(Baothanhhoa.vn) - Đến hẹn lại lên, gần dịp Tết Trung thu, trên thị trường lại xuất hiện rất nhiều loại đồ chơi. Điều đáng lo ngại, ngoài việc những loại đồ chơi truyền thống ngày càng mai một thì các mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, gây hậu quả khôn lường cho trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đồ chơi không rõ nguồn gốc – những ẩn họa khôn lường

Đến hẹn lại lên, gần dịp Tết Trung thu, trên thị trường lại xuất hiện rất nhiều loại đồ chơi. Điều đáng lo ngại, ngoài việc những loại đồ chơi truyền thống ngày càng mai một thì các mặt hàng đồ chơi dành cho trẻ không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan, tiềm ẩn nhiều mối nguy hại, gây hậu quả khôn lường cho trẻ.

Đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường. Ảnh: P.V

Tràn ngập thị trường...

Gần đến Tết Trung thu, lượng đồ chơi dành cho trẻ em lại đổ về các khu trung tâm TP Thanh Hóa. Tại khu vực Chợ Vườn Hoa, các tuyến đường Phan Chu Trinh, Lê Hoàn... các loại đồ chơi đều được nhập về theo nhiều con đường khác nhau, trong đó đồ chơi không rõ nguồn gốc hoặc có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm thị phần lớn nhất. Mặt hàng đồ chơi dành cho mùa trung thu năm nay có nhiều mẫu mã, màu sắc bắt mắt. Nổi bật phải kể đến các loại đèn lồng, mặt nạ, các loại búp bê, kiếm, súng... hầu hết các mặt hàng này có giá rẻ và đều không có nhãn mác. Một số loại có chữ Trung Quốc trên bao bì hoặc in trực tiếp trên sản phẩm dòng chữ “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc), còn phần lớn là đồ chơi “trắng” thông tin khiến người tiêu dùng không thể biết nguồn gốc, xuất xứ.

Vào một đại lý bán đồ chơi trẻ em, nhân viên bán hàng đang ngồi chỉnh sửa lại cả thùng đồ chơi siêu nhân, người nhện và bỏ từng món đồ vào từng túi nilon. Khi chúng tôi hỏi tìm mua đồ chơi sản xuất trong nước, chị nhân viên thành thật trả lời: “Ở đây toàn đồ Trung Quốc thôi, chỉ có mấy cái đèn lồng giấy là hàng Việt Nam”. Theo một số tiểu thương, trung bình mỗi tháng khu chợ này nhập về hàng tấn đồ chơi các loại và được bán buôn đi khắp các huyện trên địa bàn tỉnh. Khi được đặt câu hỏi về những mẫu đồ chơi không rõ nguồn gốc có nguy cơ ảnh hưởng đến trẻ em, nhiều chủ cửa hàng đồ chơi vô tư trả lời: “Hàng không rõ xuất xứ mà mẫu mã bắt mắt, giá rẻ, chỉ từ vài nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng/đồ chơi nên dễ bán, chứ ai quan tâm được đến chất lượng, ảnh hưởng thế nào”.

Thị trường đồ chơi cho trẻ hiện nay rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, các loại đồ chơi được phụ huynh chọn mua cho trẻ thường dựa vào yếu tố màu sắc, kiểu dáng chứ ít chú trọng đến độ an toàn đối với trẻ nhỏ. Anh Đào Văn Khánh, phường Lam Sơn (TP Thanh Hóa) đang lựa chọn đồ chơi cùng con gái, cho biết: Dịp trung thu, anh thường đưa con đi mua những món đồ theo sở thích của con. Anh “bỏ qua” vấn đề xuất xứ cũng như độ an toàn vì theo anh nghĩ chơi một, hai ngày chắc “không vấn đề gì”. Thêm vào đó, những đồ chơi truyền thống bị “chê” là kém hấp dẫn về mẫu mã, trong khi giá lại khá cao, khiến người tiêu dùng “lăn tăn” khi chọn mua. Đơn cử như, các loại đèn lồng truyền thống thường làm bằng giấy hoặc chất liệu nhựa mỏng, màu sắc đơn giản với hình vẽ thủ công nhưng giá bán lại dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, những loại đèn lồng không rõ xuất xứ lại có màu sắc đa dạng kèm đèn, nhạc... chỉ có giá từ 15.000 – 20.000 đồng/chiếc. Nhiều mẫu đèn lồng hình nhân vật hoạt hình như công chúa Elsa, Anna, Sophia... vừa có đèn, nhạc, múa hát cũng chỉ có giá từ 60.000 đồng - 80.000 đồng/sản phẩm.

“Theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP, người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm đã bị cấm có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng. Người kinh doanh, buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị cấm có thể bị xử phạt từ 5 triệu đồng - 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, Điều 10 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP) còn quy định, người có hành vi buôn bán hàng cấm có thể bị xử phạt từ 500 nghìn đồng - 100 triệu đồng tùy theo giá trị của hàng cấm đó. Người có hành vi vi phạm phải chịu hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.

Luật sư Hoàng Thị Bích Ái (Công ty Luật Năm Châu)

Theo Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em”, kể từ ngày 15-4-2010, tất cả các loại đồ chơi trẻ em sản xuất trong nước hay nhập khẩu chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy và gắn dấu hợp quy theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em. Các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn các mặt hàng đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác hay đồ chơi bạo lực lưu thông trên thị trường. Theo số liệu thống kê của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh, chỉ tính từ ngày 14-8-2018 đến ngày 13-9-2018, chi cục đã tổ chức kiểm tra 70 vụ, trong đó xử lý 63 vụ vi phạm, tịch thu, tiêu hủy 2.744 khẩu súng nhựa, súng nước các loại; 100 kiếm nhựa; 10 hộp bóng bay phát sáng; 50 vỉ siêu nhân; 75 cái ô tô; 50 cái máy điện tử; 110 bộ ghép hình; 20 bộ vịt cao su; 40 con búp bê; 50 hộp chất dẻo; 150 cái trống. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vẫn như “muối bỏ bể” khi mà mặt hàng đồ chơi không rõ xuất xứ vẫn được bày bán tràn lan trên thị trường...

