(Baothanhhoa.vn) - Bao đời nay, người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) sống yên bình bên những nếp nhà sàn được núi non bao bọc. Nhưng trận mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ngày 3-8 đã khiến lũ đổ về cuốn trôi theo hàng chục ngôi nhà. Người mất, nhà tan, tay trắng… người dân Sa Ná vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ dữ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để Sa Ná nhanh chóng hồi sinh sau lũ

Bao đời nay, người dân bản Sa Ná, xã Na Mèo (huyện Quan Sơn) sống yên bình bên những nếp nhà sàn được núi non bao bọc. Nhưng trận mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 ngày 3-8 đã khiến lũ đổ về cuốn trôi theo hàng chục ngôi nhà. Người mất, nhà tan, tay trắng… người dân Sa Ná vẫn chưa hết bàng hoàng sau cơn lũ dữ.

Để Sa Ná nhanh chóng hồi sinh sau lũ

Nhiều ngày sau lũ, Sa Ná vẫn ngổn ngang đất đá, củi gỗ.

Nỗi đau chưa nguôi

15 ngày sau khi cơn lũ đi qua, hàng trăm tấn đất, đá, gỗ mục… vẫn ngổn ngang 2 bên đường ở Sa Ná. Vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận lũ lịch sử, anh Nguyễn Xuân Phương, Trưởng bản Sa Ná, chia sẻ: Bản Sa Ná được thành lập đầu tiên của xã Na Mèo. Nơi đây chủ yếu là dân tộc Thái. Không phải ngẫu nhiên mà tổ tiên người Sa Ná chọn vùng đất này lập nghiệp. Vùng đất tuy khó khăn vì giao thông đi lại khó khăn, nhưng lại được bao phủ bởi núi rừng xanh mướt, không khí mát mẻ, nguồn nước dồi dào thuận lợi phát triển nông nghiệp. Người dân nơi đây bao đời sống bằng nghề trồng lúa, đi rừng làm nan thanh.

“Theo phong tục, người Thái thường dựng nhà ven sườn núi, vùng đất cao. Khu những người dân Sa Ná đầu tiên lập bản là khu vực ven đồi cách xa dòng suối Sa Ná. Vào năm 2007, do dân cư ngày càng đông, không còn quỹ đất để người dân làm nhà nên nhiều hộ đã tách ra dựng nhà tại khu vực gần suối. Đây cũng là nơi tâm lũ đổ về khiến người dân bị thiệt hại nặng nề về người và tài sản” – Anh Phương cho biết.

Là một trong những hộ có người thân chết và mất tích trong trận lũ, chị Nguyễn Thị Tiếm, giáo viên hợp đồng của điểm trường tiểu học Sa Ná (Trường tiểu học Na Mèo) nghẹn lại khi được hỏi về thiệt hại của gia đình sau cơn lũ kinh hoàng vừa qua: Bao nhiêu năm sinh sống tại vùng đất này, đây là đầu tiên chị chứng kiến trận lũ kinh hoàng đến vậy. Chỉ trong chớp mắt, chị đã mất đi người thân là đứa con trai vừa mới sinh được hơn 2 tháng tuổi và người chị dâu. Chồng chị cũng bị lũ cuốn trôi may mà được người dân cứu kịp thời, hiện vẫn bị thương nặng đang phải điều trị ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Nhà cửa, tài sản cũng trôi theo dòng nước lũ.

Ngay sau khi gia đình chị Tiếm và nhiều gia đình khác bị mất nhà trong trận lũ, chính quyền địa phương đã nhanh chóng bố trí nơi ở tạm tại các nhà người thân hoặc người dân trong bản. Với tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, người dân bản Sa Ná đùm bọc nhau qua cơn hoạn nạn. Các cấp chính quyền cùng những nhà hảo tâm đã rất nhanh chóng hỗ trợ người dân vùng lũ, động viên tinh thần và hỗ trợ về nhu yếu phẩm, quần áo… không để người dân thiếu đói. Cũng nhờ có sự chung tay của cộng đồng, các cấp, các ngành, chính quyền tỉnh và cả nước đã phần nào xoa dịu bớt những đau thương, mất mát của người dân vùng lũ Sa Ná, từng bước giúp người dân gượng dậy sau lũ để ổn định cuộc sống mới.

Cùng chung nỗi đau mất người thân, anh Ngân Văn Thiên cũng đã mất cả bố và mẹ anh trong trận lũ. Con trai anh bị lũ cuốn trôi 4 km đã may mắn thoát chết thần kỳ nhờ người dân cứu giúp. Nén đau thương, gia đình anh đang cố gắng để khắc phục những thiệt hại do cơn lũ gây ra. Trong những ngày qua, gia đình anh cũng được các tổ chức, cá nhân từ thiện động viên tinh thần, ủng hộ vật chất, tiền mặt… để lo cho cuộc sống và hỗ trợ xây dựng nhà mới. “Hiện nay, chính quyền huyện Quan Sơn cũng đang khẩn trương làm mặt bằng khu tái định cư cho những hộ dân bị mất nhà đến nơi ở mới. Chúng tôi, mong nhanh chóng có nhà mới để sớm ổn định cuộc sống, an cư lập nghiệp”, anh Thiên nói.

