(Baothanhhoa.vn) - Về lý thuyết thì mọi sự giả dối đều đáng lên án và con người phải trả giá cho sai lầm của mình. Thế nhưng, trong thực tế, lằn ranh giữa cái đúng và cái sai, giữa lý thuyết và thực tiễn, đôi khi chỉ cách nhau một “tầng băng” mỏng. Chính vì vậy, việc tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi người có công (NCC), thiết nghĩ, đều cần thận trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Hồ sơ giả - hệ lụy thật!

Về lý thuyết thì mọi sự giả dối đều đáng lên án và con người phải trả giá cho sai lầm của mình. Thế nhưng, trong thực tế, lằn ranh giữa cái đúng và cái sai, giữa lý thuyết và thực tiễn, đôi khi chỉ cách nhau một “tầng băng” mỏng. Chính vì vậy, việc tiếp cận và xử lý các vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi người có công (NCC), thiết nghĩ, đều cần thận trọng.

Cán bộ Phòng Người có công (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) hướng dẫn quy trình làm hồ sơ, giấy tờ cho người có công. Ảnh: Trường Giang

Hồ sơ giả...

“Ngày vào TNXP: 21-11-1968, về địa phương: 18-10-1971”; “thời gian bị thương: 20 giờ, ngày 21-7-1970, đơn vị khi bị thương: 896-N89, nơi bị thương: Huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình”; “trường hợp bị thương: Làm đường giao thông san lấp hố bom...”; “những người biết rõ tình hình bị thương: Đào Trọng Hậu, Phạm Thị Thảo”; trên người có 5 vết thương... Đó là những thông tin cơ bản trong Bản khai cá nhân của ông Phạm Khắc Mạnh (quê xã Hà Vinh, huyện Hà Trung), được viết ngày 20-5-2000, đề nghị được hưởng chính sách dành cho NCC. Đọc đoạn tư liệu trên, tôi cứ băn khoăn không hiểu, khi đặt bút viết những dòng “hồi ức mặt trận” khá chi tiết ấy, người đàn ông này ôm theo cái tâm trạng gì và tính “chịu trách nhiệm” được ông coi trọng đến đâu khi dám cam đoan “lời khai như trên là đúng, nếu sai tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật”? Thế nhưng, cũng chỉ với vài dòng ghi chép ngắn ngủi lại là sự khởi đầu cho một câu chuyện mà đằng sau nó là không ít bất mãn và cả trò domino kéo đổ những điều tưởng chừng đã là tất yếu.

Thay vì những khó khăn, vấp váp khi thực hiện các thủ tục liên quan đến chính sách dành cho người có công (NCC), hồ sơ của ông Mạnh lại được “chạy” khá trơn tru, khi nhanh chóng có một loạt cơ sở “bảo chứng” cho thông tin tự khai. Trong đó có “Biên bản đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh” (ngày 25-12-2000), với chữ ký và con dấu đỏ chót của những người đứng đầu Đảng ủy, UBND, MTTQ, đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ và cán bộ chính sách xã Hà Vinh. Từ “giấy thông hành” này, thân thế của một cựu thanh niên xung phong (TNXP) bị thương khi đang phục vụ chiến đấu dần được khẳng định bằng các giấy tờ hợp pháp khác là Giấy chứng nhận bị thương số 1428/GTVT-TCCB-LĐ, ngày 16-10-2001 của Bộ Giao thông - Vận tải; Biên bản giám định thương tật số 926/GĐYK-TT ngày 2-11-2001 của Hội đồng giám định y khoa Thanh Hóa, trong đó, xếp tỷ lệ thương tật của ông Mạnh là 25%; Quyết định số 166/QĐ-LĐTBXH ngày 5-12-2001 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Thanh Hóa về việc cấp Giấy chứng nhận và trợ cấp thương tật cho ông Phạm Khắc Mạnh kể từ ngày 2-11-2001. Vậy là, sau khi “đi một vòng” qua nhiều công đoạn, hồ sơ thương tật của ông Mạnh đã được xét duyệt và ông chính thức được hưởng chính sách như thương binh, với mức thương tật 25%.