Nguy cơ nhiễm độc cao

Với giá thành siêu rẻ, anh Hà Viết Ngọc, Giám đốc Công ty CP Đầu tư nghiên cứu hóa chất công nghiệp (Hà Nội), khẳng định: Những loại đồ chơi không rõ xuất xứ hoặc xuất xứ Trung Quốc được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa đã qua sử dụng, nhất là những loại nhựa đựng hóa chất nói chung rất độc hại. Loại nhựa này đã tiếp xúc với những chất khác, khi đem vào sản xuất lại thường không được làm sạch nên trong quá trình nhựa hóa, các hóa chất đọng lại sẽ khuếch tán ra ngoài. Nhựa phế phẩm khi muốn tái chế phải dùng đến chất phụ gia công nghiệp. Nguyên liệu từ tái chế đã không an toàn, nay còn thêm phụ gia khiến đồ chơi nhựa tái chế rất độc hại. Đồ chơi bằng nhựa luôn có chất hóa dẻo phthalate, đây là chất có thể gây ra ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormon của trẻ. Nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn là rất cao nếu trẻ ngậm, ôm đồ chơi. Sở dĩ, chất phthalate được sử dụng sản xuất đồ nhựa vì giá thành của nó rẻ gấp 10 lần so với sử dụng các chất thay thế khác. Để cạnh tranh giá nhiều doanh nghiệp đã sử dụng chất này để sản xuất đồ nhựa giảm giá thành.

Nhựa tái chế sẽ không thể đẹp như nhựa nguyên sinh do đó bắt buộc người sản xuất phải cho phẩm màu để che đi khuyết điểm của sản phẩm. PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, phân tích: “Dung dịch màu đó không phải là màu thực phẩm mà là màu dành cho ngành công nghiệp. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển về thể chất và tinh thần chưa hoàn thiện của trẻ. Vì vậy, sản phẩm đồ chơi có màu sắc càng sặc sỡ thì mức độ nguy hại càng cao”.

Để làm rõ tính chất độc hại của các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ, Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng và Viện Công nghệ hóa học đã từng tiến hành kiểm nghiệm đối với một số mẫu đèn lồng nhựa không rõ xuất xứ bán trên thị trường. Kết quả cho thấy, lượng muối cadimi (Cd) trong sơn phủ có hàm lượng cao gấp 123 lần mức cho phép. Trong khi đó, giới chuyên môn cảnh báo rằng chỉ cần cầm, nắm vào đèn lồng có chứa chất Cd là con người dễ dàng bị thôi nhiễm. Tiếp xúc nhiều với đèn lồng nhiễm Cd hàm lượng quá cao sẽ dẫn đến tích lũy nhiều trong thận và phát bệnh sau đó. Các loại mặt nạ từ nhựa dẻo không rõ nguồn gốc thường được sản xuất từ nhựa, cao su, sơn phun màu và nhiều thành phần hóa học khác, trong đó có nhiều thành phần gây nguy hiểm tới cơ thể.

Thực tế, thường vì sự thiếu hiểu biết mà nhiều bậc phụ huynh đã dễ dãi trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ, dẫn đến những nguy cơ mất an toàn. Bác sĩ Lê Văn Tráng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, cho biết: Mỗi năm, Khoa Cấp cứu và Điều trị tích cực của Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn, thương tích ở trẻ mà phần lớn là do phụ huynh bất cẩn cho con chơi đồ chơi không an toàn. Cụ thể, những âm thanh, ánh sáng ở đồ chơi không an toàn sẽ ảnh hưởng xấu tới thị giác và thính giác của trẻ. Nhất là ánh sáng thay đổi liên tục, không kiểm soát được mức độ. Tình trạng hóc dị vật; chấn thương do dao, kiếm, súng, đạn cũng thường xuyên xảy ra. Những trường hợp này nếu không được cấp cứu kịp thời thì rất có thể nguy hiểm đến tính mạng. Việc thường xuyên tiếp xúc với những đồ chơi mang tính bạo lực sẽ ảnh hưởng tới việc hình thành tâm lý, dễ dẫn đến các hành vi mang tính bạo lực ở trẻ.

Những cảnh báo về tác hại của các loại đồ chơi trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ không phải là mới. Trước những nguy hại khó kiểm soát của thị trường đồ chơi hiện nay, đòi hỏi cách giải quyết hữu hiệu của các cơ quan chức năng cũng như sự thận trọng của các bậc phụ huynh khi lựa chọn đồ chơi cho con em mình. Hãy lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng, phù hợp với từng lứa tuổi, để đồ chơi mùa trung thu không chỉ thỏa mãn nhu cầu giải trí mà còn trở thành những người bạn an toàn cho sự phát triển của trẻ.

Những loại đồ chơi không rõ xuất xứ có giá rẻ thường được làm từ nhựa tái chế. Ở nhiều nước, loại nhựa tái chế không được dùng để sản xuất ra sản phẩm dễ tiếp xúc với con người bởi nhựa tái chế rất độc hại.

Hà Viết Ngọc (Giám đốc Công ty CP Đầu tư nghiên cứu hóa chất công nghiệp (Hà Nội))


Tăng Thúy và Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]