(Baothanhhoa.vn) - Tuy đạt được những chuyển biến tích cực trong công tác giám sát và phản biện xã hội (GS & PBXH) và là một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của mặt trận, nhưng công tác GS & PBXH vẫn gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ để phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Gỡ nút thắt

Tuy đạt được những chuyển biến tích cực trong công tác giám sát và phản biện xã hội (GS & PBXH) và là một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động của mặt trận, nhưng công tác GS & PBXH vẫn gặp nhiều khó khăn, cần được tháo gỡ để phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên.

Các thành viên đoàn giám sát của tỉnh, do lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh làm trưởng đoàn, giám sát cơ sở chế biến nước mắm tại Tĩnh Gia. Ảnh: Phan Nga

Giám sát và phản biện - còn đó những khó khăn!

Thực tế cho thấy, hoạt động giám sát có hiệu quả pháp lý chưa cao, giám sát mới được thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến tại các kỳ họp, phiên họp của các cơ quan, tổ chức thuộc đối tượng giám sát. Có những đề xuất, kiến nghị của mặt trận một số nơi chưa được cơ quan Nhà nước, chính quyền địa phương xem xét, giải quyết và trả lời. Ví như sau khi giám sát việc thực hiện Quyết định 4269/QĐ-UBND tỉnh về phê duyệt phân bổ kinh phí hỗ trợ thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, có 3 phường Lam Sơn, An Hoạch, Tân Sơn (TP Thanh Hóa) chưa cấp kinh phí hỗ trợ cho khu dân cư (phố, thôn) năm 2016, MTTQ đã kiến nghị, đề xuất với Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa chỉ đạo các đơn vị cấp bổ sung kinh phí (8 triệu đồng/khu dân cư) nhưng qua kiểm tra lại, đến nay các đơn vị vẫn chưa thực hiện chi trả mà chỉ cấp mới năm tiếp theo. Bên cạnh đó, việc tổ chức giám sát còn dựa nhiều vào báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát, chưa có nhiều thời gian để khảo sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả không cao. Việc theo dõi giải quyết kiến nghị sau giám sát còn chưa chặt chẽ, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng nội dung giám sát.

Đối với phản biện xã hội hiện nay còn phụ thuộc vào “đơn đặt hàng” của các cơ quan, đơn vị, một số đơn vị, quá trình thực hiện còn lúng túng, chưa rõ về cách thức, quy trình thực hiện, nhất là cơ chế phối hợp. Cơ chế, chế tài về trách nhiệm pháp lý của đối tượng được giám sát, chủ trì dự thảo văn bản phản biện xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa rõ, chưa đủ mạnh. Sự tham gia, vào cuộc của chính quyền địa phương chưa thực sự đủ mạnh. Nhận thức về GS & PBXH của mặt trận ở một số nơi chưa đầy đủ. Vì vậy, công tác giám sát của MTTQ và các tổ chức thành viên dù đã có nhiều cố gắng song hiệu quả mang lại chưa cao, kết quả đạt được chưa được như mong đợi.

Theo đồng chí Văn Doãn Thuấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quảng Xương thì, ở tuyến xã, hoạt động GS, PBXH chưa đạt được sự kỳ vọng của người dân. Do chưa có thật đầy đủ cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện; cấp huyện, cấp xã cơ chế phối hợp chưa được chặt chẽ; năng lực của một số cán bộ tham gia đoàn giám sát còn hạn chế, không nắm chắc về luật, quy trình hoạt động nên GS, PBXH chưa thực sự tốt được. Mọi việc giám sát vẫn chủ yếu từ sự nhiệt tình, trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ mặt trận các cấp và vận động những cán bộ có trình độ và năng lực về chuyên môn đã nghỉ hưu ở khu dân cư tham gia ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng. Cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động GS, PBXH còn hạn chế và chưa nhận được nhiều sự hỗ trợ của công cụ chế tài đi kèm đã ảnh hưởng đến kết quả và chất lượng GS, PBXH chưa đạt được như sự kỳ vọng của người dân.

