(Baothanhhoa.vn) - Trước thực trạng ao làng đã và đang dần biến mất trong đời sống dân cư nông thôn thì việc bảo vệ, cải tạo, giữ gìn cần được quan tâm xứng đáng để góp phần điều hòa khí hậu, cải tạo cảnh quan môi trường cho các làng quê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo vệ ao làng vì môi trường nông thôn

Bảo vệ ao làng vì môi trường nông thôn

Một góc thôn Thành Nam, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa).

Trước thực trạng ao làng đã và đang dần biến mất trong đời sống dân cư nông thôn thì việc bảo vệ, cải tạo, giữ gìn cần được quan tâm xứng đáng để góp phần điều hòa khí hậu, cải tạo cảnh quan môi trường cho các làng quê.

“Ngày xưa, xã tôi có nhiều ao, hồ tự nhiên lắm” – đó là lời khẳng định của ông Đặng Quốc Long, Chủ tịch MTTQ xã Thiệu Hợp (Thiệu Hóa), một người dành nhiều thời gian để tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của địa phương. Ông Long cho biết: Thiệu Hợp là vùng trũng nằm cuối huyện Thiệu Hóa về phía Đông Nam, nơi tiếp giáp của hai con sông lớn là sông Mã và sông Chu. Ở giữa địa phận xã còn có sông Mậu Khê chảy qua, chia tách xã thành bên tả và bên hữu. Vì là vùng trũng nên ao hồ ở đây chủ yếu là ao, hồ tự nhiên. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, các ao hồ này chủ yếu do tập thể UBND xã hoặc HTX quản lý để nuôi cá, phục vụ nước sinh hoạt cho Nhân dân. Tuy nhiên, giai đoạn từ 1990 đến khoảng 2005, hầu hết các ao, hồ được giao cho Nhân dân san lấp để làm đất ở. Ao lớn, nhỏ ở các thôn, làng đều bị lấp, trở thành khu dân cư đông đúc như ngày nay. Hiện nay, toàn xã chỉ còn khoảng vài chục ao của các gia đình nhưng diện tích nhỏ, không còn mục đích sử dụng, lại dễ bị ô nhiễm nguồn nước, việc bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ cũng có nhiều hạn chế, vì vậy, nhiều hộ có xu hướng san lấp ao để trồng cây hoặc chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Riêng 2 ao ở thôn Nam Bằng I là ao Đình (ở nội đê) và ao Vụng (ở ngoại đê) do UBND xã Thiệu Hợp quản lý, hiện đang được một số hộ dân thuê thầu nuôi trồng thủy sản. Ao Đình có diện tích khoảng 1 ha, nằm sát phía sau Trường Mầm non xã Thiệu Hợp, nhưng do công tác quản lý đất đai, quy hoạch của những thời kỳ trước thiếu đồng bộ nên đường sá trong khu dân cư này chật chội, không có đường đi. Thành thử việc cải tạo, xây dựng để chỉnh trang cảnh quan, bảo vệ ao làng này dường như là điều khó khả thi.

Câu chuyện ao, hồ đang dần biến mất ở xã Thiệu Hợp cũng là thực trạng chung ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trước sức ép của quá trình phát triển đô thị, phát triển dân cư, có muôn vàn lý do để ao, hồ ở các làng quê biến mất. Một số ao khi không còn chức năng, nhiệm vụ của mình nên trở thành nơi để các hộ dân xung quanh đổ rác thải, phế thải hoặc lấn chiếm. Và để giải tỏa các ao tù, nước đọng này, từ hàng chục năm trước không ít chính quyền địa phương, các hộ gia đình đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất, biến ao, hồ thành những khu dân cư, khu nhà xưởng... Số lượng ao, hồ ở vùng nông thôn giảm nhanh đáng kể, không có chỗ thoát nước nên ở nhiều nơi cứ hễ đến mùa mưa là lại ngập, mùa nóng thì oi bức, ngột ngạt?!

Ở xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa), câu chuyện ao, hồ cũng không ngoại lệ, tỷ lệ ao cũng giảm dần theo thời gian. Thế nhưng, điều đáng mừng là trong vài năm trở lại đây, việc gìn giữ, cải tạo ao làng đã được cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã đặc biệt quan tâm. Đây là một trong những điểm sáng cần được phát huy và nhân rộng. Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Lộc Bùi Quang Sáng, cho biết: Xã Hoằng Lộc hiện còn 60 cái ao nằm rải rác trong các khu dân cư, trong đó có một số ao xã quản lý. Khi triển khai chương trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thôn nông thôn mới kiểu mẫu, xã đã rà soát các ao do xã quản lý để có phương án bảo vệ. Theo đó, đối với những ao thuộc xã quản lý, xã đã tuyên truyền, vận động, kêu gọi, huy động xã hội hóa để đầu tư, cải tạo thành ao điều hòa, ao sinh thái bởi đây chính là những “lá phổi” điều hòa không khí mát mẻ vào mùa hè, tiêu thoát nước tránh ngập úng vào mùa mưa. Khi các ao được cải tạo khuôn viên, cảnh quan khu dân cư sạch đẹp thì ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay giữ gìn, bảo vệ môi trường chung ngày càng được nâng cao.

Như, ở thôn Phúc Lộc, ao làng có tên gọi “Ao cá Bác Hồ” mới được nạo vét, cải tạo, xây dựng công trình cầu ngắm cảnh ra giữa ao... với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Xung quanh ao, những hàng cây, ghế đá và cột đèn như tôn thêm vẻ hiện đại, tạo nên khung cảnh không khác nhiều công viên giữa lòng thành phố. Còn ở thôn Thành Nam hiện có khoảng 15 cái ao. Một số ao đã được Nhân dân đóng góp, chính quyền hỗ trợ để cải tạo, kè lát, chỉnh trang cảnh quan, dọn dẹp, bảo vệ môi trường, bảo vệ hàng dừa cũ, trồng thêm những hàng dừa mới quanh ao... Chính những khuôn viên ao làng sạch đẹp, gọn gàng ấy không chỉ tạo cảnh quan môi trường, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân mà còn góp phần tạo nên những không gian thanh bình, yên ả, đậm hồn quê – điều mà không phải nơi nào cũng có được.

Việt Hương


Việt Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]