(Baothanhhoa.vn) - Một ngày cuối tháng 8 chúng tôi xuống Cảng cá Lạch Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) vào thời điểm các tàu cá cập bến sau những ngày vươn khơi đánh bắt. Trên bến cá tấp nập kẻ bán, người mua, khiến không khí trở nên rộn rã, nhộn nhịp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đoàn kết giữa trùng khơi

Một ngày cuối tháng 8 chúng tôi xuống Cảng cá Lạch Trường, xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) vào thời điểm các tàu cá cập bến sau những ngày vươn khơi đánh bắt. Trên bến cá tấp nập kẻ bán, người mua, khiến không khí trở nên rộn rã, nhộn nhịp.

Ngư dân xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa) chuẩn bị ngư lưới cụ ra khơi đánh bắt hải sản.

Chủ thuyền Nguyễn Đăng Tiến, ở thôn Giang Sơn rời tàu lên bờ vui vẻ cho biết: Những năm gần đây, ngư dân ra khơi không còn vất vả như trước, gần như tàu nào trở về cũng đầy khoang hải sản. Có được thành quả như hôm nay cũng nhờ Đảng, Nhà nước có các cơ chế, chính sách hỗ trợ ngư dân đầu tư đóng mới tàu công suất lớn có thể vươn khơi xa đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự hỗ trợ của “Tổ đoàn kết trên biển”. Mỗi lần ra khơi, chúng tôi thường đi thành nhóm để hỗ trợ nhau đề phòng khi gặp sự cố máy móc trên biển có thể hỗ trợ, lai dắt tàu về an toàn hoặc gặp luồng cá sẽ thông báo cho những tàu ở gần đó cùng tham gia đánh bắt. Tham gia vào “Tổ đoàn kết trên biển” mang lại nhiều lợi ích thiết thực, đó là: Đàn ông hỗ trợ nhau ngoài ngư trường; phụ nữ ở nhà hỗ trợ nhau mỗi khi các gia đình trong nhóm có công việc riêng. Cứ thế, các thành viên trong tổ phối hợp, hỗ trợ nhau làm ăn, phát triển kinh tế cũng như chia sẻ vui, buồn, khó khăn trong cuộc sống. “Tổ đoàn kết trên biển” của chúng tôi có 9 tàu tham gia, sinh hoạt được 10 năm rồi; các thành viên trong tổ đã thống nhất gây dựng quỹ, tuy số tiền không lớn nhưng rất thiết thực mỗi khi các thành viên trong tổ gặp khó khăn, hoạn nạn.

Qua trò chuyện với ngư dân chúng tôi được biết: Trước đây, chưa có “Tổ đoàn kết trên biển”, khi khai thác thủy sản, ngư dân thường tổ chức đánh bắt riêng lẻ theo kiểu mạnh ai người đó làm. Do đó, khi có tình huống hay sự cố, tai nạn bất ngờ xảy ra trên biển, nhiều ngư dân không kịp trở tay và cũng rất ít khi nhận được sự hỗ trợ của các tàu ngư dân khác. Chính vì vậy, từ năm 2008, xã Hoằng Trường đã thành lập các “Tổ đoàn kết trên biển” để các tàu ra khơi hỗ trợ nhau sản xuất cũng như giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn, hoạn nạn trên biển. Hơn nữa “Tổ đoàn kết trên biển” được thành lập đã tạo ra sức mạnh tập thể, cùng bảo vệ ngư trường, bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, trên địa bàn xã Hoằng Trường có hơn 600 phương tiện đánh bắt, khai thác hải sản, trong đó có 87 tàu khai thác xa bờ tham gia vào 19 “Tổ đoàn kết trên biển”.

Mô hình của “Tổ đoàn kết trên biển” hay còn gọi là “Tổ tàu thuyền an toàn” không chỉ được thành lập trên địa bàn xã Hoằng Trường mà còn nhân rộng ra các xã còn lại trên khu vực biên giới biển của huyện Hoằng Hóa, như: Hoằng Hải, Hoằng Tiến, Hoằng Phụ, Hoằng Thanh. Thượng tá Lê Huy Hiếu, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hoằng Trường, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 9-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới; Đồn Biên phòng Hoằng Trường đã cùng với MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Hoằng Hóa tổ chức quán triệt đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung chỉ thị và các văn bản có liên quan; đồng thời, phát động sâu rộng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia thông qua việc gặp gỡ, tuyên truyền, vận động ngư dân viết cam kết đăng ký tham gia “Tổ tự quản an ninh trật tự” và “Tổ tàu thuyền an toàn”. Kết quả, đến nay trên địa bàn 5 xã khu vực biên giới của huyện Hoằng Hóa đã thành lập được 25 “Tổ tàu thuyền an toàn” với 119 thành viên tham gia; 46 “Tổ tự quản an ninh trật tự” với 232 thành viên tham gia; 10 tổ an ninh trật tự bến bãi với 30 thành viên tham gia. Các tổ sau khi thành lập luôn thực hiện nghiêm quy chế hoạt động, như: Các thuyền viên phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hoạn nạn trên biển; khi gặp luồng cá cùng hỗ trợ nhau khai thác; giúp nhau mọi mặt, từ việc tìm ngư trường đánh bắt, phân công nhau đưa cá về đất liền bán cũng như hỗ trợ về ngư lưới cụ sản xuất nếu gặp rủi ro.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện phong trào xây dựng các mô hình tham gia quản lý bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, Đồn Biên phòng Hoằng Trường còn phối hợp với các đoàn thể, ngành chức năng đến tận nhà, tận tàu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Biển Việt Nam, Luật Biên giới quốc gia, các Hiệp định, quy chế biên giới; cơ chế thông tin liên lạc trên biển, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và các chủ trương của Đảng, Nhà nước về biên giới, biển đảo... qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển; ngư dân cũng luôn tích cực đấu tranh với các hành vi xâm phạm chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, khai thác trộm hải sản; cung cấp cho các lực lượng chức năng hàng trăm nguồn tin có giá trị, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới biển.


Bài và ảnh: Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]