(Baothanhhoa.vn) - Những con đường, những chợ kiên cố, hệ thống kênh mương nội đồng và cả những ngôi trường học khang trang... được đầu tư xây dựng đã và đang làm thay đổi đời sống của người dân vùng bãi ngang ven biển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã bãi ngang: Tiếp sức cho người dân vùng khó

Những con đường, những chợ kiên cố, hệ thống kênh mương nội đồng và cả những ngôi trường học khang trang... được đầu tư xây dựng đã và đang làm thay đổi đời sống của người dân vùng bãi ngang ven biển.

Một công trình được đầu tư từ Chương trình 257 tại xã Nga Tiến (Nga Sơn).

Cuộc sống chuyển mình

Trở lại vùng bãi ngang ven biển, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng đất nơi đây. Bà Nguyễn Thị Lài, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) kể: “Trước đây đường sá trong thôn chủ yếu là đường đất, lầy lội, nước từ các khu chế biến hải sản thải ra ứ đọng gây ô nhiễm môi trường, khó khăn trong việc đi lại và phát triển kinh tế. Sau khi được Nhà nước hỗ trợ xây dựng các công trình dân sinh như đường giao thông nông thôn, đường ra bến cá... đã tạo điều kiện thuận tiện cho việc đi lại, sản xuất, giao thương.

Một trong những công trình được người dân các xã bãi ngang đồng thuận hưởng ứng là nhờ có nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương đã xây dựng các công trình phục vụ đi lại, khám, chữa bệnh cho con em, nhân dân trong xã cũng như nhân dân các xã lân cận. Không còn cảnh phải huy động hàng trăm nhân công để be đập ngăn nước phục vụ sản xuất; đến mùa mưa bão đập bị mưa lũ phá vỡ, đến vụ sản xuất sau lại phải be đập khác, tốn công sức, tiền bạc của người dân. Nhiều công trình thủy lợi được đầu tư để giúp dân chủ động nguồn nước tưới, giảm nguy cơ sạt lở, xói mòn. Ông Bùi Ngọc Châu, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa) cho hay: Là một trong những địa phương được thụ hưởng Chương trình 257, từ năm 2016 đến nay, xã Hoằng Hải đã đầu tư trên 9,7 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương 3,156 tỷ đồng, còn lại ngân sách địa phương và vốn huy động hợp pháp khác) để đầu tư xây dựng các công trình như: Trạm y tế xã, đường giao thông nông thôn, đường ra bến cá... Riêng năm 2018, UBND xã đang triển khai xây dựng công trình xây mới kênh mương nội đồng đoạn từ đường tỉnh 510 đến trạm bơm Nổ Hãy; từ hồ Đồng Nững đến tuyến cây Đa và đến điểm tiếp nối giữa kênh N21 và kênh Trường Phụ... với tổng mức đầu tư trên 4,9 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương trên 3 tỷ đồng). Hiện các công trình đã và đang trong giai đoạn hoàn thiện để sớm đi vào sử dụng.

Trước đây, tại các xã bãi ngang ven biển không ít khu chợ xuống cấp nghiêm trọng, tiểu thương buôn bán thường lấn chiếm lề đường, gây mất trật tự và xảy ra tai nạn giao thông. Từ năm 2011 đến nay, Chương trình 257 đã hỗ trợ trên 10 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa các chợ tại các xã bãi ngang. Trong số các chợ được đầu tư, nhiều chợ có quy mô lớn trở thành nơi trao đổi, buôn bán sầm uất của người dân địa phương và các vùng lân cận như: Chợ cá xã Hưng Lộc, được đầu tư xây dựng với số tiền 2 tỷ đồng từ chương trình bãi ngang và gần 1,5 tỷ đồng huy động từ nguồn lực của địa phương. Khu chợ khang trang, thuận tiện trong lưu thông đã thu hút bà con ở các xã trong vùng tham gia trao đổi hàng hóa; hay như, chợ cá tại các xã Nghi Sơn, Hải Hà (Tĩnh Gia) cũng được đầu tư xây dựng với quy mô lớn đã giúp người dân và các tiểu thương có chỗ mua bán sạch sẽ, không phải tranh giành, chiếm dụng lòng, lề đường gây cản trở giao thông như trước kia.

Ngoài việc đầu tư các hạng mục nêu trên, từ năm 2014 đến nay, Chương trình 257 được mở rộng thêm danh mục công trình đầu tư xây dựng trường học, trung tâm văn hóa - thể thao, trạm y tế... đã tạo điều kiện để các xã bãi ngang ven biển hoàn thiện và phát triển thêm cơ sở hạ tầng, vươn lên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân.

Nhà nước đầu tư, nhân dân chung sức

Theo Quyết định số 257/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách và hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo (gọi tắt là Chương trình 257), giai đoạn 2013-2015 toàn tỉnh có 37 xã bãi ngang, đến giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh giảm xuống còn 30 xã. Có thể nói, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ được đầu tư trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển như các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nông thôn mới... giúp cho bộ mặt các xã có nhiều khởi sắc, kinh tế - xã hội từng bước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu (giao thông, thủy lợi, y tế, trường học, nước sạch, điện...) từng bước được tăng cường; an ninh trật tự, an toàn xã hội ổn định nhằm tạo điều kiện phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng đất ven biển và hải đảo. Chỉ trong năm 2018, tại các xã bãi ngang đã có 22 công trình được đầu tư xây dựng với số tiền trên 29,3 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 22 tỷ đồng, ngân sách huyện, xã trên 5,5 tỷ đồng, số còn lại là huy động từ nhân dân và các nguồn vốn khác) để xây dựng các kết cấu hạ tầng thiết yếu, như đường giao thông nông thôn, đường ra bến cá, khu nuôi trồng thủy sản, kênh mương tưới tiêu, trạm y tế...

Chương trình bãi ngang ven biển phát huy sức mạnh cộng đồng khi người dân chủ động thống nhất chọn công trình và triển khai xây dựng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Từ khi thực hiện chương trình này, sức mạnh cộng đồng tại các xã có đầu tư đã phát huy với phương châm “Nhà nước đầu tư, nhân dân chung sức”. Người dân tại khu vực này đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất làm đường, xây trường học và các địa phương đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã bãi ngang; thực hiện duy tu, bảo dưỡng các công trình thiết yếu đã xây dựng bị xuống cấp tại các địa phương ven biển.

Ông Lê Minh Hành, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Từ các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế chính là cơ hội thoát nghèo và là cú hích quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của các xã bãi ngang ven biển, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Qua đó, người dân nói chung và người nghèo nói riêng có điều kiện hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, các dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập.

Chương trình 257 đã và đang tạo thêm nguồn lực giúp các xã bãi ngang ven biển vươn lên phát triển sản xuất, tuy nhiên, mức hỗ trợ kinh phí cho các công trình còn thấp so với thực tế đầu tư xây dựng. Trong khi đó, điều kiện kinh tế tại các xã bãi ngang còn nhiều khó khăn, người dân thường xuyên chịu rủi ro từ những tác động tiêu cực của thời tiết, đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp, khai thác và nuôi trồng thủy, hải sản. Việc huy động ngân sách địa phương cũng như nguồn đóng góp của nhân dân còn hạn chế. Để thực sự phát huy hiệu quả chương trình giảm nghèo tại các xã bãi ngang ven biển, cần hơn nữa những chính sách phù hợp, sự chủ động khắc phục khó khăn của mỗi địa phương để khai thác tiềm năng, phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]