Cần linh hoạt và có cơ chế

Trước những khó khăn trên, MTTQ các cấp trong tỉnh đã chủ động thực hiện vai trò GS, PBXH một cách hiệu quả nhất. Đó là đã tập hợp ý kiến liên quan đến việc thực hiện chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư; quản lý đất đai; giải quyết khiếu nại, tố cáo; xây dựng công trình phúc lợi công cộng gửi đến Quốc hội - HĐND các cấp... được các tầng lớp nhân dân đồng tình vì tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng được bảo vệ, góp phần hạn chế, ngăn ngừa những tiêu cực trong xã hội. Qua đó, vị thế, vai trò của MTTQ, các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị được nâng cao, sự tín nhiệm của nhân dân, của xã hội đối với MTTQ ngày một tăng, tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ví như căn cứ kết quả giám sát của MTTQ tỉnh về việc giải quyết đơn phản ánh, kiến nghị của công dân khu phố Nghĩa Sơn 1 và Nghĩa Sơn 3, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) về việc Công ty TNHH Hoàng Đông vi phạm trong lĩnh vực đất đai, môi trường từ năm 2003 và có dấu hiệu buông lỏng của chính quyền địa phương, năm 2017, MTTQ tỉnh giám sát qua đơn phản ánh, kiến nghị của công dân và đề xuất với UBND phường Tào Xuyên, UBND TP Thanh Hóa giải quyết và đã được thực hiện. UBND TP Thanh Hóa đã đình chỉ hoạt động xưởng cưa xẻ gỗ, chế biến lâm sản của ông Nguyễn Công Sơn và di chuyển đi nơi khác đồng thời thu hồi diện tích đất lấn chiếm giao cho UBND phường Tào Xuyên quản lý.

Qua nhiều năm công tác, đồng chí Nguyễn Văn Thuyết, Trưởng ban Dân chủ pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, cho biết: Để thực hiện tốt công tác GS, PBXH cần có nhiều yếu tố: Trước hết, cán bộ phải hiểu và lấy quy định của pháp luật làm căn cứ, bám sát cơ sở, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó làm tốt công tác vận động quần chúng. Tôn trọng pháp luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thì sức mạnh đại đoàn kết toàn dân được khơi dậy. Trong tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ, cần xác định rõ mục đích của giám sát, phản biện là theo dõi, phát hiện, đánh giá việc làm của cơ quan, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức có thực hiện đúng những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã ban hành hay không. Trên cơ sở đó MTTQ có những kiến nghị, yêu cầu khắc phục, sửa chữa những sai sót, kiến nghị chính quyền xử lý hành vi vi phạm, biểu hiện tiêu cực, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tuy nhiên, để công tác GS, PBXH của MTTQ Việt Nam phát huy tốt vai trò, vẫn cần phải có cơ chế cụ thể, có chế tài mạnh, từ đó thực hiện thường xuyên, liên tục, đảm bảo việc theo dõi, đánh giá chính xác các hành vi vi phạm, biểu hiện tiêu cực trong quá trình thi hành pháp luật, trên cơ sở đó đưa ra các kiến nghị xác đáng, đúng người, đúng sự việc.

Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao chất lượng công tác GS, PBXH của MTTQ, các cơ quan Nhà nước, các đơn vị được giám sát phải có trách nhiệm giải quyết, trả lời những phát hiện, kiến nghị của MTTQ và trách nhiệm trong việc đáp ứng các điều kiện cần thiết cho hoạt động giám sát của MTTQ. Nếu thực hiện không tốt nội dung này sẽ dẫn đến hiệu lực giám sát của MTTQ thấp, không đáp ứng mong đợi và những đòi hỏi của nhân dân. Trong quá trình GS, PBXH, bên cạnh tập trung vào những hạn chế, yếu kém, các đoàn công tác cần chú trọng phát hiện và kịp thời giới thiệu trong các tầng lớp nhân dân những mô hình, cách làm hay, hiệu quả phục vụ nhân dân, góp ích cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương của các đơn vị được giám sát.

Tháng 6-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã ban hành nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức GS, PBXH của MTTQ Việt Nam. Đây là văn bản quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác GS, PBXH và là nền tảng để MTTQ các cấp triển khai mạnh mẽ hơn công việc quan trọng này. Tại Thanh Hóa, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30-12-2015 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, hoạt động GS, PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp bằng việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hàng năm phê duyệt chương trình GS, PBXH của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội; hàng quý cấp ủy các cấp tổ chức giao ban với Ban Dân vận và MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội để định hướng nội dung hoạt động. Ở cấp huyện và xã, ban thường vụ cấp ủy đã có văn bản chỉ đạo MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội lựa chọn nội dung GS, PBXH sát thực tế, có trọng tâm, trọng điểm, xem xét phê duyệt chương trình giám sát hàng năm của MTTQ và các đoàn thể chính trị.

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc cũng như Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh cần phải nỗ lực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, trong đó công tác GS, PBXH phải được thực hiện nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần quan trọng tạo sự ổn định và phát triển đồng thời cần có sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền, các ngành để hoạt động GS, PBXH thực sự là công cụ đắc lực, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh.


Phan Nga và Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]