(Baothanhhoa.vn) - Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những điều kiện quan trọng nhất giúp trẻ em nói chung, trong đó nhóm trẻ bước vào bậc tiểu học phát triển khỏe mạnh cả thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, việc bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em hiện nay, cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Dinh dưỡng trẻ em: Những nghịch lý...

Dinh dưỡng trẻ em: Những nghịch lý...

Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em phần lớn tập trung ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những điều kiện quan trọng nhất giúp trẻ em nói chung, trong đó nhóm trẻ bước vào bậc tiểu học phát triển khỏe mạnh cả thể chất lẫn trí tuệ. Tuy nhiên, việc bảo đảm dinh dưỡng cho trẻ em hiện nay, cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm.

Quốc lộ 15C, con đường độc đạo nối huyện vùng cao Mường Lát với miền xuôi, chỉ ồn ào lên đôi chút khi có vài chiếc xe ngược xuôi lướt vội qua. Vài chòm bản người Mông nằm rải rác, chênh vênh. Dưới những mái hiên thấp lè tè, đôi khi tôi bắt gặp cảnh những đứa trẻ đen nhẻm, quần áo nhăn nhúm đang túm tụm chơi đùa. Hoặc có đôi khi, lướt qua chuyến xe vội vã là cảnh những đứa trẻ đầu trần, chân đất, quần áo cáu bẩn, “cõng” sau tấm lưng nhỏ bé những gùi măng, gùi sắn – thành quả sau một ngày lên nương hay vào rừng. Chúng thẩn tha trò chuyện và hờ hững nhìn theo bóng dáng những người xa lạ đang qua lại trên con đường. Cũng trong những chuyến đi như thế, tôi đã gặp không ít bà mẹ trẻ, tuổi ước chừng mười tám đôi mươi nhưng đã có một vài mụn con. Không ít đứa trẻ trong số ấy là hệ quả của nạn tảo hôn, khi mà cả tâm - sinh lý của những bậc cha mẹ tuổi vị thành niên còn chưa phát triển hoàn thiện. Vậy nên, điều kiện kinh tế, kinh nghiệm và kiến thức chăm sóc con cái của nhiều người trong số họ, đều rất hạn chế. Hậu quả kéo theo là nhiều đứa trẻ đang sống trong cảnh thiếu thốn, suy dinh dưỡng, nên khó có thể phát triển khỏe mạnh và toàn diện cả về thể chất, tinh thần, trí tuệ...

Trái ngược với điều kiện sống của những đứa trẻ thuộc gia đình hộ nghèo, hoặc ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trẻ em ở khu vực thành phố đang nhận được các điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục ngày càng đầy đủ, thậm chí có đôi lúc quá mức dư thừa. Sinh ra trong gia đình khá giả, lại là cháu đích tôn, nên Hoàng Vũ Minh Quân (TP Thanh Hóa) được ông bà chăm sóc, cưng nựng. Từ bé cho đến khi đã tròn 7 tuổi, Minh Quân luôn bị ép ăn đủ loại đồ ăn bổ dưỡng, khiến cân nặng của em vượt xa các bạn cùng trang lứa. Mẹ Minh Quân, chị Vũ Thị Thanh Hà than thở: “Nhìn con luôn trong tình trạng thừa cân, cơ thể nặng nề, chậm chạp mình cũng lo lắm. Thế nhưng ông bà cứ cho rằng như thế mới khỏe, mới thông minh”. Mâu thuẫn trong cách nuôi dạy con cái trong gia đình, hoặc sự ngộ nhận về dinh dưỡng đối với sức khỏe trẻ em, đang là nguyên nhân khiến nhiều trẻ đối diện với nguy cơ thừa cân béo phì và bệnh tật, kể cả những bệnh tưởng chừng không hoặc ít xuất hiện ở lứa tuổi học sinh như tiểu đường, tim mạch, máu nhiễm mỡ...

