(Baothanhhoa.vn) - Khi cơn lũ đi qua, người dân một số địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ đang khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả. Cuộc sống bà con đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Các địa phương bị lũ, lụt khẩn trương khắc phục khó khăn ổn định cuộc sống

Khi cơn lũ đi qua, người dân một số địa phương bị ảnh hưởng mưa lũ đang khẩn trương bắt tay khắc phục hậu quả. Cuộc sống bà con đang dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn.

Nhân viên y tế xã Thành Kim (Thạch Thành) vệ sinh tiêu độc, khử trùng.

Tại huyện Thạch Thành, trong đợt mưa lũ vừa qua, toàn huyện có hơn 3.000 ha lúa mùa, mía nguyên liệu, ao nuôi trồng thủy sản bị ngập sâu, trong đó có hơn 2.000 ha mất trắng; 783 hộ dân ở 8 xã bị ngập nước... Huyện đã huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ và đoàn viên, thanh niên xuống các xã, thôn bị thiệt hại nặng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt. Mỗi gia đình đều tự dọn dẹp nhà mình theo phương châm nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đó. Ngoài ra, huyện tiếp tục theo dõi chặt chẽ mực nước trên sông Bưởi, chỉ đạo các đơn vị tiếp tục các biện pháp tiêu úng kịp thời để bảo vệ diện tích lúa mùa, mía và cây màu vụ mùa; kiểm tra, theo dõi, đánh giá thống kê thiệt hại do mưa lớn sau bão gây ra để có chỉ đạo khắc phục kịp thời. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh quan tâm hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hồ đập nhỏ đã xuống cấp nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến dân sinh; xem xét hỗ trợ khẩn cấp giống lúa, ngô ngắn ngày gieo lại lúa trên diện tích lúa mùa bị mất trắng và diện tích trồng ngô thu 2018; hỗ trợ lương thực để phục vụ nhân dân có nhà cửa bị ngập, cây trồng bị ngập lụt mất trắng nhằm ổn định đời sống người dân.

Hiện đời sống người dân các xã Thành Mỹ, Thạch Định, Thành Trực, Thành Kim và một số nơi bị cô lập đang dần ổn định. Một số trường học bị ngập lũ được dọn dẹp sạch sẽ, chuẩn bị cho năm học mới. Công tác y tế cũng được tích cực triển khai trước sau lũ. Bác sĩ CKII Phạm Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thạch Thành cho hay: Chúng tôi đã cấp đầy đủ thuốc phòng chữa bệnh cho bà con trong huyện. Các hóa chất để xử lý nguồn nước đã được chuyển đến tay người dân. Trên địa bàn đã xuất hiện bệnh đau mắt đỏ và nước ăn chân. Trung tâm đã chỉ đạo trạm y tế xã cử nhân viên y tế theo dõi thường xuyên, cấp phát thuốc cho người dân điều trị.

Tuy nhiên, vấn đề lo ngại nhất của các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ là việc khôi phục sản xuất của người dân không hề dễ dàng.

Ông Chu Văn Vân, thôn 3 Tân Sơn, xã Thành Kim, lo lắng nước đã rút, nhưng để ổn định sản xuất gia đình tôi còn chưa biết tính sao. Là hộ thuần nông chỉ trông vào mấy sào ruộng, cây mía nhưng hơn 1 ha mía sắp đến kỳ thu hoạch, 6 sào lúa vừa cấy xong đã bị chìm trong biển nước. Rồi tiền vay vốn sản xuất của ngân hàng đã đến kỳ trả nợ... khó khăn quá.

Ông Lê Xuân Mâu, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Trực cho biết: Toàn xã có 7/8 thôn bị lụt, 219 hộ gia đình với gần 900 nhân khẩu phải di chuyển ra khỏi vùng ngập lụt tới nhà văn hóa, tới các hộ gia đình ở những chỗ cao ráo. Hiện tại mực nước đã rút, công tác dọn dẹp nhà cửa được triển khai nhanh chóng. Tuy nhiên trên địa bàn xã ước tính có 52 ha lúa, 332 ha mía bị ngập mất trắng. Xã cũng đang tổng hợp thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ ổn định cuộc sống của người dân.

Còn tại huyện Vĩnh Lộc, ông Lê Ngọc Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hưng trăn trở: Đến thời điểm này trên địa bàn xã nước ở vùng trong đê vẫn chưa ra hết, còn ngập sâu, ước thiệt hại 170 ha lúa, 17 ha mía, hơn 10 ha rau màu. Tại 2 thôn ngoại đê chạy lũ an toàn không có thiệt hại về người, nhưng hoa màu mất hết. Người dân địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, khi cây lúa bị ngập úng, không có khả năng phục hồi, địa phương cũng đang lúng túng chưa biết cơ cấu cây gì để phù hợp với thời vụ, ổn định sản xuất cho người dân.

Tại huyện Lang Chánh, công tác khắc phục thiệt hại cũng đang được tích cực triển khai. Huyện đã tăng cường thêm lực lượng công an, quân sự, lực lượng dân quân tự vệ của 11 xã, thị trấn gần 1.000 người và huy động 10 máy múc, 20 xe ô tô để tìm kiếm nạn nhân mất tích do bị lũ cuốn trôi tại xã Trí Nang và khơi thông các điểm sạt lở gây ách tắc giao thông trên tuyến tỉnh lộ 530 thị trấn đi Yên Khương và 530B thị trấn đi xã Tam Văn, Lâm Phú. Trung tâm Y tế huyện đang tiến hành các biện pháp vệ sinh môi trường, tiêu độc, khử trùng sau lũ tại các điểm bị ảnh hưởng, xử lý môi trường trong và sau bão lụt, nước lũ rút đến đâu thì tổ chức khử khuẩn các giếng nước đến đấy, nhằm bảo đảm 100% hộ dân trong vùng lũ, lụt có nước sạch để sử dụng. Chính quyền, các tổ chức đoàn thể, đơn vị đã hỗ trợ hơn 150 triệu đồng cho các gia đình bị thiệt hại, bố trí chỗ ở tạm thời cho những gia đình bị trôi nhà và bảo đảm nhu yếu phẩm, đồ ăn thức uống, không để một hộ gia đình nào thiếu đói.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]