(Baothanhhoa.vn) - Những ngày qua, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh về tình trạng chặt phá rừng tự nhiên tại khu vực thôn Quẻ, xã Xuân Lộc (Thường Xuân). Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Thường Xuân đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức kiểm tra, xác minh và kết luận sự việc trên là có cơ sở.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chặt phá rừng trên đất 02 tại xã Xuân Lộc: Còn đó những băn khoăn

Những ngày qua, trên một số phương tiện truyền thông phản ánh về tình trạng chặt phá rừng tự nhiên tại khu vực thôn Quẻ, xã Xuân Lộc (Thường Xuân). Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND huyện Thường Xuân đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức kiểm tra, xác minh và kết luận sự việc trên là có cơ sở.

Hiện trường rừng bị chặt phá tại thôn Quẻ, xã Xuân Lộc (Thường Xuân).

Theo ông Phạm Thăng Long, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Thường Xuân thì, trước khi báo chí thông tin, vụ việc đã được hạt phối hợp với UBND xã Xuân Lộc phát hiện kịp thời, kiểm tra và tiến hành lập hồ sơ xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật đối với các đối tượng chặt phá rừng vào ngày 8-5-2018. Qua kiểm tra, phát hiện trên đất rừng 02 (tức là rừng sản xuất được giao cho hộ gia đình quản lý, bảo vệ, sản xuất lâm nghiệp theo Nghị định 02/CP của Chính phủ ngày 15-1-1994), tại lô 146, 148, khoảnh 6, tiểu khu 548 diện tích bị chặt phá là 14.475m2 trên tổng số 1,475 ha. Trong đó, có 4.600m2 thực bì đã bị đốt cháy hết và đang được trồng cây keo; 9.875m2 có 115 cây gỗ từ nhóm 5 đến nhóm 8, khối lượng 7,216m3 và 2 ste củi đang còn lại hiện trường. Các đối tượng chặt phá gồm, bà Lò Thị Liên, Lương Thị Khuyên, Hoàng Thị Niên, Cầm Thị Đoàn, ông Vi Văn Phụng, đều trú tại thôn Quẻ, xã Xuân Lộc.

Căn cứ theo quy định của pháp luật, hồ sơ, tài liệu tại hiện trường, hạt kiểm lâm đã tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 5 cá nhân nói trên với số tiền 100 triệu đồng, trong đó bà Lò Thị Liên 30 triệu đồng, Lương Thị Khuyên 10 triệu đồng, Hoàng Thị Niên 20 triệu đồng, Cầm Thị Đoàn 10 triệu đồng, ông Vi Văn Phụng 30 triệu đồng. Đồng thời yêu cầu khắc phục trồng lại rừng bằng giống cây bản địa trên diện tích đã bị chặt phá, các hộ gia đình trên cũng phải ký cam kết không tái phạm. Về xử lý trách nhiệm, UBND huyện Thường Xuân yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức làm việc với UBND xã Xuân Lộc để xác định mức độ thiệt hại, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra phá rừng. Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cũng yêu cầu UBND xã Xuân Lộc, Ban quản lý thôn Quẻ tổ chức họp dân, kiểm điểm các cá nhân vi phạm theo quy ước bảo vệ rừng, đồng thời tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Nhà nước. Yêu cầu Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Quẻ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách kinh tế, cán bộ địa chính - lâm nghiệp, hạt trưởng, phó hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện phụ trách địa bàn, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Bù Đồn, kiểm lâm địa bàn xã Xuân Lộc tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân đã để xảy ra phá rừng trái pháp luật tại thôn Quẻ.

Qua tìm hiểu thực tế về việc phá rừng tại thôn Quẻ, xã Xuân Lộc, phóng viên thấy rằng, xét về các quy định thì các hộ gia đình trên đã vi phạm pháp luật, vi phạm những quy định trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Thế nhưng, vẫn còn đó những băn khoăn, bất cập mà theo ý kiến một số người dân tại địa phương cho biết thì, theo Nghị định 02/CP quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp thì ngay từ những năm 1997 người dân ở xã Xuân Lộc đã được Nhà nước giao đất rừng cho hộ gia đình trực tiếp quản lý, bảo vệ, sản xuất. Khi giao, trạng thái rừng là đất trống, sau hàng chục năm người dân đã bỏ mồ hôi, công sức bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh mà không thành rừng. Trong thời gian dài khoanh nuôi, tái sinh mà không có trữ lượng lớn, không có giá trị kinh tế nên người dân muốn chuyển đổi sang các loại cây lâm nghiệp khác có giá trị kinh tế cao hơn, như quế ngọc bản địa, keo để nâng cao thu nhập lại không được phép. Trong khi đó, người dân thì không có đất canh tác, mọi sự tác động vào rừng tự nhiên bị cấm, sinh kế thì không có... bởi vướng vào các quy định Chỉ thị 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc đóng cửa rừng. Thiết nghĩ, việc “đóng cửa” để bảo vệ rừng thoạt nhìn đây là giải pháp cứng rắn tạo ra hàng lang pháp lý “thép” để bảo vệ rừng. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thấu đáo từ việc đóng cửa rừng để ngăn chặn nạn khai thác rừng bừa bãi, thế nhưng cũng đồng nghĩa “úp lại nồi cơm” của người dân đã bao đời gắn bó với rừng, hưởng lợi từ rừng. Ranh giới giữa thoát nghèo và tái nghèo sẽ luôn hiện hữu.

Trao đổi về vấn đề này, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Việc người dân tự ý phá rừng là đã vi phạm pháp luật, vụ việc này được huyện chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Thực tế, việc thực hiện Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về đóng cửa rừng có kết quả rất tốt, giúp người dân và các cấp chính quyền có trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng nhưng đồng thời cũng có những bất cập chưa sát với thực tế. Vấn đề ở đây là cần quản lý nghiêm ngặt về rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Còn rừng sản xuất, rừng nghèo kiệt phải cho nhân dân cải tạo, chuyển đổi sang cây trồng lâm nghiệp khác vừa cải tạo đất, tạo ra giá trị kinh tế cao hơn nhưng cũng bảo đảm tính chất phòng hộ, môi trường, quan trọng hơn là tạo ra nguồn sinh thủy cho hệ thống khe suối, công trình thủy lợi phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất của bà con nhân dân. Nhà nước cần có cơ chế chính sách rõ ràng hơn để nhân dân được giao đất, giao rừng yên tâm sản xuất vì tình trạng rừng nghèo kiệt, rừng không có giá trị kinh tế thì phải cho phép cải tạo để nhân dân có đất sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.


Bài và ảnh: Xuân Minh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]