(Baothanhhoa.vn) - Nhằm bổ sung chuỗi số liệu phục vụ nghiên cứu về triều - mặn góp phần phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa triển khai điều tra triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Lạch Bạng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đánh giá diễn biến triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Bạng

Nhằm bổ sung chuỗi số liệu phục vụ nghiên cứu về triều - mặn góp phần phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân, hằng năm, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa triển khai điều tra triều - mặn trên hệ thống sông Mã, sông Yên và sông Lạch Bạng.

Kết quả điều tra từ đầu tháng 3 đến hết tháng 4-2018 cho thấy, trên dòng chính sông Mã đoạn từ xã Quảng Châu (TP Sầm Sơn) tới ngã ba Giàng, xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) độ mặn đỉnh triều dao động từ 0,1 - 18,7%o; độ mặn chân triều dao động từ 0,1- 3,1%o; độ mặn l%o xâm lấn vào cửa sông tới 23 km (đến xã Thiệu Dương, TP Thanh Hóa). Trên sông Lèn từ bến Đò Gảnh, xã Đa Lộc (Hậu Lộc) đến Cự Thôn, xã Hà Phú (Hà Trung), độ mặn lớn nhất đỉnh triều dao động từ 0,2 - 19,8%o; độ mặn nhỏ nhất chân triều dao động từ 0,1 - 0,4%o; độ mặn 1%o có khả năng xâm nhập vào cửa sông tới 14 km (đến xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn)... Trên hệ thống sông Yên trong thời gian điều tra, mức độ xâm nhập mặn dao động phổ biến ở mức nhỏ hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ cũng như so với cùng kỳ năm 2017. Trên dòng chính sông Yên đoạn từ cửa biển Ngọc Trà, xã Quảng Trung (Quảng Xương) đến Bến Mắm, xã Minh Khôi (Nông Cống) độ mặn lớn nhất đỉnh triều dao động từ 0,1 - 9,4%o; độ mặn nhỏ nhất chân triều dao động từ 0,0 - 0.3%o; độ mặn 1%o xâm lấn vào cửa sông tới 25 km đến xã Minh Khôi. Trên sông Hoàng đoạn từ xã Quảng Trung đến xã Hoàng Giang (Nông Cống), độ mặn lớn nhất đỉnh triều dao động từ 0,1 - 0,3%o; độ mặn nhỏ nhất chân triều dao động từ 0,0 - 0,1%o; độ mặn 1%o xâm lấn vào cửa sông tới 25 km đến xã Hoàng Giang...

Căn cứ số liệu điều tra, lấy ngưỡng đo mặn cho phép khai thác nước ngọt dưới hoặc bằng 1%o có thể thấy, trên sông Mã từ cửa Hới (TP Sầm Sơn) trở lên đến phường Quảng Hưng (TP Thanh Hóa) - cách cửa biển khoảng 13 km, nguồn nước không thể khai thác được nước ngọt kể cả lúc chân triều. Đoạn từ phường Quảng Hưng trở lên đến xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) - cách cửa biển khoảng 23 km, có thể khai thác được nguồn nước vào thời gian trước và sau chân triều. Đoạn từ xã Thiệu Dương (TP Thanh Hóa) trở lên khai thác được nguồn nước liên tục trong ngày. Trên sông Lạch Trường đoạn từ cửa biển trở lên đến xã Hoằng Hà (Hoằng Hóa) - cách cửa biển khoảng 11,2 km, không thể khai thác được nước ngọt vì thời gian xuất hiện độ mặn dưới 1%o là rất ít. Đoạn từ xã Hoằng Hà đến xã Hoằng Minh khai thác được nước ngọt vào thời điểm trước và sau chân triều những ngày triều cường, những ngày triều kém khai thác được thời gian dài hơn. Đoạn từ xã Hoằng Minh ra sông Mã khai thác được nguồn nước liên tục trong ngày. Trên sông Lèn đoạn từ cửa trở vào đến Lạch Sung (cách cửa biển khoảng 2 km) không thể khai thác được nguồn nước ngọt vì khoảng thời gian xuất hiện độ mặn dưới 1%o là rất ít. Đoạn từ Lạch Sung đến Yên Ổn khai thác được vào thời gian trước và sau chân triều. Đoạn từ Yên Ổn trở lên cửa Ba Bông khai thác được nước ngọt liên tục trong ngày. Trên Kênh De đoạn từ cửa biển trở vào đến xã Minh Lộc (Hậu Lộc), cách cửa biển Lạch Trường khoảng 4 km không thể khai thác nguồn nước kể cả lúc chân triều, vì độ mặn nhỏ nhất trên mức 1%o. Đoạn từ xã Minh Lộc ra cửa phân lưu sông Lèn có thể khai thác được nguồn nước trong thời gian ngắn vào lúc chân triều. Trên hệ thống sông Yên đoạn từ cửa biển đến Ngọc Trà (cách cửa biển khoảng 12 km) không khai thác được nguồn nước ngọt vì thời gian xuất hiện độ mặn dưới 1%o là rất ít. Đoạn từ Ngọc Trà đến Quảng Long (nhánh sông Hoàng) khai thác được vào thời điểm trước và sau chân triều. Từ Quảng Long (sông Hoàng), cầu Lạc (Sông Nhơm) và Bến Mắm (sông Yên) trở lên phía thượng lưu khai thác được liên tục...

Hiện nay, nhu cầu cấp nước cho sản xuất, dân sinh trong vùng điều tra là rất lớn và cần thiết. Song, do đặc điểm của chế độ thủy văn vùng triều, về mùa cạn chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn nên việc khai thác nước ngọt vùng sông ảnh hưởng triều gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, về mùa cạn những năm gần đây, dòng chảy các sông chính có xu thế ngày càng giảm dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn tiến sâu hơn vào nội địa, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Nhằm sử dụng hiệu quả nguồn nước, trên cơ sở kết quả điều tra cũng như đánh giá thực trạng triều - mặn của Sở Tài nguyên và Môi trường, trong thời gian tới, ngành chức năng có liên quan cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có phương án chuyển đổi cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới, bảo đảm hiệu quả sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu của các huyện thuộc vùng sông ảnh hưởng của thủy triều; các xã thuộc vùng sông ảnh hưởng của thủy triều cần chủ động ngăn ngừa, phòng chống, thích ứng với sự biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với vùng ảnh hưởng xâm nhập mặn; sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý trong sản xuất và sinh hoạt...


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]