(Baothanhhoa.vn) - Từ trung tâm huyện Bá Thước, đi ô tô chỉ mất khoảng 30 phút chúng tôi đã đến UBND xã Thành Sơn. Nhớ lại cách đây hơn 15 năm, để đến được đây chúng tôi đã mất cả nửa ngày vì đường đất trơn trượt, khó đi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đến với Kho Mường

Đến với Kho Mường

Nhà sàn đón khách du lịch ở Kho Mường.

Từ trung tâm huyện Bá Thước, đi ô tô chỉ mất khoảng 30 phút chúng tôi đã đến UBND xã Thành Sơn. Nhớ lại cách đây hơn 15 năm, để đến được đây chúng tôi đã mất cả nửa ngày vì đường đất trơn trượt, khó đi.

Nghe chúng tôi nhắc lại chặng đường vất vả lên Thành Sơn trước kia và sự đổi thay ngày nay, anh Hà Văn Hạnh, Chủ tịch UBND xã xác nhận thêm: “Đúng là từ ngày cầu La Hán được bắc qua sông Mã, trục đường 15C (nay là tỉnh lộ 521B, 521C) được làm mới, cuộc sống người dân các xã nơi đây đã đổi thay rõ rệt. Trước kia dọc 2 bên đường không có nhà dân, nay 2 bên đường người dân đã xây dựng nhà cửa để buôn bán, một số hộ còn làm những ngôi nhà sàn to đẹp để đón khách du lịch. Nhiều khách du lịch quốc tế rất thích đến nghỉ dưỡng ở các khu du lịch cộng đồng như bản Đôn (xã Thành Lâm), Kho Mường (xã Thành Sơn)”.

Qua chừng 3 km trên con đường độc đạo, đến một đỉnh dốc cao, anh Hạnh dừng xe và nói với chúng tôi: “Đến Kho Mường rồi đấy”. Từ đỉnh dốc cao nhất phóng tầm mắt nhìn xuống, Kho Mường nằm trọn trong một thung lũng được bao bọc bởi dãy núi đá vôi hùng vĩ. Trong cái nắng ngọt vàng mùa thu, Kho Mường hiện ra đẹp như một bức tranh.

Anh Hạnh đưa chúng tôi đến nhà văn hóa thôn Kho Mường – một ngôi nhà sàn to lớn. Anh Hà Văn Thào, Trưởng thôn Kho Mường vui vẻ làm hướng dẫn viên. Khi được hỏi về ý nghĩa của “Kho Mường”, anh Thào giải thích “Kho” nghĩa là cái gốc, “Mường” là làng. “Kho Mường” chính là nơi đầu tiên mà con người lập nghiệp tại khu vực này... Hiện nay, toàn thôn có 60 hộ dân với 225 khẩu. Trước kia, đời sống bà con Kho Mường vô cùng vất vả, bởi trình độ canh tác lúa nước thấp, giao thông khó khăn... Thu nhập chỉ trông chờ vào trồng lúa, nuôi gà, nuôi lợn. Năm 2017, cơn lũ lịch sử tràn về, ruộng đồng của thôn bị vùi lấp trong đất. Nhà nước phải hỗ trợ cải tạo lại đồng ruộng, đắp bờ mương, bà con mới canh tác lúa được. Cũng năm đấy, được huyện quan tâm lựa chọn xây dựng thôn nông thôn mới, bộ mặt Kho Mường dần đổi thay.