Mọi việc tưởng chừng đã ổn thỏa lại bất ngờ xảy ra “biến cố”, khi người dân địa phương làm đơn “tố” ông Mạnh “không có thời gian tham gia TNXP, không bị thương, gian dối trong việc lập hồ sơ, khai tăng tuổi để được hưởng chế độ thương tật”. Sự việc buộc các ngành chức năng vào cuộc và khi câu chuyện được lật lại khiến nhiều người ngã ngửa. Bởi, thay vì sinh năm 1950 như ông Mạnh tự khai trong hồ sơ, thì trong lý lịch đảng viên của ông lại sinh năm 1956. Và, nếu căn cứ theo năm sinh “cũ”, thì ông Mạnh tham gia TNXP khi mới tròn... 12 tuổi?! Chưa hết, khi hỏi ông Đào Trọng Hậu (cùng quê xã Hà Vinh) về việc làm chứng cho ông Mạnh, thì người làm chứng bất đắc dĩ này khẳng định, không có thời gian tham gia TNXP giai đoạn từ tháng 11-1968 đến tháng 10-1971 cùng ông Mạnh, do đó, không biết trường hợp bị thương và cũng không phải là người đứng ra làm giấy chứng nhận trường hợp bị thương cho ông Mạnh. Với những bằng chứng kể trên, việc ông Mạnh không có thời gian tham gia TNXP từ tháng 11-1968 đến tháng 10-1971 đã rõ. Vậy nên, hồ sơ với người làm chứng là dàn dựng giả mạo, theo đó, Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh và trợ cấp thương tật là hoàn toàn trái chính sách!

Hồ sơ hưởng chế độ dành cho NCC của ông Mạnh bị “đóng”, số tiền ông được hưởng trong hơn 3 năm bị truy thu và nhiều cá nhân, tập thể thiếu trách nhiệm trong việc xác lập, xét duyệt hồ sơ cho ông bị kiểm điểm. Thế nhưng, sự việc này lại mở ra không ít những băn khoăn và những nút thắt chưa được tháo. Phải chăng việc xét duyệt hồ sơ, bắt đầu từ cấp xã, được tiến hành khá lỏng lẻo là do nể nang hay thiếu năng lực? Phải chăng có sự “vay mượn” thương tật nên ông Mạnh mới dễ dàng vượt qua nhiều khâu giám định? Phải chăng chính sách ưu đãi NCC còn tồn tại khe hở cho cá nhân hay một nhóm người dễ dàng lách qua để trục lợi?... Đó chỉ là băn khoăn của chúng tôi, còn bản chất sự việc hẳn chỉ những người trong cuộc mới thấu hiểu. Đáng buồn là, tình trạng hồ sơ NCC “đủ”, “đẹp” nhưng không “đúng” như trường hợp ông Phạm Khắc Mạnh lại không hiếm. Qua “Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015” theo Nghị định số 31/2013 và Chỉ thị số 23/2013 của Chính phủ, tại Thanh Hóa đã “khui” ra hàng chục trường hợp thương, bệnh binh giả mạo hồ sơ, giấy tờ (tẩy xóa, sửa chữa lý lịch đảng viên, khai man quá trình tham gia quân đội của đối tượng thương binh hoặc người làm chứng bị thương để hợp thức hồ sơ). Cùng với đó, kết quả rà soát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC của Sở LĐTB&XH và các đơn vị liên quan những năm qua, cũng đã phát hiện 125 trường hợp hưởng sai chế độ hoặc chưa đủ điều kiện hưởng chế độ theo quy định; 131 trường hợp hồ sơ thương binh có dấu hiệu vi phạm, hiện đang được Quân khu 4 xử lý để thu hồi thẻ thương binh và chuyển hồ sơ để Sở LĐTB&XH ra quyết định thu hồi quyết định hưởng chế độ.

Hệ lụy thật!

