(Baothanhhoa.vn) - Luật pháp quy định hình phạt rất nặng cho hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng con số nạn nhân bị xâm hại tình dục không vì vậy mà vơi bớt, khiến nỗi đau về vấn nạn này dường như dài ra mãi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đi tìm công lý cho nạn nhân bị xâm hại tình dục: Hành trình lắm khó khăn

Luật pháp quy định hình phạt rất nặng cho hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng con số nạn nhân bị xâm hại tình dục không vì vậy mà vơi bớt, khiến nỗi đau về vấn nạn này dường như dài ra mãi.

Đi tìm công lý cho nạn nhân bị xâm hại tình dục: Hành trình lắm khó khăn

Trẻ em là tương lai của đất nước. Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội (ảnh minh họa). Ảnh: Tiến Đông

Chứng cứ mong manh

Chưa bao giờ nạn bạo hành, xâm hại trẻ em “nóng” như hiện tại. Trong đó, vụ ông Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy chỉ là “giọt nước tràn ly”.

Hiện nay, toàn tỉnh chưa có số liệu thống kê đầy đủ, chính thức về các vụ án xâm hại tình dục trẻ em, bởi rất nhiều trường hợp vì sợ đủ thứ mà nạn nhân giữ im lặng..., chỉ số ít trường hợp nạn nhân và gia đình báo cáo cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, thông qua hoạt động tham gia tố tụng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa có thể thấy rằng, trong thời gian qua đã xảy ra không ít vụ án xâm hại tình dục trẻ em. Tính từ đầu năm đến nay, trung tâm thụ lý không dưới 10 vụ án về xâm hại tình dục, nạn nhân là các bé gái tuổi còn rất nhỏ, cá biệt có trường hợp bé mới 4, 5 tuổi hay bé bị chính cha mình xâm hại...

Là người từng tham gia hỗ trợ nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, chị Nguyễn Thị Ngà, trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thanh Hóa, không thể nào nguôi ám ảnh về hình ảnh những em bé hoảng loạn, sợ sệt sau khi bị lạm dụng tình dục. “Hiện nay mức hình phạt đối với tội này đã được áp dụng rất nghiêm khắc và các bản án của tội hiếp dâm cũng đã thể hiện sự nghiêm khắc đó. Tuy nhiên, số vụ được đưa ra xét xử còn thấp, nhiều vụ bị trả lại hồ sơ, bị tạm đình chỉ, không được đưa ra ánh sáng vì không đủ chứng cứ” – chị Ngà nói.

Lấy một ví dụ đơn giản, bé gái 8 tuổi bị ông hàng xóm hiếp dâm nhiều lần nhưng vẫn không thể khởi tố vì mọi chứng cứ đã bị nghi phạm, nạn nhân, người nhà nạn nhân vô tình và cố ý hủy. Cụ thể, trong một lần phát hiện con gái đang xem phim sex trong máy tính, mẹ bé đã tức giận quá, đập nát máy tính và truy hỏi căn nguyên. Em bé mới móc trong cặp của mình ra tấm giấy nhỏ có ghi dòng chữ trang web sex mà em đang xem do ông hàng xóm ghi cho để cùng coi chung. Vì mỗi lần trước khi dắt em đi làm chuyện người lớn là ông sẽ kêu bé xem phim trước. Không giữ được bình tĩnh, mẹ bé đã kéo cả nhà chạy qua nhà ông hàng xóm, đưa tờ giấy ra đối chất. Tức thì ông này chụp và xé luôn tờ giấy.

Chỉ một hành động tức giận nhất thời của người mẹ mà hai chứng cứ gián tiếp nhưng khá quan trọng đã bị mất. Chưa kể, sau khi sự việc xảy ra, người mẹ không đưa con đi giám định ngay. Vì thế, vụ việc đến nay vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu chứng cứ. “Đây là nỗi niềm trăn trở của chúng tôi. Biết rõ kẻ thủ ác còn kia, mà không giúp được gì cho các em vì thiếu chứng cứ. Chúng tôi tiếc, vì sự hiểu biết của các bậc cha mẹ còn hạn chế” – chị Ngà khẽ thở dài chia sẻ.

Nhiều cha mẹ mải lo làm ăn, không gần gũi, theo dõi sát con mình. Ví dụ: Khi các bé đi học về, có biểu hiện sợ hãi, sợ cha mẹ sờ vào người, hay bé có biểu hiện sống khép kín... là cha mẹ phải đưa con đi giám định hay tố cáo, hoặc tâm sự với các con ngay, ghi âm lại. Bên cạnh đó, cha mẹ phải thương con mình, vì các con gặp nạn, tâm lý đang sợ hãi, không nên vì xót con mà lớn tiếng la lối, mắng nhiếc bé, khiến bé không dám nói ra, không dám chia sẻ với bố mẹ. “Rất nhiều bé không dám nói gì với cha mẹ mình, nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, các bé đã dám kể lại tất cả sự việc. Chứng cứ, lời khai của các bé chúng tôi đưa ra cơ quan công an làm bằng chứng. Với nghiệp vụ của công an, họ điều tra tiếp để đưa vụ án ra xét xử. Nhờ vậy, nhiều vụ việc đã “lội ngược dòng” thành công” – chị Ngà cho biết.

Công lý sẽ được thực thi khi đủ chứng cứ

Từ góc nhìn của giới luật sư, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội, nhấn mạnh: “Một cuộc xâm hại tình dục chỉ xảy ra trong vài phút, nghiêm trọng có thể cũng không quá vài ngày. Nhưng có được ánh sáng công lý cho vụ này thì rất nhiều người, rất nhiều cơ quan phải mất từ vài tháng đến vài năm mới có được một chút le lói của công lý. Qua tâm sự với nạn nhân, chúng tôi thấy rằng, trong tâm lý phản kháng của nạn nhân thì mong muốn đầu tiên là tố cáo đối tượng ra pháp luật. Nhưng nạn nhân đến với bác sĩ, nhà tâm lý dễ đạt mục đích bao nhiêu thì đến với công lý khó đạt được mục đích bấy nhiêu. Thậm chí họ còn mất niềm tin và cảm giác thất bại rất rõ ràng”.