Trước đây, do điều kiện kinh tế, thông tin và kiến thức còn hạn chế, nên việc chăm sóc trẻ em phần đa thường dựa vào kinh nghiệm, với điều kiện vật chất thiếu thốn. Thêm nữa, các gia đình khá đông con, nên điều kiện để chăm sóc đầy đủ cho trẻ lại càng khó khăn. Ngoài ra, quan niệm trọng nam khinh nữ cũng là một phần nguyên nhân của tình trạng bất bình đẳng trong chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ giữa trẻ em nam và trẻ em nữ. Ngày nay, sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội đã và đang tạo cơ sở cho sự hình thành một thế hệ tương lai khỏe mạnh và thông minh. Trong đó, việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cái trong các gia đình cũng có sự cải thiện đáng kể. Kiến thức về sinh sản và chăm sóc trẻ được dễ dàng tiếp cận qua các tài liệu, sách báo hay trên các phương tiện truyền thông. Nhờ đó, việc chăm sóc con cái bên cạnh kinh nghiệm, các gia đình còn có sự hỗ trợ tích cực của vô vàn kiến thức mới. Đồng thời, cũng nhờ chế độ dinh dưỡng đầy đủ mà thể trọng và chiều cao của trẻ em đã và đang được tăng lên đáng kể.

Tuy nhiên, trong thực tế, không phải ở đâu và lúc nào, các điều kiện chăm sóc trẻ cũng được phát huy đúng đắn nhất. Bởi, vẫn có không ít gia đình có điều kiện kinh tế, đang chạy theo xu hướng muốn con béo khỏe. Cho nên các ông bố, bà mẹ cố “nhồi nhét” cho trẻ ăn quá nhiều, dư thừa chất bổ béo, dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe thể chất, tinh thần ở trẻ. Theo một công bố gần đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia về “Tình trạng dinh dưỡng, khẩu phần, tần suất và thói quen tiêu thụ thực phẩm của học sinh tiểu học, THCS và THPT ở một số tỉnh, thành Việt Nam”, thì hiện có tới hơn 40% học sinh tiểu học ở khu vực thành thị thừa cân béo phì do mất cân bằng dinh dưỡng. Nguyên nhân của tình trạng này là do khẩu phần ăn uống quá giàu năng lượng, lượng protein cao hơn so với ngưỡng khuyến nghị dành cho lứa tuổi tiểu học. Bên cạnh đó, trẻ có xu hướng thích ngồi ăn trước ti vi, điện thoại và ngày càng lười vận động, ít tham gia các hoạt động thể lực, nên nguy cơ thừa cân béo phì là rất lớn.

Trong khi đó, nhiều gia đình nghèo hoặc ở khu vực vùng sâu, vùng xa lại chưa tận dụng tốt các thực phẩm có sẵn như rau, củ, quả tự trồng, hoặc các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt, trứng, sữa... để chế biến các món ăn phù hợp cho trẻ. Đồng thời, nhận thức, kiến thức và điều kiện kinh tế hạn chế cũng khiến cho trẻ em ở khu vực này đang phải đối diện với tình trạng suy dinh dưỡng. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết năm 2018, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 16% (đối với cân nặng/tuổi) và 26,4% (đối với chiều cao/tuổi), trong đó trẻ còi cọc chiếm 5,5%. Điều đó cho thấy, công tác chăm trẻ em hiện đang gặp phải không ít những thách thức, nhất là tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng. Tình trạng này cũng có sự chênh lệch khá lớn giữa vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn với khu vực thành phố, đồng bằng.

Chìa khóa cho chế độ dinh dưỡng hợp lý là dựa trên kinh nghiệm, cơ sở khoa học nuôi dạy trẻ và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Do đó, mỗi gia đình, mà trực tiếp nhất là các ông bố bà mẹ, cần có sự vận dụng linh hoạt để xây dựng được một chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, nhằm tránh hoặc hạn chế cả 2 hệ quả không mong muốn là thừa cân béo phì và suy dinh dưỡng.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]