(Baothanhhoa.vn) - Việc thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thiếu thông tin thị trường lao động... là một trong những nguyên nhân khiến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh (HS) gặp nhiều khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Thiếu chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp

Việc thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thiếu thông tin thị trường lao động... là một trong những nguyên nhân khiến công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh (HS) gặp nhiều khó khăn.

Học sinh học nghề may công nghiệp tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên huyện Như Xuân.

Hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức

Những năm qua, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học đã được quan tâm, chỉ đạo của các cấp chính quyền, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và đạt được những kết quả ban đầu. Tuy nhiên, công tác này chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Những thành quả đã đạt được là về quy hoạch mạng lưới và xây dựng các trung tâm, từng bước phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên (GV), đầu tư kinh phí cho xây dựng và mua sắm trang thiết bị phục vụ giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học. Quan niệm về việc HS học xong THPT phải cố gắng đậu bằng được vào các trường đại học, cao đẳng đang từng bước được thay đổi. Vài năm gần đây, số HS đăng ký thi xét tuyển vào đại học, cao đẳng giảm xuống. Nhiều HS sau khi tốt nghiệp THPT đã lựa chọn con đường học nghề, hoặc đi làm luôn.

Thầy giáo Nguyễn Văn Lâm, Phó hiệu trưởng Trường THPT Triệu Sơn 1 (huyện Triệu Sơn), chia sẻ: Năm học 2017-2018, nhà trường có 327 HS lớp 12. Bên cạnh việc tăng cường ôn tập cho HS chuẩn bị bước vào Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, nhà trường cũng đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho HS. Ngoài việc thường xuyên tư vấn cho các em chọn ngành, chọn trường phù hợp với năng lực, sở thích, hoàn cảnh gia đình, nhà trường còn mời các trường đại học, trường nghề về, tư vấn, giải đáp thắc mắc cho các em HS. Những năm trước, HS có mong muốn thi vào các trường đại học, cao đẳng cao, nhưng vài năm gần đây tư duy của HS và phụ huynh cũng dần thay đổi. Xuất phát từ thực tế có nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học ra trường không xin được việc làm, trong khi đó, có nhiều em học trường nghề lại có việc làm ngay, do đó năm 2017, nhà trường có khoảng 70% HS đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Năm nay, qua khảo sát ban đầu, HS có nhu cầu đi học nghề và đi làm luôn sau khi tốt nghiệp cao hơn. Dự kiến khoảng 35-40% HS chỉ đăng ký xét tốt nghiệp THPT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học vẫn còn nhiều bất cập. Theo chương trình, giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông được thực hiện thông qua các con đường, như: Qua các môn khoa học cơ bản; qua chương trình hướng nghiệp chính khóa; qua môn học Công nghệ và qua lao động sản xuất; qua tham quan, sinh hoạt ngoại khóa (có tham gia của chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đến từ các trường cao đẳng, đại học trong nước và nước ngoài)... Tuy nhiên, nhiều trường do sức ép về các môn văn hóa nên còn coi nhẹ chương trình học hướng nghiệp. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nên việc tổ chức cho HS tham quan, sinh hoạt ngoại khóa... để tạo hứng thú nghề nghiệp, còn chưa thực hiện được.

Ông Hoàng Văn Giao, phó trưởng phòng trung học, Sở GD&ĐT, cho biết: Nguyên nhân chủ quan là nhận thức của một số cán bộ quản lý, GV về giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học chưa được quán triệt đầy đủ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ quản lý, GV, nhân viên làm công tác hướng nghiệp còn thiếu về số lượng, chưa đáp ứng về chất lượng, phần lớn chưa qua đào tạo bài bản, chủ yếu dạy kiêm nhiệm. Nguyên nhân khách quan là hệ thống hướng nghiệp và thị trường lao động chưa phát triển lành mạnh; cơ chế chính sách về thực hiện giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học còn có những bất cập, chậm đổi mới; nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học của một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và gia đình HS chưa được quan tâm đúng mức... Trong thực tế, HS sau khi tốt nghiệp THCS vẫn cố gắng thi vào các trường THPT công lập; học sinh sau tốt nghiệp THPT thường tham dự xét tuyển đại học, cao đẳng, nếu không đỗ các trường này mới quay sang học trung cấp chuyên nghiệp, phần còn lại tiếp tục ôn thi tiếp năm sau hoặc đi làm.

