(Baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, khu vực miền núi của tỉnh liên tục hứng chịu những trận lũ ống, lũ quét và sạt lở; trong đó, có những trận lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điển hình như đợt mưa lũ từ ngày 28 đến 31-8-2018 gây lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 2 huyện Mường Lát, Quan Hóa đã làm 10 người chết, 2 người mất tích, 287 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 807 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chủ động ứng phó với nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất

Những năm gần đây, khu vực miền núi của tỉnh liên tục hứng chịu những trận lũ ống, lũ quét và sạt lở; trong đó, có những trận lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Điển hình như đợt mưa lũ từ ngày 28 đến 31-8-2018 gây lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn 2 huyện Mường Lát, Quan Hóa đã làm 10 người chết, 2 người mất tích, 287 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 807 hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Chủ động ứng phó với nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đấtĐiểm sạt lở đất tại bản Xắng Hằng, xã Yên Khương (Lang Chánh).

Năm 2019, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 31-7 đến ngày 5-8, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to, ở các huyện Quan Sơn, Mường Lát đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất; trong đó, nặng nhất là huyện Quan Sơn, làm 10 người chết, 6 người mất tích, 5 người bị thương, 64 căn nhà bị thiệt hại hoàn toàn, 89 hộ phải di dời khẩn cấp.

Mới đây nhất, ngày 19-10-2020, một ngọn núi thuộc bản Xắng Hằng, xã Yên Khương (Lang Chánh) bất ngờ sạt lở, cây cối, đất đá sát mép nhà ở và công trình phụ của các hộ dân. UBND huyện Lang Chánh đã phải tiến hành di dời khẩn cấp các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Tính đến chiều 20-10, huyện đã di dời được 28 hộ dân với 128 nhân khẩu và 40 chiến sĩ thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang ở tạm để thi công chốt dân quân tự vệ biên giới ra khỏi vùng bị sạt lở, đến nơi an toàn.

Những ví dụ cụ thể trên đủ để chúng ta thấy được sự nguy hiểm, tàn khốc của những trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đối với những người dân khu vực miền núi, nhất là những người dân đang sinh sống và làm việc tại những nơi có nguy cơ cao. Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, những năm gần đây, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi diễn ra thường xuyên, có quy mô và phạm vi ngày càng lớn. Hầu hết 11 huyện miền núi đều nằm trong vùng có nguy cơ bị lũ ống, lũ quét và sạt lở đất; trong đó, có 3 huyện thuộc vùng trọng điểm, nguy cơ cao, gồm: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Theo đó, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4.148 hộ, với 17.238 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét; 4.330 hộ, với 18.858 nhân khẩu sinh sống ở khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất.

Có nhiều nguyên nhân gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, như: Địa hình tại các huyện miền núi thường có độ dốc đứng, bề mặt địa hình chia cắt mạnh, tầng phủ mỏng kết cấu bờ rời, rất dễ bị trượt lở khi có mưa lớn. Trong khi đó, các huyện miền núi thường có lượng mưa phân bố không đều về thời gian và không gian, mưa tập trung trong thời gian ngắn với cường độ lớn, làm cho nước dâng lên đột ngột, tốc độ dòng chảy mạnh có sức tàn phá lớn gây lũ quét, lũ bùn đá, dòng lũ có năng lượng lớn sẽ cuốn trôi nhà cửa, công trình gây xói mòn đất và vùi lấp ruộng nương. Sở dĩ khi xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất hay gây thiệt hại về người và tài sản là do ở khắp các vùng núi cao, đồng bào thường sống tập trung thành làng, bản, với quy mô nhỏ từ vài hộ đến vài chục hộ ở các thung lũng ven sông suối, gần nguồn nước là những nơi thuận lợi cho canh tác và sinh hoạt. Tại những vùng như vậy, khi mưa đến, lũ quét có thể xảy ra bất ngờ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bên cạnh đó, những năm gần đây, đời sống kinh tế có nhiều biến động, sản xuất lương thực, hàng hóa trên đất dốc gia tăng gắn liền với việc phát nương, đốt rẫy, giảm độ che phủ, tạo điều kiện tập trung nước nhanh hơn; đồng thời, gây xói mòn bề mặt, phá vỡ cân bằng sinh thái là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở đất. Hơn nữa, công trình giao thông được xây dựng ngày càng nhiều, gắn liền với bạt núi, băng ngầm, xây dựng cầu cống làm co hẹp đường thoát nước, cản trở dòng chảy; khai thác khoáng sản chưa được quản lý chặt chẽ, việc chặt cây, đào đất trong quá trình khai thác và xả chất thải xuống sườn dốc tái diễn nhiều đều là những nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây lũ ống, lũ quét và sạt lở đất...

