(Baothanhhoa.vn) - Đất nông nghiệp được cho mượn để trồng màu, nhưng đến khi đòi lại thì phần đất cho mượn đã được cấp vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình người mượn. Đó là trường hợp của gia đình ông Lê Hữu Uyển có thửa đất màu tại thôn Đông Tây Hải, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa).

Xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa): Cho mượn rồi... mất đất

Đất nông nghiệp được cho mượn để trồng màu, nhưng đến khi đòi lại thì phần đất cho mượn đã được cấp vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của gia đình người mượn. Đó là trường hợp của gia đình ông Lê Hữu Uyển có thửa đất màu tại thôn Đông Tây Hải, xã Hoằng Thanh (Hoằng Hóa).

Ảnh minh họa.

Đổi củi lấy đất?

Theo phản ánh của ông Lê Hữu Uyển, gia đình ông là gia đình chính sách (bố ông là liệt sĩ). Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình ông cũng như nhiều hộ gia đình khác trong thôn Đông Tây Hải được cấp đất nông nghiệp để sản xuất ổn định, lâu dài (đất %). Mẹ ông (bà Lê Thị Tứ) được cấp 4 thước đất %, có sự chứng kiến của trưởng thôn và bà con trong thôn thời bấy giờ. Trước đây, đó là ao, bờ tre, nằm sát với đất ở của gia đình ông Nguyễn Thế Lọc, bà Trần Thị Lưỡng. Do không sản xuất được, mẹ ông Uyển đã thỏa thuận để đất cho gia đình bà Lưỡng canh tác để lấy 4 tạ củi nấu, khi nào không làm nữa thì trả đất cho mẹ ông. Việc thỏa thuận này cũng có sự chứng kiến của nhiều người trong thôn. Trước khi mẹ ông mất (năm 2016), bà đã căn dặn các con là còn mấy thước đất màu gia đình bà Lưỡng đang mượn, các con lấy lại để trồng màu, trồng cây lấy quả thắp hương cho bố mẹ. Sau khi mẹ ông mất, gia đình ông Uyển đã nhiều lần đề xuất với gia đình bà Lưỡng trả lại đất, nhưng các thành viên trong gia đình bà đều không đồng ý và còn khăng khăng cho rằng đã mua lại đất... Cực chẳng đã, ông Uyển đã phải gửi đơn khiếu nại đề nghị UBND xã Hoằng Thanh giải quyết.

Tìm hiểu tại thôn Đông Tây Hải, phần đất đang tranh chấp giữa hai gia đình nằm tại vị trí giáp với bờ kênh Trường Phụ, hiện thuộc thửa đất ở của gia đình con trai ông Lọc, bà Lưỡng sử dụng. Trước đây, phần đất này có ao, bụi tre rậm rạp. Hiện nay, ao đã được lấp, bụi tre cũng không còn, diện tích đất này cũng để trống, không canh tác gì. Một số người dân trong thôn cho biết, lúc đó nhà ai cũng khó khăn, nên chẳng ai có điều kiện mà mua bán bằng tiền, một số người trong làng có biết về việc đổi củi để lấy đất làm màu. Bà Đỗ Thị Quế, người từng nghe được câu chuyện đó, cho biết: Lúc đó, bà Tứ (mẹ ông Uyển) nói là đổi củi, chở củi về nhà, bà bảo đổi đất cho bà Lưỡng canh tác. Bà Tứ còn nói chỉ đổi màu lấy củi chứ không bán. Lúc đó chính tay bà còn bổ củi cho bà Tứ.

Tuy nhiên, trong các biên bản hòa giải tranh chấp đất đai giữa gia đình ông Uyển và gia đình bà Lưỡng, các thành viên trong gia đình bà Lưỡng đều khẳng định diện tích đất này bà Tứ đã bán lại cho bà Lưỡng hơn 30 năm, bà cân lại cho bà Tứ mấy tạ củi. Việc mua bán này không có giấy tờ.

Ông Trương Đình Duyên, Trưởng thôn Đông Tây Hải cho biết: Thực tế, ở thời điểm đó, đất % được chia theo khẩu, nhà nào có đất xấu được chia 1,5 thước, đất tốt được chia 1 thước. Gia đình ông Uyển đương nhiên lúc đó có đất, diện tích được tính theo khẩu. Phần đất được giao cho gia đình ông Uyển ở vị trí tiếp giáp với bờ kênh Trường Phụ, nhưng diện tích cụ thể thế nào thì không rõ và cũng không ai chắc chắn về việc mua bán, đổi chác giữa hai bên gia đình. Tuy nhiên, gia đình bà Lưỡng sử dụng, canh tác trên phần đất đến 30 năm mà không thấy ai đến hỏi nên thành đất của gia đình họ. Bây giờ, khi xảy ra tranh chấp, một bên thì nói là bán, một bên nói là đổi màu nhưng cả hai đều không có gì để chứng minh.

