(Baothanhhoa.vn) - Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được đơn của công dân xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) phản ánh về việc làm sai của cán bộ xã Hoằng Phượng trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đất bãi bồi Đồng Chu để giao cho Công ty CP gạch tuynen Sơn Trang; tổ hợp tác chăn nuôi VietGap xã Hoằng Phượng thu quỹ hoạt động, tiền đối ứng lợn giống và vật tư của Dự án Lifsap... gây bức xúc trong nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần minh bạch thông tin về một số vấn đề tồn đọng tại xã Hoằng Phượng

Vừa qua, Báo Thanh Hóa nhận được đơn của công dân xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa) phản ánh về việc làm sai của cán bộ xã Hoằng Phượng trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) khu đất bãi bồi Đồng Chu để giao cho Công ty CP gạch tuynen Sơn Trang; tổ hợp tác chăn nuôi VietGap xã Hoằng Phượng thu quỹ hoạt động, tiền đối ứng lợn giống và vật tư của Dự án Lifsap... gây bức xúc trong nhân dân.

Bãi bồi Đồng Chu, xã Hoằng Phượng (Hoằng Hóa).

Có hay không việc gửi đất để nhận tiền bồi thường GPMB?

Bãi bồi Đồng Chu, xã Hoằng Phượng là địa điểm được UBND tỉnh cho phép Công ty CP gạch tuynen Sơn Trang lập hồ sơ thăm dò, khai thác mỏ đất sét. Năm 2017, công ty đã phối hợp với UBND xã Hoằng Phượng và nhân dân thôn 1 và 3 tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân và thống nhất chuyển quyền sử dụng đất cho công ty. Sau quá trình kiểm kê diện tích của các hộ, được UBND xã xác nhận về số liệu, công ty đã trực tiếp chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân và được các hộ ký nhận tiền ngay tại nhà văn hóa. Cụ thể, tổng số hộ GPMB thực hiện dự án là 281 hộ dân thôn 1 và thôn 3 với tổng diện tích 29.124m2, trong đó có 27.000m2 thực hiện dự án và 2.124m2 bị ảnh hưởng.

Sự việc sẽ không có gì đáng bàn nếu không xảy ra sự sai lệch về diện tích đất được bồi thường GPMB. Cụ thể, sau khi các hộ dân đã nhận tiền, nhân dân xã Hoằng Phượng phát hiện diện tích đất được kê khai trong danh sách chi trả tiền bồi thường của nhiều hộ dư thừa so với số liệu thực tế các hộ đang sử dụng. Chính sự việc này đã dẫn đến những nghi ngờ trong dư luận quần chúng nhân dân địa phương. Trong đơn, người dân cho rằng: Xã Hoằng Phượng có một phần lớn diện tích đất dư thừa giáp sông để đề phòng trong quá trình sản xuất đất cơ bản của dân bị sạt lở do bão lũ thì điều chỉnh lại cho dân. Lợi dụng số đất bãi bồi dư thừa trên, một số cán bộ xã, trưởng thôn 1, thôn 3 đã kê khai tăng diện tích thuê đất cơ bản của các hộ dân, diện tích đất công ích của xã để nhận tiền bồi thường chia nhau?

Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, danh sách kê khai diện tích bồi thường GPMB tại bãi bồi Đồng Chu, có 15 hộ dân của thôn 3 có diện tích tăng so với thực tế 786m2, tương ứng với số tiền đã nhận bồi thường là 88.425.000 đồng. Trong khi một số hộ gia đình tại thôn 3 có đất trong diện được bồi thường nhưng lại không có tên trong danh sách nhận tiền ban đầu. Ở thôn 1, hộ ông Lương Văn Duyên có diện tích đất cơ bản là 1.761m2 (diện tích này trước đây là đất công ích do xã quản lý; khi dồn điền, đổi thửa lần 2 năm 2009 đã được UBND xã thống nhất chuyển đổi sang đất cơ bản cho gia đình ông Duyên), tương ứng với số tiền ông Duyên đã nhận bồi thường là hơn 198 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, ông Duyên phải trả lại cho công ty vì lý do diện tích đất của ông không đủ điều kiện để khai thác đất làm nguyên liệu.

