(Baothanhhoa.vn) - Trong đêm, những “thân cò” bé nhỏ cùng chiếc xe kéo bắt đầu hành trình mưu sinh. Khi phiên chợ đêm mở cửa cũng là lúc những cửu vạn bắt đầu công việc của mình.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh

Trong đêm, những “thân cò” bé nhỏ cùng chiếc xe kéo bắt đầu hành trình mưu sinh. Khi phiên chợ đêm mở cửa cũng là lúc những cửu vạn bắt đầu công việc của mình.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh

Chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương – phiên chợ đêm lớn nhất xứ Thanh.

Trắng đêm bán sức mưu sinh

Chợ đầu mối rau quả, thực phẩm Đông Hương nằm trên phường Đông Hương và một phần phường Đông Sơn (TP Thanh Hóa). Đây là chợ đầu mối lớn nhất tỉnh Thanh Hóa với tổng diện tích lên tới 16.000 m2, có trên 700 điểm kinh doanh cố định và 500 điểm kinh doanh không cố định. Phiên chợ bắt đầu từ đêm đến sáng ngày hôm sau với đầy đủ các mặt hàng từ rau, củ quả, thực phẩm các loại.

21h tối, phiên chợ bắt đầu tấp nập khi những chiếc xe tải chở hàng về bến đỗ. Nhóm cửu vạn của Long đợi sẵn phía góc chợ. Khi vừa thấy xe về, cả nhóm í ới gọi nhau chào hàng các lái buôn.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh

Từ 21h, phiên chợ bắt đầu cũng là lúc cánh cửu vạn như Long bắt đầu hành nghề.

30 phút trôi qua, 7 người cửu vạn (trong đó có Long) đã chuyển hết số hàng trên xe xuống kiot. Lân la hỏi chuyện mới hay Long quê ở xã Hoằng Quang (huyện Hoằng Hóa), một vùng ven đô bên bờ sông Mã. Học xong cấp 3, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Long quyết định không thi đại học, đêm đêm cùng bố đi kéo hàng thuê ở chợ đầu mối lấy tiền nuôi em gái ăn học.

Long năm nay 25 tuổi, cái tuổi đang sung sức như chiến mã khiến đêm nào anh cũng “đắt hàng” tại chợ đầu mối. “Làm cái nghề này phải có sức khỏe, nhanh nhẹn. Thậm chí là sự khéo léo thì người ta mới thuê. Ở đây mỗi đêm có đến hàng chục tốp cửu vạn như em, không nhanh chân thì đứng cả đêm cũng chả có ai mượn”. Long chia sẻ.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh

Vừa bốc xếp vừa kéo xe, mỗi đêm thu nhập cao nhất cũng chỉ được 500 nghìn đồng.

Long kể, “Ở đây những người cửu vạn như em có đủ mọi lứa tuổi, trẻ có, trung niên có, thậm chí là phụ nữ cũng có. Thông thường, vào những ngày rằm, mùng 1 hay Tết, hầu hết chúng em đều làm việc xuyên đêm. Đa số mọi người ở đây đều đến từ các huyện, xã lân cận với thành phố. Ban ngày thì làm thợ hồ, thợ xây, đêm đêm lại kéo xe ra phố làm ít tiếng kiếm thêm thu nhập”.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh

Cuộc gặp gỡ chỉ vẻn vẹn ít phút, Long rời đi và tiếp tục công việc của mình. Chúng tôi cũng tìm đến một gian hàng trái cây khác. 0h00’, khi sự ồn ào, huyên náo của phố thị bắt đầu lặng xuống, khi mọi người chìm trong giấc ngủ cũng là lúc phiên chợ bắt đầu không khí tấp nập nhất. Lúc này, từ cổng chợ kéo dài vào phía trong là những chiếc xe tải chở hàng với đủ chủng loại nối đuôi nhau đổ hàng. Đây cũng lúc những cửu vạn đi vào giờ cao điểm.

Thu nhập khá… nhưng vất vả

TP Thanh Hóa những ngày chớm đông se lạnh khiến công việc của người cửu vạn cũng trở nên vất vả hơn rất nhiều. Nhưng đây cũng chính là thời điểm kiếm tiền khá nhất trong năm.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh

Nụ cười xua tan đi nỗi mệt mỏi thâu đêm.

Là người có thâm niên trong nghề hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Hùng (xã Thiệu Khánh) tâm sự: “Nghề này vất vả nhất là mùa đông, thức đêm lạnh nếu không có sức khỏe dễ bị cảm lạnh như chơi. Thế nhưng, sau mỗi buổi cũng kiếm được vài trăm ngàn. Vào các ngày giáp Tết chúng tôi gần như làm xuyên đêm từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau. Bữa nhiều thì 500 – 700 ngàn, bữa ít cũng có 300 ngàn”.

“Mỗi tổ cửu vạn như chúng tôi thường có khoảng 10 người, thông thường, khi có mối hàng về thì một người tổ trưởng sẽ nhận và gọi anh em đi làm. 1 xe hàng 20 tấn thì bốc khoảng 2- 3 tiếng với giá trung bình từ 1,5 triệu – 2 triệu đồng”. Ông Hùng chia sẻ thêm.

Cửu vạn trắng đêm mưu sinh ở chợ đầu mối lớn nhất xứ Thanh

Những giọt mồ hôi vất vả sau 1 chuyến hàng.

Theo các cửu vạn tại chợ đầu mối, nếu nhận mối quen từ 1 chủ hàng thì công việc sẽ ổn định hơn. Tuy nhiên, đi kéo hàng dạo cũng có cái hay, sau mỗi ca kéo hàng thì đều được thanh toán tiền luôn nên nhiều người vẫn chọn cách kéo hàng dạo hơn là đi bốc cho mối quen.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, được biết, để có được những “lốt” hàng, các cửu vạn cũng nhiều lúc đối diện với rủi ro, thậm chí là trả giá bằng những trận đánh lộn. Muốn có “lốt” đẹp để làm thì cần phải có tiếng nói, có máu mặt thậm chí là phải đánh đổi mới có chân đứng ở cái phiên chợ đêm này. Những người làm cửu vạn như Long đều có những nguyên tắc rõ ràng. Các ki ốt rau, củ, hoa quả được phân chia từng khu riêng biệt, theo nội quy chung của giới cửu vạn, các tổ bốc vác này sẽ cố định tại một mặt hàng riêng biệt. Dạo quanh một vòng quanh chợ đầu mối, theo ghi nhận tại đây mỗi đêm có khoảng từ 100 – 200 người hành nghề cửu vạn.

Ánh mặt trời vừa ló rạng, bắt đầu một ngày mới cũng là lúc những cửu vạn đêm thu dọn đồ để ra về. Nét mặt mệt mỏi, Long thở dài rồi chào tạm biệt một đêm, một đêm mưu sinh đẫm mồ hôi và những giọt nước mắt…

Tuấn Kiệt


Tuấn Kiệt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]