(Baothanhhoa.vn) - Sừng sững giữa đất trời, cây lim xanh quý hiếm tại một khu rừng giáp ranh giữa xã Xuân Khang (Như Thanh) và xã Tân Bình (Như Xuân) đã trở thành báu vật với những người dân địa phương. Dù lâm tặc nhiều lần rình rập hòng đốn hạ, rồi ngọn lửa nghiệt ngã thiêu đốt, song “lão mộc” này vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt, trường tồn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Báu vật của rừng

Báu vật của rừng

Cây lim cổ thụ cao vòi vọi.

Sừng sững giữa đất trời, cây lim xanh quý hiếm tại một khu rừng giáp ranh giữa xã Xuân Khang (Như Thanh) và xã Tân Bình (Như Xuân) đã trở thành báu vật với những người dân địa phương. Dù lâm tặc nhiều lần rình rập hòng đốn hạ, rồi ngọn lửa nghiệt ngã thiêu đốt, song “lão mộc” này vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt, trường tồn...

Trên con đường liên huyện từ UBND xã Xuân Khang về hướng lòng hồ Sông Mực, một cây lim xanh cổ thụ hàng trăm năm tuổi còn sót lại. Nơi đây từng được coi là thủ phủ lim xanh nổi tiếng toàn miền Bắc một thời. Cách xa cả cây số, chúng tôi đã nhận ra một cá thể thực vật cao vút, sừng sững như “cột chống trời” vẫn trầm mặc tỏa bóng. So với những rừng keo và cây bụi xung quanh, cây lim cổ thụ này vượt trội hơn hẳn về chiều cao cũng như kích thước “khủng” của nó. Việc tiếp cận cây lim quý hiếm này khá dễ bởi nó nằm ngay chân một ngọn đồi thấp, lại sát gần con đường nhựa ngoằn ngoèo chúng tôi đang đi. Những cây địa y, rêu mốc, rồi những loài thực vật ký sinh bám đầy thân cây cổ thụ như hằn dấu thời gian già nua của nó. Những u cục tựa quả bưởi, cùng lớp vỏ sù sì đủ nói lên tuổi đời của một cá thể thực vật từ thời trước còn sót lại. Quan sát bằng mắt thường, đoạn thân sát đất của cây cổ thụ này cũng phải 4 – 5 người ôm. Theo kết quả đo đạc của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En vào năm 2013, cây cổ thụ này có chiều cao tới 43m, nhiều cành lớn. Nhiều thông tin cho rằng, tuổi đời của cây có thể hàng nghìn năm, song chưa có cơ sở khẳng định chính xác. Nhiều người cao tuổi trong vùng nói rằng, tuổi của cây chỉ hàng trăm năm.

Ông Phạm Văn Sao, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Khang, cho biết: Vị trí tọa lạc của cây lim cổ này giáp ranh giới 2 huyện Như Thanh và Như Xuân, song nó vẫn thuộc đất thôn Xuân Tiến của xã Xuân Khang. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, vùng này rất nhiều lim xanh, song quản lý chưa chặt chẽ nên việc khai thác ồ ạt khiến những rừng lim không còn nữa. Trong vùng, duy chỉ có cây lim cổ thụ này còn lại, có lẽ quá lớn nên các đối tượng chặt gỗ lúc bấy giờ chưa có phương án khai thác. Tuy nhiên, sự sống cây lim quý này không ngừng bị đe dọa. Khoảng những năm 2000, một nhóm lâm tặc đột nhập với ý định “xẻ thịt” cây gỗ quý này. Rất may, sự việc bị người dân và chính quyền địa phương phát giác. Một “vết thương” không thể lành với “lão mộc tinh” này là vết cưa ăn sâu tới 1/4 thân cây. Tưởng cây sẽ chết, tuy nhiên, cây vẫn xanh tươi, phát triển bình thường. Sau đó không lâu, một người dân ở xã Tân Bình phía huyện Như Xuân tiếp tục lén chặt một số bạnh, vè quanh gốc, rồi cho người cưa cây ở phần đối diện vết cắt cũ. Nhát cưa sau cũng ăn vào thân cây 30 – 40 cm thì bị phát hiện. Liên tục bị cưa, phần thân sát gốc của cây chỉ còn phần lõi cùng 2 khoảng xung quanh có vỏ. Cách đây khoảng 5 năm, trên ngọn cây lim bỗng xuất hiện ngọn lửa rồi bốc cháy dữ dội. Do lửa bốc lên trên cao hàng chục mét, các bên liên quan phải “cầu cứu” các phương tiện phòng cháy, chữa cháy của Kho đạn K826 đóng trên địa bàn huyện về dập lửa. Người dân địa phương, chính quyền cũng như lực lượng kiểm lâm đều bàng hoàng, không hiểu vì sao đám cháy lại xuất hiện trên tán cây. Khả năng có kẻ lên đốt gần như bị loại trừ do thân cây quá to khó có thể trèo lên được, hơn nữa tán cao tới trên dưới 40m so với mặt đất tại gốc cây. Nhiều người suy luận rằng, do trên tán có nhiều tổ chim (bằng rác và cỏ khô) cùng nhiều cành mục, khi có người đốt nương làm tàn lửa bốc cao rồi gây ra cháy.

Những năm qua, lực lượng kiểm lâm cùng các cán bộ của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bến En đã tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ cá thể thực vật này. Người dân địa phương cũng coi cây lim lớn nhất tỉnh Thanh Hóa đến thời điểm này là “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng. Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân thôn Xuân Tiến bày tỏ: Cây lim cổ thụ này không chỉ là niềm tự hào của nhân dân địa phương mà còn là tài sản quý của quốc gia. Nó như là “hiện vật” sống, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Cây lim hàng trăm năm tuổi ấy cũng gợi cho hậu thế sự mường tượng những khu rừng lim vô giá từng nổi tiếng khi xưa của quê mình để từ đó có ý thức trồng tái tạo trong tương lai. “Những năm gần đây, địa phương đã tăng cường tuyên truyền cho người dân cùng tham gia bảo vệ cây lim, đồng thời không khai thác nấm hay lấy cành khô làm ảnh hưởng đến cây. Xã Xuân Khang còn ký chương trình phối hợp với xã Tân Bình để cùng bảo vệ vùng đệm Vườn Quốc gia Bến En trên địa bàn, trong đó có cây lim này” – ông Phạm Văn Sao cho biết thêm.

Sự tồn tại của “cụ cây” này đang mang lại nguồn gen quý để bảo tồn và nhân giống loài lim xanh bản địa mà huyện Như Thanh, cán bộ Vườn Quốc gia Bến En đang triển khai. Hơn 2 năm qua, nhiều cây lim nhỏ đã được nhân giống, trồng và khoanh nuôi, hiện đang sinh trưởng tốt trên vùng “đất lim”. Cây lim già cỗi ấy vẫn đang gợi mở về sức sống mới của những khu rừng lim xanh trên đất Như Thanh.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]