Nhanh chóng ổn định đời sống cho người dân Sa Ná

Bản Sa Ná được thành lập từ những năm 1930-1931. Từ ngày thành lập bản đến nay, đây là lần thứ 2 lũ về Sa Ná (lần thứ nhất là năm 1990) nhưng lại là cơn lũ lịch sử gây thiệt hại nặng nề nhất về người và tài sản.

Bản Sa Ná hiện có 79 hộ dân sinh sống. Trong trận lũ ngày 3-8, có 27 hộ bị trôi hoàn toàn, 11 hộ bị sập và cuốn trôi tài sản, 44 hộ bị ảnh hưởng. Những hộ cuốn trôi đều là những hộ nằm dọc ven bờ suối với chiều dài khoảng 300m.

Để Sa Ná nhanh chóng hồi sinh sau lũ

Đoàn viên thanh niên đang khẩn trương giúp người dân xây dựng khu tái định cư.

Theo trưởng bản Sa Ná Nguyễn Xuân Phương, phong tục của người Thái là không dùng các loại gỗ không rõ nguồn gốc để dựng nhà, đặc biệt gỗ lũ mang từ thượng nguồn về đã khiến nhiều người dân nơi đây thiệt mạng. Vì vậy, hiện nay người dân cũng đang chờ hướng xử lý số gỗ trên của cơ quan chức năng.

Cùng với công tác khắc phục sau bão như: dọn dẹp, vệ sinh môi trường, phun thuốc khử trùng chống dịch, chính quyền các cấp đã nhanh chóng chăm lo đời sống cho người dân vùng lũ, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Đến nay, cuộc sống của người dân đã tạm ổn định. Để đảm bảo an toàn cho người dân, khu tái định cư đang được xây dựng trên khu vực đồi Pom Ngồ cách vị trí cũ gần 1km. Khu tái định cư có diện tích 5,2ha để xây dựng cho 51 hộ dân bị thiệt hạng nặng nề trong trận lũ cùng nhà văn hóa bản Sa Ná và khu trường học cho học sinh tiểu học bản Sa Ná và bản Son.

Để Sa Ná nhanh chóng hồi sinh sau lũ

Đoàn viên thanh niên đang khẩn trương giúp người dân xây dựng khu tái định cư.

Nhiều ngày sau lũ, bản Sa Ná giờ như một công trường xây dựng với không khí làm việc khẩn trương. Từng đoàn xe chở vật liệu xây dựng, cột điện, luồng… nối tiếp nhau ra, vào bản. Hàng ngày có từ 70-100 đoàn viên thanh niên các xã trên địa bàn huyện tình nguyện vào Sa Ná giải phóng mặt bằng giúp dân xây dựng khu tái định cư; lực lượng bộ đội biên phòng cùng những người thợ đang hối hả dựng trường học tạm cho học sinh kịp ngày tựu trường. Tất cả đang chung tay giúp Sa Ná nhanh chóng hồi sinh sau lũ.

Trao đổi với Báo Thanh Hóa, ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, cho biết: huyện Quan Sơn đang tiếp tục huy động lực lượng tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ tỉnh Hủa Phăn (Nước CHDCND Lào) tìm kiếm 7 người mất tích (hiện đã tìm được 1 người tại địa phận xã Sơn Thủy); xây dựng khu tái định cư cho bà con. Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại khu tái định cư và các công trình công bị thiệt hại trong trận lũ, huyện Quan Sơn đã xây dựng cầu dã chiến qua sông Luồng thay cầu phao để xe chở vật liệu vào bản Sa Ná. Đến thời điểm hiện nay, khu tái định cư đã giải phóng mặt bằng và đang tiến hành san ủi mặt bằng. Do mưa lũ thất thường nên huyện chỉ đạo khẩn trương đưa vật liệu vào để xây dựng khu tái định cư cho kịp tiến độ. Khu trường học của học sinh tiểu học bản Son và Sa Ná sẽ được xây dựng kiên cố tại khu tái định cư và dự kiến đến 30-9 học sinh sẽ được học ở ngôi trường mới. Trong khi chờ trường mới, huyện đã tiến hành xây dựng khu nhà lắp ghép để học sinh tựu trường theo đúng kế hoạch năm học 2019-2020.

Hoàng Giang-Thu Hà


Hoàng Giang-Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]