(Baothanhhoa.vn) - Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp xây dựng môi trường giáo dục kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực thân thể, để trẻ em được phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay chấm dứt bạo lực trẻ em

Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước. Xác định công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp xây dựng môi trường giáo dục kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó đặc biệt chú trọng bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực thân thể, để trẻ em được phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.

Một tiết mục tham gia Hội thi tìm hiểu Luật Trẻ em và Phòng chống bạo lực trẻ em tỉnh Thanh Hóa năm 2018.

Em Lương Như Quỳnh, học sinh Trường THCS Xuân Cẩm (Thường Xuân) – đại sứ thiện chí của sáng kiến “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em tại gia đình và nhà trường”, chia sẻ: Tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, các bạn rất cởi mở chia sẻ buồn, vui trong cuộc sống. Có bạn hay buồn vì bị điểm kém, bị bạn giận, nhưng phổ biến nhất vẫn là bị bố mẹ la mắng, đánh đòn. Ví như bạn My bị mẹ đánh khi không may làm vỡ cả mâm bát trong lúc dọn dẹp. Bạn Hải Anh thì chơi với em, tranh giành quyển truyện tranh, em khóc, chưa kịp thanh minh đã bị bố đánh. Bạn Tuấn chưa xin phép mẹ, tự ý đi tắm suối buổi trưa, bị bố đưa về đánh cho 10 roi... Và thường các bạn chỉ biết khóc khi bị đối xử như vậy. Cũng có lần các bạn thanh minh, nhưng thường thì người lớn không nghe mà còn tức giận hơn và đánh thêm. Các bạn đều biết bố mẹ làm như vậy cũng vì muốn cho con tốt hơn, giúp con không phạm lỗi sai nữa. Nhưng cháu và các bạn nghĩ rằng sẽ thật tuyệt vời nếu như không bị bố mẹ đánh. Điều đó hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi các bậc cha mẹ bình tĩnh lắng nghe và cởi mở với con, quan tâm hơn đến cảm xúc, tâm lý của trẻ.

Ông bà ta có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”, “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” và nhiều bậc cha mẹ, thầy, cô giáo sử dụng để dạy dỗ trẻ, thường đánh đòn để con nhớ vì muốn tốt cho con. Nhưng những thói quen, quan niệm dùng bạo lực dạy dỗ đã không còn phù hợp, bởi đòn roi sẽ chỉ làm các con thêm sợ sệt, thậm chí trở nên lỳ lợm, khó bảo hơn, sau này lớn lên các con sẽ vô thức bắt chước bố mẹ, dễ sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề. Bạo lực thân thể không những gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, thể chất của trẻ mà còn để lại hệ lụy lớn cho thế hệ mai sau. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những đứa trẻ thường xuyên chịu trừng phạt thân thể thường ít có cơ hội học lên cao hơn so với trẻ không trải qua sự trừng phạt này. Tại một số trường học, đâu đó vẫn còn có giáo viên cho rằng đánh, mắng, quát học sinh là để duy trì kỷ luật, giúp các em tiến bộ hơn. Quan niệm này lại cho kết quả học tập kém, góp phần làm gia tăng bạo lực học đường và cũng là nguyên nhân các em sợ đến trường. Ví như trường hợp của cháu Nguyễn Thị Thu Trang, 9 tuổi, ở TP Thanh Hóa, mỗi lần bố mẹ đưa đi học đều tỏ rõ tâm trạng lo lắng. Sau khi tìm hiểu, được biết vì con học đuối hơn các bạn trong lớp, lại viết chữ xấu nên hay bị cô giáo quát mắng, đánh vào tay, thậm chí xé vở và bắt chép lại nhiều lần. Vẫn biết giáo viên cũng vì trách nhiệm, vì thành tích của lớp và muốn trò tiến bộ, nhưng những hành vi trên là có hại đối với trẻ, vi phạm Luật Trẻ em, Luật Giáo dục và Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Những năm gần đây, các bậc cha mẹ, thầy cô đã có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức. Nhiều bậc cha mẹ và giáo viên đã rất nỗ lực tìm tòi, áp dụng những phương pháp giáo dục tiến bộ. Tuy nhiên, sự thay đổi nhận thức này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng đều ở mọi thành phần trong xã hội. Theo báo cáo chuyên đề can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Cục Trẻ em – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), từ năm 2012 đến 2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực được báo cáo, có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 0 đến 10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất, chiếm 56,9%; tỷ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất, chiếm 63,2%; đứng thứ 2 là trẻ bị bạo lực trong trường học, chiếm 20,1%.

Bạo lực thân thể trẻ em là vấn đề không thể được giải quyết bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân nào, mà cần sự chung sức của tất cả mọi người. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Bài, Giám đốc Chương trình phát triển vùng, Tổ chức Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam, chia sẻ: Khi các bậc cha mẹ và thầy, cô giáo thận trọng trong từng hành vi ứng xử với con em mình thì tác động tích cực sẽ không chỉ dừng lại ở phạm vi gia đình và nhà trường mà sẽ có ảnh hưởng lan tỏa làm cho môi trường xã hội cũng dần trở nên an toàn hơn để trẻ em được lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần.

Để thay đổi các quan niệm, thói quen lạc hậu trong nuôi dạy, chăm sóc, giáo dục trẻ em cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh đó là vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình, nhà trường và cộng đồng nơi trẻ sinh sống. Và chính bản thân trẻ cũng cần phải tham gia hành động nhằm chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em.


Bài và ảnh: Mai Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]