(Baothanhhoa.vn) - Như bao người bình thường khác, những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Dẫu biết rằng, hành trình quay về nẻo thiện của họ là chuỗi ngày khó khăn, vất vả nhưng bằng ý chí phấn đấu, nghị lực mạnh mẽ, một số người đã tự kiến tạo lại cuộc sống mới đầy tươi đẹp của mình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bước qua quá khứ lầm lỡ, làm giàu cho quê hương

Như bao người bình thường khác, những người hoàn lương cũng có ước mơ về cuộc sống ổn định và một mái ấm bình yên. Dẫu biết rằng, hành trình quay về nẻo thiện của họ là chuỗi ngày khó khăn, vất vả nhưng bằng ý chí phấn đấu, nghị lực mạnh mẽ, một số người đã tự kiến tạo lại cuộc sống mới đầy tươi đẹp của mình.

Đại diện mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự” huyện Nga Sơn tới thăm Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Tuấn Thành.

Nỗ lực làm lại cuộc đời

Từ nhỏ,Trần Văn Sùng (sinh năm 1982), ở xã Nga Thạch (Nga Sơn) được biết đến là một đứa trẻ thông minh, lanh lợi. Khi đang là học sinh lớp 11, Sùng đã được kết nạp vào Đảng, trở thành đảng viên trẻ nhất của xã lúc bấy giờ. Thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội, Sùng luôn là sinh viên giỏi suốt 3 năm. Đến cuối năm thứ 4, cuộc đời Sùng rẽ sang hướng khác - một ngã rẽ “chết người” khi nghe bạn bè rủ rê đi buôn tiền giả. Sùng bị bắt và bị tòa tuyên án 7 năm tù giam. Lát cắt bất ngờ của cuộc đời khiến Sùng chán nản, muốn buông xuôi. Nhưng rồi, Sùng nhận ra không ai bỏ rơi mình, “Bố, mẹ vẫn vào trại thăm nom và an ủi. Còn các cán bộ trại giam ngoài việc nghiêm khắc trong giờ giấc, luật định cũng động viên tôi cố gắng cải tạo tốt, sớm trở về với gia đình” - Sùng chia sẻ.

Trần Văn Sùng thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh, tỉnh Ninh Bình. Lúc đầu, Sùng được phân vào đội bếp, có nhiệm vụ nấu cơm cho các phạm nhân khác. Một thời gian sau, trại liên kết với một cơ sở làm đá mỹ nghệ ở xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư nên tạo điều kiện cho các phạm nhân khéo tay, chăm chỉ đi học. Sùng đăng ký học và không ngừng cố gắng. 29 tháng, 3 ngày thử thách, Trần Văn Sùng ra tù nhờ quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho những người cải tạo tốt. Trở về với hai bàn tay trắng, gia đình khánh kiệt, Sùng ra Hà Nội làm thuê sống qua ngày. Khó khăn quá, Sùng lại vào miền Nam làm công nhân, nhưng rồi anh lại nghĩ, đâu ai chạy trốn được cả đời, ngã đâu đứng dậy ở đó, lấy lại uy tín và niềm tin của mọi người nên quyết định trở về quê lập nghiệp.

Sẵn có kinh nghiệm trong nghề đá mỹ nghệ, anh đi khắp làng trên, xóm dưới mời chào thuê dịch vụ, đặc biệt là những nhà làm nhà mới, làm mộ. Với giá nhân công rẻ, tay nghề tốt nên Sùng nhanh chóng được tín nhiệm của mọi người. Năm 2012 - hơn 3 năm sau khi ra trại, Sùng đã thành lập Công ty TNHH Đầu tư xây dựng hạ tầng Tuấn Thành, tiểu khu II, thị trấn Nga Sơn, huyện Nga Sơn. Có tư cách pháp nhân, công việc của Sùng thuận lợi hơn, anh được tham gia đấu thầu những công trình lớn, thu nhập cao hơn hẳn. Hiện tại, ngoài việc điều hành công ty, Sùng còn kinh doanh thêm nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi. “Tôi muốn cho mọi người thấy rằng đặt niềm tin ở những người từng lầm lỡ như tôi không phải là một sai lầm” – giám đốc trẻ khẳng định.

