(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, Nhà nước ta đã không ngừng tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức, trong đó có hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) ở cơ sở, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này đang dần bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục mới phát huy được hết giá trị như mong đợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để tủ sách pháp luật xã, phường, thị trấn phát huy hiệu quả

Những năm qua, Nhà nước ta đã không ngừng tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân bằng nhiều hình thức, trong đó có hoạt động xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật (TSPL) ở cơ sở, đây cũng là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, hiện nay hoạt động này đang dần bộc lộ những hạn chế cần phải khắc phục mới phát huy được hết giá trị như mong đợi.

100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng tủ sách pháp luật.

Việc trang bị và khai thác TSPL

Nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua xây dựng và khai thác TSPL, những năm qua, toàn tỉnh đã tập trung nguồn lực để xây dựng TSPL tại các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, trường học phục vụ cán bộ, công nhân, viên chức và đông đảo quần chúng nhân dân. Theo báo cáo của Sở Tư pháp, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến nay các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đều đã có TSPL. 100% xã, phường, thị trấn xây dựng TSPL, bình quân mỗi tủ sách có từ 150 đến 250 đầu sách và hàng năm đều bổ sung, trang bị thêm đầu sách.

Cùng với việc xây dựng TSPL ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, nhiều huyện, xã cũng đã xây dựng nhiều tủ sách ở các điểm bưu điện văn hóa xã. Đến nay, toàn tỉnh có 220/567 điểm bưu điện văn hóa có tủ sách. Điển hình như các huyện: Yên Định (29 điểm), Bá Thước (23 điểm), Như Xuân (18 điểm), Như Thanh (7 điểm), thị xã Bỉm Sơn (3 điểm và 9 ngăn sách pháp luật)... Nhiều thôn, bản, khu phố thuộc các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đã xây dựng được TSPL. Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 800 thôn, bản, khu phố đã có TSPL.

Việc trang bị TSPL góp phần tích cực trong việc nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ hiểu biết của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh và nhân dân trên địa bàn, giảm thiểu tình trạng khiếu nại, tố cáo của công dân. Qua theo dõi trong năm 2017 có 18.253 người đến xã, phường, thị trấn mượn sách (riêng ở các xã, thị trấn vùng sâu, vùng xa có 4.000 người đến mượn). Các cơ quan, đơn vị, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cũng đã quan tâm bố trí kinh phí cho việc bổ sung sách pháp luật cho TSPL. Hiệu quả mang lại thì rõ rệt, tuy nhiên những năm gần đây việc khai thác, sử dụng TSPL ở một số địa phương đã có sự chững lại, vậy nguyên nhân do đâu?

Qua trò chuyện với đồng chí Ngô Thị Lý, cán bộ tư pháp - hộ tịch xã Xuân Sơn (Thọ Xuân), được biết: Những năm trước đây, khi TSPL mới ra đời, cán bộ, nhân dân trong xã thường xuyên đến mượn đọc, tra cứu các tài liệu, văn bản pháp luật hoặc tìm đọc những cuốn sách có liên quan đến cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi, các mô hình kinh tế hiệu quả để học tập và áp dụng vào sản xuất. Song, số người tìm đến với tủ sách ngày một ít đi, một tuần chỉ có một vài người đến mượn sách. Vì vậy, từ chỗ có 2 TSPL, đến nay xã đã sáp nhập thành một, đặt tại văn phòng “một cửa” UBND xã.

Không đặt tại văn phòng “một cửa” như xã Xuân Sơn, TSPL của xã Xuân Chinh (Thường Xuân) lại đặt trong góc khuất phòng làm việc của cán bộ tư pháp - hộ tịch. Trên kệ đặt sách, các sách liên quan đến pháp luật được sắp xếp lộn xộn trong một ô, còn lại là các cặp công văn, giấy tờ. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết xã có 1 TSPL; dưới thôn có 3 tủ sách, trong đó 1 tủ sách đặt tại nhà văn hóa thôn, 2 tủ sách đặt tại nhà trưởng thôn do thôn chưa có nhà văn hóa. Nhìn chung, những năm gần đây TSPL gần như không phát huy được hiệu quả.