Nhờ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước cùng với số tiền bà con đóng góp, thôn đã làm được gần 3 km đường nội thôn bê tông hóa. Chương trình 135 hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa thôn theo kiểu nhà sàn, với số tiền 500 triệu đồng. Giờ đây, đường đi lối lại trong thôn sạch, đẹp. Năm 2018, thôn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Đi trên con đường bê tông, hai bên là dãy dừa cảnh xen lẫn từng khóm hoa, nối dài từ trong thôn đi qua cánh đồng lúa vàng dẫn đến hang Dơi, anh Thào cho biết: Đây là con đường được Nhà nước đầu tư vốn để phát triển du lịch. Điểm nhấn du lịch của Kho Mường mà du khách thích đến đó là hang Kho Mường (còn gọi là hang Dơi) - là một trong những hang động có vẻ đẹp hấp dẫn trong quần thể các hang động được phát hiện trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

Theo các nhà nghiên cứu, những khối đá vôi làm nên hang động này đã hình thành khoảng 250 triệu năm trước đây. Hang có mối liên hệ với hệ thống sông dưới lòng đất với chiều dài khoảng 2,5 km về phía Bắc và dẫn nước từ Kho Mường qua làng Pốn, thuộc xã Lũng Cao. Hệ thống sông, suối chảy trong lòng hang là đặc điểm chung được biết tới của các khu vực núi đá Kart, nó tạo ra sự kết nối giữa các thung lũng lòng chảo bằng sự liên kết của các dòng chảy. Đặc biệt hơn, hang Kho Mường còn là nơi trú ngụ của nhiều loại dơi. Trong đó có cả những loài dơi ăn thịt côn trùng và những loài ăn quả.

Ra khỏi bản, anh Thào đưa chúng tôi đến thăm mô hình trồng cam của gia đình ông Ngân Văn Hiên. Đồi cam của gia đình ông nằm tách biệt khỏi thung lũng - nơi người dân trong bản sinh sống khoảng gần 1 km. Nhà ông có khoảng 3 ha đồi đất, trước kia trồng sắn, ngô và cây rừng nhưng hiệu quả mang lại không cao. Năm 1997, để lấy ngắn nuôi dài, ông trồng mía được vài năm, sau đó mạnh dạn chuyển một phần sang trồng cam, quýt hôi. Để có nguồn nước tưới cho cây, ông đã bỏ ra 80 triệu đồng mua 3.000m dây, dẫn một đường ống nước từ mó ở trên đồi về tưới. Đến nay, trên diện tích 1,5 ha, ông trồng được 700 gốc cam, 100 gốc quýt hôi; mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng. Ngoài phát triển diện tích cam của gia đình, hộ dân nào có nhu cầu giống, ông Hiên đều cung cấp. Đến nay, toàn xã có khoảng 150 hộ trồng cam, trong đó rất nhiều hộ lấy giống cam nhà ông Hiên.

“Cái khó hiện nay của bà con Kho Mường chúng tôi là làm ra sản phẩm ngon, sản phẩm sạch nhưng tiêu thụ còn khó khăn. Nhiều khách du lịch muốn đến Kho Mường nhưng vẫn ngại vì ô tô chưa vào được đến nơi. Chỉ mong thời gian không xa nữa, Kho Mường có con đường bê tông nối với trung tâm xã” - vừa mời chúng tôi ăn cam, ông Hiên vừa bộc bạch.

Trên đường quay về UBND xã, anh Hạnh cho biết thêm: Thành Sơn có độ cao từ 500 - 1.700m so với mực nước biển và độ dốc trên 25 độ chiếm trên 70% diện tích tự nhiên của xã nên mưa xuống hoặc lũ ống, lũ quét gây ra xói mòn, rửa trôi đất. Vào mùa khô thì mực nước ngầm xuống thấp dẫn đến tình trạng khan hiếm và thiếu nước, do đó cây trồng cũng kém phát triển, năng suất lúa thấp, thu nhập bình quân đầu người hơn 19 triệu đồng/năm. Toàn xã có 555 hộ dân thì có tới 185 hộ nghèo, chiếm 33,33% tổng số hộ. Với lợi thế sẵn có, nếu được đầu tư con đường thì chắc chắn Kho Mường sẽ trở thành điểm phát triển nhất nhì của xã Thành Sơn.

Tô Dung


Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]