(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, nhiều bệnh viện đủ nhân lực nhưng vẫn thiếu bác sĩ khám, điều trị cho bệnh nhân do chưa có chứng chỉ hành nghề, ảnh hưởng lớn tới việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bệnh viện “khổ” vì chứng chỉ hành nghề

Hiện nay, nhiều bệnh viện đủ nhân lực nhưng vẫn thiếu bác sĩ khám, điều trị cho bệnh nhân do chưa có chứng chỉ hành nghề, ảnh hưởng lớn tới việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ.

Nội soi tai, mũi, họng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống.

Nhiều bệnh viện gặp khó

Theo Luật Khám, chữa bệnh (KCB) năm 2009 và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan, bác sĩ chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi đã trải qua thời gian thực hành 18 tháng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Chỉ những bác sĩ có chứng chỉ hành nghề y mới được phép ký y lệnh (khám và điều trị). Bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề sẽ không được độc lập trong việc khám và điều trị bệnh và nếu có khám và điều trị thì những ca này không được thanh toán BHYT... khiến nhiều bệnh viện gặp khó.

Bệnh viện Đa khoa huyện Quảng Xương là bệnh viện hạng II có quy mô 180 giường bệnh (thực kê 350 giường), thực hiện KCB cho nhân dân huyện nhà và các vùng phụ cận. Trung bình mỗi ngày, bệnh viện đón khoảng 300 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị ở 13 khoa lâm sàng và cận lâm sàng. Tùy tính chất bệnh tật, có khoa rất đông nhưng có khoa lại ít bệnh nhân. Ở những khoa đông bệnh nhân, việc khám, điều trị của đơn vị gặp khó khăn bởi thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề. Bệnh viện hiện có 41 bác sĩ nhưng vẫn còn 5 bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề. Đây cũng là lý do số bác sĩ này chưa được ký y lệnh và khám, điều trị độc lập cho bệnh nhân. Theo bác sĩ CKI Nguyễn Văn Nhiên, giám đốc bệnh viện: Với lượng bệnh nhân đông, việc khám, điều trị của đơn vị gặp khó khăn bởi có nhân lực nhưng lại thiếu người làm, nhất là ở các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống hiện có 37 bác sĩ, nhưng cũng còn 3 bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề, 5 bác sĩ chưa được cấp bổ sung phạm vi hành nghề, trong khi mỗi ngày tiếp nhận khoảng 300 lượt bệnh nhân. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng làm việc quá tải của các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề và tỷ lệ chuyển tuyến cao.

Thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đang là vấn đề chung của các bệnh viện tuyến huyện. Trong khi bệnh viện huyện cũng phải thực hiện đầy đủ các chuyên khoa như tuyến tỉnh nhưng lượng bác sĩ ít hơn rất nhiều. Thêm vào đó, theo quy định, các bệnh viện chỉ được bố trí khám không quá 65 lượt khám/bàn khám/ngày. Nếu vượt quy định sẽ không được cơ quan BHXH thanh toán. Do thiếu nhân lực có chứng chỉ hành nghề, ở nhiều bệnh viện còn xuất hiện tình trạng thiếu người đủ điều kiện đọc kết quả xét nghiệm máu, X.quang, siêu âm... Thậm chí, người chỉ định hoặc thực hiện các dịch vụ kỹ thuật chưa phù hợp với phạm vi chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề. Vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến công tác KCB, nhất là trong điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ tại bệnh viện mà còn khó khăn trong giám định, thanh toán BHYT.

Linh hoạt, chủ động giải quyết

Về những khó khăn liên quan đến chứng chỉ hành nghề, ông Lê Hữu Uyển, Trưởng Phòng nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết: Thực trạng thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề dẫn đến ảnh hưởng tới công tác KCB, thanh toán BHYT có lỗi lớn từ chính các bệnh viện tuyến huyện. Các bệnh viện đã thiếu chủ động nghiên cứu các văn bản quy định như Thông tư 41/2011/TT-BYT, Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Các văn bản này quy định rõ: Các bác sĩ trong thời gian thực hành có thể thực hiện KCB dưới sự hướng dẫn của bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề. Hồ sơ bệnh án của bệnh nhân được lập bởi các bác sĩ trong thời gian thực hành có sự chịu trách nhiệm của người hướng dẫn hoàn toàn có thể thanh toán BHYT.

Còn theo dược sĩ Bùi Hồng Thủy, Trưởng Phòng Quản lý hành nghề y dược (Sở Y tế): Hiện nay, ngành y tế đã cấp khoảng 15.000 chứng chỉ hành nghề, bổ sung phạm vi hành nghề cho 600 bác sĩ. Khi các bệnh viện có danh sách đề nghị, đối chiếu đúng thời gian thực hành thì Sở Y tế cấp chứng chỉ ngay.

Để tránh tình trạng thiếu bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, ảnh hưởng tới công tác KCB, trước mắt Sở Y tế chỉ đạo các bệnh viện tuyến huyện khi cử bác sĩ đi học chuyên khoa cần có lộ trình và bố trí nhân lực thay thế phù hợp, không cử bác sĩ vừa được cấp chứng chỉ hành nghề xong lại tiếp tục đi học chuyên khoa hoặc sau đại học. Khi các bệnh viện có danh sách đề nghị, Phòng Quản lý hành nghề y, dược đối chiếu thời gian thực hành của các bác sĩ để tham mưu cho Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề kịp thời, đúng quy định. Để đáp ứng yêu cầu chỉ được khám không quá 65 lượt khám/bàn khám/ngày, bệnh viện cần sắp xếp nguồn nhân lực từ các khoa điều trị tham gia khám bệnh khi có tình trạng quá tải tại khoa khám bệnh. Về lâu dài, khi đã có đủ và dồi dào đội ngũ bác sĩ, Sở Y tế cử các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề tiếp tục đi học chuyên khoa sâu, từng bước giải quyết tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng thuộc 6 lĩnh vực: Ung thư, tim mạch, chỉnh hình, nhi khoa, truyền nhiễm và bác sĩ gia đình. Khi đó, các bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề sẽ yên tâm thực hành dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ đã có chứng chỉ hành nghề mà không ảnh hưởng tới quá trình khám, điều trị ở các bệnh viện.


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]