Trên cơ sở phân tích những nguyên nhân gây ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, năm 2020 là năm được cảnh báo có nguy cơ sạt lở đất cao nếu có mưa lớn, kéo dài. Bởi, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra khô hạn kéo dài, cấu trúc đất bị phá hủy, do vậy chỉ cần xảy ra mưa lớn, tập trung nhiều ngày, đất trên bờ dốc rất dễ dịch chuyển xuống chân dốc gây ra sạt lở đất.

Trước nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng chính quyền các địa phương đã và đang chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do lũ ống, lũ quét và sạt lở đất gây ra. Theo đó, hàng năm, các cấp, các ngành đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị phòng, chống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất theo phương châm “4 tại chỗ”. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các phương án về sắp xếp, bố trí ổn định dân cư nhỏ, lẻ và dân cư tại các vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai tại các huyện miền núi của tỉnh đến năm 2025; khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng con người, phương án bố trí quỹ đất và kế hoạch cụ thể để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt 11 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng thiên tai với mục tiêu ổn định cho 4.835 hộ dân, với tổng mức đầu tư 369.976 triệu đồng. Đến nay, đã bố trí, sắp xếp, ổn định được 2.533 hộ; trong đó, tái định cư tập trung 58 hộ, xen ghép 1.389 hộ, ổn định tại chỗ 1.086 hộ; đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu đưa vào sử dụng, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng trăm hộ dân trong vùng ảnh hưởng. Theo rà soát, trong giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn 11 huyện miền núi còn khoảng 4.752 hộ dân cần phải bố trí, sắp xếp ra khỏi vùng có nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi đến các bộ, ngành Trung ương để đề xuất đầu tư công trung hạn lĩnh vực bố trí dân cư ra khỏi vùng lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Tại các địa phương nằm trong vùng được cảnh báo có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất hàng năm cũng đều thực hiện rà soát, bổ sung, hoàn thiện phương án sơ tán dân cư sinh sống ở khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án ứng phó, khắc phục lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đơn cử như huyện Lang Chánh, để chủ động ứng phó với nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; trong đó, vấn đề phòng, tránh nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất được xem là nội dung chính, xuyên suốt trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện. Theo đó, trên cơ sở phân tích đặc điểm, địa hình, khí hậu thời tiết, các tác động thiên tai đã xảy ra trên địa bàn; các khu vực trọng điểm có thể xảy ra hoặc ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất, huyện đã xây dựng kịch bản, đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại. Nhờ chủ động trong công tác ứng phó, nên vụ sạt lở đất xảy ra tại bản Xắng Hằng, xã Yên Khương vừa qua, UBND huyện Lang Chánh đã kịp thời chỉ đạo UBND xã tuyên truyền, vận động Nhân dân di chuyển đến nơi ở mới an toàn, nên không có thiệt hại về người. Đối với các công trình giao thông, huyện đã chỉ đạo các đơn vị huy động lực lượng máy múc san lấp, vận chuyển đất đá sạt lở để thông tuyến bảo đảm giao thông trên địa bàn.

Để công tác ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đạt hiệu quả, cùng với việc xây dựng phương án sơ tán dân cụ thể, chi tiết, phù hợp với thực tế tại các thôn, bản; tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cho cán bộ và Nhân dân địa phương, các sở, ban, ngành có liên quan của tỉnh và chính quyền các địa phương cần huy động nguồn lực, đầu tư xây dựng các khu tái định cư an toàn để di dời các hộ dân có nguy cơ ảnh hưởng vào sinh sống. Về lâu dài, cần đẩy mạnh công tác trồng, bảo vệ rừng, kiến tạo hệ sinh thái xanh làm thay đổi cấu trúc địa chất, giảm thiểu nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

Bài và ảnh: Hương Thơm


Bài và ảnh: Hương Thơm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]