(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ xâm hại trẻ em khiến xã hội bất an, bởi việc xâm hại trẻ em xảy ra ở cả trong thang máy chung cư, trong trường học; thủ phạm của những vụ này có cả những người có học thức cao, thầy giáo. Điều này đã và đang trở thành nỗi lo hàng đầu của các bậc phụ huynh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ và giúp trẻ tự bảo vệ

Thời gian gần đây liên tục xảy ra các vụ xâm hại trẻ em khiến xã hội bất an, bởi việc xâm hại trẻ em xảy ra ở cả trong thang máy chung cư, trong trường học; thủ phạm của những vụ này có cả những người có học thức cao, thầy giáo. Điều này đã và đang trở thành nỗi lo hàng đầu của các bậc phụ huynh.

Bảo vệ và giúp trẻ tự bảo vệ

Trẻ em học võ ở CLB Võ thuật Hoằng Hóa.

Tội ác khôn lường

Vụ em bé 8 tuổi bị ông Nguyễn Ngọc P., sinh năm 1940, ở xã Cẩm Phong, huyện Cẩm Thủy xâm hại đang khiến dư luận xôn xao và phẫn nộ. Thế nhưng đáng buồn là những câu chuyện như thế này lại không phải hiếm.

Theo anh Trịnh Đình Liền, Phòng Quản lý trường hợp và Phát triển cộng đồng, Trung tâm Cung cấp dịch vụ và Công tác xã hội thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, anh thường xuyên phải lắng nghe những câu chuyện đau lòng về vấn nạn này. Các em nhỏ có thể rơi vào bẫy của nhiều đối tượng, như: Người lớn tuổi có nhu cầu tình dục cao mà không được đáp ứng, những kẻ ấu dâm... Thậm chí còn có trường hợp các em nhỏ bị “yêu râu xanh” dụ dỗ, kích động khơi dậy bản năng tình dục để các em có vẻ như là tự nguyện thực hiện các hành vi tình dục. Trong đó, ám ảnh nhất là câu chuyện của một bé gái tên M. ở huyện Ngọc Lặc bị chính người bác ruột xâm hại.

Anh Liền kể, khi tiếp nhận M., em đã 15 tuổi nhưng trông gầy gò, xanh xao, khuôn mặt lúc nào cũng lộ rõ sự u buồn và sợ hãi. M. chia sẻ: “Mẹ mất sớm, bố và anh trai đi làm ăn xa, 2 chị gái đi lấy chồng, em ở nhà tự chăm sóc bản thân, có việc gì thì nhờ bác ruột giúp”.

Thu xếp của người cha có vẻ ổn thỏa nếu như em không bị chính người bác ruột thú tính giở trò đồi bại. Một thời gian dài bị xâm hại khiến cho M. có cuộc sống khép kín và gần như rơi vào trạng thái trầm cảm. Sự việc chỉ thật sự bị phanh phui khi em được hàng xóm phát hiện mang thai ở tháng thứ 5. Anh Liền cho biết: “Ban đầu khi đến trung tâm, M. không giao tiếp với bất kỳ ai. Em lúc nào cũng im lặng và thu mình trong chỗ tối. Phải mất một thời gian dài khi được các bác sĩ, chuyên gia tâm lý điều trị, chia sẻ thì M. mới bắt đầu cởi mở, nói chuyện”.

Một vụ việc khác xảy ra cách đây 6 năm, khi đó em N., ở huyện Yên Định mới 12 tuổi. Em bị người hàng xóm dùng vũ lực cưỡng hiếp khi đang chơi cầu ở sân hội trường thôn. “Từ khi bị xâm hại tình dục đến nay, tinh thần em trở nên bất an, trong giấc ngủ thường xuyên la hét hoảng loạn. Em mắc chứng sợ đàn ông và người lạ. Những lúc đó, em thường không thở được, nước mắt cứ tuôn ra. Hiện tại, em còn mắc chứng tự kỉ, cuồng ăn mất kiểm soát” – anh Liền thở dài cho biết.