Đất mượn được cấp sổ đỏ

Tìm hiểu tại UBND xã Hoằng Thanh về nguồn gốc diện tích đất đang tranh chấp, công chức địa chính xã Hoằng Thanh đã cung cấp cho phóng viên một số loại bản đồ, sổ mục kê liên quan. Theo đó, tại tờ bản đồ số 2, bản đồ 299/TTg năm 1985, phần đất mà gia đình ông Uyển đề nghị đòi lại thuộc một phần diện tích của thửa 248, người sử dụng được ghi: “Hợp tác xã. Vượng, diện tích 556m2, loại đất màu (%)”. Gia đình ông Lọc có thửa đất liền kề số 247, chủ sử dụng là bà Trần Thị Lưỡng, diện tích 735m2. Năm 1990, gia đình ông Lọc có mua lại đất của ông Nguyễn Thế Trải (bên cạnh) với diện tích là 2 gian nhà nhỏ. Theo bản đồ địa chính lập năm 1996, tại tờ bản đồ số 8, phần đất trên tương ứng một phần diện tích của thửa 180, người sử dụng là ông Nguyễn Thế Lọc, diện tích 780m2, đất ở 300m2, đất vườn 180m2, đất lâm nghiệp 300m2. Theo bản đồ đo đạc xã Hoằng Thanh lập năm 2015, diện tích của gia đình ông Lọc đang sử dụng gồm 3 thửa: 155 (349,6m2); 156 (457,7m2); 191 (817,6m2). Phần đất đang tranh chấp nằm trong một phần phía Đông của thửa 191, người sử dụng là ông Nguyễn Thế Đoàn (con trai ông Lọc, bà Lưỡng). Công chức địa chính xã Hoằng Thanh cũng cho biết: Theo đo đạc thực tế, diện tích mà gia đình ông Uyển đề nghị đòi lại là 66m2. Tuy nhiên, hồ sơ, sổ sách lưu tại địa phương không có loại nào chứng minh về nguồn gốc đất % được giao cho mẹ ông Uyển. Còn phần đất của hộ ông Nguyễn Thế Lọc đã được cấp sổ đỏ từ ngày 19-11-2004 với diện tích 780m2, trong đó có phần diện tích đất đang tranh chấp.

Như vậy, theo hồ sơ mà UBND xã Hoằng Thanh cung cấp, diện tích đất mà gia đình ông Lọc, bà Lưỡng biến động tăng qua các thời kỳ, từ 735m2 năm 1985, đến 780m2 năm 1996 và tăng lên 1.589,7m2 năm 2015 tại 3 thửa đất được chia cho các con sử dụng. Vậy phần diện tích tăng thêm này là đất có nguồn gốc từ đâu? Mặc dù không có hồ sơ chứng minh về nguồn gốc đất % của gia đình ông Uyển, tuy nhiên nhiều người dân trong thôn khẳng định đã chứng kiến việc thôn giao đất % cho mẹ của ông Uyển. Điều này, đặt ra câu hỏi liệu việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông Lọc, bà Lưỡng ở thời điểm năm 2004 đã đúng quy định của pháp luật khi diện tích đất % mà gia đình ông Uyển cho mượn lại được cấp trong sổ đỏ của gia đình ông Lọc, bà Lưỡng?

Ông Cao Đình Vũ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Thanh, cho biết: Sự việc xảy ra tranh chấp, khó giải quyết bởi không có giấy tờ, hồ sơ chứng minh; gia đình ông Uyển có đất nhưng lại bỏ quá lâu, không quan tâm đến. Khi đo đạc, lập bản đồ năm 1996, cán bộ thời kỳ đó không bám sát hiện trạng sử dụng, dẫn đến sai sót. Sự việc tranh chấp đất đai này đã được UBND xã Hoằng Thanh tổ chức hòa giải 2 lần nhưng đều không thành. UBND xã sẽ hướng dẫn và hoàn thiện hồ sơ cho các hộ gia đình gửi đơn đến Tòa án Nhân dân huyện Hoằng Hóa để được phân xử theo đúng quy định.

Ông Vũ cũng cho biết thêm, ở thời điểm năm 1996, khi đo đạc lập bản đồ địa chính, cán bộ thường chỉ đo vẽ theo chỉ dẫn của người dân mà không căn cứ vào hiện trạng sử dụng đất thực tế cũng như bản đồ gốc, do vậy có nhiều gia đình đi vắng bị mất đất, dẫn đến tranh chấp về sau này.

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi thấy rằng, vụ việc còn nhiều điểm chưa rõ ràng, huyện Hoằng Hóa cần kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn gốc đất đang tranh chấp đã được cấp sổ đỏ, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.


Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]