Phân luồng học sinh chưa cao

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau trung học đã được quán triệt trong các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành... Tuy nhiên, cũng do nhiều nguyên nhân, công tác phân luồng HS sau trung học vẫn chưa được chú trọng; nhận thức của cán bộ quản lý, GV, nhân viên và HS chưa đầy đủ. Mặt khác, tình trạng phân luồng HS sau trung học còn nhiều khó khăn cũng do một phần công tác giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông còn nhiều hạn chế. Những yếu kém này lại bắt nguồn từ những nguyên nhân khác như thiếu đội ngũ chuyên gia am hiểu về tâm lý học nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, am hiểu thực tế về ngành nghề xã hội, kinh tế học lao động; chương trình giáo dục hướng nghiệp dạy nghề phổ thông được thiết kế thiếu kết cấu liền mạch phát triển con đường học nghề cho các em, tạo điều kiện liên thông ở cấp sau THPT.

Cũng theo báo cáo về thực trạng công tác phân luồng HS trong giáo dục phổ thông của tỉnh, đối với khu vực miền núi có 75% số HS lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 THPT, còn lại 25% số HS thực hiện chính sách phân luồng. Đối với khu vực miền xuôi có 70% số HS lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển vào lớp 10 THPT, còn lại 30% thường đi học trong các trung tâm giáo dục dạy nghề - giáo dục thường xuyên, các trường trung cấp nghề, các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh, các cơ sở giáo dục đào tạo khác hoặc tham gia lao động tự do tại địa phương và các tỉnh, thành phố.

Tính trung bình toàn tỉnh khoảng 74% số HS lớp 9 sau khi tốt nghiệp THCS được tuyển vào học lớp 10 các trường THPT, còn lại 26% HS thực hiện chính sách phân luồng sau THCS. Tuy nhiên, thực tế, hàng năm chỉ tiêu tuyển sinh đầu vào các trường THPT công lập ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đạt tới hơn 80% - 90%, dẫn đến tình trạng các trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề – giáo dục thường xuyên mặc dù được đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất nhưng mỗi năm chỉ tuyển được vài chục HS, như: Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát...

Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên huyện Quan Hóa, năm học 2017-2018, trung tâm có 80 HS theo học. Một trong những nguyên nhân khiến trung tâm không tuyển được HS là do trên địa bàn huyện Quan Hóa có hai trường THPT công lập, hàng năm tuyển tối đa 80% - 85% số HS tốt nghiệp THCS. Mặt khác, HS trên địa bàn vẫn chưa được tiếp cận với thông tin đào tạo dẫn đến tình trạng HS bỏ học sau khi tốt nghiệp THCS còn cao.

Tiến sĩ Hoàng Văn Thi, Phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho HS phổ thông có vai trò quan trọng giúp các em có sự định hướng tương lai phù hợp hơn; giúp cho việc phân luồng HS sau THCS, THPT, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả dạy nghề, hướng nghiệp, phân luồng HS, thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông và công tác phân luồng sau THCS, THPT cho các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường. Nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động giáo dục hướng nghiệp của cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông; đổi mới nội dung, phương thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp với đặc điểm của HS phổ thông và điều kiện nhà trường trong tình hình đổi mới; phát triển đội ngũ quản lý, GV, nhân viên hướng nghiệp; mở thêm nhiều đợt tập huấn, chuyên đề về giáo dục hướng nghiệp cho GV, để GV được trang bị cả lý thuyết lẫn kỹ năng thực hành để thực hiện hoạt động tư vấn hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, ngành sẽ đổi mới cơ chế chính sách, tăng cường nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị cho hoạt động giáo dục hướng nghiệp và công tác phân luồng HS sau THCS, THPT; tăng cường xã hội hóa hoạt động giáo dục hướng nghiệp và phân luồng, phấn đấu đến năm 2020 có 30% HS THCS được phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS.


Bài và ảnh: Hoàng Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]