(Baothanhhoa.vn) - Trời vẫn không ngừng mưa, mọi con đường vào bản Poọng đều bị cô lập. Nước lũ lồng lộn, chảy xiết, sẵn sàng cuốn phăng tất cả. Sức người thật mong manh trước sự hung bạo của lũ dữ. Nhưng, tinh thần người lính Bộ đội Cụ Hồ đâu dễ chùn bước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Bộ đội Cụ Hồ” trong lũ dữ

Trời vẫn không ngừng mưa, mọi con đường vào bản Poọng đều bị cô lập. Nước lũ lồng lộn, chảy xiết, sẵn sàng cuốn phăng tất cả. Sức người thật mong manh trước sự hung bạo của lũ dữ. Nhưng, tinh thần người lính Bộ đội Cụ Hồ đâu dễ chùn bước.

“Bộ đội Cụ Hồ” trong lũ dữ Các lực lượng vũ trang giúp người dân bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát) khắc phục sau lũ.

Mệnh lệnh của trái tim

Dẫn tôi đi dọc con đường chạy qua bản Poọng, xã Tam Chung (Mường Lát), giữa khung cảnh ngổn ngang và đổ nát, dòng ký ức về cái ngày trầm mình qua lũ giúp nhân dân di rời khỏi vùng nguy hiểm cứ thế ùa về trong tâm trí của Trung tá Hoàng Văn Linh, Chính trị viên phó, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Mường Lát. 10 giờ 30 phút ngày 30-8, tiếng kẻng tập hợp của Ban CHQS huyện Mường Lát reo vang.

Chưa đầy 5 phút, tất cả quân số của đơn vị được tập hợp đầy đủ trước sân. “Khẩn trương hành quân vào vùng lũ giúp dân” - mệnh lệnh đưa ra, tiếng “tuân lệnh” được hô vang, mỗi đồng chí mang theo 2 thùng mì tôm, 3 kg gạo, 10 quả trứng và bắt đầu lên đường.

Trời vẫn không ngừng mưa, mọi con đường vào bản Poọng đều bị cô lập. Nước lũ lồng lộn, chảy xiết, sẵn sàng cuốn phăng tất cả. Sức người thật mong manh trước sự hung bạo của lũ dữ. Nhưng, tinh thần người lính Bộ đội Cụ Hồ đâu dễ chùn bước. Các đồng chí dùng dây thừng buộc ngang người, men theo bìa rừng, đi sát nhau thành hàng dài để tránh bị cuốn theo dòng nước. Mỗi bước chân chạm đất là một lần đánh cược mạng sống với tử thần - dưới chân là dòng nước hung ác, trên đầu là những lớp đất đá sẵn sàng đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Ấy vậy mà, không một tiếng thở than, thay vào đó là những lời động viên, khích lệ: “Cố lên các đồng chí! Bà con vẫn còn ở trong đó. Chừng nào họ chưa được an toàn thì chúng ta không được phép dừng lại”. Dù thời chiến hay thời bình, những người lính, họ vẫn luôn mang trong mình ý chí sắt đá, bản lĩnh kiên cường. Nhưng, chắc hẳn, chỉ như vậy thôi thì chưa đủ. Có lẽ, chẳng có thứ tinh thần nào lớn lao bằng tình quân dân – mối tình như cá với nước, luôn bao bọc, chở che và sẵn sàng hy sinh vì nhau. Mối quan hệ này đã cùng nhau đi qua biết bao thời khắc khó khăn nhất của lịch sử dân tộc. Cùng nhau tạo nên những chiến công chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu.

Mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, cả đội mới tiếp cận được với vùng tâm lũ. “Khi chúng tôi tới nơi bà con đang tập trung ở hai mô đất cao giữa bản. Xung quanh, 3 dòng nước lũ chắn ngang, họ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cả hai mô đất này cũng có thể đổ sụp xuống bất cứ lúc nào. Họ gào khóc, hoang mang cực độ. Nhưng, thật lạ, khi nhìn thấy màu xanh của áo lính, họ ngưng khóc và bình tĩnh trở lại. Họ ôm chặt lấy chúng tôi, rồi hô vang: Bộ đội tới rồi! Chúng ta được cứu rồi! Thật ấm lòng. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh bản thân mình để đến với họ... – Trung tá Linh vẫn chưa hết xúc động mỗi khi nhắc đến giây phút gặp gỡ hôm đó. Tận mấy ngày sau lũ, chị Hà Thị Xuân, bản Poọng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại: “Suốt cuộc đời, tôi sẽ không quên được cái ngày hôm ấy. Lũ về, cố gắng chạy thoát dòng nước hung tợn, tôi bị ngã khiến chân bong gân không thể di chuyển được. May mắn, có bộ đội cõng chạy ra ngoài. Trong dòng nước chảy xiết, có những lúc nước dâng ngang người nhưng bộ đội ấy vẫn giữ chặt tôi trên lưng...”.

Tôi hỏi Trung tá Linh về chuyến hành quân hôm ấy. Rằng, chúng ta đều là con người, khi đối diện với hiểm nguy, chắc hẳn, trong ai cũng có sự khát khao sống cho riêng mình. Có một giây phút nào trước nguy nan các anh từng nghĩ bản thân sẽ chùn bước? Một cái lắc đầu mau lẹ, cùng câu trả lời đanh thép: “Không bao giờ”. Đã khoác lên mình màu áo lính thì cứu nhân dân chính là mệnh lệnh từ trái tim.

