(Baothanhhoa.vn) - Theo Báo cáo số 73 của UBND tỉnh ngày 10-5-2019 báo cáo kết quả thống kê đất đai năm 2018, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh ta là 909.766,08 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 144.075,04ha (chiếm 12,93% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). So với năm 2017, diện tích đất nông nghiệp giảm 1.235,1ha, trong đó đất trồng lúa giảm 741,55ha.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Quy định mới trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Theo Báo cáo số 73 của UBND tỉnh ngày 10-5-2019 báo cáo kết quả thống kê đất đai năm 2018, diện tích đất nông nghiệp của tỉnh ta là 909.766,08 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa là 144.075,04ha (chiếm 12,93% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). So với năm 2017, diện tích đất nông nghiệp giảm 1.235,1ha, trong đó đất trồng lúa giảm 741,55ha.

Quy định mới trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa

Thu hoạch lúa tại huyện Hoằng Hóa.

Ở tỉnh ta, đất trồng lúa giảm chủ yếu ở TP Thanh Hóa (130,89ha), các huyện: Yên Định (80,59ha), Hoằng Hóa (75,55ha), Nông Cống (69,21ha), Thọ Xuân (46,32ha)... Nguyên nhân đất trồng lúa giảm là do chuyển sang đất công cộng, chủ yếu ở các huyện Hoằng Hóa, Nông Cống, Yên Định, Đông Sơn, Thọ Xuân, TP Thanh Hóa, TP Sầm Sơn. Đất trồng lúa chuyển sang đất ở chủ yếu ở các huyện Yên Định, Triệu Sơn, Đông Sơn, Thọ Xuân và TP Thanh Hóa. Từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang đất nông nghiệp khác ở các huyện Đông Sơn, Hậu Lộc, Yên Định.

Xã Minh Dân (Triệu Sơn) có địa giới hành chính nằm tiếp giáp với thị trấn Triệu Sơn nên kinh tế - xã hội khá phát triển nhưng lại có cách riêng để bảo vệ ổn định diện tích đất trồng lúa cũng như có tầm nhìn đối với xu hướng phát triển. Ông Lê Hữu Quân, công chức văn phòng UBND xã cho biết: Để bảo vệ, ổn định diện tích đất nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, từ năm 2012, khi thực hiện dồn điền, đổi thửa lần 2, chia ruộng cho các hộ dân, địa phương đã thảo luận, thống nhất và được nhân dân đồng thuận mỗi khẩu trừ ra 16m2 đất/khẩu để quy hoạch vào đất ngân sách của xã. Phần diện tích này chủ yếu là đất ven những đoạn đường trung tâm cho thuê thầu sản xuất hàng năm và được quy hoạch sử dụng vào mục đích san dân cư, quy hoạch đất ở nông thôn, dịch vụ thương mại... Chính vì vậy, đến nay, diện tích đất lúa vẫn được duy trì ổn định 179ha. Tuy nhiên, trên địa bàn xã, hiện đang triển khai một số dự án đầu tư các khu vui chơi, siêu thị nên diện tích đất trồng lúa cũng có xu hướng giảm dần khi các nhà đầu tư đứng ra thỏa thuận với người dân để thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất...

Xã Định Tiến (Yên Định) hiện có 542ha đất nông nghiệp, trong đó có 500ha đất trồng lúa. Để bảo vệ diện tích đất trồng lúa, ngay từ năm 2007, khi thực hiện đổi điền, dồn thửa lần 2, địa phương đã quy hoạch những diện tích vùng đồng xa để cho thuê làm đất trang trại với 64 mô hình trang trại, trong đó hiện còn 13-14 trang trại sản xuất hiệu quả với mô hình lúa, cá kết hợp, phần diện tích còn lại sản xuất lúa ổn định. Đáng chú ý, toàn xã có 100 ha đất chuyên sản xuất lúa lai F1 theo hình thức liên kết với các đơn vị chuyên sản xuất lúa giống trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã Định Tiến, cho biết: Mặc dù là địa phương nằm xa trung tâm, chưa có nhiều điều kiện để phát triển các ngành nghề thương mại, dịch vụ, thế nhưng hàng năm, diện tích đất trồng lúa của xã cũng giảm khoảng 1 ha để phục vụ nhu cầu phát triển các công trình giao thông, quy hoạch đất ở khu dân cư...