Giải trình về vấn đề này, ông Lê Ngọc Hà, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng và ông Đào Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng, khẳng định: UBND xã không gửi diện tích đất công ích cũng như diện tích của bất kỳ cá nhân nào khác vào các hộ gia đình. Danh sách diện tích của các hộ được lấy theo hồ sơ dồn điền, đổi thửa lần 2 và đã được trưởng thôn 1 và thôn 3 thông báo công khai cho 281 hộ dân có đất bị ảnh hưởng, thống nhất về diện tích.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến sai lệch về số liệu, lãnh đạo xã Hoằng Phượng giải thích: Diện tích đất bãi được chia cho các hộ từ những năm 1995 và được chia lại theo đợt dồn điền, đổi thửa lần 2 năm 2009. Thời gian niêm yết danh sách không phát hiện sai sót, chỉ sau khi công ty cấp tiền cho các hộ xong thì một số hộ mới phát hiện, báo cáo về xã; đồng thời, khi hoàn chỉnh hồ sơ, rà soát để thực hiện thủ tục công chứng hợp đồng chuyển nhượng, phát hiện sai lệch về số liệu của 15 hộ dân có đất cho thuê, UBND xã đã thành lập tổ công tác phối hợp cùng với cán bộ thôn kiểm tra lại và đã truy thu số tiền trên, trả lại công ty từ năm 2017.

Xác nhận của lãnh đạo Công ty CP gạch tuynen Sơn Trang, số tiền chênh lệch của 15 hộ sai lệch về diện tích và của ông Lương Văn Duyên, công ty đã nhận lại đầy đủ từ năm 2017.

Đối với nội dung này, tại các kỳ họp HĐND xã, cử tri xã Hoằng Phượng đã hỏi và được UBND xã giải trình nhiều lần. Lãnh đạo địa phương cũng nhận khuyết điểm khi để xảy ra sai sót trên.

Đem sự việc trên trao đổi với Thanh tra huyện Hoằng Hóa, chúng tôi được biết: Nội dung đơn phản ánh về một số cán bộ xã Hoằng Phượng kê khai tăng diện tích thuê đất cơ bản của các hộ dân và diện tích đất công ích của xã khi bồi thường GPMB thực hiện dự án khai thác đất sét và thuê đất của Công ty CP gạch tuynen Sơn Trang để nhận tiền chia nhau là không đúng. Hiện nay, Thanh tra huyện đã chỉ đạo UBND xã Hoằng Phượng phối hợp với MTTQ và các đoàn thể xã làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật để công dân hiểu, không gửi đơn vượt cấp, gây mất ổn định tình hình địa phương.

Bức xúc việc thu các khoản quỹ của tổ hợp tác chăn nuôi VietGap

Đối với việc người dân phản ánh cán bộ xã mà trực tiếp là ông Đào Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hoằng Phượng cùng một số thành viên trong tổ hợp tác chăn nuôi VietGap xã Hoằng Phượng đã thu quỹ hoạt động, tiền đối ứng của Dự án Lifsap để nhận lợn giống, vật tư hỗ trợ không đúng quy định, gây bức xúc trong nhân dân.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, Hoằng Phượng là một trong những địa phương được lựa chọn tham gia Dự án Lifsap từ năm 2014. Ban Quản lý Dự án (BQLDA) xã được thành lập và giao cho ông Đào Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Tổ hợp tác chăn nuôi VietGap cũng được thành lập và hiện có 61 hộ thành viên, chia làm 4 nhóm tham gia. Mỗi hộ thành viên tham gia đóng quỹ hoạt động là 2.000.000 đồng. Mục đích của số quỹ này nhằm đầu tư mua cám, bán cho các hộ thành viên với giá đại lý, nhằm giảm giá thành, thế nhưng thời điểm năm 2017, giá lợn xuống thấp, chăn nuôi bấp bênh nên thường trực tổ hợp tác (ông Nguyễn Đức Nam làm tổ trưởng) đã không dùng số quỹ để đầu tư mua cám mà thống nhất từ tháng 8-2017 giao cho 4 trưởng nhóm vay để phát triển lãi, với lãi suất 0,8%/tháng.

Cũng trong năm 2017, BQLDA Lifsap tỉnh có chương trình hỗ trợ cho tổ hợp tác 50.000 USD từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới. Gói hỗ trợ này cấp bằng con giống, vật tư, như: 84 con lợn giống, 21 máy bơm áp lực, 21 bình phun thuốc khử trùng... Thời gian nhận lợn và vật tư hỗ trợ là tháng 1-2018. Theo biên bản thỏa thuận đề xuất hỗ trợ của tổ hợp tác chăn nuôi VietGap xã Hoằng Phượng với BQLDA Lifsap tỉnh thì các hộ nhận hỗ trợ phải đóng đối ứng bằng 50% giá trị hiện vật tính theo bảng giá các gói thầu, tức 1 con lợn nái có giá 8.000.000 đồng, mỗi hộ phải đóng đối ứng là 4.000.000 đồng. Tuy nhiên, thời điểm năm 2017, giá lợn giảm, mức đóng đối ứng trên là quá cao. BQLDA Lifsap của xã đã định hướng cho tổ hợp tác chỉ thu đối ứng 2.000.000 đồng/con lợn giống và số tiền đối ứng này sẽ được hoàn trả sau 1 năm; đối với vật tư, các hộ được nhận vật tư đóng 30% giá trị vật tư. Số đối ứng này được giao cho 4 trưởng nhóm chịu trách nhiệm thu tiền.