Ấm tình quân dân những ngày sau lũ

Lũ đi qua, để lại cho người dân huyện Mường Lát những di chứng nặng nề. Tôi đã đến, đã thấy, những bản làng trù phú, tươi đẹp bỗng chốc trở nên điêu tàn, xơ xác. Nhìn những gương mặt thất thần, lo lắng khi nghĩ về tương lai. Phải mất bao lâu thì những vết thương kia mới liền miệng, kết da. 1 năm, 2 năm, 3 năm... thậm chí là lâu hơn, chẳng ai dám khẳng định về cái mốc thời gian cụ thể. Nhưng, trong chính những thời khắc khó khăn ấy, tình quân dân lại được hun đúc, kiểm chứng. Hình ảnh những người lính chạy khắp thị trấn, gõ cửa từng nhà để xin sữa, xin quần áo cho trẻ em. Những bữa cơm qua loa hay giấc ngủ vội vàng để lấy sức giúp dân. Hay lao mình vào đống đổ nát, dọn dẹp nhà cửa, vớt vát tài sản cho bà con... Thật ấm lòng.

Có lẽ, trong tất cả những thông tin sau lũ, thông tin về việc 4,1 tấn gạo cùng 700 thùng mì tôm được vận chuyển bằng đường sông đã đến tay bà con gây xúc động mạnh trong cộng đồng. Ai cũng mừng, cũng cảm thấy yên lòng vì người dân vùng lũ không phải chịu đói. Nhưng, mấy ai biết, đằng sau công việc mang ý nghĩa lớn lao này là cả một sự gian nan, vất vả khó có thể tưởng tượng. Không phải “chị gánh, anh thồ” của thời chiến, mà chỉ có “anh gánh, anh thồ” của thời bình. Những chiếc xe mô tô với bao gạo chất cao ngang lưng, một người ga, 2 người đẩy sau, cứ thế ì ạch tiến lên từng con dốc, vượt qua từng hố sâu, bùn lầy. Rồi khi xe không thể đi được nữa, họ lại chuyển sang gánh. Bao gạo 50 kg được chia đôi thành hai bao nhỏ để gánh, cứ thế, họ lầm lũi tiến lên. “Ngã kỹ thuật để gạo không ướt” – trong những ngày gian khổ đó, các chiến sĩ vẫn hóm hỉnh truyền tai nhau câu nói này. Hoàn cảnh đó, thứ họ gánh trên vai không còn là gạo nữa, mà chính là trách nhiệm, tình yêu, niềm kiêu hãnh của người lính Cụ Hồ. 10 ngày sau mưa lũ, Ban CHQS huyện Mường Lát đã lo đầy đủ chỗ ăn ở cho 350 bà con bản Poọng, huy động trên 400 ngày công quân đội, 2.000 ngày công của dân quân cơ động để giúp dân khắc phục thiệt hại; ủng hộ 200 kg gạo, 50 thùng mì tôm, 50 triệu đồng mua sắm dụng cụ cá nhân cho bà con bản Poọng, bản Qua, xã Quang Chiểu; bản Ngố, xã Mường Chanh... Những con số ấy, sẽ chẳng bao giờ đủ để nói lên được những đóng góp thầm lặng của những người lính.

Đằng sau là những hy sinh, mất mát

“Nhà mình bị lũ cuốn trôi rồi anh à. Nhưng may mắn, mẹ, em và con không sao cả. Bốn ngày rồi không liên lạc được với anh, chẳng biết chuyện gì đã xảy ra, cầu trời cho anh vẫn bình yên. Hôm nay mẹ khóc, mẹ khóc vì thương anh. Em cũng thương anh nhiều lắm, nhưng em không được khóc, em không cho phép mình yếu mềm, là vợ người lính phải kiên cường, anh đã từng nói với em như vậy mà. Em sẽ làm được. Anh và đồng đội hãy luôn bình yên nhé! Mong lũ đừng về nữa để bà con đỡ khổ”. Dòng tin nhắn mà chị Hà Thị Khời, vợ Thượng úy Vi Văn Đức, trợ lý dân quân, Ban CHQS huyện Mường Lát đã soạn nhưng rồi không dám gửi cho chồng vì sợ anh lo lắng. Tận 2 ngày sau lũ, anh Đức mới biết tin ngôi nhà của mình ở bản Buốn, xã Tén Tằn đã bị lũ cuốn mất. Đơn vị cho anh nghỉ phép 4 ngày, để ổn định nhà cửa. Nhưng, chỉ 2 ngày sau khi thuê một căn nhà cấp 4 làm chỗ trú chân tạm thời cho gia đình, anh lại tức tốc trở lại đơn vị để tiếp tục nhiệm vụ. Đồng đội an ủi, anh mỉm cười lạc quan: “Còn người thì còn tất cả. Gia đình tớ vẫn còn may mắn. Ngoài kia, bà con của mình, những nỗi đau mất người thân vẫn còn đó, họ mới là những người đáng thương, cần giúp đỡ”. Cũng như anh Đức, 2 ngày sau khi lũ cuốn trôi nhà ở bản Táo, xã Trung Lý, Trung úy Dương Ngọc Nam, nhân viên quân khí của Ban CHQS huyện Mường Lát mới nhận được thông tin. Anh cũng chỉ về qua nhà ổn định tình hình cho vợ con rồi trở lại cơ quan...

Phạm Công Chung

(Giảng viên Trường sỹ quan lục quân I)


Phạm Công Chung

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]