(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc đời, ai cũng mong muốn có cuộc sống viên mãn, an hưởng tuổi già bên con cháu. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không ít những mái đầu bạc vẫn phải vất vả với gánh nặng mưu sinh tại các chợ lớn - nhỏ, đường quê, đồng ruộng, trên những ngã tư, con hẻm, vỉa hè... Dù vất vả, khổ cực nhưng họ vẫn lạc quan, không buông xuôi và chỉ cầu mong có sức khỏe để tiếp tục lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyện mưu sinh của người già

Trong cuộc đời, ai cũng mong muốn có cuộc sống viên mãn, an hưởng tuổi già bên con cháu. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà không ít những mái đầu bạc vẫn phải vất vả với gánh nặng mưu sinh tại các chợ lớn - nhỏ, đường quê, đồng ruộng, trên những ngã tư, con hẻm, vỉa hè... Dù vất vả, khổ cực nhưng họ vẫn lạc quan, không buông xuôi và chỉ cầu mong có sức khỏe để tiếp tục lao động.

Chuyện mưu sinh của người già

Bà Lý bán hàng rong tại quán bún cá, trên đường Trần Phú, TP Thanh Hóa.

“Bà chưa già để nhờ con cháu”

Dù đã bước sang tuổi 75, lưng còng, lãng tai, chân yếu nhưng mỗi ngày bà Cậy, ở làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng (TP Thanh Hóa) vẫn phải chống gậy, rong ruổi khắp các nẻo đường thành phố bán rau mưu sinh.

Hằng ngày, hơn 4 giờ sáng, lúc mọi người còn yên giấc thì bà đã thức dậy để ra ruộng hái rau. Khi mặt trời gần ló rạng, cũng là lúc bà xếp những bó rau tươi ngon vào rổ, gánh vào phố bán. Lãi không nhiều nhưng bà vẫn cố gắng từng ngày để mong kiếm thêm vài đồng phụ giúp cho cuộc sống của con, cháu được tốt hơn. Bà Cậy chia sẻ: “Mỗi ngày, bà hái được hơn chục bó rau ngót, rau muống, lá lốt... Ngày nào đắt hàng thì bà về sớm, buổi chiều tranh thủ làm cỏ, tưới tắm cho rau, chuẩn bị mọi thứ để sáng sớm hôm sau thức dậy có rau hái. Hôm nào ế thì bà gánh rau len lỏi vào các con hẻm để rao bán đến khi nào hết mới thôi”. Vừa nói bà Cậy vừa nhanh tay sắp xếp lại mấy bó rau trong rổ cho gọn.

Được biết, bà Cậy có 3 người con (2 gái, 1 trai) nhưng vì hoàn cảnh của ai cũng khó khăn nên không phụ giúp được gì. Trước đây, vì gia đình nghèo khó nên ngoài làm nông nghiệp bà còn tranh thủ mò cua, bắt ốc để bán lấy tiền nuôi các con. Giờ tuy tuổi đã già nhưng cuộc sống vẫn không mấy thay đổi, bà Cậy vẫn làm việc vì “các con có gia đình riêng, chúng nó cũng vất vả nên mình tự lo thân mình”.

Điều đặc biệt ở bà Cậy là dù có khó khăn đến mấy, lúc nào bà cũng lạc quan, luôn nghĩ về những điều tích cực. Bà không bao giờ để con cái phải lo lắng hay phiền muộn về “cái thân già của bà”. “Giày dép còn có số nói gì đến con người, trời đã xếp đặt rồi thì phải chịu, chỉ có đến khi chết mới hết khổ. Vì thế, bà không bao giờ cãi nhau với ai hết, mình sống phần mình, cứ vui vẻ mà sống, cái số khổ thì khổ rồi, chịu đựng mấy năm nữa thôi” – bà Cậy nói.

Trưa nắng hanh một ngày đầu tuần, bà Lý, ở xã Quảng Ninh (Quảng Xương) tay cắp chiếc rổ nhựa đựng mấy gói tăm bông, vài chiếc dây buộc tóc, ít bấm móng tay, quanh quẩn ở quán Bún Cá và Bánh đa cua trên đường Trần Phú. Một vài người khác thấy bà già cả, sau khi ủng hộ một số thứ thì gởi biếu bà vài chục ngàn, có khi lại mời bà ăn bát bún, uống cốc nước ngọt để bà bồi bổ sức khỏe. “Có cái cô kia đến ăn bún thấy bà ôm rổ hàng ngồi ở góc quán thì gọi đến, mua cho bà vài thứ, xong còn mời bà ăn bát bún cá. Bà cảm động lắm, giờ chỉ mong ngày nào cũng bán được hàng, kiếm đôi ba chục. Bà già cả rồi, đâu cần gì tiền bạc giàu sang, chỉ cần mọi người thương, mua ủng hộ rồi nói chuyện, vậy là bà vui rồi” – bà Lý vui vẻ khoe bằng chất giọng Quảng Xương đặc sệt.

