(Baothanhhoa.vn) - Dù đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày, nhưng một số thợ sửa điều hòa vẫn tham lam, tìm đủ cách để “vặt” tiền của khách. Thậm chí, họ còn cố tình chọc, ngoáy cho bằng hỏng để khách phải móc hầu bao...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyên gia chia sẻ cách sử dụng điều hòa một cách thông minh

Dù đã kiếm được tiền triệu mỗi ngày, nhưng một số thợ sửa điều hòa vẫn tham lam, tìm đủ cách để “vặt” tiền của khách. Thậm chí, họ còn cố tình chọc, ngoáy cho bằng hỏng để khách phải móc hầu bao...

Anh Bình chia sẻ về các “mánh khóe” của thợ sửa điều hòa.

Cảnh giác với các chiêu “vẽ bệnh” của thợ sửa điều hòa

Gần 20 năm làm nghề lắp đặt, sửa chữa điều hòa, anh Nguyễn Văn Bình, 36 tuổi, chủ một cửa hàng điện lạnh lớn ở huyện Hậu Lộc, khẳng định: Khách hàng đã gọi thợ thì kiểu gì cũng bị thợ “vặt” tiền, điều đó dường như đã thành luật ngầm của dân sửa chữa, lắp đặt điều hòa. Chỉ có điều, thợ “vặt” ít hay “vặt” nhiều phụ thuộc vào độ “non” của khách. Đến kiểm tra máy mà khách tỏ ra sành sỏi thì thợ chỉ dám “vặt” 100.000-200.000 đồng. Song, nếu thấy khách không biết gì thì thợ phải “vặt” tiền triệu chứ không ít.

Đơn cử, khi lắp đặt điều hòa, chiêu thường thấy nhất mà thợ lắp đặt điều hòa hay áp dụng là ăn gian về chiều cao để tính tăng thêm tiền dây, tiền ống đồng. Cụ thể, lắp đặt 1 máy điều hòa 9000 BTU với khoảng cách 5 mét thì mất 5 mét ống đồng với giá 160.000 đồng/mét, 5 mét gen bảo ôn giá 10.000 đồng/mét, 10 mét vải bọc bảo ôn (phải quấn xung quanh ống) giá 8.000 đồng/mét, 5 mét ống nước thải giá 8.000 đồng/mét, dây điện mất 5 mét giá 18.000 đồng/mét. Với mức giá phụ kiện như trên, chỉ cần khai khống lên 1 mét thì thợ điều hòa sẽ ăn gian được khoản tiền khoảng 200.000 đồng. Đó là chưa kể, loại phụ kiện là dây dẫn ống đồng, giá thợ tính cho khách thường đắt hơn nhiều so với giá ở đại lý, dây điện ăn chênh gấp 2 lần. Tính ra, với số mét lắp đặt chiếc điều hòa trên, thợ sẽ ăn chênh giá phụ kiện thêm khoảng 500.000 đồng.

Cũng giống như lắp đặt điều hòa, khi sửa chữa điều hòa, thợ sẽ tính tiền công sửa từ 50.000-100.000 đồng. Nếu thay thế sẽ tính thêm tiền mua linh kiện mới. Song, thợ điều hòa thường dùng “quái chiêu” hỏng một báo hai, không hỏng cũng báo hỏng hay chọc cho hỏng để đem sửa lấy tiền. Ví dụ, khách gọi điện báo điều hòa bật lên không thấy mát, thợ đến kiểm tra đáng ra chỉ cần vệ sinh, kiểm tra gas nếu thiếu thì nạp. Nhưng, nhiều thợ nói phải kiểm tra toàn bộ rồi kê ra đủ bệnh từ hỏng tụ, chết vi mạch, dây dẫn ống đồng hở, cháy lốc... “Tiền công thì ít, tiền linh kiện thay thế thì nhiều. Thợ điều hòa chỉ cần yêu cầu thay 2-3 linh kiện khống là có thể “vặt” của khách tiền triệu. Cái này khách hầu như không kiểm tra, vì các linh kiện đều ở bên trong máy” – anh Bình tiết lộ.