Những bất cập trên không chỉ riêng tại 2 xã Xuân Sơn và Xuân Chinh mà đây cũng là thực tế tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa cơ sở hạ tầng và kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Trong báo cáo về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở và tình hình xây dựng hương ước của huyện Như Xuân tại buổi làm việc với đoàn công tác Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh (tháng 9-2017) nêu rõ “Từ vài năm trở lại đây nhiều xã chưa thường xuyên bổ sung được nhiều các đầu sách mới cho TSPL”. Qua quan sát thực tế tại các TSPL ở một số xã, chúng tôi thấy số lượng, chất lượng đầu sách chưa thực sự phong phú, các sách mới chưa được cập nhật kịp thời. Các TSPL hiện còn thiếu những loại văn bản liên quan trực tiếp đến đời sống hàng ngày của người dân, như: Chính sách bồi thường đất đai, giải phóng mặt bằng của Nhà nước hay quy định về giá đất đai hàng năm... Một số tủ sách tại các xã còn mang tính hình thức, sách về pháp luật được đặt chung trong một tủ với các hồ sơ, văn bản của UBND xã.

Nguyên nhân và giải pháp

Khi được hỏi về nguyên nhân dẫn đến những TSPL cấp xã rơi vào tình trạng ít được người dân đến tìm hiểu, lãnh đạo phòng tư pháp ở một số huyện cho biết là do cấp ủy, chính quyền một số xã, thị trấn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL dẫn đến các đầu sách nghèo nàn và hệ quả ít người tìm đến mượn đọc và nghiên cứu pháp luật.

Đồng chí Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cũng cho rằng, nguyên nhân là do một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát huy hiệu quả của TSPL. Ở một số địa phương, công tác quản lý cũng như phục vụ, khai thác tủ sách chưa thực sự được chú ý. Số lượng sách, báo, tài liệu pháp luật còn quá ít, phần lớn là các tài liệu cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Một số tủ sách tồn tại chỉ mang tính hình thức. Nhiều sách, văn bản pháp luật quan trọng, thiết thực mới ban hành không được bổ sung; văn bản pháp luật hết hiệu lực vẫn trưng bày; cán bộ đa số là kiêm nhiệm, vị trí đặt tủ sách chưa phù hợp, chưa quan tâm đến việc bố trí không gian phù hợp tạo thuận tiện cho người dân trong việc đọc sách. Bên cạnh đó, cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng người dân chưa có thói quen tự tìm hiểu pháp luật thông qua TSPL. Chỉ khi có những vướng mắc liên quan đến pháp luật hoặc quyền lợi gia đình, cá nhân thì lúc đó mới tìm hiểu. Hơn nữa, hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển, người dân có thể khai thác thông tin trên mạng internet một cách nhanh chóng, thuận tiện, nên các TSPL ít được chú ý.

Để khắc phục tình trạng trên, thiết nghĩ cần tiếp tục tăng cường thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về vị trí, vai trò của TSPL trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; có hình thức, biện pháp phù hợp để thông tin, giới thiệu các sách, tài liệu của tủ sách đến cán bộ, nhân dân. Các huyện cần rà soát, kiểm tra việc bổ sung, mua sách, tài liệu mới định kỳ để cung cấp cho TSPL; bảo đảm bổ sung các sách có chất lượng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu người đọc. Các xã, phường thị trấn cần quan tâm bố trí cán bộ phụ trách TSPL; bảo đảm kinh phí để bổ sung sách, báo, tài liệu pháp luật cũng như đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất cho quản lý, khai thác TSPL một cách hiệu quả, trong đó có việc bố trí máy tính kết nối mạng internet để khai thác tài liệu, văn bản pháp luật... Bố trí địa điểm đặt tủ sách theo đúng quy định. Định kỳ thực hiện luân chuyển, trao đổi sách, tài liệu pháp luật giữa TSPL cấp xã với các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở; các loại hình tủ sách tự quản tại cộng đồng mà người dân dễ tiếp cận. Khuyến khích các cá nhân tham gia bằng loại hình tủ sách tự quản để phục vụ tốt hơn công tác thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.


Bài và ảnh: Tô Dung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]