(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, sự quá tải, áp lực công việc đối với cán bộ y tế đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân. Bởi vậy, khi có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội (CTXH) đã làm tăng sự hài lòng của người bệnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Công tác xã hội trong bệnh viện - kết nối yêu thương

Hiện nay, sự quá tải, áp lực công việc đối với cán bộ y tế đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình khám, chữa bệnh (KCB) cho nhân dân. Bởi vậy, khi có sự tham gia của nhân viên công tác xã hội (CTXH) đã làm tăng sự hài lòng của người bệnh.

Nhân viên tổ công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy hỗ trợ đưa bệnh nhân đi khám bệnh.

Được thành lập tháng 7-2017, trên cơ sở tách và nâng cấp Trung tâm Ung bướu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngoài nhiệm vụ khám và điều trị cho bệnh nhân ung bướu, Bệnh viện Ung bướu tỉnh đã làm tốt công tác kết nối với các nhà từ thiện, tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện, giúp bệnh nhân vơi nỗi đau bệnh tật; đồng thời hỗ trợ bệnh nhân, người nhà bệnh nhân các bữa ăn từ thiện, đồ dùng sinh hoạt và quần áo; kêu gọi nguồn kinh phí hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân nặng có thời gian nằm viện thường xuyên... Hàng tuần, vào thứ 4 và 5, các thành viên Câu lạc bộ Thiện nguyện xanh và Chùa Tăng Phúc đã tổ chức phát cháo tình thương cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn. Rồi những món quà thiết thực từ các nhà từ thiện được chuyển đến tận tay bệnh nhân vào những dịp lễ, tết đã góp phần đem yêu thương, niềm vui đến với các bệnh nhân.

Bệnh nhân Nguyễn Thị Thảo, xã Nga Trường (Nga Sơn) xúc động: Tôi bị K buồng trứng/K niệu bàng quang, nhà neo người, con gái đi lấy chồng xa vì thế tôi được các y, bác sĩ đặc biệt quan tâm, tận tình chăm sóc. Bệnh viện còn kết nối với các tổ chức từ thiện hỗ trợ chăm sóc và kinh phí điều trị, đem lại tinh thần và thể chất tốt cho tôi trong suốt quá trình điều trị nên tôi vô cùng biết ơn.

Bác sĩ Nguyễn Quang Hưng, Bệnh viện Ung bướu tỉnh chia sẻ: CTXH không chỉ đón nhận quà, tiền làm từ thiện mà còn là “nhịp cầu” để đưa các nhà hảo tâm tới giúp đỡ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. CTXH là nghề của tình thương, mọi nhiệm vụ mà cán bộ CTXH thực hiện đều hướng đến sự hài lòng của người bệnh, để những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn có thể được hưởng những dịch vụ y tế chất lượng; chia sẻ, đồng cảm với bệnh nhân và cùng họ vượt qua trở ngại, chiến thắng bệnh tật. Tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, CTXH thực sự là “cầu nối” giữa bệnh viện, bệnh nhân và các nhà hảo tâm - đồng hành, sẻ chia với những người bệnh cần giúp đỡ.

Trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Thủy, được biết: Thực hiện Thông tư số 43/2015/TT-BYT ngày 26-11-2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ CTXH của bệnh viện, bệnh viện xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng và đã thành lập tổ CTXH với đội ngũ “tình nguyện viên” là những cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện tham gia hỗ trợ bệnh nhân... Người bệnh đến khám tại bệnh viện, đội ngũ cán bộ tổ CTXH giải đáp tận tình các thủ tục khám bệnh, đến các khoa phòng cần thiết, xoa dịu nỗi đau bệnh tật của bệnh nhân, lắng nghe ý kiến, tâm tư của người bệnh để phản ánh với bác sĩ và lãnh đạo bệnh viện; trợ giúp đắc lực cho bác sĩ, tạo ra mối thiện cảm, sự gắn kết giữa bệnh nhân - bệnh viện - người nhà bệnh nhân. Ngoài ra, tại bệnh viện thường xuyên tổ chức bếp ăn từ thiện, phát cơm, cháo cho người bệnh nghèo hoặc tổ chức các đợt KCB nhân đạo, miễn phí cho người nghèo, người gặp hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.

Năm 2010, nghề CTXH ở Việt Nam được công nhận sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020”. Ngay sau đó, Bộ Y tế đã xây dựng, triển khai thực hiện Đề án “Phát triển nghề CTXH trong ngành y tế giai đoạn 2011-2020”. Tại Thanh Hóa, từ cuối năm 2016, Sở Y tế đã có công văn gửi các cơ sở KCB trong tỉnh về thành lập các phòng, tổ CTXH trong bệnh viện. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới chỉ có một số bệnh viện thành lập, những người làm CTXH trong bệnh viện chưa được đào tạo chuyên nghiệp về CTXH trong bệnh viện, vì vậy kinh nghiệm hoạt động gặp một số khó khăn, hạn chế; công tác đón tiếp, phân loại, hướng dẫn, chỉ dẫn chưa được chuyên nghiệp và hiệu quả hoạt động chưa được như mong muốn. Với sự quá tải ở các bệnh viện, áp lực công việc nặng nề đối với người thầy thuốc đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình KCB cho nhân dân, do vậy, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở KCB nhanh chóng thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ CTXH để chia sẻ những khó khăn, nỗi đau và đồng hành với người bệnh, làm tăng sự hài lòng của người bệnh. Đây cũng là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao y đức của người thầy thuốc.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]