Những tưởng chỉ có lắp đặt và sửa chữa mới hay bị thợ “vặt” tiền, còn bảo dưỡng thì không. Song, khi bảo dưỡng, khách hàng vẫn bị thợ “vặt” tiền như thường, nhưng mức độ nhẹ hơn. Cụ thể, bảo dưỡng điều hòa, thợ sẽ lấy công khoảng 150.000 đồng/máy. Tuy nhiên, khi bảo dưỡng, điều hòa sẽ phải bơm thêm gas và đây là điểm để thợ “vặt” tiền của khách. Bởi, thông thường, khi bơm gas sẽ tùy vào mức của máy cần bơm ít hay nhiều, từ đó thợ tính tiền gas mà khách phải trả. Anh Bình phân tích: “Nếu máy hết sạch gas, phải bơm toàn bộ sẽ hết khoảng 200.000 đồng, máy điều hòa bơm bổ sung một nửa thì hết 100.000 đồng. Thế nhưng, chẳng thợ nào khai bơm thật dù máy chỉ cần bơm một lượng rất nhỏ. Chỉ cần báo bơm gas đầy, thợ có thể kiếm được 100.000-150.000 đồng vì máy điều hòa nếu bảo dưỡng đều đặn thì lượng gas tiêu thụ chỉ hết một nửa hoặc 1/3”.

Từ những kinh nghiệm của bản thân, theo anh Bình, người sử dụng hoàn toàn có thể “bắt bệnh” cho điều hòa, ví dụ như: Về cách kiểm tra lượng gas điều hòa, trước hết, người sử dụng cần bật điều hòa ở đúng chế độ. Sau đó, xem cục nóng quạt có quay, hơi nóng có tỏa ra không? Nếu cục nóng không tỏa hơi nóng hoặc chỗ ống đồng nối vào dàn nóng bị đóng tuyết, chứng tỏ điều hòa đang bị thiếu gas, cần liên lạc với nhân viên kỹ thuật để nạp gas. Ngoài ra, cần loại bỏ những vật cản xuất hiện trong dàn nóng hoặc lạnh vì nếu có vật cản bất thường, quạt gió sẽ không thể hoạt động tốt được. Cách 3-4 tháng nên vệ sinh dàn lạnh, lưới lọc không khí của điều hòa một lần. Đối với dàn nóng, do thường đặt ngoài trời, nên có các biện pháp che chắn, bảo vệ nhằm hạn chế bụi bẩn và tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp làm giảm độ bền.

Trong trường hợp điều hòa bị hỏng nặng không thể tự sửa chữa, người dùng nên chọn đơn vị uy tín. Bởi ở các trung tâm bảo dưỡng lớn mọi dịch vụ thay, sửa chữa đều có giá niêm yết, có hóa đơn kèm theo. Chính vì thế các thợ khi hoạt động riêng lẻ cũng không dám làm trái quy định. Khách hàng sẽ an tâm hơn rất nhiều.

Giảm nhiệt không phải là để nhiệt độ thấp

Về vấn đề sử dụng điều hòa tiết kiệm điện, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Nhiệt – Lạnh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chia sẻ, việc sử dụng một cách linh hoạt các chế độ trên điều khiển điều hòa giúp người sử dụng tiết kiệm được khá nhiều điện năng. Đơn cử, khi ngủ, người sử dụng có thể để điều hòa ở chế độ Sleep. Ở chế độ này máy sẽ tự động làm tăng nhiệt độ phòng lên 1 – 3 độ C khi về sáng, giúp cơ thể dễ chịu hơn trong khi ngủ và cũng tiết kiệm điện hơn. Hay, trong trường hợp nhiệt độ ngoài trời không quá nắng nóng (khoảng dưới 36 độ C) và độ ẩm cao, việc sử dụng điều hòa ở chế độ Dry cũng có hiệu quả và tiết kiệm. Vì ở chế độ Dry, máy điều hòa chạy ở chế độ hút ẩm. Chế độ này giúp độ ẩm không khí trong phòng giảm xuống tăng sự bay hơi mồ hôi trên da giúp cơ thể giải phóng năng lượng, giảm thân nhiệt và... thấy mát nhưng lại chỉ tiêu tốn một phần điện năng.