Nếu như trước đây, trẻ bị xâm hại thường từ 13 đến 18 tuổi, thì hiện nay lại xuất hiện nhiều vụ việc ở lứa tuổi từ 5 đến 13 tuổi với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học (Bộ Công an) nhận định: “Khi một đứa trẻ bị xâm hại, các em sẽ bị một “vết sẹo” lớn về tâm lý và trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó các em sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của chính mình. Vì thế, nếu phát hiện con bị xâm hại, bố mẹ nên kiên quyết báo vụ việc với cơ quan công an. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy được bảo vệ và lấy lại tinh thần tốt hơn. Việc che đậy không hề giúp đỡ con tốt hơn mà ngược lại trẻ thấy mình bị cô lập và có thể có hành động dại dột”.

Có một thực tế đáng báo động là những hành vi được coi là tiếp tay cho những kẻ ấu dâm hiện nay lại được xem là bình thường, phổ biến ở Việt Nam. Đó là những hành vi cưng nựng của bố mẹ, người thân đối với con trẻ bằng cách sờ mó, hôn hít vùng kín của chúng. Nhiều người thậm chí còn coi đó là sự trêu đùa, một cách thể hiện tình cảm yêu quý. “Tại sao lại gọi đó là hành vi tiếp tay bởi cách đó sẽ khiến những đứa trẻ nghĩ rằng việc để người khác sờ vào bộ phận nhạy cảm của mình là chuyện bình thường” – anh Liền bức xúc chia sẻ.

Thực tế, hiện nay hầu như mọi người đều nghĩ con chúng ta an toàn, chỉ đến khi xảy ra sự việc mới tá hỏa lo lắng. “Lỗ hổng đầu tiên trong vấn nạn này chính là sự chủ quan, thiếu hiểu biết của các bậc phụ huynh. Thứ 2 là hiện nay các văn bản pháp luật cũng chưa quy định các hành vi, như: Âu yếm, vuốt ve, ôm ấp là hành vi xâm hại tình dục. Nếu phát hiện ra cũng khó có căn cứ để xử lý. Vì thế, các bậc cha mẹ hãy dạy cho trẻ cách tự bảo vệ lấy mình, bởi không phải lúc nào người lớn cũng có thể ở bên cạnh để theo dõi, để mắt đến bé” – bà Lê Thị Sâm, Phó Giám đốc Trung tâm Cung cấp dịch vụ và Công tác xã hội, thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nêu vấn đề.

Hình thành kỹ năng tự vệ cần thiết cho trẻ

Ngày trước, dù lo lắng cho con đến mấy, các bậc cha mẹ cũng chỉ dừng lại ở những lời dặn dò, như: Không nhận quà của người lạ, không tiếp xúc với người lạ khi không có người lớn đi cùng, không đi một mình khi trời tối, không nên tụ tập ở những nơi công cộng... Tuy nhiên, với trẻ nhỏ dưới 12 tuổi, những lời dặn trên có vẻ chưa đủ.

Chị Nguyễn Thị Minh Trang, phố Đông Tác, phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Bé gái nhà tôi đang học tiểu học, không quá bé để quên lời mẹ dặn nhưng cũng chưa đủ lớn để nhận biết những điều phức tạp khác. Vì vậy, tôi dạy con học thuộc lòng số điện thoại của bố mẹ, không mặc cho con những chiếc đầm ngắn, áo hở bụng, bày con cách ngồi khép chân lại để không khơi dậy ý muốn xấu của người khác, đặc biệt là tuyệt đối không ngồi vào lòng người lớn. Ngoài ra, khi tắm cho con, 2 vợ chồng tôi luôn dạy con phải tự vệ sinh chỗ kín, ba và mẹ chỉ giúp khi con cần chứ không chạm vào “chỗ riêng tư” của con. Để con nhớ, vợ chồng tôi luôn nhắc chỉ có ba, mẹ hay bà ngoại (bà là người hay tắm cho con) mới được chạm vào “chỗ kín” của con, ngoài ra khi có ai khác chạm vào thì con phải thông báo ngay và con sẽ không bao giờ gặp rắc rối vì điều đó. Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi luôn dành thời gian thủ thỉ chuyện trò với con những việc xảy ra trong ngày”.