Được biết, quá trình rà soát, thanh tra, kiểm tra của ngành chức năng đối với những hồ sơ có dấu hiệu vi phạm hoặc hồ sơ giả mạo, đã phát hiện nhiều sai sót liên quan đến việc khai man giấy tờ chứng minh bị thương; giả mạo giấy tờ y tế chứng minh điều trị vết thương tái phát; hồ sơ không đủ giấy tờ theo quy định, người làm chứng không hợp pháp; mâu thuẫn về thời gian ghi trong hồ sơ, trình tự xác lập hồ sơ; giả mạo giấy tờ gốc chứng minh tham gia kháng chiến như tẩy xóa, sửa chữa, viết thêm địa bàn hoạt động... Những sai sót này thoạt nghe là rất hợp lý, cũng chính là những lý do để “đóng” hồ sơ hưởng trợ cấp của các đối tượng. Thế nhưng, suy nghĩ kỹ lại vẫn thấy có điều bất hợp lý. Trong đó, khó lý giải là, tại sao với nhiều quy định ràng buộc, đi liền với một loạt quy trình, thủ tục xét duyệt, kiểm tra nghiêm ngặt, với nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện mà những giấy tờ giả mạo vẫn được “thông quan” trót lọt? Đây là “lỗi chính sách”, “lỗi quy trình” hay “lỗi nhận thức” của cả đối tượng lẫn người thực thi chính sách? Và vì vậy, liệu có hay không việc lợi dụng chính sách để trục lợi chế độ? có hay không những “mạng lưới ngầm”, những đường dây “chạy chính sách” đã và vẫn đang ngấm ngầm hoạt động, để đục khoét ngân sách, làm tha hóa con người, gây bất bình trong dư luận và làm mất niềm tin của nhân dân?

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng khai man hồ sơ để hưởng chế độ ưu đãi NCC, ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, cho rằng, đó là những hồ sơ “đẹp” nhưng lại khai khác với tình hình thực tế. Chẳng hạn, con không dị dạng khai dị dạng, đối tượng không vào vùng ảnh hưởng của chất độc hóa học vẫn khai có, khai bệnh tật không đúng... Điều này có nguyên nhân từ “độ võng” của chính sách, khi nhiều quy định liên quan chưa thật chặt chẽ, khiến các đối tượng dựa vào để trục lợi. Đồng thời, nhiều sai phạm xuất phát ngay từ đầu vào hồ sơ (cấp xã xét duyệt) và việc cố tình “cấy” chứng cứ vào hồ sơ của đối tượng đã gây khó cho công tác thẩm định... Tại hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng vừa diễn ra gần đây, đồng chí Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã nhấn mạnh, cần phải tìm cho đúng nguyên nhân dẫn đến việc xác định sai đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi NCC để có giải pháp xử lý thỏa đáng. Bên cạnh các yếu tố khách quan như khó khăn trong xác định đối tượng do thiếu giấy tờ, chứng cứ xác minh đã được nhiều địa phương nêu lên; đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, cần chỉ rõ các yếu tố chủ quan như cố tình làm sai, xuất phát từ động cơ cá nhân, tiêu cực trong đội ngũ những người thực thi chính sách và các đối tượng liên quan để nghiêm khắc xử lý.

Tháo nút thắt: Hai mặt của vấn đề

Hệ thống các chính sách ưu đãi NCC, trong đó điển hình là Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng là một chính sách đầy tính nhân văn. Chính vì lẽ đó, mọi hành vi gian dối, trục lợi là khó có thể chấp nhận. Tính đến thời điểm hiện tại, số tiền chi trả sai cho các đối tượng giả mạo hồ sơ ở tỉnh ta đã lên đến trên 9,5 tỷ đồng. Đây chính là tiền xương máu dành tri ân những NCC thực sự nhưng chưa được thụ hưởng do thiếu cơ sở chứng minh, hoặc NCC đã không còn đủ thời gian, tâm sức chờ đợi chính sách. Và vì vậy, việc truy thu là giải pháp tất yếu để bù đắp ngân sách, cũng là tạo cơ hội để những NCC khác được thụ hưởng chính sách. Vấn đề là, làm thế nào để thu đúng, thu đủ khoản tiền tương đối “nhạy cảm” này lại là chuyện không dễ. Bởi, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền cần truy thu vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt.

