(Baothanhhoa.vn) - Nguyên nhân sinh viên ra trường thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao là do việc đào tạo có những thời điểm ồ ạt dẫn đến nghịch lý số lượng sinh viên đông nhưng chất lượng chưa tương xứng; đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp khát lao động, sinh viên vẫn thất nghiệp

Nguyên nhân sinh viên ra trường thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao là do việc đào tạo có những thời điểm ồ ạt dẫn đến nghịch lý số lượng sinh viên đông nhưng chất lượng chưa tương xứng; đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp

Người lao động học nghề tại Trường Trung cấp nghề miền núi Thanh Hóa. Mai Phương

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra con số có tới 40% sinh viên tốt nghiệp ra trường sau 3 tháng không tìm được việc làm. Tại Thanh Hóa, có khoảng trên 20.000 sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm. Tuy lực lượng lao động khá dồi dào nhưng có không ít doanh nghiệp vẫn “khát” nguồn nhân lực.

Gian nan tìm việc

Tốt nghiệp Trường Đại học Thương mại chuyên ngành kế toán đã gần 5 năm nhưng em Lê Thị Hiền, ở xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) vẫn rong ruổi đi tìm việc dù đã “gõ cửa” nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Hiền cho biết: Giờ chỉ mong tìm được một việc làm ổn định, đúng chuyên ngành càng tốt, không đúng cũng không sao, chỉ mong có được thu nhập khoảng 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng. Còn em Lê Phương Thảo, ở xã Trung Ý (Nông Cống), tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức với tấm bằng loại khá. Dù đã làm nhiều bộ hồ sơ gửi đến nhiều địa chỉ và thường xuyên lướt web, đọc báo để chắt lọc thông tin tuyển dụng, thậm chí đến nhiều nơi ứng tuyển để phỏng vấn nhưng đều nhận được câu trả lời là ngành học không phù hợp nhu cầu tuyển dụng hoặc yêu cầu phải có kinh nghiệm. Làm việc không liên quan đến ngành học thì lương thấp nên hiện Thảo vẫn ở nhà “ăn bám” bố mẹ chờ tìm được công việc phù hợp. Với em Trần Đình Khương, ở xã An Nông, huyện Triệu Sơn, tốt nghiệp ngành luật dân sự Trường Đại học Luật Hà Nội đã hơn 1 năm nhưng vẫn “bám trụ” tại Hà Nội để xin việc. Theo Khương, ở thủ đô sẽ có nhiều “đất” để dụng võ hơn ở quê và em đã nộp hồ sơ tại một vài chỗ. Tuy nhiên mọi chuyện không hề dễ như Khương tưởng, bởi hầu hết các cơ quan, doanh nghiệp gọi phỏng vấn đều yêu cầu phải có ít nhất 1 năm kinh nghiệm trở lên, mà sinh viên mới ra trường như em thì làm gì đã có kinh nghiệm. Trong thời gian tìm việc, Khương đã xin làm bồi bàn theo giờ tại một nhà hàng để vừa tích lũy kinh nghiệm thực tế, vừa có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Đi tìm nguyên nhân?

Nguyên nhân sinh viên ra trường thất nghiệp chiếm tỷ lệ cao là do việc đào tạo có những thời điểm ồ ạt dẫn đến nghịch lý số lượng sinh viên đông nhưng chất lượng chưa tương xứng; đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên phụ thuộc việc chọn ngành nghề vào phụ huynh hoặc xu hướng nghề “hót”, chưa xác định được năng lực, sở trường của bản thân để có những hoạch định nghề nghiệp cho tương lai. Nhiều cử nhân ra trường có chút ảo tưởng về vị trí của bản thân, xem tấm bằng đại học như một giấy thông hành để tìm kiếm cho mình một nghề nghiệp ổn định nhưng khi được nhà tuyển dụng tiếp nhận lại “chê việc” vì lương thấp, công ty không có tên tuổi nên không làm. Ngược lại, có không ít sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng không xin được việc làm theo ngành nghề đào tạo đành xin làm công nhân tại các công ty may mặc, da giày... nhưng các doanh nghiệp không tiếp nhận công nhân có bằng đại học, một phần vì phải trả lương cao, một phần vì công nhân được đào tạo qua đại học có trình độ, hiểu biết rộng, dễ phát sinh lôi kéo công nhân đòi hỏi các chế độ, chính sách...

Và một “rào cản” nữa khiến các cử nhân sau khi ra trường khó có thể tìm cho mình một công việc thích hợp do khả năng ngoại ngữ kém, học thụ động, lý thuyết suông, kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp hạn chế. Trong khi nhiều doanh nghiệp cần tuyển lao động có trình độ vào các vị trí từ nhân viên đến cán bộ quản lý đều đưa ra những yêu cầu khá khắt khe như ngoài trình độ phải có kinh nghiệm, giỏi ngoại ngữ... Chị Phạm Thị Thúy An, cán bộ Phòng Nhân sự Công ty TNHH Giày Rollsport Việt Nam, cho biết: Từ nay đến cuối năm, ngoài tuyển 1.000 lao động phổ thông, công ty tuyển thêm lao động có trình độ vào một vài vị trí như nhân viên vận hành máy, trợ lý bộ phận, quản lý xưởng nhưng ưu tiên tiếp nhận những người có kinh nghiệm.

Đâu là giải pháp?

Theo thạc sĩ Lê Văn Kỳ, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công thương, để nguồn “cung” đáp ứng “cầu”, giải quyết vấn đề “thừa thầy, thiếu thợ”, cần thực hiện chủ trương phân luồng tích cực hơn nữa với đối tượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện tốt hơn công tác dự báo thị trường lao động trên địa bàn tỉnh và nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực theo ngành, nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động hằng năm. Xây dựng thông tin dự báo nhu cầu đào tạo, tuyển dụng kịp thời để các nhà trường làm căn cứ xây dựng kế hoạch đào tạo. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Trưởng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức, cho rằng tỉnh cần nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp để phát huy thế mạnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... hạn chế tối đa cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm hoặc làm công việc không đúng với chuyên môn, làm trái ngành nghề hoặc phải giấu bằng cấp để làm những công việc giản đơn.


Vân Sơn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]