Qua hồ sơ, sổ sách mà ông Nguyễn Đức Nam, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi VietGap xã Hoằng Phượng cung cấp cho phóng viên, cho thấy: Tổng số quỹ hoạt động của 61 thành viên đóng là 122 triệu đồng được cho các trưởng nhóm vay. Tính đến tháng 10-2018, số lãi thu được là hơn 14,6 triệu đồng, thế nhưng đến nay mới chỉ thu được hơn 1,4 triệu đồng.

Tổng số tiền đối ứng vật tư dự kiến thu là 37 triệu đồng, thế nhưng mới thu được 27,1 triệu đồng về quỹ, số còn lại các hộ vẫn còn nợ. Trong khi đến thời điểm này chi phí hoạt động của tổ hợp tác đã lên tới 45 triệu đồng, do cá nhân tổ trưởng tổ hợp tác ứng ra để thanh toán.

Ông Nguyễn Đức Nam cho biết thêm: Việc thu tiền đối ứng nhằm cam kết để các hộ nhận lợn về chăm sóc, sinh sản, phát triển đàn, tránh tình trạng các hộ nhận lợn rồi đem bán hoặc cho hộ khác. Số tiền này ngay từ đầu đã được thỏa thuận là sẽ thanh toán lại cho các hộ dân sau khi kết thúc dự án, song đến nay tổ hợp tác đã trả lại cho các hộ thành viên, trong đó có cả những hộ có lợn chết hoặc đã bán bởi thực tế sau 6 tháng cấp lợn giống, chỉ còn 24 con. Số còn lại có con bị chết, hoặc bán do lợn không có khả năng sinh sản. Đối với hoạt động của tổ hợp tác, do nguồn vốn có hạn, số tiền quỹ không được sử dụng cho chi tiêu hoạt động, số tiền lãi thu được từ việc cho vay không đủ nên tổ hợp tác sẽ tiếp tục tổ chức họp các thành viên để xin ý kiến thống nhất số tiền 30% đối ứng vật tư của các hộ sẽ được sử dụng để chi phí cho hoạt động của tổ hợp tác.

Tiếp lời của tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi VietGap xã Hoằng Phượng, ông Đào Ngọc Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng BQLDA Lifsap của xã giải thích: Tất cả các khoản thu trên là do tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi và các nhóm trưởng tổ chức hội nghị xã viên và được xã viên tự nguyện đóng góp, có sự định hướng, chỉ đạo của xã, BQLDA Lifsap tỉnh. Toàn bộ kinh phí do tổ hợp tác thu và giữ, cá nhân ông không liên quan đến các khoản thu, chi của dự án. Mà trách nhiệm của ông là phối hợp quản lý các mặt hoạt động theo tiêu chí của dự án đề ra, đồng thời cùng với các thành viên BQLDA và các nhóm trưởng tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi thực hiện đúng cam kết dự án.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến trách nhiệm của trưởng ban cũng như việc sử dụng các nguồn quỹ có đúng mục đích của dự án đề ra hay không, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận việc thường trực tổ hợp tác dùng số tiền quỹ cho 4 nhóm trưởng vay là sai tiêu chí của dự án mà số tiền này phải được sử dụng để kinh doanh, lỗ - lãi chia đều cho các thành viên tham gia dự án.

Các thành viên trong BQLDA xã đã nhận ra việc sử dụng quỹ chưa đúng với mục đích, việc sử dụng quỹ cho các cá nhân vay không thanh toán gốc, lãi rõ ràng cũng như không có hướng để xử lý kịp thời dẫn đến những thắc mắc trong các thành viên.

Trước những bức xúc trong nhân dân, thiết nghĩ chính quyền xã Hoằng Phượng cần phải minh bạch thông tin để nhân dân biết và hiểu rõ vấn đề. Có như vậy mới giải đáp được những khúc mắc lâu nay, cũng như giải quyết dứt điểm tình trạng đơn, thư vượt cấp, tránh những thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương.


Bài và ảnh: Tô Dung – Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]