Qua đợt “Tổng rà soát thực hiện chính sách ưu đãi NCC với cách mạng trong 2 năm 2014 - 2015”, xã Quảng Đông có 34 đối tượng bị đình chỉ và tạm đình chỉ hưởng chính sách ưu đãi NCC. Sau khi bổ sung hồ sơ, có 15 đối tượng được khôi phục và 19 đối tượng hiện vẫn bị dừng, cắt chính sách, với tổng số tiền phải thu hồi là gần 1,5 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi về việc xử lý cán bộ sai phạm và thu hồi số tiền chi trả sai đối tượng, ông Nguyễn Văn Lung, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Sau khi có kết luận của Thanh tra Bộ LĐTB&XH liên quan đến việc thực thi chính sách NCC trên địa bàn, UBND xã đã tổ chức họp và xem xét hình thức kỷ luật đối với từng cán bộ, đảng viên và đối tượng có liên quan, bằng các hình thức kiểm điểm trước chi bộ, khiển trách và cảnh cáo. Về việc thu hồi số tiền gần 1,5 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa có kết quả do hoàn cảnh kinh tế của các đối tượng gặp nhiều khó khăn, bản thân họ đã tuổi cao, sức yếu, thường xuyên ốm đau bệnh tật. Đặc biệt, hầu hết các đối tượng đều là những NCC với cách mạng, trực tiếp tham gia kháng chiến, cho nên có nguyện vọng tiếp tục bổ sung hồ sơ và mong muốn cấp có thẩm quyền tạo điều kiện trong việc xác nhận hồ sơ.

Muốn tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của một đối tượng, cũng là để xác minh tính chính xác của những thông tin mà lãnh đạo UBND xã Quảng Đông trao đổi, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Ánh, một cựu binh từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị những năm 1972-1973. Quá trình chiến đấu, ông Ánh 2 lần bị thương, lần đầu đã giám định thương tật tỷ lệ 11%, lần 2 ông chưa thực hiện giám định. Sau giải phóng và phục viên về địa phương, ông đã được giám định lại với mức thương tật 30% và được hưởng chế độ thương binh. Tuy nhiên, sau khi Thanh tra Bộ LĐTB&XH tiến hành kiểm tra hồ sơ và đối chiếu với hồ sơ lưu trữ tại đơn vị ông Ánh từng chiến đấu, thì mức thương tật vẫn là 11%, vậy nên ông Ánh bị cắt chế độ. Khi trò chuyện cùng chúng tôi, người đàn ông gầy gò, thân mang bệnh tật này không che giấu được sự bất bình - khi bản thân ông là một trong những người chiến đấu dũng cảm bậc nhất, ở một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất – và cả sự bất lực cho hoàn cảnh hiện tại. Điều đó có lẽ đã lý giải vì sao, việc thu hồi số tiền đã chi trả cho những đối tượng như ông Ánh thật sự không dễ.

Về lý thuyết thì mọi sự giả dối đều đáng lên án và con người phải trả giá cho sai lầm của mình. Thế nhưng, trong thực tế, lằn ranh giữa cái đúng và cái sai, giữa lý thuyết và thực tiễn, có đôi khi chỉ cách nhau một “tầng băng” mỏng. Chình vì lẽ đó, bên cạnh việc nghiêm chỉnh thực thi pháp luật, nhằm tạo sự răn đe đối với các đối tượng trục lợi chế độ và để chính sách ưu đãi NCC được triển khai hiệu quả, đúng đối tượng; thiết nghĩ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cũng cần xem xét đến hoàn cảnh cụ thể của từng đối tượng, nhất là những NCC, để có giải pháp và cách ứng xử nhân văn, thấu tình đạt lý.


Nhóm P.V Văn hóa-Xã hội

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]