(Baothanhhoa.vn) - Nghe điện thoại trực ban, ghi chép nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn… đó là những công việc chính mà mỗi nhân viên gác chắn phải làm. Nghe thật đơn giản, nhưng phía sau những rào chắn đó, để có được chuyến tàu bình an họ phải chịu biết bao nhọc nhằn, nguy hiểm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Để những chuyến tàu… bình an

Nghe điện thoại trực ban, ghi chép nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn… đó là những công việc chính mà mỗi nhân viên gác chắn phải làm. Nghe thật đơn giản, nhưng phía sau những rào chắn đó, để có được chuyến tàu bình an họ phải chịu biết bao nhọc nhằn, nguy hiểm.

Những người gác chắn, họ miệt mài làm việc không kể ngày đêm.

Những đêm trắng

Đúng 23h, khi cả thành phố chìm vào giấc ngủ, chúng tôi có mặt tại điểm chắn Nam Thanh Hóa – một trong những điểm có mật độ phương tiện qua lại đông nhất của địa phương nhưng giờ này cũng đã thưa dần. Trong căn nhà gác đường ngan rộng chừng hơn chục m2, ngoài chiếc điện thoại bàn, mấy cuốn sổ ghi chép cùng vài vật dụng cá nhân cần thiết thứ còn lại chỉ là bốn bức tường.

Là người có 10 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Bắc (30 tuổi), bộc bạch: “Nhiều lúc tôi cũng không nhớ rõ mình đã chuyển qua bao nhiêu điểm chắn ngang rồi. Khi mới bắt đầu bước chân vào nghề, tôi vô cùng bỡ ngỡ, bị đau đầu, chóng mặt vì thức đêm là chuyện thường, nhưng giờ đêm nào không phải trực lại cảm thấy khó ngủ”.

Theo chị Bắc, công việc chính của các nhân viên gác chắn là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang. Ngoài ra, người trực gác chắn còn có thêm nhiệm vụ như bảo dưỡng giàn chắn, đồng thời quản lý và bảo trì đường sắt hai bên chắn. Hướng dẫn, giúp đỡ người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn khi qua đường ngang, đảm bảo không bị ùn tắc.

Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng bởi tiếng chuông điện thoại. Cuộc điện thoại dứt, cũng là lúc chị Bắc cùng đồng nghiệp vội vã cầm đèn tín hiệu, còi ra thực hiện nhiệm vụ. Khi tiếng còi tàu nhỏ dần, đoàn tàu khuất xa trong màn đêm, chị trở về trạm gác với nụ cười nhẹ nhõm.

Khi phố xá lên đèn, mỗi gia đình chuẩn bị quây quần bên mâm cơm đầm ấm thì cũng là lúc những công nhân gác chắn bắt đầu lên ban. Họ phải làm việc theo ban, mỗi ban kéo dài 12 tiếng (từ 18h đến 6h sáng hôm sau). Mỗi tháng làm 20 ban, 10 ngày và 10 đêm, khi đã lên ban thì tuyệt đối không được ngủ hay rời trạm gác. Hôm nào thiếu nhân viên thì các chị phải làm 24 tiếng/ngày.

Ông Nguyễn Văn Tạo (52 tuổi), người đã gắn bó 34 năm với nghề, chia sẻ: “Công việc gác tàu là công việc cực kỳ áp lực, đầu óc luôn phải căng như dây đàn. Chúng tôi thường nhận tin báo trước khi tàu đến chỉ khoảng vài phút, vì vậy dù thế nào thì nhân viên gác chắn cũng không được ngủ hay rời trạm gác, vì chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Nam giới còn đỡ, chứ chị em phụ nữ thì cực kỳ vất vả, bởi sau những đêm thức trắng họ lại về nhà chăm sóc gia đình nhỏ của mình”.

“Gác”… bằng cả tấm lòng

Chia tay chị Bắc, ông Tạo chúng tôi đến điểm chắn Thanh Niên, lý trình đường sắt 173+450 ở phía Bắc TP Thanh Hóa. Lúc này, cả phố phường đã chìm vào giấc ngủ, chỉ còn một vài quán ăn đêm ven đường sáng đèn. Như thấy được sự băn khoăn của chúng tôi, anh Phan Hữu Đức (29 tuổi), trần tình: “Đây là điểm chắn ngang “nhạy cảm” nhất của cả tỉnh, vì vậy mỗi ca trực chúng tôi luôn được bố trí tới 4 người. Ngày thường thì còn đỡ, có những đêm giông bão, nhất là khi tàu gặp sự cố không đến đúng giờ chúng tôi phải mặc áo mưa chờ cả nửa tiếng đồng hồ. Những lúc như thế, dù đường rất vắng nhưng chúng tôi vẫn phải tuân thủ theo quy trình bởi chỉ cần một sơ xuất nhỏ có thể xảy ra những hậu quả đáng tiếc”.