Một trong những quan niệm sai lầm của rất nhiều người là đặt nhiệt độ điều hòa thật thấp khi mới khởi động để cho phòng nhanh lạnh hơn, sau đó mới tăng nhiệt độ đến mức cần thiết. Ví dụ, khi muốn duy trì nhiệt độ phòng ở mức 25 độ, người dùng thường để thấp xuống tới 20, 21 độ lúc mới bật điều hòa “cho nhanh lạnh”, rồi 10 - 15 phút sau mới tăng trở lại 25 độ. “Đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi việc đặt nhiệt độ xuống thật thấp không hề rút ngắn được thời gian làm lạnh phòng. Bởi, với cùng một căn phòng và cùng một chiếc điều hòa, khi bắt đầu bật, dù có đặt nhiệt độ là 16 hay 26 thì tốc độ làm lạnh phòng cũng như nhau, tức là mất cùng một khoảng thời gian để phòng giảm từ nhiệt độ ban đầu đến mức 26 độ. Điểm khác nhau là nếu đặt ngay từ đầu mức nhiệt 26 độ, điều hòa sẽ tự dừng ở mức đó và duy trì ổn định. Còn nếu đặt 16 độ, điều hòa sẽ mất thêm một khoảng thời gian nữa để giảm tiếp đến 16 độ rồi mới ngắt nếu người dùng chưa kịp chỉnh nhiệt độ tăng lên. Như vậy, việc để nhiệt độ thấp hơn mức cần thiết sẽ vừa tiêu tốn điện năng, vừa mất công người dùng phải điều chỉnh 2 lần. Vì thế, cách tốt nhất là nên đặt luôn mức nhiệt độ phòng mà mình mong muốn ngay từ đầu. Thêm nữa, mức nhiệt trong phòng không nên chênh lệch quá 10 độ C so với nhiệt độ ngoài trời và không nên thấp dưới 20 độ C. Việc này không chỉ gây tốn điện mà còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Sự thay đổi nhiệt độ quá nhanh dễ dẫn đến tình trạng sốc nhiệt, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ, người bị cao huyết áp hay mắc các bệnh tim mạch...

Cũng theo phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, mỗi loại điều hòa có một công suất khác nhau, việc chọn điều hòa phù hợp với diện tích phòng cũng là một cách giúp tiết kiệm điện và tăng tuổi thọ của chúng. Khi lắp đặt, gia chủ cần đặt cục nóng đúng hướng, tránh đặt ở hướng Tây -hướng có ánh sáng mặt trời. Vì khi có ánh nắng mặt trời chiếu vào, nhất là vào buổi chiều, cục nóng sẽ hấp thụ thêm một lượng nhiệt lớn, trong khi đặc tính của nó là tỏa nhiệt. Điều này sẽ đi ngược lại với quy tắc hoạt động của điều hòa, từ đó dẫn đến việc tiêu tốn nhiều điện hơn. Bên trong, cục lạnh cũng không nên treo phía bờ tường nằm ở hướng Tây. Điều hòa sau một thời gian không được vệ sinh cũng hoạt động kém hiệu quả hơn. Do đó, chúng ta có thể lật mặt trước của điều hòa, vệ sinh mạng lưới. Lưới càng thông thoáng, gió ra càng nhiều, càng ít tốn điện. Hoặc khi sử dụng điều hòa chúng ta có thể bật quạt (để ở số nhỏ) nhằm tạo sự lưu thông khí lạnh đều khắp căn phòng. Khi nhiệt độ trong phòng thấp hơn bên ngoài và được giữ ở mức ổn định thì điều hòa sẽ tiêu tốn ít điện năng hơn. Đặc biệt, khi đã sử dụng điều hòa, cần đảm bảo phòng phải kín, ra vào đóng cửa nhưng cũng không nên đóng kín quá lâu đến mức gây bí, không tốt cho sức khỏe người dùng.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]