Năm nay, tuy bà Lý mới 65 tuổi, nhưng có lẽ vì phải dầm mưa, dãi nắng để mưu sinh nên trông bà già hơn so với tuổi. Bà tâm sự. “Bà có 3 người con đều đã yên bề gia thất, nhưng kinh tế thì không mấy khá giả, có đứa phải đi làm ăn xa. Con cái cũng bảo bà dọn về sống, tụi nó chăm sóc cho nhưng bà thấy làm vậy không được. Về sống chung lại nảy sinh mâu thuẫn này nọ, thôi thì bà chưa già hẳn, sức khỏe còn, vẫn có thể buôn gánh, bán bưng được nên cứ kiếm cơm qua ngày như bây giờ, đỡ phiền đến con cháu”.

Cần hỗ trợ việc làm cho người già

Qua tiếp xúc với những người cao tuổi suy nghĩ chung của nhiều người là muốn độc lập tài chính, khi quá yếu mới nhờ đến con cháu. Có người muốn tìm công việc vì không muốn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Có việc làm khiến người già cảm thấy họ có ích và thấy tự tin hơn. Nhưng không dễ để người già tìm được công việc phù hợp với sức khỏe, năng lực, trí tuệ của mình.

Ông Hoàng Ngọc Trung, Trưởng Phòng Lao động – Việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Tại Việt Nam, những người làm việc trong khu vực công và các công ty có đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, những người này chỉ chiếm khoảng 1/3 người cao tuổi. Tỉnh Thanh Hóa có hơn 400.000 người cao tuổi, trong đó, 2/3 người cao tuổi không có lương hưu. Chỉ người già từ 80 tuổi trở lên mới được nhận mức trợ cấp xã hội 270.000 đồng/tháng. Không có lương hưu và không dựa vào con cái, nhiều người già buộc phải làm việc kiếm sống. Tuy nhiên, không phải người già nào muốn làm việc cũng đều có việc làm. Nhiều chủ sử dụng lao động không muốn thuê người cao tuổi do lo ngại năng suất kém. Nhiều người cao tuổi phải chấp nhận những công việc bán thời gian, hoặc công việc thời vụ. Một số khác tự tạo việc làm cho bản thân như: Trồng rau, nhặt đồng nát, bán hàng rong, đi chợ, hoặc trông trẻ.

Tiến sĩ xã hội học Lê Bạch Dương, đồng Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho rằng, cần phải có chính sách toàn diện để đảm bảo tạo việc làm an toàn, phù hợp từ đó góp phần cải tạo chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi Việt Nam. Bởi, phần lớn những người được hỏi đều khẳng định họ không muốn từ bỏ công việc khi vẫn còn sức khỏe và vẫn muốn được làm việc đến khi nào có thể để hạn chế làm phiền con cháu.

Theo ông Dương, các chính sách phải hướng tới cung cấp cơ hội lao động cho người cao tuổi, nhất là ở lĩnh vực phi chính thức, tạo điều kiện linh hoạt cho người cao tuổi, phù hợp với sức khỏe, năng lực, trí tuệ để họ được cống hiến đóng góp cho xã hội. Ví dụ, ở Singapore, lái xe taxi có thể lên đến 70 – 75 tuổi, do đó, người cao tuổi sẽ cảm thấy vui vẻ, có ích; giúp tăng năng suất lao động ở tuổi nghỉ hưu. Tại Nhật, có những người lao động có sự nghiệp thành công rực rỡ khi đã 70, 71 tuổi. Hàn Quốc còn tổ chức chương trình “Màn hai cuộc đời”, gồm các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm cho người cao tuổi, hỗ trợ được trên 20.000 người già tìm kiếm được việc làm. Đồng thời, Quỹ Lao động Hàn Quốc còn có Chương trình “Đứng lên trở lại” để hỗ trợ cho người nghỉ việc trên 40 tuổi, hình thành các câu lạc bộ tìm việc ở từng lĩnh vực để họ giúp nhau chia sẻ thông tin, hỗ trợ nhau tìm việc làm...

Thiết nghĩ trong thời gian tới, cần thay đổi tư duy của người dân về vấn đề tạo việc làm cho người cao tuổi, gạt bỏ lối suy nghĩ cũ, tiến tới tương lai trong đó người già có quyền tham gia lực lượng lao động theo nguyện vọng của mình. Theo đó, người cao tuổi không những được chăm lo tốt về sức khỏe, mà cả văn hóa; đồng thời phát huy vai trò lao động sản xuất, vai trò xã hội, cũng như trí tuệ của người cao tuổi, bảo đảm lợi ích cho tất cả mọi người. Đây là vấn đề không mới với thế giới, nhưng đặt ra nhiều thách thức đối với Việt Nam và Việt Nam phải biến điều này thành cơ hội.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài Và Ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]