Nghề gác chắn phải cần mẫn, yêu nghề thì mới có thể làm được.

Anh Đức cho biết, theo quy định, khi tàu qua đường ngang, nếu mật độ xe cộ đông, thời gian đóng chắn là 3 phút, nếu đường thưa thì không quá 5 phút. Ở đây, mật độ phương tiện qua lại rất đông, mỗi khi tàu sắp tới, dù rào chắn chuẩn bị đóng nhưng mọi người vẫn thường “tranh thủ” chạy qua, nhiều người chờ lâu một chút đã rú ga, to tiếng hoặc văng tục. Đó là chưa kể đến việc trực đêm tại chắn, nhân viên nữ còn bị những đối tượng nghiện hút, say rượu, các thành ,phần bất hảo quấy rối, trêu chọc.

Chỉ cách đây chưa lâu, tại điểm chắn này, khi nhân viên gác chắn ngang đang đóng đường cho tàu qua thì một chiếc ô tô 7 chỗ lao tới húc tung rào chắn. Rất may không thiệt hại về người.

“Trung bình khoảng 35 – 45 phút sẽ có một chuyến tàu chạy qua. Vào dịp lễ, tết có những hôm mỗi ban phải đón 22 – 24 chuyến tàu, nhiều người mệt quá ngồi luôn ngoài đường ray cho đỡ mất công di chuyển. Chúng tôi luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo cho những chuyến tàu và các phương tiện khác lưu thông an toàn. Thanh chắn gãy có thể thay mới, chỉ sợ nguy hiểm đến tính mạng con người. Nếu không yêu thì khó có thể trụ nổi với nghề gác chắn này!”, anh Đức chia sẻ.

Trong số công nhân gác chắn, có những người còn rất trẻ, cũng có những người đã có gia đình nhưng họ đều xác định đã theo nghề là hy sinh một phần cuộc sống vì công việc. Chị Nguyễn Thị Duyên (33 tuổi) tâm sự: “Làm nghề này khó có thời gian trọn vẹn bên con. Bé thứ 2 nhà mình đã phải bỏ sữa mẹ từ khi 12 tháng tuổi, nhưng cũng may gặp được sự động viên, chia sẻ của gia đình nhà chồng nên mọi việc đều trọn vẹn”.

Theo chị Duyên, công việc của người gác chắn lo nhất là đêm khuya thanh vắng, mà rất dễ buồn ngủ. Những lúc như thế, các chị phải uống thật nhiều cà phê và đi lại nhiều lần trong trạm. Đầu óc luôn căng như dây đàn, chỉ khi nào hết ca trực thì mới thấy tinh thần thoải mái. “Nghề này thì làm gì có thời gian nghỉ ngơi, nhiều khi mệt muốn ngủ nhưng không được phép ngủ, mình phải luôn túc trực tàu qua để tránh tai nạn xảy ra, rồi cũng quen dần. Để đảm bảo chuyến tàu bình an, nhiều khi đang ăn dở bát cơm cũng phải đứng dậy…”, chị Duyên chia sẻ.

Sau một đêm chờ tàu cùng họ, chúng tôi mới hiểu hết những nhọc nhằn, vất vả của những công nhân gác chắn! Mỗi chuyến tàu đi qua, chỉ mất khoảng 5 phút để hạ gác chắn, nhưng chỉ cần lơ là một chút cũng có thể ảnh hưởng đến tính mạng của bao nhiêu người. Mỗi chuyến tàu bình an đi qua là niềm vui vô giá với những người làm nhiệm vụ “bảo đảm tính mạng cho người khác”.

Công việc của họ tuy vất vả là thế, nhưng trung bình mỗi nhân viên gác chắn nhận được mức lương từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/tháng. “Với mức lương hiện nay, khó để trang trải đủ cho con cái học hành. Chỉ mong, có một thu nhập ổn định hơn để anh em chúng tôi yên tâm cống hiến”, một nhân viên gác chắn chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Minh – Phó Giám đốc Công ty cổ phần đường sắt Thanh Hóa, cho biết: “Hiện tại Công ty quản lý 120 km đường sắt với 31 điểm chắn, có 253 công nhân gác chắn thì phần đa là nữ. Công việc của họ nhìn có vẻ giản đơn nhưng không phải ai cũng có thể làm được, bởi không chỉ vất vả mà có rất nhiều hiểm nguy luôn rình rập. Chúng tôi chỉ mong, Nhà nước có một mức lương phù hợp hơn để những công nhân gác chắn yên tâm công tác”.

Nắng mưa, gió rét… không làm cho những người gác chắn nản lòng. Ngày qua ngày, những chuyến tàu vẫn cứ thế đi qua. Còn họ - những người gác chắn, vẫn luôn lặng lẽ, khiêm nhường như chính công việc mà họ đang gắn bó.


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]