(Baothanhhoa.vn) - Hơn 10 năm gắn bó với việc tham gia xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Văn Vũ (SN 1945, số nhà 23/154, đường Nguyễn Hiệu, TP Thanh Hóa) đã xem biển, đảo như quê hương thứ 2 của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện về người cựu chiến binh hải quân xây dựng đảo Trường Sa

Chuyện về người cựu chiến binh hải quân xây dựng đảo Trường Sa

Với những cống hiến trong chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, ông Nguyễn Văn Vũ đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương.

Hơn 10 năm gắn bó với việc tham gia xây dựng và bảo vệ quần đảo Trường Sa, ông Nguyễn Văn Vũ (SN 1945, số nhà 23/154, đường Nguyễn Hiệu, TP Thanh Hóa) đã xem biển, đảo như quê hương thứ 2 của mình.

Bao nhiêu năm trôi qua, ký ức về những ngày sống và làm việc ở Trường Sa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí người cựu chiến binh hải quân năm xưa.

Kể cho chúng tôi nghe về hành trình trở thành người lính hải quân xây dựng, bảo vệ đảo Trường Sa, ông Nguyễn Văn Vũ, cho biết: Ông sinh ra tại làng quê nghèo ở xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa). Tháng 4-1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ và được phân công về Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 thuộc Quân khu 4 tham gia bảo vệ vĩ tuyến 17 tại tỉnh Quảng trị. Đến tháng 4-1975, ông vinh dự được tuyển chọn vào lực lượng hải quân với nhiệm vụ tiếp quản các cầu cảng và xây dựng cầu cảng ven bờ. Năm 1977, ông công tác tại Trung đoàn Công binh Hải quân 131 (nay là Lữ đoàn Công binh Hải quân 131, đóng tại Hải Phòng).

Đến đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trước tình hình đó, việc bảo vệ đảo Trường Sa trở thành nhiệm vụ cấp bách. Đơn vị của ông Vũ được giao nhiệm vụ xây dựng các công trình phục vụ công tác chiến đấu bảo vệ đảo Trường Sa.

Ông Vũ nhớ lại: Ngay trong đêm 30 Tết Nguyên đán năm 1988, quân chủng giao nhiệm vụ cho trung đoàn của tôi trực tiếp ra Trường Sa xây dựng và bảo vệ Trường Sa. Thời điểm đó, nhiều chiến sĩ về nghỉ tết tại quê nhà. Ngay trước thời khắc giao thừa, trung đoàn đã họp khẩn cấp thông báo cho toàn bộ chiến sĩ nhanh chóng trở lại nhận nhiệm vụ mới. Đến mùng 4 tết, tất cả các chiến sĩ đã có mặt tại trung đoàn để lên đường. Khi đó, tôi đang theo học ở Học viện Chính trị quân sự. Đến tháng 6-1988, tôi được bổ nhiệm làm chủ nhiệm chính trị trung đoàn trực tiếp đưa chiến sĩ ra đảo Trường Sa. Tàu của chúng tôi ra đảo mang theo vật liệu xây dựng như cát, đá, sắt, thép, xi măng, lương thực, nước uống... phục vụ cho toàn bộ chiến sĩ và công việc xây dựng đảo.

“Đơn vị của tôi cùng Trung đoàn 83 là 2 đơn vị đầu tiên tham gia xây dựng đảo Trường Sa. Công việc chủ yếu của chúng tôi là xây dựng nhà công sự để các chiến sĩ chiến đấu bảo vệ đảo và các công trình thiết yếu trên đảo, như: Cầu cảng, trạm xá... Trong đó, việc xây dựng cầu cảng Trường Sa có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trước đó, nhiều người cho rằng không thể xây dựng cầu cảng do điều kiện thi công vô cùng khó khăn. Xác định cầu cảng là vị trí chiến lược bởi mọi hoạt động của Trường Sa đều phải qua cầu cảng. Không có cầu cảng, tàu từ đất liền ra đảo phải đậu xa bờ từ 3-4km, sau đó chuyển người, hàng hóa xuống xuồng rồi buộc dây kéo truyền tải bằng tay để đưa vào đảo. Nhận nhiệm vụ, đơn vị chúng tôi đã quyết tâm xây dựng bằng được cầu cảng và đã thành công” – ông Vũ tự hào kể.

