(Baothanhhoa.vn) - Chính quyền cấp xã là khâu cuối cùng trên “dây chuyền” thực thi chính sách giảm nghèo và cũng là nhân tố quyết định đến kết quả triển khai chính sách trong đời sống. Song dường như “cây gậy quyền lực” đang có phần “quá sức” với một số chính quyền cơ sở, khi chính sách rà soát hộ nghèo hoặc chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, hoặc bị lạm dụng để trục lợi, tư lợi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Rà soát hộ nghèo: Những chuyện chưa kể...” Bài 2: “Cây gậy quyền lực”: Quá sức với cơ sở?

Chính quyền cấp xã là khâu cuối cùng trên “dây chuyền” thực thi chính sách giảm nghèo và cũng là nhân tố quyết định đến kết quả triển khai chính sách trong đời sống. Song dường như “cây gậy quyền lực” đang có phần “quá sức” với một số chính quyền cơ sở, khi chính sách rà soát hộ nghèo hoặc chưa được vận dụng một cách thỏa đáng, hoặc bị lạm dụng để trục lợi, tư lợi.

“Rà soát hộ nghèo: Những chuyện chưa kể...” Bài 2: “Cây gậy quyền lực”: Quá sức với cơ sở?Phóng viên Báo Thanh Hóa trao đổi với lãnh đạo xã Thiệu Thành những vấn đề liên quan đến công tác rà soát hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: p.v

“Đánh tráo khái niệm”

Xã Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa) những ngày không khí trầm lắng, khác hẳn vẻ phấn chấn và đầy kỳ vọng sau kỳ đại hội đại biểu đảng bộ xã cách đây chưa lâu. Nguyên cớ cũng bởi những lùm xùm xoay quanh việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng cho một số đối tượng chịu tác động của dịch COVID-19. Mọi chuyện có lẽ đã có thể đi theo lộ trình đơn giản và tốt đẹp của nó, nếu sự việc một số hộ nghèo và cận nghèo bị đặt “nhầm chỗ” không bị phát hiện. Ông Nguyễn Công Đoàn, bí thư đảng ủy xã, 1 trong 2 vị trí lãnh đạo chủ chốt của địa phương (gồm bí thư và chủ tịch UBND xã) vừa mới được kiện toàn, cho chúng tôi hay: Để triển khai Nghị quyết 42/NQ-CP, địa phương đã lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và niêm yết công khai. Trong thời gian niêm yết, thì phát hiện một số khẩu đã được thêm vào hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng quy định. Trước sự việc trên, địa phương gấp rút rà soát lại thì phát hiện thêm có khoảng 10 hộ nghèo được ghép chung với một số hộ nghèo. Những đối tượng không phù hợp để thụ hưởng Nghị quyết 42 đã được bóc tách ra khỏi danh sách hộ nghèo và cận nghèo.

Đối tượng bị loại khỏi danh sách cận nghèo, vốn dĩ là người nhà của nguyên bí thư đảng ủy xã Hách Văn Thắng (bà Nguyễn Thị Năm, vợ ông Thắng); chủ tịch ủy ban MTTQ xã Nguyễn Quốc Cường (có 5 khẩu gồm vợ, 2 con và 2 đối tượng khác); bí thư đoàn xã Nguyễn Thị Giang (3 khẩu gồm chồng và 2 con); chủ tịch hội nông dân Mai Thị Cường (con trai). Sau khi phát hiện và tiến hành nhận dạng nhanh, thì những đối tượng kể trên đều “không thuộc diện công nhận hộ cận nghèo năm 2019”. Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao những đối tượng đó vẫn có tên trong danh sách hộ cận nghèo, đã được UBND xã Thiệu Thành phê duyệt đến ngày 31-12-2019? Nói cách khác, vì sao ở thời điểm phê duyệt danh sách hộ cận nghèo, UBND xã không phát hiện ra những đối tượng không đúng quy định “ngồi nhầm” vào danh sách? Những sai sót nào trong quá trình rà soát, xác định đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở thời điểm cuối năm 2019 đã dẫn đến những “sai số” sau này?... Thế nhưng, khi được hỏi về hướng xử lý sai phạm và những cá nhân liên quan, đồng chí bí thư đảng ủy xã tỏ ra khá dè dặt và thận trọng: “Mọi việc hiện đang chờ chỉ đạo từ phía huyện”!