Giảm diện tích đất trồng lúa cũng là điều bình thường để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, đô thị hóa, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thực trạng cần bàn đến hiện nay đó là việc chuyển đổi đất trồng lúa sang các mục đích sử dụng khác một cách ồ ạt ở một số nơi đã và đang làm mất đi các điều kiện cần thiết nhất để trồng lúa trở lại. Hay nói cách khác, với nhiều diện tích, một khi đã chuyển đổi mục đích sử dụng, thì cũng đồng nghĩa với việc khó có thể sử dụng lại để trồng lúa. Đơn cử, đó là tình trạng một số cơ sở nuôi trồng thủy sản công nghiệp với hệ thống hạ tầng thiếu đồng bộ, làm nhiễm mặn ra môi trường xung quanh; một số trang trại được phép đào ao để nuôi trồng thủy sản nhưng lại “tận dụng” quá mức để vận chuyển đất đi nơi khác bán làm đất san lấp mặt bằng, đất gạch; đó là chưa kể đến những tác động của thiên nhiên, biến đổi khí hậu và của đời sống xã hội dẫn đến tình trạng đất bị ô nhiễm, bị xói mòn, rửa trôi, chua hóa, phèn hóa, không đồng đều về kết cấu, thành phần dinh dưỡng và hệ vi sinh vật dẫn đến không trồng được lúa...

Tại Quyết định số 4833/QĐ-UBND ngày 31-12-2014 của UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa, đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã quy hoạch phát triển trồng trọt đối với cây lúa, cụ thể đến năm 2020, diện tích đất trồng lúa khoảng 132.000 ha và ổn định đến năm 2025. Để quản lý, sử dụng hiệu quả cũng như bảo vệ đất trồng lúa, ngày 11-7-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13-4-2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa với những quy định chặt chẽ, cụ thể hơn. Theo đó, kể từ ngày 1-9-2019, điều kiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, đó là không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại; không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa; phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm hoặc trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa của cấp xã, đảm bảo công khai, minh bạch; chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng cây lâu năm phải theo vùng, để hình thành các vùng sản xuất tập trung và khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương; trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp nuôi trồng thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi trồng thủy sản, độ sâu của mặt bằng hạ thấp không quá 120 cm, khi cần thiết phải phục hồi lại được mặt bằng để trồng lúa trở lại.

Nghị định số 62/2019/NĐ-CP bổ sung quy định thủ tục đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, trong đó có liên quan đến quy định sử dụng kinh phí hỗ trợ. UBND các cấp sử dụng kinh phí do người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước nộp và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định để thực hiện bảo vệ, phát triển đất trồng lúa. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, địa phương sẽ quyết định thực hiện hỗ trợ cho người trồng lúa để áp dụng giống mới, tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa; hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Phần kinh phí còn lại để thực hiện các việc, như: Phân tích chất lượng hóa, lý tính của các vùng đất chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao định kỳ 10 năm để sử dụng hiệu quả và có biện pháp cải tạo phù hợp; cải tạo nâng cao chất lượng đất, tăng độ dày của tầng canh tác; tôn cao đất trũng, thấp; thau chua, rửa mặn; đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...

Những quy định mới sẽ được áp dụng trong thực tiễn, góp phần quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích đất trồng lúa, hài hòa sự phát triển giữa các ngành nghề trong xã hội, giữ lại nguồn tài nguyên đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tương lai, dù rằng, ở giai đoạn này, nhiều người chưa đủ sức hoặc chưa đủ “tha thiết” để biến những cánh đồng lúa thành những “bờ xôi, ruộng mật” theo đúng nghĩa của nó.

Bài và ảnh: Minh Hiền


Bài Và Ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]