(Baothanhhoa.vn) - Việc rải vàng mã dọc đường đưa tang từ bao đời nay là một thủ tục không thể thiếu trong quá trình tổ chức tang lễ. Tuy nhiên, hiện nay việc làm này không chỉ hao phí tiền của mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần chấm dứt thói quen rải vàng mã

Việc rải vàng mã dọc đường đưa tang từ bao đời nay là một thủ tục không thể thiếu trong quá trình tổ chức tang lễ. Tuy nhiên, hiện nay việc làm này không chỉ hao phí tiền của mà còn gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị.

Cần chấm dứt thói quen rải vàng mã

Vàng mã rải tràn lan trên đường.

Đã từ lâu, người dân sống dọc theo nhiều tuyến đường không còn lạ gì với hình ảnh những tờ giấy vàng mã, tiền âm phủ với đủ màu sắc, hình vẽ, bay tứ tung trên đường mỗi khi có các xe tang đi ngang qua. Những vật này rải rác rồi bị gió cuộn vướng vào cây cỏ ven đường, hoặc bay vào nhà dân, hay bị nước mưa làm cho vữa nát..., trông rất nhếch nhác và phản cảm. Không chỉ rải tiền giả, tang chủ còn rải cả tiền thật với những mệnh giá nhỏ 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng xuống ở các ngã ba, ngã tư hay khi đi qua cầu.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Cường, phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa), bức xúc: Do nhà tôi nằm ngay mặt đường chính đi đến một nghĩa trang của thành phố nên thường xuyên thấy hiện tượng mỗi khi các xe tang đi qua là cả nắm giấy tiền vàng mã được những người trên xe thả xuống đường. Có nhiều hôm, giấy bay lả tả vào trong nhà nên chúng tôi thường xuyên phải đóng cổng. Vậy mà mỗi buổi chiều quét dọn lại gom được cả nắm giấy ngay trước nhà.

Cùng chung tâm trạng với anh Cường, một người dân sống gần khu vực này cho biết: Không chỉ gây phiền toái cho các hộ dân sống hai bên đường mà tình trạng rải vàng mã còn gây nguy hiểm cho người đi đường. Còn nhớ, năm ngoái, trên tuyến đường này, một phụ nữ đang điều khiển xe máy bất ngờ bị tờ vàng mã từ một chiếc xe tang phía trước bay vào người. Giật mình và cảm giác ghê sợ, chị đánh tay lái để tránh thì bị chiếc xe máy đi từ phía sau không tránh kịp đã va chạm gây tai nạn cho chị.

Việc rải vàng mã trên đường đưa tang là một thói quen mang nặng tín ngưỡng dân gian và ăn sâu trong tiềm thức của bao thế hệ với niềm tin rất mơ hồ. Với quan niệm, người chết sẽ về nơi ở mới, cần có tiền bạc để chi tiêu ở cõi âm nên người nhà phải rải giấy tiền, giấy vàng trên đường đưa tang “lót đường” cho ma quỷ để chúng đừng quấy phá, cản trở bước đi của người chết. Có người lý giải làm vậy để người chết biết đường mà từ cõi âm về thăm nhà. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà Phật thì việc đốt vàng mã lại là hành động không đúng với giáo lý Phật pháp, cần nhanh chóng dẹp bỏ.

Không chỉ gây phiền nhiễu cho các hộ dân và làm mất mỹ quan đường phố, việc đốt, rải vàng mã, tiền thật còn gây lãng phí cho chính tang gia. Theo chị Ngô Thị Thu, chủ một cơ sở bán vàng mã trên đường Trường Thi (TP Thanh Hóa), trung bình một đám tang mua tất cả các loại giấy tiền vàng mã và các loại vật dụng bằng giấy để cúng, đốt cho người mất khoảng 1,5 triệu đồng. Riêng tiền vàng mã để rải dọc đường mất khoảng 300 nghìn đồng. Với những nhà nào phải đi đưa tang xa thì con số này còn tăng nhiều hơn.

Như vậy, không biết việc rải vàng mã có giúp được điều gì cho người chết hay không nhưng rõ ràng việc làm này đang khiến nhiều gia đình vừa mất người lại vừa hao phí tiền của.

Trước những mặt trái của việc đốt vàng mã tồn tại trong xã hội, nhiều quy định đã được ban hành để nhằm hạn chế tập tục này. Tại Điều 10 của Thông tư 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21-1-2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã yêu cầu: “Cấm rải tiền Việt Nam và các loại tiền của nước ngoài trên đường đưa tang; không rắc vàng mã trên đường đưa tang”.

Theo đó, thời gian qua, ngành văn hóa cùng với chính quyền địa phương đã tích cực chỉ đạo, tuyên truyền rộng rãi đến người dân nghiêm túc thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Tuy nhiên, việc vận động, tuyên truyền người dân không đốt, rải vàng mã khi đưa tang là việc làm hết sức tế nhị và nhạy cảm nên tình trạng rải vàng mã trong thời gian qua đã có dấu hiệu giảm nhưng không đáng kể. Trên nhiều xe dịch vụ tang lễ, trước khi xe lăn bánh, người lái xe thường trực tiếp nhắc nhở tang chủ không rải vàng mã xuống đường nhưng phần lớn đều bị phớt lờ. Nhiều người cố tình “lách luật” bằng cách vo nhỏ các loại giấy này rồi ném xuống đường để vừa để “không làm mất dấu dẫn đường cho người chết về nhà” lại vừa tránh được sự chú ý của lực lượng chức năng.

Nhằm chấm dứt triệt để thói quen rải vàng mã đã tồn tại từ nhiều năm qua, ngoài việc đẩy mạnh kêu gọi, tuyên truyền rộng rãi giúp người dân nhận ra thói quen này không phù hợp với việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh của thời đại mới, các cấp chính quyền và các lực lượng chức năng cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc tổ chức ma chay ở từng đơn vị thôn, xóm.

Bài và ảnh: Thu Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]