Thêm một sự cố có vẻ khá hi hữu đã diễn ra tại địa phương là việc ghép hộ để giảm số lượng và tỷ lệ hộ nghèo. Đây liệu có thể xem là một cách làm “sáng tạo” của chính quyền sở tại trong công tác giảm nghèo? Bởi, “giải pháp” có phần cơ học này đã mang lại “hiệu quả bất ngờ”, khi chỉ bằng vài thao tác sửa sang đơn giản trên máy tính hay giấy tờ, đã có thể làm “bay tên” của cả chục hộ dân khỏi danh sách hộ nghèo. Khi bị phát hiện và “sửa sai”, thì cũng chẳng khó khăn là mấy, bởi chỉ cần tách các hộ nghèo được ghép ra khỏi hộ “chính chủ”. Thế nhưng, câu chuyện ghép – tách hộ nghèo này, thiết nghĩ, không chỉ nằm ở cách làm hay nhận thức của một số lãnh đạo, chính quyền địa phương; mà vấn đề sâu xa hơn nằm ở căn bệnh thành tích. Đáng nói hơn, cũng chính điều đó đã khiến cho các con số, tỷ lệ giảm nghèo được báo cáo trên giấy hằng năm, đều đạt và đẹp. Song, đi vào thực chất lại có gì đó... sai sai, khi mà con số lại chưa phản ánh đúng thực trạng giảm nghèo. Hiểu một cách đơn giản - cũng là hiểu đúng bản chất thành quả giảm nghèo - khi một hộ nghèo có các tiêu chí về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đã vượt qua “ngưỡng nghèo” thì khi ấy họ đương nhiên sẽ thoát nghèo.

Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng là sự “trợ lực” vô cùng quý giá, giúp nhiều đối tượng yếu thế chống chọi và vượt qua những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Song, có lẽ ít ai ngờ rằng, chính sách đặc biệt nhân văn này lại giống như chất quỳ tím, đã làm “đổi màu” bản chất không ít sự việc, hiện tượng tưởng chừng là sự thật hiển nhiên. Cho nên, không riêng gì Thiệu Thành, tại xã Cẩm Phú (huyện Cẩm Thủy) cũng có tình trạng cán bộ xã “gửi” con vào hộ nghèo để mong hưởng chút quyền lợi học hành. Hoặc một sự việc “nổi đình nổi đám” gần đây xảy ra tại xã Yên Thọ (huyện Yên Định), khi người dân bức xúc phản ánh, một số hộ có ô tô, nhà tiền tỷ và có quan hệ người nhà với lãnh đạo xã, thôn nằm trong danh sách hộ cận nghèo được nhận hỗ trợ. Ông Lê Văn Long, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Định, cho biết: Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ dư luận và báo chí, địa phương đã tiến hành xác minh và đối chiếu với các quy định của pháp luật. Kết quả cho thấy, tại thời điểm kiểm tra (ngày 16-5-2020), tổ xác minh đã xác định 9/11 hộ không đủ tiêu chí thuộc diện hộ cận nghèo. Cũng qua xác minh, có 4 hộ dân có quan hệ họ hàng, anh em với chủ tịch UBND xã; 1 hộ có quan hệ họ hàng với phó chủ tịch UBND xã; 2 hộ có quan hệ họ hàng với chủ tịch hội phụ nữ xã; 2 hộ có quan hệ họ hàng với Bí thư Chi bộ thôn Tu Mục 1. Tuy nhiên, “qua xác minh tại thôn Tu Mục 1 và Tu Mục 2, không phát hiện việc lãnh đạo xã, thôn chỉ đạo hoặc gửi người nhà vào danh sách hộ cận nghèo năm 2019”.

Chưa hết, bên cạnh việc “nghèo hóa” và “cận nghèo hóa” các đối tượng không đúng quy định; thì một số địa phương còn cho thoát nghèo những đối tượng “không thể nghèo hơn được nữa”. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Trung Bản (thôn Yên Bằng, xã Đông Yên, Đông Sơn) được xã đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo đầu năm 2020, dù người đàn ông này đã dành ngót 60 năm tuổi đời trên giường bệnh. Ông Bản là đối tượng khuyết tật vĩnh viễn và đang được hưởng chế độ bảo trợ mức 540.000 đồng/tháng. Lý do được đưa ra để lý giải cho sự việc này, là do người chăm nuôi ông Bản đã được nhận hỗ trợ 270.000 đồng/tháng, cho nên ông thuộc diện... thoát nghèo! Rồi trường hợp ông Lê Văn Thúy (xã Định Tiến, Yên Định) đâm đơn khiếu nại, kêu cứu từ huyện lên tỉnh và ra tận Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, vì không được xã xét vào danh sách hộ nghèo, dù gia cảnh hết sức khó khăn (con đầu bỏ học đi làm thuê, 2 con nhỏ tàn tật, vợ bệnh nặng, tài sản không có gì đáng kể...).