Năm tháng đi qua, nhưng có những kỷ niệm vẫn hằn sâu trong ký ức người lính già. “Khó khăn nhất là xây dựng đảo chìm. Chúng tôi phải chờ thủy triều xuống rồi đổ đá lên đảo cho đến khi đảo cao hơn mặt nước biển rồi kè đá để xây dựng nhà công sự trên đảo. Để xây dựng được nhà trên đảo chìm phải mất từ 3 - 4 tháng. Giữa biển khơi mênh mông, sóng biển cấp 4, cấp 5 nên việc vận chuyển vật liệu, xây dựng vô cùng khó khăn, chỉ cần sơ suất nhỏ là có thể gây chết người. Vì vậy, ngoài việc thận trọng trong xây dựng, các chiến sĩ phải có kinh nghiệm, như việc đổ đá lên đảo, chúng tôi phải chờ sóng ra mới đổ đá vào đảo nếu không sóng sẽ đánh lật xuồng. Cũng do sóng to, có nhiều lần các chiến sĩ tiến hành đổ bê tông, kè đá xong chiều hôm trước, nhưng đến sáng hôm sau lại bị sóng cuốn trôi không còn dấu tích gì. Việc thi công trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm nên đã có những chiến sĩ hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ” – giọng ông Vũ trùng xuống.

Xây dựng trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng đơn vị ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với hàng loạt công trình xây dựng trên đảo chìm như: Đảo Cô Lin, Len Đao, Tiên Nữ, Thuyền Chài...

Ông Vũ kể tiếp: “Những ngày đầu ra Trường Sa, anh em chúng tôi khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Thiếu nhất vẫn là nước sạch, mỗi chiến sĩ chỉ được sử dụng 5 lít nước/ngày (gồm ăn, uống, tắm, rửa...). Nước để uống còn phải e dè, chứ đừng nói đến chuyện tắm gội. Vì vậy, mỗi khi có mưa là các chiến sĩ vui lắm”.

Vất vả, gian khổ là vậy nhưng những năm tháng ấy, ông Vũ cùng đồng đội đã sống và bảo vệ đảo với cả tấm lòng nhiệt huyết và cống hiến sức trẻ của mình. Ban ngày vác đá làm đê chắn sóng, xây dựng công trình, ban đêm lại ngồi kể cho nhau nghe chuyện về quê hương, gia đình.

Gắn bó với Trường Sa cho đến khi về nghỉ hưu năm 1998, đến nay đã hơn 20 năm xa Trường Sa, ông Vũ vẫn nhớ như in lời Tư lệnh Quân chủng Hải quân Giáp Văn Cương nói khi giao nhiệm vụ: “Ngoài kia là xương, máu, nước mắt, công sức của nhân dân, các đồng chí phải xây dựng cho vững chãi để các chiến sĩ yên tâm chiến đấu. Nếu không các đồng chí sẽ có tội với Tổ quốc”. Câu nói ấy đã tiếp thêm nghị lực cho ông cùng đồng đội sống và xây dựng bảo vệ biển đảo quê hương.

Bao nhiêu năm đã qua, ông Vũ vẫn không nguôi nỗi nhớ đồng đội, nhớ biển đảo. Ông luôn tự hào mình là người lính Trường Sa, đã góp một phần nhỏ bé công sức xây dựng quần đảo yêu thương của Tổ quốc. Nhớ Trường Sa, ông vẫn thường xuyên theo dõi thông tin về Trường Sa qua báo, đài phát thanh, truyền hình. Hiện nay, ông Vũ là Trưởng ban liên lạc của Lữ đoàn Công binh Hải quân 131 tại Thanh Hóa, Trưởng ban liên lạc Hải quân tỉnh Thanh Hóa. Hàng năm, đến ngày kỷ niệm thành lập Trung đoàn, ông cùng các đồng đội lại gặp nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng về những ngày sống, làm việc và chiến đấu trên quần đảo Trường Sa thân yêu.

Hoàng Giang


Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]