(Baothanhhoa.vn) - Mỗi người một quê và mang trong mình thương tật, nỗi đau khác nhau nhưng khi sống cùng nhau tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa (có trụ sở tại phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn), các thương, bệnh binh, người có công ở đây được chăm sóc, yêu thương như người thân trong một gia đình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bình yên, hạnh phúc ở ngôi nhà chung của thương, bệnh binh

Mỗi người một quê và mang trong mình thương tật, nỗi đau khác nhau nhưng khi sống cùng nhau tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa (có trụ sở tại phường Quảng Thọ, TP Sầm Sơn), các thương, bệnh binh, người có công ở đây được chăm sóc, yêu thương như người thân trong một gia đình.

Bình yên, hạnh phúc ở ngôi nhà chung của thương, bệnh binh

Các y, bác sĩ ở Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa không chỉ là người điều trị, chăm sóc mà còn là người thân để các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ già cả bầu bạn, tâm sự. Ảnh: Hoàng Giang

Ký ức tự hào nơi chiến trường xưa

Đã 35 năm được chăm sóc tại Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là trung tâm), ông Mai Trọng Bái (SN 1937, quê ở xã Hoằng Trạch, huyện Hoằng Hóa) coi nơi này như ngôi nhà, gia đình thứ 2 của mình.

Trong căn phòng thoáng mát, ngăn nắp, ấm cúng của mình, ông Bái kể cho chúng tôi nghe về những ngày tháng chiến đấu ác liệt mà hào hùng của ông cùng đồng đội. Năm 1959, ông Bái lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, năm 1966 ông bắt đầu tham gia chiến đấu ở các chiến trường ác liệt nhất, như: Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào... Năm 1971, trong một lần cùng đồng đội chiến đấu, ông bị thương bởi đạn pháo, bị mất 1 chân và mắt trái. Ông được chuyển ra Bắc điều trị. Năm 1984, ông Bái được chuyển vào điều trị, chăm sóc tại trung tâm cho đến nay.

Kể về cuộc đời mình, ông Bái bùi ngùi: Tham gia chiến đấu rồi bị thương nặng nên khi trở về nhà ông cũng phải đi điều trị khắp nơi nên không có điều kiện, sức khỏe để phụ giúp gia đình. Năm 1984, khi ông chuyển về trung tâm thì vợ ông ốm nặng rồi qua đời để lại cho ông 3 người con còn thơ dại. Khi đó, để có thể chăm sóc được các con, ông phải điều trị ngoại trú. Mỗi sáng, ông phải dậy sớm gửi con cho người thân rồi đi bộ đến trung tâm để lấy thuốc, trưa lại đi bộ về nhà. Có những hôm không gửi được các con, ông lại phải đưa con đi cùng. Nhiều năm nay, khi các con đã lớn và có gia đình riêng, bận đi làm ăn, ông lên ở trung tâm để các y, bác sĩ chăm sóc, khi nào nhớ con, nhớ cháu, sức khỏe ổn định ông lại về nhà thăm.

“Gần nửa cuộc đời gắn bó với trung tâm, tôi xem như đây là gia đình, ngôi nhà thứ 2 của mình. Những y, bác sĩ, nhân viên ở đây như những người thân ruột thịt của tôi. Mang thương tật nặng, những khi trái gió trở trời, các vết thương trong người tôi lại đau nhức, hành hạ, rồi tuổi cao nên bệnh tật ngày càng nhiều. Tôi đã phải nhiều lần đi điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện 103, 108 ở Hà Nội. Mỗi lần đi bệnh viện như vậy, tôi đều được các nhân viên của trung tâm đi theo để chăm sóc rất tận tình, chu đáo như người thân. Nếu không được chăm sóc tại trung tâm này, tôi cũng như nhiều thương binh, bệnh binh ở đây chắc gì còn sống khỏe mạnh đến ngày hôm nay. Tôi coi đây là sự may mắn, niềm hạnh phúc của bản thân. Vì vậy, tôi luôn thầm biết ơn Đảng, Nhà nước, nhân dân đã có nhiều chủ trương, chính sách, sự quan tâm đến thế hệ chúng tôi ” – ông Bái xúc động chia sẻ.

Cũng là thương binh nặng, ông Hà Văn Xuyến (SN 1954, ở xã Xuân Tín, huyện Thọ Xuân) đã gắn bó với trung tâm 35 năm nay. Ông Xuyến cho biết, trong lần ông cùng đồng đội tham gia một trận đánh rồi bị thương ở đầu. Sau khi được điều trị ở trạm xá của trung đoàn, năm 1982 ông được đưa ra miền Bắc để tiếp tục điều trị, đến năm 1984 được chuyển về trung tâm. Ở trung tâm, ông được các nhân viên chăm sóc rất chu đáo, tận tình. Những khi đêm muộn, vẫn có người túc trực để lo cho sức khỏe. Vì lẽ đó, ông không có cảm giác buồn nhiều vì xa gia đình.

Tâm sự về những nỗi đau của người lính khi trở về, ông Xuyến nói: “Dẫu vết thương liên tục tái phát và nhiều người còn mang nỗi đau kéo dài khi có những người con bị nhiễm chất độc da cam, nhưng thế hệ chúng tôi luôn tự hào vì đã cống hiến một phần rất nhỏ của mình vì Tổ quốc thân yêu”.

Tình đồng chí, tình ruột thịt

Bên hành lang dãy các phòng ở, cứ mỗi buổi chiều những thương binh, bệnh binh ở trung tâm lại ngồi cùng nhau để kể cho nhau nghe những câu chuyện chiến trường, rồi chuyện cuộc sống gia đình. Những câu chuyện có khi buồn, khi vui nhưng hơn cả đó là niềm tự hào của những người sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì Tổ quốc. Ở chiến trường xưa, họ là những đồng chí. Được chăm sóc, sinh sống ở nơi này họ không chỉ có tình đồng chí mà có cả tình thân, tình ruột thịt.

