Đào tạo nghề, giải quyết việc làm - giải pháp giảm tình trạng bạo lực gia đình

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm - giải pháp giảm tình trạng bạo lực gia đình

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm - giải pháp giảm tình trạng bạo lực gia đình

Nhiều lao động nữ được tạo điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập tại Công ty TNHH Giầy Alena Việt Nam (Yên Định).

Bạo lực gia đình (BLGĐ) được xem là một tệ nạn xã hội, với các biểu hiện như: Bạo lực về thể chất, về tinh thần..., gây tổn thương cho nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, ảnh hưởng xấu đến xã hội. Một trong những nguyên nhân khiến phụ nữ và trẻ em bị bạo lực là do cuộc sống khó khăn, phải phụ thuộc, nhận thức hạn chế... Xác định được nguyên nhân, những năm qua, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả trong phòng chống BLGĐ, trong đó có giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ.

Với chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về lĩnh vực lao động - người có công và xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đã chủ động thực hiện lồng ghép các nội dung phòng, chống BLGĐ vào các chương trình, nhiệm vụ của ngành trong đó trọng tâm là phòng, chống BLGĐ trên cơ sở giới, trong công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho lao động nữ nông thôn. Cùng với đó, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các ngành thành viên xây dựng chương trình, nội dung, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng về công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái... trong đó, Sở LĐTB&XH, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vai trò, vị thế và quyền năng của phụ nữ, từng bước tạo sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trong gia đình và ngoài xã hội.

Giai đoạn 2008 – 2018, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 658.130 lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị từ 4,3% xuống còn 3,3% và giảm tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn từ 7,2% xuống 6,3%; có 92% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ được vay vốn từ chương trình giảm nghèo. Đối với Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, mở rộng khai thác nguồn vốn cho hội viên vay sản xuất; chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh từ năm 2011 đến nay tổ chức 255 lớp sơ cấp nghề về trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chăm sóc gia đình... cho 7.985 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ. Các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ cũng như lao động nữ nhìn chung nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp đã giúp các chị có việc làm ổn định, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Ví như hộ gia đình chị Trịnh Thị Hương, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy), do kinh tế eo hẹp nên vợ chồng thường hay “tiếng to, tiếng nhỏ” với nhau. Được nhiều chị em khuyên bảo và chính quyền địa phương thông báo có công ty đang tuyển dụng lao động, chị Hương mạnh dạn làm đơn và được Công ty TNHH Giày Alena Việt Nam tuyển vào làm với mức lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Sau gần một năm làm việc và tăng ca, thu nhập của chị tăng lên hơn 5 triệu đồng/tháng. Nhờ vậy, gia đình trả hết các khoản nợ trước đây và còn để dành một phần chăm lo cho con học, chi phí sinh hoạt. Có thu nhập ổn định, các vấn đề rạn nứt tình cảm vợ chồng cũng được giải quyết, hàn gắn. Cũng như chị Hương, chị Thiều Thị Nhàn, xã Đông Ninh (Đông Sơn) cho biết: Trước đây, cuộc sống rất khó khăn, nhiều lúc vợ chồng không hiểu nhau nên cũng xảy ra mâu thuẫn, là phụ nữ mình phải chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng từ khi được Trung tâm Dạy nghề phụ nữ tỉnh giới thiệu giúp việc theo giờ tại 2 gia đình với thu nhập 3 triệu đồng/tháng, cuộc sống của gia đình chị đã thay đổi theo hướng tích cực, chồng chị cũng hiểu và chia sẻ khó khăn, gánh vác việc nhà cùng chị.

Việc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập đã giúp nhiều hộ gia đình, trong đó có hộ gia đình nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu. Các chị đã thực sự có tiếng nói, vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội, được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ y tế, văn hóa và giáo dục.

Tuy đạt được kết quả quan trọng, nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn do tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn ở mức cao, trong đó hộ cận nghèo tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn, miền núi, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển; chủ hộ nghèo là nữ chiếm 36,31%... do đó họ không có cơ hội tiếp xúc các dịch vụ xã hội dẫn đến hiểu biết còn hạn chế, dễ nảy sinh BLGĐ. Bên cạnh công tác tuyên truyền về bình đẳng giới, phòng, chống BLGĐ thực sự có hiệu quả, rất cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và phối hợp chặt chẽ, nhất là ở cơ sở nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi BLGĐ, đồng thời hướng nghiệp, tạo điều kiện cho lao động nữ có việc làm ổn định để tăng quyền năng kinh tế, vai trò, vị trí trong gia đình và xã hội. Tuy nhiên, lao động nữ cũng phải nỗ lực vượt khó vươn lên, không trông chờ, ỷ lại.

Lê Hà


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]