(Baothanhhoa.vn) - Cán bộ giỏi mới có phong trào mạnh. Nơi nào đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, có kinh nghiệm và được bồi dưỡng kỹ năng công tác hội, nơi đó hoạt động của hội sôi nổi, cán bộ hội trưởng thành, mang lại quyền lợi cho hội viên.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 2: Cán bộ hội giỏi một việc, biết nhiều việc

Cán bộ giỏi mới có phong trào mạnh. Nơi nào đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, có kinh nghiệm và được bồi dưỡng kỹ năng công tác hội, nơi đó hoạt động của hội sôi nổi, cán bộ hội trưởng thành, mang lại quyền lợi cho hội viên.

HTX sản xuất rau an toàn thực phẩm xã Đa Lộc (Hậu Lộc) tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hội viên. Ảnh: Lê Hà

Cán bộ nào, phong trào ấy

Thực tế ở các xã miền núi, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình, phân biệt giới tính còn khá phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của địa phương. Hơn 20 năm gắn bó với tổ chức hội, chị Cù Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Mậu Lâm (Như Thanh) đã nhiều lần đến nhà hội viên chia sẻ, tâm sự, giúp đỡ hội viên của mình và nhận được sự quan tâm trở lại của hội viên. Chị và ban chấp hành hội LHPN xã đã tranh thủ nguồn lực từ một dự án thành lập câu lạc bộ “Phòng chống bạo lực gia đình” thu hút cả chồng, mẹ chồng và con của hội viên tham gia để được nghe trực tiếp “tiếng lòng” của “người trong cuộc”, qua đó, giúp các mẹ chồng, chồng thay đổi tư tưởng, thương yêu, trân trọng con dâu, vợ nhiều hơn và luôn ủng hộ các phong trào của phụ nữ, như: Trồng hoa thay cỏ dại, vệ sinh môi trường, xây dựng các mô hình kinh tế. Chị Hường chia sẻ: Đời sống của hộ gia đình hội viên có ổn định thì chị em mới yên tâm tham gia các phong trào, mình nói chị em mới tin và làm theo. Phong trào của hội phụ nữ xã cũng từ đó đi lên và luôn đứng tốp đầu của huyện. Nay, hội LHPN xã đã thành lập 2 mô hình kinh tế tập thể là tổ hợp tác chăn nuôi và trồng rau an toàn do phụ nữ làm chủ có thu nhập ổn định, góp phần phấn đấu đưa xã về đích nông thôn mới cuối năm 2018.

Đồng chí Lê Thị Giang, Chủ tịch Hội LHPN huyện Như Thanh, chia sẻ: Thực tiễn cho thấy, cán bộ giỏi mới có phong trào mạnh. Nơi nào có đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, kinh nghiệm và được bồi dưỡng kỹ năng công tác hội, nơi đó hoạt động của hội sôi nổi, cán bộ hội trưởng thành, mang lại quyền lợi cho hội viên. Nhiều phong trào thi đua luôn có vai trò đóng góp của hội viên, phụ nữ, nhất là thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết cán bộ hội cơ sở đều do “dân bầu, xã cử”, chưa qua đào tạo, nhưng với sự nhiệt tình, tâm huyết, các chị đã đóng góp nhiều công sức cho phong trào và tổ chức hội. Cán bộ hội phải là những người nhiệt tình, trách nhiệm, sâu sát cơ sở, gần gũi hội viên, qua đó, nhiều hội viên, phụ nữ từ chưa hiểu, hoặc nhận thức chưa đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của địa phương, hội cấp trên khi được cán bộ hội “giác ngộ” đã từng bước chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng, xã hội. Rõ nhất là phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... trong đó có vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu của nhiều cán bộ hội, như các chị Lương Thị Sơ, xã Mường Chanh (Mường Lát); Đỗ Thị Lan, phường Đông Hải (TP Thanh Hóa); Hoàng Thị Len, xã Hà Vân (Hà Trung); Trịnh Thị Thu Hương, thị trấn Vạn Hà (Thiệu Hóa)...

“Chuẩn hóa, trẻ hóa; giỏi một việc, biết nhiều việc”