Không phải là thương, bệnh binh nhưng bà Hoàng Thị Lan (SN 1945, xã Hoằng Đạo, huyện Hoằng Hóa) cũng sinh sống và được chăm sóc tại trung tâm, bởi bà thuộc diện thân nhân liệt sĩ già cả, cô đơn.

Kể chuyện xưa, bà Lan xúc động: Chồng tôi hy sinh ở chiến trường Quảng Trị. Năm 1969, anh ấy lên đường nhập ngũ. Tháng 9-1971, anh ấy xin nghỉ phép về quê mấy ngày để làm đám cưới. Chúng tôi cưới nhau được vài ngày thì chồng tôi tiếp tục lên đường vào chiến trường. Rồi đến tháng 4-1972, tôi nhận được tin chồng tôi hy sinh. Kỷ vật duy nhất anh ấy để lại cho tôi là tấm ảnh để làm di ảnh trên bàn thờ.

Nói chuyện với chúng tôi, đôi mắt bà Lan ngân ngấn lệ: “Từ khi chồng hy sinh, tôi ở vậy nuôi mẹ chồng. Năm 2012, sau khi mẹ chồng mất, tôi cũng không còn người thân nào nên vào trung tâm sinh sống cho đến nay. Ở đây tôi được sống cùng với những người cùng hoàn cảnh, được các nhân viên ở trung tâm chăm sóc như người thân ruột thịt. Đây đã trở thành ngôi nhà, mái ấm của tôi”.

“Mọi người ở đây sống tình cảm lắm. Cán bộ, bác sĩ, nhân viên đều coi chúng tôi như người thân, từ cách xưng hô, chào hỏi đến sự tận tình trong từng bữa cơm, hay những khi chăm sóc bệnh tình cho chúng tôi. Số phận không cho mình một mái nhà riêng, nhưng sống trong mái nhà trung tâm này, tôi không cảm thấy bị cô đơn, lạc lỏng vì những hạnh phúc bình dị đó” – bà Lan nói.

Là một trong số các y, bác sĩ đã có hơn 30 năm công tác tại trung tâm, bà Đỗ Thị Bàn (53 tuổi) tâm sự: Chúng tôi chăm sóc các thương binh, bệnh binh từng bữa ăn, giấc ngủ, đến vệ sinh cá nhân... nên có tình cảm, gắn bó như người thân của mình. Những người ở đây đều là những thương binh, bệnh binh nặng, tâm thần, những người bị nhiễm chất độc da cam... việc chăm sóc vô cùng vất vả, phải là những người “có tâm” mới gắn bó với công việc này. Trong ngôi nhà chung này, chúng tôi cũng chỉ mong đem đến cho các thương binh, bệnh binh sự thoải mái, gần gũi, yêu thương để họ thấy như đang ở chính ngôi nhà của mình.

Cần sự quan tâm hơn nữa

Hiện nay, Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa đang quản lý 229 người, trong đó thương binh, bệnh binh tâm thần là 74 người; thương, bệnh binh nặng có thương tật và bệnh lý tổng hợp là 40 người; thân nhân liệt sĩ già cả cô đơn, con liệt sĩ tàn tật, 29 người; bị nhiễm chất độc da cam, 86 người.

Ông Nguyễn Văn Thư, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người có công Thanh Hóa, cho biết: Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, chính quyền, điều kiện, cơ sở vật chất trung tâm đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hiện nay, khu nhà ở của đối tượng thương binh, bệnh binh bị tâm thần được xây dựng từ năm 2010 đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa có kinh phí đầu tư sửa chữa. Hệ thống điều hòa cho nhà ở của các bệnh binh, thương binh bị tâm thần không có. Vừa qua, vào mùa nắng nóng, trung tâm phải huy động tháo điều hòa của các phòng họp, phòng nhân viên... để lắp cho các bệnh nhân nhưng vẫn chưa đảm bảo.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thư, trung tâm quản lý nhiều đối tượng khác nhau, tình hình thương tật, bệnh tật của các đối tượng đa dạng, phức tạp; số người thương, bệnh binh bị tâm thần cao; số thương binh, bệnh binh vết thương và bệnh tật, bệnh lý thường xuyên tái phát luôn có từ 7-10 người phải đi các bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương để chữa bệnh, nên thường xuyên có từ 9-13 nhân viên đi theo chăm sóc, phục vụ. Tuy nhiên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại chưa có thông tư hướng dẫn định mức nhân viên phục vụ trong trung tâm điều dưỡng người có công nên khó khăn về nhân lực. Bên cạnh đó, chế độ cho các đối tượng chất độc da cam dưới 81% còn thấp với 909.000 đồng/tháng chưa đảm bảo dinh dưỡng và khó khăn trong công tác phục vụ; chế độ ngày lễ, tết trong năm chỉ có số thương binh, bệnh binh có tỷ lệ thương tật nặng từ 81% trở lên được hưởng mức 80.000 đồng/ngày, còn các đối tượng chính sách người có công khác đang nuôi dưỡng tại Trung tâm không có nên ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm và sự tương quan chế độ phục vụ ăn lễ, tết trong cùng đơn vị. “Chúng tôi mong ngành chức năng quan tâm hỗ trợ đầu tư để tăng cường thêm cơ sở vật chất cho trung tâm; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng chất độc da cam, thân nhân liệt sĩ già cả cô đơn, con liệt sĩ tật nguyền... để đảm bảo công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng cho tất cả các đối tượng trong trung tâm” – ông Thư nói.

Hoàng Giang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]