(Baothanhhoa.vn) - Dọc theo các tuyến phố trung tâm của TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các thị trấn: Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Yên Định..., những tấm biển quảng cáo đẹp, lạ mắt với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau xuất hiện dày đặc, tô điểm cho phố phường sầm uất, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những tấm biển quảng cáo ngoài trời này còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường về nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ẩn họa từ những biển quảng cáo

Dọc theo các tuyến phố trung tâm của TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn và các thị trấn: Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Yên Định..., những tấm biển quảng cáo đẹp, lạ mắt với nhiều kích cỡ, màu sắc khác nhau xuất hiện dày đặc, tô điểm cho phố phường sầm uất, hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những tấm biển quảng cáo ngoài trời này còn tiềm ẩn nhiều hiểm họa khôn lường về nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông.

Biển quảng cáo che kín nhiều ngôi nhà trên phố.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy, nổ tại các hộ kinh doanh, nhà hàng, quán karaoke, mà nguyên nhân chủ yếu do chập điện từ các biển quảng cáo, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Mùa mưa bão, nguy cơ mất an toàn từ các biển quảng cáo càng tăng cao, nhưng phần lớn các chủ kinh doanh vẫn chưa ý thức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật về việc lắp đặt, sử dụng biển quảng cáo.

Theo anh Lê Tiến Đức, chủ một cơ sở làm biển quảng cáo trên đường Trần Phú (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa), cho biết: Hiện nay, trên thị trường, ngoài các loại biển quảng cáo truyền thống được in trên bạt, biển hợp kim nhôm chữ nổi thì những loại biển hộp, màn hình điện tử với các loại đèn led, đèn neon... được người sử dụng rất ưa chuộng. Biển quảng cáo được làm từ những loại vật liệu như: Bạt nhựa, gỗ, mica và được kèm với số lượng lớn các loại bóng đèn, dây điện... Có thể thấy, đây là những chất liệu rất dễ cháy, dễ dẫn lửa. Mặt khác, tại nhiều tuyến phố, mật độ biển quảng cáo khá dày đặc, nếu có nguồn gây cháy hoặc sự cố chập điện thì những vật liệu này rất dễ bắt lửa, bốc cháy và lan rộng ra nhanh chóng. Phần lớn biển quảng cáo đều được đặt ở vị trí mặt tiền của nhà cao tầng hoặc đặt trên nóc nhà với thế thẳng đứng, che kín toàn bộ ban công ngôi nhà. Vì vậy, khi xảy ra cháy, những biển quảng cáo này trở thành vật cản kiên cố khiến những người bên trong khó có thể thoát ra ngoài, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu hộ.

Bên cạnh nguy cơ cháy nổ cao trong quá trình sử dụng, việc thi công lắp đặt các biển quảng cáo cũng ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. Còn nhớ, cách đây vài năm, tại một khách sạn trên đường Trần Phú (TP Thanh Hóa), trong lúc lắp đặt biển quảng cáo trên tầng cao của tòa nhà, đội thợ đã vi phạm hành lang lưới điện gây ra vụ chập cháy khiến 6 người thương vong.

Luật Quảng cáo 2012, quy định: “Đối với biển hiệu ngang thì chiều cao tối đa là 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà; đối với biển dọc thì chiều ngang tối đa là 1m, chiều dài tối đa là 4m nhưng không vượt quá chiều cao tối đa của tầng nhà nơi đặt biển hiệu; biển hiệu không được chắn không gian thoát hiểm, cứu hỏa”. Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo: “Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng”.

Quy định và chế tài xử phạt rõ ràng là thế nhưng chủ kinh doanh vẫn phớt lờ và ngang nhiên vi phạm. Tình trạng biển, bảng, bạt, băng-zôn treo trên cột, trụ điện và cây xanh nơi công cộng vẫn diễn ra tràn lan. Các biển quảng cáo vượt quá kích cỡ quy định cho phép, nhiều khung đỡ được cơi nới để mở rộng diện tích tấm biển xuất hiện ngày càng nhiều. Mặt khác, các biển hiệu quảng cáo thường được lắp đặt ngoài trời, chịu nhiều ảnh hưởng của thời tiết, mưa nắng thất thường làm cho khung sắt bị hoen gỉ, phông bạt bị rách, dây điện dễ bị đứt không chỉ tạo cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị mà khi có hiện tượng thời tiết cực đoan, như: Giông lốc, mưa bão, các biển quảng cáo có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Anh Lê Đức Châu, một lái xe ô tô chở hàng của Công ty CPTM Nội ngoại thất Đức Phát (TP Thanh Hóa), cho biết: “Cách đây 1 tuần, trên đường chở hàng cho khách, khi đi đến đường Tống Duy Tân (phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa) thì trời mưa giông, gió giật mạnh khiến 1 phần của tấm biển quảng cáo bị bật ra khỏi khung sắt, rơi xuống ngay trước xe khiến tôi phải phanh gấp. Rất may, lúc đó không có phương tiện giao thông nào đi gần nên đã không xảy ra tai nạn”.

Trước nguy cơ từ những chiếc biển quảng cáo đang ngày ngày đe dọa đến sự an toàn của người dân, đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan vào cuộc kiểm tra, siết chặt quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm về việc treo lắp và sử dụng biển quảng cáo. Bên cạnh đó, các chủ cơ sở kinh doanh cũng cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện để tự bảo vệ tài sản của mình và bảo đảm an toàn cho mọi người.


Bài và ảnh: Thu Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]