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ hội chuẩn hóa, trẻ hóa, đầu nhiệm kỳ 2016-2021 và hàng năm, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội khảo sát thực trạng trình độ, nhu cầu đào tạo của cán bộ hội; tham mưu bổ sung, quy hoạch cán bộ chủ chốt các cấp, bảo đảm mở rộng tính dân chủ, khách quan trong việc giới thiệu nguồn cán bộ nữ có năng lực, trình độ vào các vị trí, chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp; lồng ghép các đề án đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng công tác hội cho cán bộ chủ chốt cấp huyện và cơ sở để tạo nguồn cán bộ nữ, đặc biệt ở cấp cơ sở. Với những cố gắng, nỗ lực, nhiệm kỳ 2016-2021, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã lựa chọn được đội ngũ cán bộ không chỉ đáp ứng yêu cầu về năng lực, trình độ, phẩm chất mà còn dần trẻ hóa về độ tuổi. Hiện nay, 100% cán bộ chuyên trách cấp tỉnh, chủ tịch hội LHPN cấp huyện; 98,4% cán bộ chuyên trách cấp huyện; 95,8% chủ tịch hội LHPN cơ sở đạt chuẩn chức danh theo quy định. Tiêu biểu như: Hội LHPN huyện Như Thanh có 15/17 chị có trình độ đại học, 17/17 chị có trình độ trung cấp lý luận chính trị (LLCT) trở lên; Thạch Thành có 25/28 chị có trình độ đại học và trên đại học, 27/28 chị có trình độ trung cấp LLCT; Nga Sơn 100% cán bộ hội cơ sở đạt chuẩn và có bằng trung cấp LLCT... Cán bộ đều có kiến thức nhiều mặt, có kỹ năng tuyên truyền, vận động để giải thích, giúp đỡ hội viên về nhiều mặt. Bởi có kiến thức, kỹ năng chắc thì nói hội viên hiểu, làm hội viên tin. Cũng từ đó, nhiều chị đã trưởng thành từ phong trào được Đảng cử, dân tin. Đặc biệt, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, từ 2007 đến 2017, Thanh Hóa ngày càng có nhiều cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý điều hành các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội nhiều hơn. Tỷ lệ nữ ĐBQH khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 28,75%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 đạt 17,89%, cấp huyện đạt 25,88%, cấp xã đạt 23,68%; tỷ lệ nữ ủy viên cấp tỉnh đạt 8,57%, cấp huyện đạt 15,5%, cấp xã đạt 18,66%.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh thực hiện có hiệu quả Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội LHPN các cấp giai đoạn 2013-2017”. Sau 5 năm, Hội LHPN tỉnh đã bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hội cho 3.788 chủ tịch, phó chủ tịch hội LHPN cơ sở và chi hội trưởng phụ nữ; phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội LHPN Việt Nam bồi dưỡng cho 153 chị và cử 10 chị là chủ tịch, phó chủ tịch hội LHPN cơ sở học lớp bồi dưỡng cơ bản nghiệp vụ công tác hội chương trình sơ cấp; 9 cán bộ Hội LHPN tỉnh, 23 cán bộ hội cấp huyện tham gia bồi dưỡng cơ bản nghiệp vụ công tác hội tại Học viện Phụ nữ Việt Nam.

Có trái tim nhân hậu và mở rộng quan hệ đối ngoại

Trải qua bao thế hệ, phụ nữ quê hương Bà Triệu vẫn giữ được phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam là có trái tim nhân hậu luôn được thể hiện ở tri thức, hiểu biết và tỏa sáng ở mỗi việc làm, có lối sống đẹp vì cộng đồng, xã hội. Tiêu biểu như các chị: Lê Thị Tám, hội viên thôn Kiều Tiến, xã Hoằng Đại (TP Thanh Hóa) cùng gia đình ủng hộ 4 cháu học đại học, nhận đỡ đầu 6 cháu, phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng, trao mái ấm; Nguyễn Thị Thúy, chi hội trưởng phụ nữ phố 3, phường Ba Đình (thị xã Bỉm Sơn) vận động, hòa giải thành công 3 vụ ly hôn, 2 vụ tranh chấp đất đai, hiến đất làm đường; Trương Thị Oanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại nông nghiệp xanh (Hà Trung) tạo việc làm cho 40 lao động, thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng, thường xuyên hỗ trợ mái ấm tình thương, phân bón cho hội viên nghèo; tổ chức hội các cấp vận động được nhiều nhà hảo tâm, động viên, chia sẻ hỗ trợ hội viên khó khăn thiên tai, hỏa hoạn, ốm đau đột xuất... Ở bất kỳ nơi nào, phụ nữ các dân tộc Thanh Hóa cũng làm tốt nhiệm vụ chăm sóc gia đình, quan tâm chia sẻ với hội viên khó khăn, hộ gia đình chính sách và được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt là thực hiện Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 – 2020, Hội LHPN tỉnh đã vận động hỗ trợ hội viên, phụ nữ nghèo 5 xã giáp biên 1,5 tỷ đồng xây dựng các mô hình kinh tế (nuôi lợn đen, bò sinh sản, dê); hỗ trợ mái ấm tình thương... hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.230 mái ấm và hàng ngàn con giống tình thương, hỗ trợ phương tiện sinh kế, trao học bổng, xe lăn cho học sinh nghèo, học sinh khuyết tật vượt khó học giỏi...

Thời kỳ hội nhập, phụ nữ Thanh Hóa càng có nhiều cơ hội giao lưu trên các lĩnh vực, không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Qua đó, các chị đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh phụ nữ Việt Nam, phụ nữ quê hương Bà Triệu cho bạn bè trong nước và quốc tế, đồng thời thu hút được một số dự án cho hội viên hưởng lợi. Trong đó có mối quan hệ truyền thống hữu nghị với Hội LHPN tỉnh Hủa Phăn (Lào) (với các hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ sản xuất, bồi dưỡng cán bộ, hỗ trợ khám, chữa bệnh); phối hợp với Hội Phụ nữ TP Seongnam (Hàn Quốc) thực hiện một số nội dung Dự án “ICT- Dự án y tế học đường dựa vào công nghệ thông tin giai đoạn 2018 - 2020” do Tổ chức Project BOM (Hàn Quốc) tài trợ tại Thanh Hóa; phối hợp với UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh và các ngành chức năng khởi động Dự án: Nâng cao đời sống cho nữ công nhân - Sáng kiến “Tôi mạnh mẽ” thông qua Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam tài trợ và tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực, chăm sóc sức khỏe cho hội viên, phụ nữ.

Bài cuối: Nhiều khó khăn cần giải quyết có trọng tâm, trọng điểm.


Lê Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]