Không ai nhạy cảm với những biểu hiện bất thường của con tốt hơn mẹ. Vì vậy, khi thấy trẻ tỏ thái độ khó chịu với người quen biết nào đó hoặc nói rằng chúng cảm thấy không thoải mái khi ở một mình với người đó, thay vì trách mắng, phê phán con là hư, hỗn... mẹ nên để ý kỹ xem cách cư xử của người đó với con mình thế nào, hỏi con lý do và tỏ ý sẵn sàng trợ giúp nếu con gặp vướng mắc. Trung tá Hiếu cho rằng: “Cha mẹ phải luôn biết rõ con mình đang ở đâu và với ai. Đừng vì mưu sinh, hoàn cảnh nghèo khó hoặc tình trạng hôn nhân mà xao nhãng, bỏ mặc con cái. Đừng chỉ dạy con ngoan ngoãn nghe lời, hãy dạy con có tư duy phản biện (biết tranh luận, biết nghi ngờ, biết thể hiện phản ứng); đừng chỉ chú ý đến học văn hóa, hãy dạy và cho con cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, giá trị sống và đừng bao bọc quá mức. Ngoài ra, cha mẹ hãy dạy con vui vẻ, tự tin, quý trọng bản thân, không dễ bị cám dỗ bởi đồ chơi hay bánh kẹo (vì trẻ nhút nhát, tự ti, ít bạn bè... thường dễ bị kẻ xấu tấn công)”.

Cùng với việc dạy trẻ những kiến thức cơ bản về giới tính, học võ đang là phương pháp được nhiều bậc phụ huynh tin dùng. Thầy Nguyễn Minh Dương, Trưởng Bộ môn vật tỉnh Thanh Hóa, Chủ nhiệm CLB Võ thuật Hoằng Hóa, chia sẻ: “Vài năm trở lại đây, số lượng trẻ học võ (nhất là bé gái) đông hơn. Không chỉ tập trung vào hè, học viên đăng ký học cả năm”.

Nhận thấy vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đang “nóng” nên trong mỗi buổi học, thầy luôn chia sẻ các câu chuyện (mà báo chí đã thông tin), đưa ra những trường hợp, tình huống giả định để các em có thêm kiến thức và cách phòng tránh. Trong đó, trẻ sẽ được hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm bằng những động tác dễ thực hiện, như: Chạy, vặn tay, dùng hai ngón tay cái nhấn vào tròng mắt, cắn vào tai/mũi/tay kẻ xấu, hoặc cố gắng la hét thật to để mọi người xung quanh biết và can thiệp. Trong trường hợp không có ai xung quanh cứu, thì bày trẻ cách “đánh lạc hướng” kẻ xấu, như nói “cháu muốn đi vệ sinh”, rồi sau đó tìm cách thoát chạy.

Ví dụ, khi một người lạ đến gần rồi bất ngờ ôm vào bụng, bế thốc người trẻ lên để chạy, khi đó các em cần bình tĩnh và dùng hai chân đá thật mạnh vào đùi, bụng của kẻ xấu. Đồng thời cố gắng dùng hai ngón tay cái nhấn vào tròng mắt đối phương. Khi kẻ xấu đau mắt không nhìn thấy gì thì trẻ mới vùng vẫy chạy khỏi đó để nhanh chóng thoát thân. “Ở lứa tuổi tiểu học và trung học, trẻ hoàn toàn có thể xử lý bằng các cách đơn giản này. Có một điều cần đặc biệt chú ý, việc bé phản ứng và xử lý càng nhanh thì càng tăng khả năng kẻ xấu buông tay và trẻ có cơ hội chạy thoát” - thầy Nguyễn Minh Dương chia sẻ.

Từ những tình huống kể và hướng dẫn cách xử lý thích hợp cho trẻ sẽ có tác dụng giúp cho trẻ từng bước biết cách giải quyết từng sự việc cụ thể. Cứ như vậy dần dần sẽ hình thành được kỹ năng tự vệ cho trẻ, giúp trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân khi gặp nguy hiểm để mình được an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hình thành và phát triển tâm lý - nhân cách toàn diện ở trẻ.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]