bao dọc con đường mới được kiên cố, những bức tranh đa sắc hiện hữu khắp nơi trước thời khắc đón xuân sang. Chương trình phát triển làng bích họa ở đây được chính quyền xã Đông Tiến triển khai, bởi Triệu Xá trở thành thôn “Nông thôn mới kiểu mẫu” đầu tiên trên địa bàn huyện Đông Sơn. Một nhà, hai nhà, rồi hàng chục gia đình trong thôn được “khoác áo mới” lên chính những bức tường vốn nhiều năm rêu phong xấu xí. Ngay trên con đường chính dẫn vào thôn, những bức tranh nối tiếp nhau dài tới gần nửa cây số. Bên cạnh hình ảnh những cây mai, cây đào bung nở như gọi mùa xuân về với xóm làng, nhiều hình ảnh còn mang ý nghĩa giáo dục, cổ động. Nào những hình ảnh về từng đoàn thuyền bám biển, đến người lính mang súng đứng gác trên quần đảo Trường Sa, rồi những câu khẩu hiệu để khích lệ lòng tự hào dân tộc cũng như tình yêu biển đảo. Xen lẫn là những hình ảnh nhóm người nhặt rác bỏ vào thùng, những hàng cây xanh mát rượi ven đường quê,... như cổ vũ phong trào vệ sinh môi trường mà khắp nơi đang thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới. Những luống hoa, lũy tre, đồng lúa... đã mang lại cảm giác thân thương vốn có, làm “mềm hóa” khung cảnh của những ngôi nhà bê tông kiên cố, những cổng ngõ chưa đồng bộ giữa các gia đình.

Ông Phạm Văn Dũng, người dân thôn Triệu Xá bày tỏ: Những bức tranh đã làm thay đổi bộ mặt làng quê, người dân chúng tôi vui lắm! Nửa năm qua, chiều nào dân làng cũng tập trung ở con đường chính dẫn vào thôn – nơi có rất nhiều bức bích họa để vui chơi, ngồi mát. Có những bức tranh đẹp, cũng không ai nỡ vứt rác bên đường như trước kia nữa, mỗi gia đình đều tự ý thức bỏ rác vào thùng để đưa đến điểm tập kết rác thải.

Trên địa bàn huyện Thọ Xuân, nhiều xã đang triển khai các làng tranh bích họa do Huyện đoàn Thọ Xuân phát động. Về xã Xuân Thiên một ngày cuối tháng 7, chúng tôi may mắn bắt gặp các thanh niên trong xã đang triển khai vẽ đường tranh bích họa của thôn Quảng Phúc. Dưới cái nắng oi nồng, gần chục đoàn viên, thanh niên trong xã vẫn miệt mài tô từng đường sơn cho những bức tranh đầy tính nghệ thuật. Dù những giọt mồ hôi lấm tấm trên từng khuôn mặt, nhưng không làm giảm được tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ nơi đây. Đoàn viên Lê Thị Bình – thuộc chi đoàn trường mầm non của xã, chia sẻ: Tham gia vẽ tranh hoàn toàn tình nguyện, chúng tôi ai cũng thấy vui vì đó là việc làm ý nghĩa. Mỗi bức tranh đều mang theo những thông điệp tốt đẹp. Anh Mai Xuân Hưng, Bí thư Đoàn xã Xuân Thiên, cho biết: Chúng tôi triển khai những con đường bích họa từ tháng 6 đến nay. Hiện đã có hơn 150 lượt đoàn viên, thanh niên trong xã tình nguyện tham gia. Nòng cốt là các giáo viên nhạc – họa của các trường tiểu học, THCS của xã, các giáo viên mầm non và những đoàn viên có năng khiếu vẽ. Các đoàn viên, thanh niên khác thì làm vệ sinh, đánh nhẵn các bờ tường, pha mầu, sơn lót nền cho các bức tranh để các “họa sĩ” sáng tạo.

Độc đáo những làng bích họa

Đường tranh bích họa dài hàng trăm mét tại thôn Triệu Xá, xã Đông Tiến (Đông Sơn).

Chị Lê Thị Hạnh, người dân thôn Hòa Bình, xã Xuân Thiên, cho biết: Bà con nhân dân địa phương hoàn toàn ủng hộ việc vẽ tranh trên tường để làm đẹp các làng quê. Ở những đoạn bích họa đã hoàn thành, phong cảnh rất đẹp, khác hoàn toàn so với trước. Qua các bức tranh vừa mang tính nghệ thuật, vừa có tính cổ động, người dân chúng tôi cũng tự có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường, cùng nói không với tệ nạn ma túy, đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô...

Được biết, kinh phí cho những con đường bích họa tại huyện Thọ Xuân hoàn toàn xã hội hóa, do đoàn thanh niên các xã trực tiếp vận động con em xa quê tài trợ, rồi người dân ủng hộ từng thùng sơn, từng cây chổi vẽ... “Chi phí cho mỗi đường tranh dài 100m chỉ trên dưới 10 triệu đồng bởi không mất tiền thuê họa sỹ mà hoàn toàn do các đoàn viên, thanh niên, các giáo viên bỏ công tình nguyện. Sau đợt này, chúng tôi tiếp tục triển khai tại nhiều xã trên địa bàn huyện, góp phần đổi thay cho từng làng quê, thôn xóm” – chị Nguyễn Thị Bích Phương, Bí thư Huyện đoàn Thọ Xuân cho biết.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, đang có nhiều xã triển khai phong trào vẽ tranh bích họa trên tường. Điển hình phải kể đến xã Định Tân (Yên Định) đã triển khai vẽ ở hầu khắp các thôn trên địa bàn. Hình ảnh những bờ tre, bến nước, những con thuyền xuôi mái trên sông... có khi không còn ở nhiều nơi bởi sự phát triển thiếu hài hòa. Tuy nhiên, những hình ảnh hoài cổ ấy lại hiện hữu trên những bức bích họa. Cùng với việc xây dựng “những vùng quê đáng sống” và xây dựng môi trường xanh – sạch – đẹp trong xây dựng nông thôn mới, việc vẽ tranh bích họa cũng góp phần tạo dấu ấn, đổi thay diện mạo cho các vùng quê.

Bài và ảnh: Lê Đồng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]