Bằng chứng là, một bé gái 13 tuổi ở Cà Mau đã phải tìm đến cái chết, khi nhìn thấy tờ giấy thông báo mà mẹ em đã cố tình dấu kín trong tủ. Tờ quyết định của cơ quan điều tra không khởi tố kẻ đã xâm hại, dâm ô em suốt một thời gian dài mà gia đình đã làm đơn tố cáo. Một người cha phải tìm đến cái chết như cách cuối cùng đòi công lý cho đứa con gái 6 tuổi của mình, sau khi cơ quan chức năng đề nghị gia đình ký vào giấy bãi nại vì kết quả giám định cho thấy con gái họ chưa bị thủng màng trinh!

Có một thực tế đáng buồn là, khi người lớn phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục đã báo công an ngay lập tức nhưng nhiều vụ sau đó đã không tìm ra được thủ phạm, dù nạn nhân chỉ rõ đối tượng xâm hại mình. Bởi, sau khi nhận được trình báo của gia đình nạn nhân, cơ quan công an phải đợi đến 7 ngày mới quyết định có trưng cầu giám định hay không. “Tôi cho rằng, vấn đề giám định cần phải thay đổi, các cơ quan giám định pháp y thấy bé có vấn đề về xâm hại phải cho giám định ngay, chứ không phải làm đơn, yêu cầu giấy khai sinh, lấy sổ này, sổ kia. Thời gian kéo dài, bé chỉ cần đi tiểu là mất hết chứng cứ” – Luật sư Thơm thẳng thắn chia sẻ.

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, chính những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em đang khiến những vụ xâm hại trẻ em trở nên phức tạp. Nếu xảy ra sự việc thì cơ quan chức năng yêu cầu phải có chứng cứ vật chất trên thân thể nạn nhân, như: ADN, dấu vân tay hay các chứng cứ hữu hình là video, clip hoặc bắt quả tang mới khởi tố. Đây là một yêu cầu rất khó thực hiện, bởi đối với các vụ dâm ô không để lại dấu vết, hoặc gia đình nạn nhân phát hiện muộn, rất khó để thu thập chứng cứ. Mặt khác, đối tượng bị xâm hại ở nhiều độ tuổi khác nhau nên hậu quả để lại cũng khác nhau, vì vậy có những vụ qua giám định màng trinh không rách, không tìm thấy tinh trùng mà chỉ có tế bào nam... từ đó bị cáo cho rằng chỉ có hành vi dâm ô là sờ mó bộ phận sinh dục mà không có ý định giao cấu thì không thể xử tội hiếp dâm mà phải xử tội dâm ô. Trong khi đó, tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng tinh vi, đối tượng sẽ cố tình xóa mọi dấu vết, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân. Đối với người bị hại chưa thành niên, nhận thức của các bé còn rất non nớt. Nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại và thường giấu kín chuyện, chậm trình báo với cơ quan chức năng. Không chỉ có vậy, trong nhiều trường hợp, các điều tra viên, kiểm sát viên là nam giới nên việc xác minh, điều tra cũng ảnh hưởng đến tâm lý của người bị hại.

Chính vì thế, trợ giúp viên pháp lý Nguyễn Thị Ngà tư vấn phụ huynh khi phát hiện ra vụ việc cần giữ bình tĩnh, báo cáo ngay với tổ dân phố, khu phố là nơi gần gũi nhất hay hội phụ nữ, UBND xã, phường, công an khu vực. Đối với trẻ mới bị xâm hại thì giữ nguyên hiện trường, tuyệt đối không được xóa dấu vết ở trên người trẻ, như: Vết máu, tinh dịch. Lưu lại hết những chứng cứ như hình ảnh, thiết bị điện tử nhằm giúp công an phá án. Nếu vụ việc xảy ra lâu rồi thì đưa trẻ đến cơ quan y tế thăm khám và làm ngay đơn tố cáo kèm theo kết luận của cơ quan y tế. Đồng thời, có thể gọi ngay đến số 111 - tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, được nâng cấp từ Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 đã có hơn 13 năm hoạt động. “Chứng cứ về hành vi hiếp dâm, dâm ô là căn cứ buộc tội quan trọng nhất trong các vụ án này, vậy nên gia đình cần phải xử lý, thu thập chứng cứ ngay từ giai đoạn đầu khi phát hiện con mình có những biểu hiện bất thường. Công việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và các cơ quan chức năng” – chị Ngà chia sẻ.

Hơn 10 năm làm công tác trợ giúp pháp lý, điều mà chị Ngà vẫn luôn trăn trở chính là nhận thức của phụ huynh và chính bản thân nạn nhân: “Với các phụ huynh, chúng tôi muốn nói rằng, khi biết con bị xâm hại, bị bạo lực mà vẫn im lặng là lờ tội ác. Các bố mẹ phải mạnh dạn tố cáo ra pháp luật, để các em khác không là nạn nhân kế tiếp, khi thủ phạm chưa bị trừng trị. Các vụ xét xử tội danh hiếp dâm, xâm hại trẻ em luôn được xử kín, không nêu rõ tên họ các em, không đưa hình ảnh các em, nên các gia đình không sợ bên ngoài xã hội biết, các phụ huynh, các gia đình hoàn toàn có thể yên tâm về việc tố cáo tội phạm để cứu chính con em mình”.

Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]