...

Có thể nói, việc đưa những người không thuộc diện hay không đủ tiêu chí, điều kiện vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để thụ hưởng chính sách của Nhà nước, ví như một cách “đánh tráo khái niệm”, nhằm làm sai lệch bản chất sự việc. Tuy nhiên, do “khéo quá hóa vụng” nên cái được thì ít, mà cái mất thì nhiều.

Đa chiều – đa hệ lụy

Sự trao quyền cho chính quyền cấp xã trong thực thi chính sách rà soát hộ nghèo nói riêng và các chính sách giảm nghèo nói chung, suy cho cùng là hợp lý và cũng là phương án tối ưu. Bởi lẽ, cấp huyện không thể làm thay việc cho cấp xã, nên việc trao tối đa quyền chủ động triển khai chính sách cho cơ sở, chính là trao cho UBND xã “cây gậy quyền lực” để đưa chính sách vào cuộc sống một cách hiệu quả nhất. Hơn nữa ở làng, bước chân ra ngõ là anh em, họ hàng, là thân hữu, xóm giềng. Đồng thời, với mạng lưới “chân rết” là bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng các đoàn thể (phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh, nông dân) và chính người dân trên địa bàn, là những người nắm chắc và thấu hiểu hơn ai hết hoàn cảnh, số phận của từng khẩu, từng hộ trong thôn, trong làng. Từ đó, việc đưa ra xem xét các đối tượng sẽ khách quan, minh bạch, công tâm và chính xác hơn.

Đặc biệt, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ phải trải qua quy trình 7 bước chặt chẽ, gồm: (1) xác định, lập danh sách các hộ cần rà soát; (2) tổ chức rà soát, lập danh sách phân loại hộ gia đình; (3) tổ chức họp dân thống nhất kết quả rà soát; (4) công khai niêm yết danh sách, biên bản họp dân thống nhất kết quả; (5) báo cáo, xin ý kiến thẩm định của UBND cấp huyện; (6) công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo trên địa bàn; (7) báo cáo chính thức kết quả rà soát. Cùng với đó, việc rà soát thường xuyên cũng sẽ được tiến hành khi trên địa bàn phát sinh khó khăn đột xuất (thiên tai, tai nạn, bệnh tật...); đồng thời, các hộ dân có nguyện vọng sẽ làm đơn đề nghị xã xét duyệt, thẩm định và ra quyết định công nhận hộ nghèo và cận nghèo phát sinh. Kết quả rà soát định kỳ và thường xuyên, nếu được làm chặt chẽ, kịp thời, chính xác sẽ là một căn cứ phản ánh thành quả công cuộc giảm nghèo. Đây cũng là căn cứ để có sự điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các cơ chế chính sách giảm nghèo phù hợp với tình hình mới.

Thế nhưng trong thực tế, với những trường hợp được nêu ở trên, thì một quy trình được cho là chặt chẽ, vẫn đang cho thấy những lỗ hổng đủ để không ít nhà lớn, xe nhỏ, “ông nọ bà kia”, vẫn lọt qua nhiều vòng “kiểm duyệt”. Lỗ hổng ở đây phải chăng xuất phát từ tâm lý nể nang và quan niệm “một trăm cái lý không bằng một tí cái tình”, dẫn đến việc “cào bằng chính sách” để “hoa thơm ai cũng được ngửi”? Lỗ hổng này phải chăng còn đến từ sự qua loa đại khái, thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát, thẩm định của chính quyền cơ sở? Lỗ hổng này có hay không còn do người thực hiện và người thụ hưởng cố tình hiểu sai chính sách, để trục lợi, tư lợi? Bởi, chỉ cần một lần “trượt tay” khi chấm điểm tài sản, người ta cũng có thể đưa một hộ nào đó vào (ít điểm) hoặc ra (nhiều điểm) khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo. Còn người dân, chỉ cần có lợi cho bản thân thì ai lên tiếng; hoặc giả sử lần sau có thể đến lượt nhà mình được xét, nên cũng... chẳng dại gì mà lên tiếng; hoặc như thấy có được vào cận nghèo thì quyền lợi cũng chẳng nhiều nhặn gì nên cũng không quan tâm, không tranh giành, ai muốn ghé vào cứ ghé. Thế nhưng, chỉ đến khi thấy được quyền lợi nhãn tiền (ví như gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng), nhiều người mới vỡ lẽ “hóa ra là vậy”. Và khi ấy họ mới thấy hẫng hụt, thấy bất công và thấy cần phải lên tiếng?

