(Baothanhhoa.vn) - “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là công việc hàng ngày, quen thuộc đối với mỗi cộng tác viên (CTV) dân số. Họ có vai trò không nhỏ và được ví như “cánh tay nối dài” trong việc đưa chính sách dân số - KHHGĐ đến với người dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về những cộng tác viên dân số

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vận động người dân thực hiện các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) là công việc hàng ngày, quen thuộc đối với mỗi cộng tác viên (CTV) dân số. Họ có vai trò không nhỏ và được ví như “cánh tay nối dài” trong việc đưa chính sách dân số - KHHGĐ đến với người dân.

CTV dân số Nguyễn Thị Phúc ở thôn 4, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) tuyên truyền người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ tại hộ gia đình.

Những bước chân không mỏi

Trải qua hơn 20 năm làm CTV dân số ở bản Pom Khuông, xã Tam Chung (Mường Lát), ông Dương Văn Dậu trở thành CTV dân số thân thuộc của mỗi hộ gia đình trong bản. Ông cho biết: Những ngày đầu làm công tác dân số, ông gặp không ít khó khăn và những trường hợp dở khóc, dở cười. Đến các hộ tuyên truyền, có gia đình vui vẻ tiếp chuyện nhưng cũng không ít gia đình tỏ vẻ khó chịu bởi phần lớn người dân vẫn còn nặng nề với quan điểm trời sinh voi, sinh cỏ, sinh đông con cho vui cửa vui nhà, những hộ gia đình sinh con một bề thì muốn có thêm con cho “có nếp có tẻ”, có con trai nối dõi tông đường... Không nản lòng trước những thách thức đó, ông Dậu đến từng nhà, gặp từng người, tìm hiểu hoàn cảnh của từng gia đình và vận dụng tất cả những kinh nghiệm, kiến thức mình có để tuyên truyền cho người dân kể cả những khi lên nương, khi họp bản. Mưa dầm thấm sâu, dần dần các cặp vợ chồng cũng hiểu được những hệ lụy của việc sinh nhiều con, những lợi ích do KHHGĐ mang lại. Nhận thức thay đổi dẫn đến hành vi thay đổi, nên từ một thôn có tỷ lệ sinh cao, trong 67 hộ gia đình thì có tới 26 hộ sinh từ 5 đến 6 con, đã giảm xuống còn 3 con, 7 tháng năm 2018, bản không có người sinh con thứ 3.

Đến thôn Tố Phát, xã Định Hòa (Yên Định) tìm gặp chị Lê Thị Cúc, một CTV dân số có bề dày hơn 7 năm làm công tác dân số. Năm 2011, chị được chị em trong thôn tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng phụ nữ. Trăn trở trước tình trạng tỷ lệ sinh con thứ 3 và mất cân bằng giới tính khi sinh ở thôn cao, chị đã tích cực đến nhà từng chị em tuyên truyền, phân tích, giải thích cho họ hiểu, đến 1 lần chưa thông thì 2 rồi 3 lần. Không những thế, trong những buổi họp thôn, sinh hoạt hội phụ nữ, nông dân chị cũng tâm sự, chia sẻ với các chị em, chính sự gần gũi đó giúp các chị em hiểu ra và rủ nhau sử dụng những biện pháp tránh thai an toàn nhất. Ngoài ra, chị còn lên danh sách những gia đình khá giả, gia đình sinh con 1 bề có ý định sinh thêm con để tuyên truyền, tư vấn cho họ hiểu để những gia đình đó nên dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt. Chính nhờ sự tận tâm đó mà những năm gần đây, thôn Tố Phát không có người sinh con thứ 3.

Cũng như ông Dậu, chị Cúc, CTV dân số Nguyễn Thị Phúc ở thôn 4, xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại trong quá trình công tác của mình. Thời gian đầu làm CTV dân số, chị gặp không ít khó khăn, bởi người dân vẫn mang nặng tư tưởng muốn sinh đông con, có con trai để nối dõi tông đường... Không nản lòng trước những thách thức, chị trực tiếp đến từng hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cặp vợ chồng sinh con một bề để vừa trò chuyện, kết hợp với tư vấn, vận động họ không sinh nhiều con, mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, dành thời gian cho việc chăm sóc, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình. Những trường hợp khó, chị cùng với các đoàn thể tại địa phương đến vận động... nên 10 năm qua trên địa bàn thôn không có người sinh con thứ 3.

Có thể thấy, sự nỗ lực của những CTV dân số đang hàng ngày cần mẫn làm tốt công tác dân số - KHHGĐ dù rằng công việc đó rất gian nan, vất vả và thù lao thì hầu như không đáng kể. Song vì trách nhiệm và tình yêu công việc giúp họ vượt qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, vun đắp thêm hạnh phúc, ấm no cho mỗi gia đình ở nhiều địa phương khác nhau.

Để “con ong” cho mật

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, vào mỗi đợt truyền thông, đội ngũ CTV phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số, áp dụng các biện pháp KHHGĐ. Muốn việc tuyên truyền đạt hiệu quả, mỗi CTV dân số phải tốn không ít thời gian và công sức. Nhiều địa bàn có dân cư thưa thớt, đi lại khó khăn, CTV dân số khá vất vả khi cất công đến tận nhà gặp đối tượng cần tuyên truyền. Có nhiều trường hợp, CTV phải đi lại rất nhiều lần để gặp gỡ, giải thích, vận động, thuyết phục đối tượng. Công việc vất vả là vậy nhưng chế độ thù lao của CTV thấp, không ổn định,... khiến CTV dân số ở cơ sở không mấy mặn mà với công việc. Hiện nay, nhiều CTV xin nghỉ việc, bỏ việc, gây khó khăn cho công tác thu thập số liệu, thống kê dân số.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có khoảng 7.435 CTV dân số. Hiện phụ cấp của đội ngũ này là 100.000 đồng/tháng từ kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, với việc cắt giảm và cấp chậm nguồn kinh phí cho chương trình mục tiêu về dân số trong thời gian qua về địa phương chi trả, đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nội dung hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho biết: Truyền thông là khâu quan trọng góp phần quyết định sự thành công của công tác dân số - KHHGĐ nhưng kinh phí dành cho truyền thông thời gian qua liên tục bị cắt giảm. Mức thù lao dành cho CTV dân số hiện tại chưa thỏa đáng, đã ít mà còn cấp không kịp thời thì khó khuyến khích được hoạt động.

Thù lao quá thấp khó lòng mà khuyến khích CTV gắn bó lâu dài với công việc này. Vì thế hàng năm, tỷ lệ CTV dân số thường xuyên thay đổi. Trong khi đó, công việc CTV cũng có những đặc thù và cần có năng khiếu, uy tín, nên muốn tìm người mới thay thế với thù lao như vậy cũng khó. Mỗi lần có người mới lại phải kèm cặp, hướng dẫn, một thời gian quen việc chịu không nổi cũng nghỉ. Cứ lẩn quẩn như vậy rất khó bảo đảm tốt việc cập nhật biến động dân số hàng tháng và thực hiện các chủ trương, chính sách KHHGĐ, điều đó cũng làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động dân số - KHHGĐ. Thiết nghĩ, để đội ngũ CTV dân số hoạt động ngày càng hiệu quả thì rất cần có chế độ đãi ngộ hợp lý để họ yên tâm công tác.


Bài và ảnh: Hà Bắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]