Gần 20 lao động đang làm việc tại công ty có những người từ trại trở về, có người học xong thất nghiệp... Sùng đều nhận vào làm, giờ đã có thu nhập ổn định từ 5-9 triệu đồng/tháng, ngoài ra còn hơn 10 lao động khác làm bán thời gian.

Ghi nhận những đóng góp trong công tác giúp đỡ những người từng lầm lỡ trở về hoàn lương, anh Sùng vinh dự được nhận bằng khen của Bộ Công an và giấy khen của UBND huyện Nga Sơn. Ông Mai Thế Ánh, Trưởng Công an thị trấn Nga Sơn, cho biết: “Anh Sùng là tấm gương sáng trong công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người lầm lỗi, đã góp phần vào công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trên địa bàn. Đóng góp và quyết tâm hoàn lương của anh Sùng rất đáng được trân trọng”.

Theo ông Ánh, điều quan trọng nhất để những người lầm lỗi không tái phạm tội chính ở bản thân họ phải thực sự quyết tâm, gây dựng niềm tin với cộng đồng, làm lại cuộc đời. Hầu hết người mãn hạn tù trở về đều mong muốn được học nghề, vay vốn để làm ăn nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Do vậy, giải pháp trọng tâm là tích cực hỗ trợ về vốn nhằm phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo điều kiện để những người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Từng là một cán bộ kiểm lâm nhưng sau một lần “nhắm mắt đưa chân”, ông Lê Văn Bình, khu 2, thị trấn Quan Hóa (Quan Hóa) đã trở thành tội phạm. Những tưởng mức án 9 năm tù vì tội mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy sẽ khép lại cuộc đời ông, nhưng không, ông đã hoàn lương trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội, được nhiều người mến phục bởi ý chí vươn lên trong cuộc sống. “Trước đây, do suy nghĩ nông cạn nên tôi phải chịu sự trừng phạt thích đáng của pháp luật. Nay nhìn những gì mình đang có, cảm giác vui lắm, như phần nào trả được món nợ cứ đè nặng trong tôi bấy lâu. Tôi sẽ quyết tâm hơn nữa để trả nợ cuộc đời” - ông Bình mở đầu câu chuyện.

Sinh ra trong một gia đình gia giáo ở huyện Như Thanh, ông Lê Văn Bình được gia đình chăm lo, giáo dục tử tế. Lên Quan Hóa từ năm 1980, ông công tác tại Hạt Kiểm lâm huyện Quan Hóa. Trong một cuộc trò chuyện, ông Bình nghe bạn bè nói về chuyện đi buôn “hàng đen”, mỗi chuyến đi như vậy lãi cả triệu đồng. Trước sự cám dỗ của đồng tiền, ông Bình đã tham gia đường dây vận chuyển ma túy từ miền ngược xuống miền xuôi. Rồi “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, đường dây mua bán, vận chuyển ma túy này đã lọt vào “tầm ngắm” của lực lượng công an. Những tên cầm đầu lần lượt bị sa lưới, chúng khai ra đồng bọn, trong đó có ông Bình. Tòa án Nhân dân tỉnh Ninh Bình xét xử, tuyên phạt ông Bình 9 năm tù, phải thi hành án tại Trại giam số 5, thuộc cục V26, đóng tại thị trấn Thống Nhất (Yên Định).

Nhờ cải tạo tốt, năm 2004, ông Lê Văn Bình được đặc xá trước thời hạn 4 năm. Trở về nhà, cuộc sống tuy vẫn còn khó khăn nhưng với ý chí quyết tâm chuộc lại quá khứ, ông Bình bắt đầu xây dựng kinh tế gia đình. Thấy rõ tiềm năng về đất đai, lao động, khí hậu và thế mạnh của cây luồng trong cơ cấu kinh tế của địa phương, năm 2006 ông mạnh dạn vận động anh em, bạn bè ở huyện Quan Hóa và huyện Bá Thước thành lập HTX chế biến lâm sản Sông Mã, chuyên sản xuất các sản phẩm từ gỗ, tre, luồng, như: Đũa thô, than tre luồng hoạt tính, nan ván sàn, bột giấy, tăm mành... tại bản Cang, xã Xuân Phú. Ban đầu, HTX chỉ có 30 lao động với số vốn lưu động 500 triệu đồng. Đến nay, HTX đã mở rộng quy mô thành 3 cơ sở sản xuất giấy vàng mã, tận dụng phụ phẩm cây luồng sau chế biến đũa thô và nan ván sàn, với trên 200 lao động trực tiếp và giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động là người trồng luồng ở các xã: Phú Xuân, Nam Xuân, Nam Tín và Hồi Xuân. Hàng năm, HTX thu mua 1.100 - 1.200 tấn luồng tươi, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng/tháng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Ông Bình luôn tâm niệm bản thân không được tự mãn với thành công, mà tận đáy lòng của người từng lầm lỗi này vẫn nung nấu mơ ước cháy bỏng khác là được góp sức làm giàu cho quê hương. Nỗ lực của ông trên con đường hướng thiện đã làm nhiều người cảm động. Ông vinh dự hơn khi được công nhận là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi, giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội tre, luồng huyện Quan Hóa.

“Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”

Trong cuộc đời, ai cũng có lúc vấp ngã, quan trọng là sau đó có đứng lên được hay không, điều này nghe qua tưởng dễ, nhưng thực tế không phải ai cũng có dũng khí làm lại cuộc đời. Bởi lẽ, đa số người chấp hành án phạt tù xong có trình độ học vấn thấp, không có nghề nghiệp ổn định, điều kiện kinh tế khó khăn nên rất khó tái hòa nhập cộng đồng. Vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, những người từng lầm lỗi rất cần sự sẻ chia, quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng, nhất là gia đình, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể để họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp sau khi trở lại cuộc sống cộng đồng đã bị chính người thân của mình và những người xung quanh phân biệt, kỳ thị. Có trường hợp đi xin việc, khi xem qua hồ sơ thấy có “vấn đề” đã bị từ chối một cách thẳng thừng nên việc hòa nhập cộng đồng đối với người từng lầm lỡ trở nên rất khó khăn.

Thời gian qua, tại một số địa phương đã xây dựng được một số mô hình tái hòa nhập cộng đồng để tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ những người chấp hành xong án tù trở về địa phương. Trong đó, mô hình “Tổ tự quản giúp nhau vượt khó” được triển khai tại 2 phường Tân Sơn và Đông Hương, TP Thanh Hóa được xem là một cách làm thiết thực nhất. Nhằm nâng cao trách nhiệm của các thành viên khi tham gia mô hình, mỗi người đều phải ký một bản cam kết với nội dung: Chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, sử dụng vốn vay đúng mục đích và hoàn trả đúng thời gian quy định, vận động các thành viên không tái phạm, vi phạm pháp luật. Ông Đỗ Tân Phú, Trưởng Công an phường Đông Hương (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Giúp đỡ bằng tình thương yêu là phương châm mà TP Thanh Hóa luôn vận dụng trong công tác quản lý, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng. Không xem đây là những đối tượng “hết thuốc chữa”, cán bộ các ngành, đoàn thể, địa phương đã dành nhiều thời gian gần gũi, động viên để họ tránh xa con đường sai trái và có hướng trợ giúp phù hợp với nhu cầu từng người, như: Vận động, hỗ trợ tiền khi người trong diện quản lý gặp tai nạn, giới thiệu việc làm, bảo lãnh cho vay vốn sản xuất...”.

Để hạn chế tình trạng phạm nhân ra tù lại tái phạm, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa đến việc tiếp nhận, quản lý, cảm hóa, giáo dục người tù trở về; xây dựng và áp dụng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng; tạo nguồn vốn hỗ trợ, mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng; đẩy mạnh tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng tham gia giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng.

Còn rất nhiều những số phận hoàn lương khác, trong quá khứ vì những hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy mà họ đã phạm phải sai lầm, phải trả giá bằng những năm tháng cơm tù áo số. Thế nhưng, phúc phận đời người, họ may mắn được nâng đỡ, cưu mang ngay khi vừa bước ra khỏi cánh cổng trại giam bởi những tấm lòng bao la trời biển. Quan trọng hơn, ý chí, nghị lực và niềm tin đã giúp họ đứng dậy sau vấp ngã. Những số phận người tù sau cải tạo như ông Bình, anh Sùng là một bản giao hưởng của âm thanh cuộc sống. Họ đã bước qua quá khứ, vượt lên chính mình, trở thành những công dân tiêu biểu của địa phương – nơi bản thân từng vấp ngã.


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]