Không để “phép vua thua lệ làng”

Nhằm kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế trong công tác rà soát, đánh giá và tổng hợp số lượng/tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 6250/UBND-VX ngày 19-5-2020, yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung kiểm tra kết quả rà soát hộ nghèo, cận nghèo năm 2019. Kết quả rà soát, có 94 hộ dự kiến được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo và thêm 47 hộ sẽ được bổ sung vào danh sách này; đồng thời, có 768 hộ dự kiến đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo và bổ sung vào danh sách này 41 hộ. Đặc biệt, mới đây nhất, Kỳ họp thứ 12, HĐND khóa XVII đã thu hút được sự quan tâm của dư luận và báo chí. Vấn đề “nghèo thật” – “nghèo giả” một lần nữa được đưa ra, đã khiến bầu không khí nghị trường “nóng” hơn bao giờ hết. Trong khi những lý giải của đại diện ngành lao động - thương binh và xã hội vẫn ít nhiều chưa đủ sức thuyết phục; thì đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến đã yêu cầu ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần quyết liệt vào cuộc và xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm các quy định trong quá trình rà soát và xét duyệt công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Trên tinh thần đó, một số địa phương được báo chí và dư luận nêu “đích danh” đã có những hình thức xử lý đối với các tập thể, cá nhân sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm trong công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Trong đó, huyện Yên Định đã xử lý bằng hình thức khiển trách đối với Chủ tịch UBND xã Yên Thọ và công chức văn hóa - xã hội; đồng thời cho chủ tịch UBND xã thôi giữ chức chủ tịch, chuyển sang làm phó chủ tịch HĐND. Huyện Thiệu Hóa đã cho dừng tổ chức đại hội Đảng bộ xã Thiệu Thành và làm lại quy trình nhân sự đối với ban chấp hành đảng bộ xã. Đồng thời, xã Thiệu Thành cũng đã tiến hành kiện toàn lại bộ máy, không đưa nhân sự là những cán bộ có người thân, người nhà nằm trong danh sách hộ cận nghèo không đúng đối tượng vào cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Huyện Quảng Xương đã chỉ đạo UBND xã Quảng Lưu thực hiện kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm trong việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Phường Hải Ninh (thị xã Nghi Sơn) đã đưa ra khỏi nhân sự ban chấp hành đảng bộ xã (nhiệm kỳ 2020 - 2025) 1 đồng chí là chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường và 2 bí thư chi bộ thôn liên quan đến những sai phạm trong rà soát hộ nghèo, cận nghèo...

Dẫu rằng, đó có thể xem là một lần thanh lọc khỏi bộ máy những “con sâu làm rầu nồi canh”. Đồng thời, cũng là nhằm tránh tình trạng “phép vua thua lệ làng” trở thành một tiền lệ xấu hay một sự ưu ái trong triển khai các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội tại cơ sở. Song, cũng chẳng thể vội lấy đó làm mừng. Bởi, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, “Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”. Trong đó, cán bộ cấp cơ sở giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai hay cụ thể hóa các chính sách phát triển kinh tế và an sinh xã hội ở tầm vĩ mô đi vào cuộc sống. Chính sách chạy êm hay va vấp là từ khâu này mà được xác định. Nói cách khác, một chính sách được cho là hiệu quả, hoặc có phù hợp hay không, cũng từ khâu này mà có sự đánh giá để điều chỉnh. Vậy nên, sai phạm của cán bộ cơ sở sẽ ảnh hưởng lớn đến hiệu quả thực thi chính sách. Hệ quả nặng nề là mất cán bộ. Song, mất cán bộ là mất một, còn mất niềm tin của người dân sẽ là mất mười, thậm chí mất cả trăm.

...

Để xây dựng Nhà nước pháp quyền thì tinh thần thượng tôn pháp luật phải được thực thi triệt để, toàn diện và “không có vùng cấm”. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, không thể để quan niệm “phép vua thua lệ làng” tồn tại trong quá trình triển khai chính sách vào đời sống. Cho nên, vấn đề sử dụng “cây gậy quyền lực” trong rà soát hộ nghèo nói riêng, thực thi chính sách giảm nghèo nói chung, thêm một lần cần được đặt ra, để có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách hiệu quả.

Nhóm PV Phòng VHXH

Bài 3: “Xoay chiều” nghịch lý.

Tin liên quan:

Nhóm PV Phòng VHXH

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]